Bộ Công an tiếp nhận tố giác hành vi ‘phông bạt’, sửa bill chuyển khoản ủng hộ bão lụt
Bộ Công an cho biết, đối với hành vi sửa chữ bill chuyển khoản ủng hộ bão lụt tung lên mạng xã hội có thể vi phạm và bị xử phạt tùy từng trường hợp.
Ngày 2/10, Bộ Công an có thông tin phản hồi người dân về việc hành vi “phông bạt”, sửa chữa, làm giả bill chuyển khoản ủng hộ bão lụt để đăng lên mạng xã hội.
Theo Bộ Công an, việc cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn dịch bệnh, thiên tai là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, đúng với truyền thống dân tộc Việt Nam. Nhà nước rất khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đóng góp vận động, kịp thời mang lại hiệu quả thiết thực cho những người đang cần hỗ trợ.
Việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP.
Một tiktoker nổi tiếng bị phát hiện số tiền ủng hộ không đúng như công bố gây xôn xao mạng xã hội thời gian qua. Ảnh: MXH
Ngoài ra, sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê từ thiện, mạng xã hội lan truyền việc cá nhân làm giả bill chuyển khoản. Bộ Công an sẽ tiếp nhận, giải quyết khi có cá nhân, tổ chức gửi tin báo tố giác tội phạm liên quan đến hành vi này.
Bộ Công an cho biết, đối với hành vi sửa chữ bill chuyển khoản tung lên mạng xã hội có thể vi phạm và bị xử phạt tùy từng trường hợp.
Cụ thể, trường hợp cá nhân sửa bill để đưa lên mạng xã hội nhằm “đánh bóng” tên tuổi… không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, đó là hành vi làm giả tài liệu và đưa tin sai sự thật. Tuỳ thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người sửa bill chuyển tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi làm bill giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp hành vi làm giả bill chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5 – 10 triệu đồng với cá nhân.
Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
- Trường hợp cá nhân nhận chuyển tiền từ thiện hộ người khác mà chỉnh sửa bill chuyển tiền với mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng (Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) hoặc xử lý hình sự với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự. Tùy theo số tiền chiếm đoạt mà phải chịu các khung hình phạt khác nhau, mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù giam.
- Trường hợp cá nhân thuộc tổ chức, chỉnh sửa bill chuyển tiền của tổ chức để chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng (Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP) hoặc xử lý hình sự với tội danh Tham ô tài sản quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự. Tùy theo số tiền chiếm đoạt mà phải chịu các khung hình phạt khác nhau, mức hình phạt cao nhất tử hình.
Video đang HOT
- Trường hợp cá nhân lợi dụng thiên tai, bão lũ, chủ động huy động tiền của các cá nhân, tổ chức để chiếm đoạt thì có thể xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng (Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP); hoặc xử lý hình sự với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, tùy theo số tiền chiếm đoạt mà phải chịu các khung hình phạt khác nhau, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Quy định mới đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 10
Từ tháng 10, nhiều quy định mới liên quan đến cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, quy chuẩn đèn chiếu sáng của phương tiện giao thông, hành nghề công tác xã hội, đánh số nhà chính thức có hiệu lực.
Cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID
Từ 1/10 thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh quốc gia VNeID trên cả nước; thời gian thí điểm tới ngày 30/6/2025.
Đó là nội dung chính được nêu trong Quy trình thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp) và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an).
Thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID toàn quốc từ ngày 1/10 tới ngày 30/6/2025 (Ảnh: BCA).
Công dân có thể thực hiện tra cứu tình trạng hồ sơ và kết quả phiếu lý lịch tư pháp điện tử tại ứng dụng VNeID, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thành phố và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trường hợp phiếu lý lịch tư pháp đã cấp có nội dung không chính xác hoặc trái pháp luật theo quy định tại Điều 50 Luật Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp ra quyết định (bổ sung, đính chính, thu hồi, hủy bỏ) phiếu lý lịch tư pháp điện tử đã cấp và cấp lại phiếu điện tử cho công dân (nếu có).
Thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp là 3 ngày làm việc; trường hợp phức tạp (có thông tin về án tích và công tác nghiệp vụ khác) là 9 ngày làm việc. Nếu trả phiếu lý lịch tư pháp bằng giấy cho công dân thì cộng thêm 1 ngày.
Quy chuẩn đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông
Thông tư số 07/2024 của Bộ GTVT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ 1/10.
Đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) chịu trách nhiệm triển khai thực hiện việc này.
Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) chịu trách nhiệm triển khai thực hiện quy chuẩn về đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Ảnh: Quang Huy).
Thông tư 07 bãi bỏ khoản 3 Điều 1 Thông tư số 31/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kính an toàn của ô tô, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lốp hơi dùng cho ô tô, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Cấm hành nghề công tác xã hội để trục lợi
Nghị định số 110/2024 của Chính phủ về công tác xã hội có hiệu lực từ ngày 15/10 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân mà không được sự đồng ý của đối tượng, người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng.
Nghị định cũng nghiêm cấm lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật; lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước; lợi dụng hành nghề để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo Nghị định 110, công tác xã hội là hoạt động hỗ trợ cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội. Đối tượng công tác xã hội là cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội.
Nghị định nêu rõ: Công tác xã hội có chức năng hỗ trợ phòng ngừa; can thiệp, trị liệu; hỗ trợ phục hồi, phát triển đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng hạnh phúc của người dân.
Theo Nghị định này, dịch vụ công tác xã hội do tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp hoạt động công tác xã hội thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội của cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng.
Quy định việc khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng để ở
Nghị định 108/2024 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở có hiệu lực từ ngày 15/10.
Nghị định giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác với mục đích: Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); tạm quản lý trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định.
Theo Nghị định này, việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải đảm bảo hiệu quả, giải quyết nhu cầu về nhà, đất phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh.
Cách đánh số nhà và gắn biển số nhà
Từ ngày 15/10, Thông tư 08/2024 của Bộ Xây dựng quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng có hiệu lực thi hành.
Quy định mới nêu rõ, đánh số nhà mặt đường, phố được sử dụng dãy số tự nhiên (1, 2, 3..., n) với thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo chiều quy định. Nhà bên trái lấy số lẻ (1, 3, 5, 7...), nhà bên phải lấy số chẵn (2, 4, 6, 8...).
Theo Thông tư này, trường hợp một nhà có cửa mở ra hai đường, phố khác nhau thì ngôi nhà đó được đánh số theo đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn. Nếu các đường, phố có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo đường, phố có cửa chính vào nhà hoặc đánh số theo đường, phố đã được đánh số liên tục.
Chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc.
Nhiều số nhà trên phố Trần Thái Tông, Hà Nội đánh số lộn xộn, không theo quy tắc nào (Ảnh: Nguyễn Hải).
Các đường, phố đã được đánh số nhà trước khi Thông tư 08 có hiệu lực thì giữ nguyên chiều đánh số nhà.
Thông tư cũng lưu ý, với đường, phố chưa có nhà xây liên tục (còn đất trống), UBND cấp huyện căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng trên tuyến đường, phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đánh số nhà và đảm bảo có số nhà dự phòng đối với nhà, công trình cho tuyến đường, phố đó.
Thông tư nêu, trường hợp phát sinh nhà chưa được đánh số nằm giữa hai nhà đã được đánh số liên tục trên đường, phố thì các nhà mới phát sinh được lựa chọn đánh số theo một trong 2 cách.
Thứ nhất, đánh số bằng tên ghép của số nhà nhỏ hơn và chữ cái in hoa tiếng Việt (A, B, C...), bắt đầu từ chữ A. Ví dụ, số nhà phát sinh giữa hai nhà số 20 và số 22 thì đánh số 20A, 20B, 20C...
Thứ hai, đánh số bằng tên ghép của số nhà nhỏ hơn và dấu gạch ngang và số tự nhiên, bắt đầu từ số 1. Ví dụ, số nhà phát sinh giữa hai nhà số 20 và số 22 thì đánh số 20-1, 20-2, 20-3...
Với nhà trong ngõ, Thông tư 08 quy định ngõ chưa có tên riêng thì tên ngõ được đặt tên theo số nhà mặt đường, phố nằm kề ngay trước đầu ngõ (có số nhà nhỏ hơn).
Nếu ngõ nối thông giữa hai đường, phố và đã đặt tên thì lấy chiều từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ.
Trường hợp ngõ nối thông giữa hai đường, phố và chưa được đặt tên thì chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngõ...
Sơn La: Hai ô tô đi trên quốc lộ 6 bị tảng đá lớn đè trúng Hai ô tô đang di chuyển trên đường quốc lộ 6 ở Sơn La, bất ngờ bị đá sạt lở từ trên núi lăn xuống đè trúng. Rất may vụ việc không gây thiệt hại về người. Chiều 22/9, Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin, khoảng 14h cùng ngày, tại km201 900 quốc lộ 6, địa phận huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn...