Bộ Công Thương: Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng vào tháng 4 và 5
Bộ Công Thương vừa có báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong đó, có vấn đề về sản xuất, cung ứng, nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.
Một góc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Bộ này cho biết, hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của nhà máy. Vì vậy, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Bộ Công Thương đã giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (không tính nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn) để đảm bảo đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa trong quý II/2022.
Cũng theo báo cáo trên, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhập khẩu để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được Bộ Công Thương phân giao.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm 2022 và lượng phân giao bổ sung.
Video đang HOT
Đối với Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Bộ Công Thương đề nghị tăng công suất sản xuất để tăng nguồn cung xăng dầu thành phẩm cho thị trường; công bố kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trước 45 ngày để các thương nhân đầu mối kinh doanh có kế hoạch cân đối nguồn bảo đảm cung cấp xăng dầu cho thị trường.
Theo Bộ Công Thương, ở trong nước, từ đầu tháng 1 và tháng 2/2022, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức từ 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất.
Vì vậy, việc không bảo đảm việc cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các hợp đồng đã ký, ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước. Sang tháng 3/2022, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng xăng dầu từ sản xuất trong nước tiếp tục giảm.
Dự kiến tháng 3 giảm so với kế hoạch 20%, đơn vị này chỉ cung cấp được khoảng 80% kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000 m3, nhưng dự kiến giao hàng là 556.000 m3; trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng từ 30 – 35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam. Vậy nên chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của nhà máy này thì chắc chắn có tác động nhất định đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước. Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp mới đây cũng cho biết, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 3,3 tỉ USD trong 3 năm, số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỉ USD. “Để trở lại hoạt động không phải dễ”, ông Nguyễn Hồng Diên nói, đồng thời nhấn mạnh, giải pháp căn cơ cho thị trường hiện nay vẫn là nâng hết công suất các nhà máy lọc hóa dầu còn lại lên để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Mua, bán xăng dầu tại cửa hàng trên phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN
Công điện nêu rõ: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, có tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân tại một số địa phương.
Để bảo đảm cân đối cung cầu mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 04/TB-VPCP ngày 28/1/2022, số 36/TB-VPCP ngày 10/2/2022, số 07/TB-VPCP ngày 22/2/2022 và các văn bản có liên quan.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung, cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi găm hàng nhằm trục lợi và các vi phạm khác (nếu có) trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan để xác định cam kết sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước thời gian tới, làm cơ sở cho việc nhập khẩu xăng dầu đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu theo thẩm quyền, quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1086/VPCP-KTTH ngày 18/2/2022, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình sản xuất, nhập khẩu, phân phối xăng dầu, điều hành giá xăng dầu, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, đồng thời công khai các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, biện pháp xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và doanh nghiệp biết, tạo sự ổn định của thị trường xăng dầu.
Bảo đảm cung ứng xăng dầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2022 theo đúng chỉ đạo tại văn bản số 486/VPCP-KTTH ngày 21/2/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công an tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và phân phối xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2022 về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu nhằm kịp thời phát hiện các sơ hở, bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chủ động thực hiện các biện pháp, giải pháp theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm không bị gián đoạn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu...; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.
Chuyên gia: Điều hành giá xăng dầu không ổn Nhiều chuyên gia cho rằng khan hiếm xăng dầu khiến nhiều cửa hàng bán lẻ "găm hàng", đóng cửa... ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt do chính sách điều hành còn bất ổn. Nghị định 95/2022 có hiệu lực từ ngày 2/1 quy định một tháng sẽ có ba lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào các ngày 1, 11...