Bộ Công Thương đề nghị lùi ngày tăng thuế môi trường với xăng dầu
Nếu tăng thuế môi trường với xăng từ đầu năm 2019, theo Bộ Công Thương, sẽ ảnh hưởng tới điều hành lạm phát.
Tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá sáng 28/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết nên cân nhắc về thời điểm tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng. Theo dự kiến, từ 1/1/2019, thuế môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng mỗi lít lên 4.000 đồng, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Theo ông Hải, thời điểm tăng thuế rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng, sẽ làm tăng giá xăng dầu, tác động tới điều hành CPI cả năm 2019. Ông Hải kiến nghị “tăng vào thời điểm khác thích hợp”.
Là cơ quan cùng phối hợp quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, đây không phải lần đầu tiên Bộ Công Thương nêu lo ngại về thời điểm tăng thuế môi trường với xăng. Cũng tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo giá hồi tháng 7, chính ông Đỗ Thắng Hải đã nêu vấn đề này và đề nghị chưa tăng ngay thuế bảo vệ môi trường với xăng.
Theo tính toán của Chính phủ trong tờ trình xây dựng dự thảo, tăng thuế môi trường với xăng, dầu chỉ khiến CPI năm 2019 tăng 0,07 – 0,09%.
Nhân viên Petrolimex bơm xăng cho khách hàng. Ảnh: Petrolimex.
Trong khi đó, đại diện Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính cho biết, thuế môi trường cho xăng E5 tăng tới kịch trần nhưng chỉ ở mức 3.850 đồng một lít, thấp hơn ngưỡng thuế 4.000 đồng của xăng khoáng. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang hướng dẫn hoàn lại 2% thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng E5 RON92 (dự kiến khoảng 700 tỷ đồng) cho các doanh nghiệp nhập khẩu, khuyến khích việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ loại xăng sinh học này.
Video đang HOT
Nêu quan điểm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng giá của xăng sinh học E5 RON92 (mặt hàng chiếm 41% thị phần tiêu thụ trong nước) thấp hơn so với RON 95. Do vậy, Bộ Công Thương phải truyền thông tốt về chất lượng xăng E5, giá cả hợp lý sẽ tăng cơ cấu tiêu thụ, góp phần giảm mặt bằng giá xăng cũng như giảm tác động tới CPI.
Cũng tại cuộc họp, b áo cáo về công tác điều hành giá xăng dầu 9 tháng qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết việc “xả” Quỹ bình ổn xăng dầu với liều lượng phù hợp theo chỉ đạo của Phó thủ tướng đã giúp giá xăng E5 RON 92 chỉ tăng 10,9% so với đầu năm và xăng RON 95 chỉ tăng 6,2%, trong khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tăng trên 22%.
“Việc sử dụng Quỹ bình ổn không chỉ giúp giảm CPI mà còn hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân”. Số liệu đến 31/8 cho thấy, các doanh nghiệp đã trích Quỹ 5.500 tỷ đồng để điều hành giá xăng và số dư đang là 3.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, diễn biến giá xăng dầu thế giới đang tăng nhanh và theo quy luật loại nhiên liệu này được sử dụng nhiều hơn vào mùa đông. Từ nay đến Tết Nguyên đán 2019 còn 5 tháng nữa, Thứ trưởng Công Thương cho rằng, cần phải “gia cố” Quỹ bình ổn xăng dầu trên cơ sở điều hành trích lập, xả phù hợp với thực tế, để “bảo đảm không tăng giá vào dịp Tết”.
Liên quan tới ý kiến “thả nổi” giá bán lẻ xăng dầu và sửa công thức tính giá cơ sở xăng dầu tại cuộc họp của Tổ công tác Thủ tướng tại Petrolimex, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, đề xuất này không phải của Bộ Công Thương.
Ông cho biết, Bộ này vừa huỷ quyết định công nhận thương nhân nhập khẩu xăng dầu của 3 đơn vị nên hiện nay cả nước có 27 đầu mối nhập khẩu, phân phối xăng dầu, trong đó có 3 đầu mối nhập khẩu xăng dầu hàng không.
“Với số lượng như vậy cũng chưa thể nói là đúng nghĩa thị trường được”, ông nói. Thứ trưởng Công Thương so sánh và dẫn chứng về cạnh tranh trong thị trường vận tải với hàng chục hãng taxi, trước đây giá xăng tăng thì các hãng cũng tăng giá cước. Nhưng khi giá xăng giảm thì họ lâu giảm hoặc giảm ít.
“Nếu bỏ giá cơ sở thì xăng dầu cũng như vậy, bởi nó là công cụ để bảo đảm việc điều chỉnh giá kịp thời với thị trường, bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp xăng dầu”, ông Hải nói thêm.
Theo vnexpress.net
Thoái vốn ỳ ạch ở Habeco, ai chịu trách nhiệm?
Công tác thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đang được ví von như "mắc nghẹn" bởi những vướng mắc chưa thể tháo gỡ. Cùng với những sai phạm đã tồn tại ở Habeco, khả năng giải quyết nhanh các vấn đề để thúc đẩy việc thoái vốn thành công là khá khó khăn.
Sự sụt giảm mạnh của sản phẩm bia chai Hà Nội dẫn tới kết quả kinh doanh của Habeco không đạt được các chỉ tiêu đặt ra. Ảnh: PV
Kinh doanh sụt giảm, nhiều sai phạm
Lý giải cho công tác thoái vốn chậm chạp và còn bề bộn mà chưa thể giải quyết được tại Habeco, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng chỉ ra điểm vướng mắc lớn nhất là hợp đồng đã ký với đối tác Carlsberg cho phép đối tác này được ưu tiên mua trước cổ phần Nhà nước tại Habeco. Ông Hải cũng từng "bật mí" để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã phải "lập ra một tổ công tác, trực tiếp do một lãnh đạo của Bộ phụ trách với sự tham dự của nhiều đơn vị của Bộ". Nhưng xem ra các giải pháp đều chưa hiệu quả khi cho tới nay, thời gian đã khá lâu mà vấn đề có vẻ vẫn chưa sáng sủa hơn. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Habeco là BHN đã liên tục sụt giảm trong suốt 6 tháng đầu năm mất khoảng 32% giá trị (ở mức giá 91.500 đồng/cổ phiếu). Tính đến ngày 27.9, giá tham chiếu của BHN trên thị trường chứng khoán còn giảm sâu hơn về mức 86.000 đồng/cổ phiếu. Về mặt kinh doanh, trong Báo cáo đánh giá hoạt động SXKD 2017 và kế hoạch 2018 hồi tháng 6 tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, Habeco thừa nhận kết quả kinh doanh sụt giảm so với năm trước.
Từ đầu năm 2018 tới nay, Habeco liên tiếp trải qua các cơn sóng gió khi Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra hàng loạt sai phạm tại đơn vị trong công tác quản lý, điều hành vi phạm các quy định của Nhà nước từ đó KTNN đã đề nghị Habeco cần phải sớm sửa chữa khắc phục những vi phạm này.
Đối với công tác tài chính, KTNN cũng phát hiện hàng loạt vấn đề tại Habeco như có số dư tiền gửi ngân hàng lớn nhưng chưa có văn bản đánh giá, xếp hạng các tổ chức tín dụng, tham khảo lãi suất cạnh tranh để lựa chọn, có tình trạng phân loại, trình bày báo cáo tài chính chưa chính xác, đối chiếu xác nhận nợ chưa đầy đủ, không sử dụng Quỹ đầu tư phát triển để đầu tư mở rộng kinh doanh hoặc đầu tư phát triển theo chiều sâu mà chủ yếu đem gửi ngân hàng... KTNN cũng chỉ ra nhiều khoản chi tại Habeco không được chặt chẽ...
Giải quyết các vấn đề tồn đọng tại Habeco, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh từng khẳng định "yếu tố đầu tiên, then chốt nhất vẫn là yếu tố con người. Người đứng đầu rất quan trọng không chỉ là chịu trách nhiệm trước pháp luật mà có những chiến lược đầu tư kinh doanh có hiệu quả cũng như khắc phục những tồn tại". Điều đó đã được hiện thực hóa bằng hàng loạt quyết định thay đổi nhân sự chủ chốt tại Habeco thời gian qua.
Vướng mắc lớn hay thiếu quyết tâm?
Quay trở lại công tác thoái vốn Nhà nước tại Habeco, những vấn đề về nhân sự và kinh doanh kém hiệu quả cũng có thể là tác nhân gây ra sự chậm trễ, nhưng cũng không loại trừ khả năng nghi vấn "có động cơ" trong việc để kết quả kinh doanh thụt lùi trong vài năm trở lại đây - PGS.TS Vũ Trí Dũng - Đại học Kinh tế Quốc dân từng nêu khi đề cập về vấn đề này.
Trao đổi cùng PV Báo Lao Động ngày 27.9, ông Phạm Đức Trung - Trưởng ban Phát triển và Cải cách Doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, về khía cạnh doanh nghiệp họ lo ngại mất thương hiệu, mất quyền điều hành, kiểm soát khi cổ đông chiến lược vào thâu tóm doanh nghiệp, nhưng cũng phải thấy rằng, việc thu hút cổ đông chiến lược là rất cần thiết và có thể khắc phục các lo ngại bằng các thỏa thuận thông qua các hợp đồng kinh tế. Trong trường hợp của Habeco và Carlsberg rõ ràng chưa tìm được tiếng nói chung vì vậy làm chậm trễ quá trình thoái vốn, trong khi có các đối tác khác có khả năng hơn chưa được quan tâm xem xét. Khi cứ tập trung vào một cổ đông mà không thỏa thuận được dẫn đến kéo dài thời gian thoái vốn.
Nhưng ở phía còn lại cũng cần xem lại chính sách Nhà nước về việc CPH Habeco là doanh nghiệp kinh doanh sản xuất bia, đây không phải là ngành Nhà nước cần nắm giữ. Câu chuyện ở đây không chỉ là doanh nghiệp mà trách nhiệm còn ở phía cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Công Thương. Quyết định 58 của Chính phủ đã khẳng định Nhà nước không kinh doanh ngành lĩnh vực bia, vì vậy việc cố ý nắm giữ quá lâu cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp này có cần thiết hay không? Cần phải xem lại trách nhiệm thực hiện, lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Trong khi đó, cùng lĩnh vực như thế, Sabeco (Tổng công ty CP Bia - Rượu - NGK Sài Gòn) họ bán cổ phần và thu lại lợi ích cho Nhà nước rất lớn.
Hoạt động kinh doanh của Habeco cũng liên tiếp gặp khó khăn, dù đơn vị này cho rằng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng sản lượng tiêu thụ bia các loại chỉ đạt 88,4% so với kế hoạch năm. Habeco đã thúc thủ hay buông xuôi thị trường nào? Lý do gì dẫn tới tình trạng ấy? Cần phải tìm ra lời giải để vực dậy doanh nghiêp này nếu muốn công tác thoái vốn đạt được thành công như "người anh em" cùng ngành Sabeco.
ĐỨC THÀNH
Theo laodong.vn
Tổng công ty Giấy đề xuất "cơ chế đặc thù" bán dự án bột giấy nợ nghìn tỷ Báo cáo mới đây của Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết, hiện nay đã có nhà đầu tư quan tâm mua dự án Bột giấy Phương Nam nhưng hồ sơ đấu giá được phê duyệt đã hết hiệu lực pháp luật. Tổng công ty Giấy đề xuất việc ban hành cơ chế đặc thù. Dự án nhà máy Bột giấy Phương...