Bộ Công Thương “loay hoay” tìm cách bán vốn tại Habeco, Sabeco
Có thể thấy, tại thời điểm này dường như cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương vẫn đang “loay hoay” tìm phương án bán vốn hiệu quả nhất với các doanh nghiệp lớn trong ngành bia.
(Ảnh minh hoạ).
Theo nguồn tin của Dân trí, chiều ngày 28/9, tại Bộ Công Thương đã diễn ra cuộc họp Tổ công tác riêng về niêm yết và bán vốn Nhà nước tại 2 “ông lớn” trong ngành bia là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn ( Sabeco).
Một vị lãnh đạo tham gia dự họp cho biết: “Nội dung cuộc họp chủ yếu xoay quanh vấn đề sẽ niêm yết và bán vốn như thế nào để định giá chính xác, không mất vốn và đảm bảo lợi ích tối đa cho Nhà nước. Tổ công tác cũng phân công nhau tìm hiểu kinh nghiệm cổ phần hoá của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước về vấn đề này”.
Điều này có thể thấy, dường như cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương vẫn đang “loay hoay” tìm phương án bán vốn hiệu quả nhất với các doanh nghiệp lớn trong ngành bia. Cũng cần nói thêm rằng, đây không phải là riêng câu chuyện tại thời điểm này mà là câu chuyện của gần 10 năm nay diễn ra tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước.
Riêng đối với trường hợp các doanh nghiệp ngành bia, theo một lãnh đạo của Sabeco, trong các phương án được đưa ra, có tính tới khả năng Sabeco sẽ được chia ra bán thành nhiều đợt theo lộ trình giống trường hợp của Vinamilk.
“Việc chia nhỏ bán sẽ đảm bảo được 2 vấn đề là Nhà nước vẫn thu được tiền và Sabeco vẫn có thể tồn tại được, không lo bị thâu tóm dẫn đến mất thương hiệu. Thêm vào đó, với lượng bán ra từ từ thì thị trường còn có thể hấp thụ được, chứ nếu bán ra ồ ạt 40.000 – 50.000 tỷ đồng một lúc thì khó “trôi” hơn. Tuy nhiên, mọi thứ mới chỉ là dự tính, chưa thống nhất một phương án nào”, vị này cho hay.
Trên thực tế, đối với câu chuyện bán các doanh nghiệp lớn trong ngành bia, đặc biệt là Sabeco thì nhiều lo ngại đặt ra về việc có mất thương hiệu khi vào tay nước ngoài hay việc niêm yết trước khi bán có phải là phương án tối ưu? Đó cũng chính là lý do khiến Bộ Công Thương nhiều lần “đặt lên hạ xuống” cân nhắc khi quyết định thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này.
Video đang HOT
Một chuyên gia trong ngành bia phân tích: “Do bản chất đầu tư khác nhau, các hãng bia khi thâu tóm một doanh nghiệp khác sẽ có những lí do khác nhau. Nếu nói họ xóa sổ thương hiệu cũng không đúng mà phát triển thương hiệu nội địa cũng không phải. Bản chất đúng là không ai đi xóa sổ những “con gà đẻ trứng vàng”, tuy nhiên không loại trừ đến mục đích chính là chiếm lĩnh hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ để dần dần đưa bia của họ vào”.
“Họ sẽ tận dụng hệ thống phân phối của Sabeco, Habeco để đưa các loại sản phẩm của họ vào. Họ có cái máy kiếm tiền là các sản phẩm Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội để nuôi cho việc kinh doanh các sản phẩm khác. Trường hợp này cũng diễn ra với Unilever khi họ mua lại kem đánh răng PS, họ không xóa nó đi nhưng lại đưa thêm kem Close Up vào thị trường”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, ở góc độ khác nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không phải là quá khó, vấn đề là cổ phần hóa đến mức nào? Và muốn cổ phần hóa thành công, và nhanh cần phải tạo cơ chế mở, xóa đi những cản trở quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước liên quan đến vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp cũng như việc chọn đối tác chiến lược.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), sau khi Sabeco và Habeco niêm yết thì việc mất hay không mất thương hiệu Việt tại các công ty niêm yết sẽ nằm ở điều lệ công ty khi niêm yết và các quy định về giao dịch của các bên liên quan, chứ không phụ thuộc vào việc cho phép nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia đấu giá trên thị trường niêm yết.
“Sẽ chẳng có nhà đầu tư nào bỏ tiền để cùng sở hữu thương hiệu đang được khai thác hiệu quả nhằm làm chết thương hiệu ấy đi cả, trừ những nhà đầu tư họ đang sở hữu các thương hiệu cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp họ đầu tư vào nhằm chiếm dụng kênh phân phối để phân phối sản phẩm của họ. Để chống lại trường hợp này ta cần quy định trong điều lệ và vận dụng tốt các quy định về giao dịch của các bên liên quan là có thể kiểm soát tốt không thể xảy ra trường hợp này”, ông Hưng bình luận.
Còn về phương án niêm yết để xác định giá trị doanh nghiệp theo thị trường rồi mới bán cũng có nhiều ý kiến nhận định trái chiều. Một phía thì cho rằng, việc này sẽ đảm bảo việc công khai, minh bạch và loại bỏ được yếu tố lợi ích nhóm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng với tỷ lệ nắm giữ của nhà nước và cổ đông lớn tại Sabeco lên tới 95%. Do đó, lượng cổ phiếu ngoài thị trường khá cô đặc nên có thể xảy ra trường hợp “dìm giá” và nếu dựa vào mức giá này để bán thì sẽ không đảm bảo lợi ích của Nhà nước.
Ở góc nhìn khá trung lập, khi được hỏi về vấn đề này, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, đây là giải pháp hợp lý trong bối cảnh hiện nay nhưng cũng chỉ là yếu tố tham khảo, không phải là yếu tố quyết định đến giá cổ phần.
Phương Dung
Theo Dantri
"Gà đẻ trứng vàng" và thu nhập của con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Việc nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đưa thư ký và con trai Vũ Quang Hải về làm Chủ tịch và Phó Tổng giám đốc Sabeco bị dư luận phản ứng gay gắt thời gian qua cho thấy "mỏ vàng" này không chỉ có nhiều vấn đề liên quan đến nhân sự, mà còn liên quan cả việc chậm cổ phần hóa.
Miếng bánh béo bở
Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được coi là "con gà đẻ trứng vàng" trong số các tập đoàn, tổng công ty đang được Bộ Công Thương quản lý. Quy mô hoạt động của doanh nghiệp này cũng tăng rất mạnh trong những năm gần đây.
Năm 2015, Sabeco có doanh thu 8.081 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.420 tỷ đồng, tăng gần 25%. Đại gia bia này cũng đang đầu tư gần 4.500 tỷ đồng vào 12 công ty con và 14 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bia rượu, nước giải khát, thương mại, cơ khí, thủy điện, bao bì, sản xuất thủy tinh...
Đến nay, đã có hơn 10 nhà đầu tư ngỏ lời muốn mua cổ phần của Sabeco, trong đó có một số tập đoàn nước ngoài như Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan) và SAB Miller (Mỹ)... Cùng chạy đua sở hữu Sabeco còn có sự góp mặt của các doanh nghiệp trong nước như Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Cổ phần tư vấn Ánh Dương, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình... Tháng 2.2015, ThaiBev ngỏ ý muốn mua 40% cổ phần của Sabeco với giá trị 1 tỷ USD, nhưng thương vụ không thành công do Sabeco cho rằng mức giá này thấp.
Tổng Công ty Cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng là "gà đẻ trứng vàng". Năm 2015, tổng doanh thu các loại của tổng công ty này đạt hơn 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.373 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu các loại đạt 6 triệu USD. Năm 2016, Habeco đặt mục tiêu đạt 10.790 tỷ đồng doanh thu.
Lương thưởng khủng
Chuyện lương thưởng, thù lao cho hội đồng quản trị, ban lãnh đạo Sabeco cũng luôn là vấn đề gây nhiều chú ý tại mỗi kỳ đại hội cổ đông của đơn vị này. Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2016 được Sabeco công bố mới đây, với 9 viên chức quản lý nhà nước, bình quân mỗi lãnh đạo Sabeco nhận lương và thù lao gần 520 triệu đồng trong năm 2015.
Còn theo kế hoạch năm 2016, tiền lương, thù lao của các chức danh lãnh đạo Sabeco sẽ tăng hơn 200% với mức chi 9,99 tỷ đồng lương cho 10 người quản lý (bình quân mỗi người nhận 999 triệu đồng tiền lương năm 2016).
Bên cạnh đó, nếu đạt kế hoạch đề ra trong năm nay, 4 người quản lý kiêm nhiệm của Sabeco sẽ được nhận thêm 783 triệu đồng thù lao kiêm nhiệm (bình quân mỗi người nhận 195,7 triệu đồng).
Cụ thể, như với trường hợp của con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, ông Vũ Quang Hải với chức danh thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc sẽ được nhận lương, thù lao và tiền thưởng vào khoảng 1,44 tỷ đồng năm 2016.
Lương thưởng lãnh đạo được trả rất cao cũng là một chủ đề được quan tâm tại Habeco từ nhiều năm qua. Từ năm 2012, HĐQT Habeco được nhận thù lao gần 1,3 tỷ đồng, ban kiểm soát 504 triệu đồng/năm. Cụ thể Chủ tịch HĐQT Habeco nhận thù lao 77 triệu đồng/tháng, thành viên HĐQT 10 triệu, còn trưởng ban kiểm soát là 32 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng Giám đốc Habeco nhận lương 840 triệu đồng trong năm 2012, tăng khoảng 20 triệu đồng so với 2011. Mức này chưa tính thù lao cho vị trí thành viên HĐQT.
Còn theo tờ trình và được đại hội cổ đông thông qua hồi tháng 4.2016, tiền lương và thù lao năm 2015 trả cho HĐQT và ban kiểm soát là 1,55 tỷ đồng. Năm 2016, số tiền này sẽ tăng thêm 1 tỷ đồng, lên 2,55 tỷ đồng, trong đó, tiền lương của thành viên HĐQT và ban kiểm soát chuyên trách là 1,76 tỷ đồng, các thành viên HĐQT và ban kiểm soát kiêm nhiệm được trả 792 triệu đồng.
Vẫn chờ... thoái vốn
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sau nhiều lần trì hoãn với nhiều sức ép, Sabeco và Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ phương án bán cổ phần. Theo đó, nhà nước sẽ bán 53% cổ phần một lần duy nhất, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 89,59% xuống còn 36%. Hình thức bán đề xuất là đấu giá công khai.
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, dựa trên tính toán của các nhà kinh tế, nếu bán hết cổ phần của nhà nước tại 2 doanh nghiệp Habeco và Sabeco thì có thể thu về khoảng 5 tỷ USD.
Với khoản tiền này, Nhà nước sẽ xây dựng được 2 đường tàu điện ngầm cho Thủ đô Hà Nội. Đây là số tiền rất lớn trong điều kiện nhà nước đang gặp khó khăn về vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản.
Ông Hải cũng cho rằng, việc thoái vốn là phải làm ngay, phải sớm có phương án trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cùng với việc thoái vốn, phải đẩy mạnh niêm yết để thúc đẩy sự lành mạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh tại Sabeco và Habeco.
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)
Sẽ có "siêu ủy ban" quản lý cả SCIC và Sabeco...? Toàn bộ 9 tập đoàn nhà nước và 21 tổng công ty nhà nước sẽ được điều chuyển về cho "siêu ủy ban" này quản lý.Đáng chú ý, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng dự kiến được điều chuyển về trực thuộc Ủy ban này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng...