Bộ Công Thương lý giải về việc ‘không tiếp thu góp ý’ liên quan đến xuất khẩu gạo
Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 20/4 về việc không tiếp thu góp ý của Bộ Tài Chính, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ, Bộ Tài chính không phản đối hạn ngạch xuất khẩu gạo, cũng như phương thức điều hành “đăng ký tờ khai trước được xuất trước” mà Bộ Công Thương đưa ra tại báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành ngày 28/3.
Theo Bộ Công Thương, việc cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, không những thế, Bộ Tài chính còn giúp Bộ Công Thương hoàn chỉnh phương án điều hành qua các góp ý về thẩm quyền áp dụng hạn ngạch và các trường hợp không cần áp dụng hạn ngạch.
Góp ý quan trọng nhất của Bộ Tài chính là chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để “bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia”. Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu “linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế”.
Bộ Công Thương đã 2 lần giải trình với Thủ tướng Chính phủ về lý do không tiếp thu góp ý này của Bộ Tài chính. Theo Bộ Công Thương, cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra. Cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng, để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.
Còn với đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển, bởi bằng mắt thường, khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu). “Để giảm thiểu rủi ro, cơ quan Hải quan sẽ buộc phải kiểm tra và trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô gạo xuất khẩu. Chi phí tăng thêm về thời gian, tiền bạc không nhỏ và bất hợp lý trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đã đồng tình hạn chế xuất khẩu gạo”, văn bản Bộ Công Thương nêu rõ.
Video đang HOT
Liên quan đến phương thức điều hành “đăng ký tờ khai trước được xuất trước” (FCFS) là bất cập và đề nghị thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch, Bộ Tài chính cũng cho rằng, ý kiến này của Bộ Tài chính đã “không được Bộ Công Thương tiếp thu”, Bộ Công Thương cho biết, trong cả 2 lần góp ý cho báo cáo của Đoàn kiểm tra và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều không có ý kiến về các “bất cập” của phương thức FCFS trong điều hành hạn ngạch.
Trong bối cảnh phải áp dụng hạn ngạch để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án điều hành hạn ngạch công bằng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, khó phát sinh các rủi ro. Các nguyên tắc này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và chỉ đạo rõ tại khoản 3 văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4 của Văn phòng Chính phủ.
Về các cơ chế điều hành hạn ngạch do Bộ Tài chính đề xuất, Bộ Công Thương cho rằng, đấu thầu hạn ngạch trên thực tế là bán hạn ngạch để thu tiền vào Ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ đang phải tìm mọi cách để hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đưa hạn ngạch gạo ra bán để thu tiền là việc không nên làm.
Đấu thầu hạn ngạch cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15 – 20 ngày để xây dựng quy chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Như vậy là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH về việc phải “giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo”.
Cùng với đó, đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. Không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng “nhận ủy thác” để ăn chênh lệch như đã từng xảy ra trước đây.
“Cơ chế điều hành FCFS nếu được triển khai có phối hợp, công khai, minh bạch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì dù vẫn có điểm yếu như tất cả các phương thức điều hành khác, vẫn tốt hơn so với các cơ chế mà Bộ Tài chính đề xuất”, Bộ Công Thương nêu ý kiến trong văn bản gửi Thủ tướng.
Về đề xuất cấm các doanh nghiệp trúng thầu không tới ký hợp đồng dự trữ gạo quốc gia cũng sẽ không được tham gia xuất khẩu theo Bộ Công Thương là đề xuất không có cơ sở pháp lý. Xã hội có thể phê phán các doanh nghiệp này về mặt đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, nhưng cơ quan Nhà nước, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không nên đề xuất các biện pháp không có cơ sở pháp lý như vậy.
Thu Trang
Thủ tướng yêu cầu thanh tra công tác quản lý về xuất khẩu gạo
Thủ tướng yêu cầu làm rõ việc "có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực trong việc xuất khẩu gạo" và thông tin phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan.
Hạn ngách xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng Tư là 400.000 tấn. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 20/4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 3112 thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 121/TB-VPCP ngày 23/3/2020 và số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu thanh tra làm rõ việc "có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đồng thời làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hai quan khi xuất khẩu gạo để báo cáo Thủ tướng trong tháng 6/2020."
Công văn cũng nhấn mạnh việc xuất khẩu gạo diễn ra bình thường theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong thời gian tới.
Liên quan đến những bất cập trong việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4/2020, đại diện Bộ Công Thương, cho biết trong những ngày qua, cơ quan này đã nhận được nhiều văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng ký tờ khai hải quan đã xuất hiện một số bất cập như: thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký được kịp thời, hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi).
Trong ngày 18/4, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo, do ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn.
Ngoài đại diện các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương, các thành viên của Đoàn Kiểm tra liên ngành lần này còn có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) và đại diện Cục An ninh kinh tế tổng hợp (Bộ Công an).
Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ làm việc với cơ quan hải quan và một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng, trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo tháng 4/2020 và phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Thời gian làm việc từ ngày 20/4 đến ngày 24/4 và Đoàn kiểm tra sẽ tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ," đại diện Bộ Công Thương thông tin./.
Đức Duy
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an điều tra việc "trục lợi chính sách" quản lý xuất khẩu gạo Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an điều tra, làm rõ những thông tin cho rằng có tiêu cực trong công tác quản lý xuất khẩu gạo. Ngày 20-4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký văn bản số 4763 gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về việc điều tra, xác minh thông tin tiêu cực trong...