Bộ Công an muốn giữ tên gọi CMND thay vì Thẻ căn cước
Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cho biết, cá nhân ông và Bộ Công an mong muốn giữ lại tên gọi Chứng minh nhân dân (CMND) thay vì đổi thành Thẻ căn cước công dân, để tránh những phiền hà, rắc rối cho người dân.
Sau khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân, ngày 24/6, lãnh đạo Tổng cục VII đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh đề án cấp CMND 12 số, số định danh cá nhân và việc đổi tên CMND thành thẻ căn cước công dân liệu có gây ra những xáo trộn.
Theo tướng Trần Văn Vệ, về bản chất thông tin thì CMND và thẻ căn cước công dân là như nhau, chỉ khác tên gọi. Tên gọi CMND đã in sâu vào tiềm thức, đời sống người dân hàng chục năm nay; CMND được sử dụng trong hầu hết các giao dịch dân sự, thể hiện trên các loại giấy tờ như sổ đỏ, giấy phép xây dựng, hộ khẩu, hoạt động giao dịch với ngân hàng…
Khi thay đổi tên gọi CMND thành Thẻ căn cước công dân sẽ phải sửa đổi hàng loạt loại giấy tờ giao dịch, văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, khi xây dựng dự án Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đã đề xuất giữ nguyên tên gọi CMND để tránh gây ra những xáo trộn trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên khi Chính phủ trình dự án luật, nhiều ý kiến lại cho rằng nên đổi tên CMND thành thẻ căn cước công dân.
“Theo quan điểm của cá nhân tôi và Bộ Công an vẫn nên giữ tên gọi CMND như nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất” – ông Vệ nói.
Về đề xuất tạm dừng cấp CMND 12 số cho tới khi Luật Căn cước có hiệu lực (dự kiến năm 2016) thì cấp đổi CMND 9 số thành Thẻ căn cước công dân luôn để tránh việc phải thay đổi giấy tờ nhiều lần, ông Vệ cho biết: Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án sản xuất, cấp, quản lý CMND.
Video đang HOT
Gần 500 tỷ đồng để trang bị thiết bị, triển khai cấp CMND mới
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đến nay Bộ Công an đã lập đề án đề triển khai cấp CMND mới 12 số tại 15 địa phương và những địa phương này đều đã xóa bỏ công nghệ cấp, quản lý CMND 9 số cũ. Dự kiến tới cuối năm nay, Bộ Công an sẽ cấp, đổi được 1 triệu CMND mới.
“Thẻ căn cước công dân và CMND mới 12 số chỉ khác nhau về tên gọi nên nếu dừng việc cấp CMND lại thì trên hệ thống cũng đang tồn tại một số lượng lớn thông tin CMND 12 số rồi. Bên cạnh đó, đến nay nhà nước đã bỏ ra gần 500 tỷ đồng để trang bị thiết bị, triển khai cấp CMND mới và đang phát huy hiệu quả không lẽ lại dừng” – ông Vệ nói.
Ngoài ra, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cũng cho hay, mới đây Bộ Công an đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề án xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Sau khi được duyệt, Bộ Công an sẽ tiến hành cập nhật cơ sở dữ liệu của 68 triệu CMND 9 số và dữ liệu thông tin về thường trú của 90 triệu dân. Từ cơ sở này, việc quản lý thông tin căn cước công dân về sau và kết nối, chia sẻ với những cơ sở dữ liệu chuyên ngành như thuế, hải quan, ngân hàng,… sẽ gặp nhiều thuận lợi.
Để chuẩn bị cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ Công an đã sử dụng hệ quản trị cơ sơ dữ liệu của Cty Oracle (Mỹ), hãng IBM (Mỹ) cung cấp hệ thống máy chủ và hệ quản trị dữ liệu vân tay của hãng Cogent (Mỹ).
“Đây đều là những thương hiệu hàng đầu thế giới, đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn thông tin cũng như bảo mật thông tin của công dân. Việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, mã số định danh cá nhân cũng sẽ không sợ bị lạc hậu công nghệ trong suốt thời gian dài”, ông Vệ khẳng định.
Theo L.D (Tiền Phong)
Công dân có thể được cấp thẻ căn cước từ khi chào đời
Thẻ căn cước sẽ thay thế chứng minh nhân dân và được cấp từ khi công dân chào đời - dự luật Căn cước công dân quy định.
Mặt trước thẻ Căn cước công dân.
Dự luật Căn cước công dân vừa được Chính phủ trình Quốc hội chiều 4/6 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Nếu được thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ 1/7/2015.
Theo Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, thẻ căn cước được cấp theo bốn giai đoạn phát triển của công dân: 0-14 tuổi; 15-25 tuổi; 25-70 tuổi (15 năm đổi một lần) và trên 70 tuổi (không xác định thời hạn sử dụng).
Với người dưới 15 tuổi, trên thẻ căn cước sẽ có thông tin về mã số định danh cá nhân và nhân thân. Người đủ 15 tuổi sẽ làm thủ tục đổi thẻ căn cước, trong đó bổ sung thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay.
Ngoài mã định danh, trên thẻ căn cước có họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi thường trú... được tích hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu, thẻ căn cước có thể thay thế sổ hộ khẩu và một số giấy tờ khác.
Mã định danh cá nhân là một dãy gồm 12 số tự nhiên, do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc và không cấp trùng, sẽ giúp công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Bên cạnh đó, chứng minh nhân dân được cấp trước ngày triển khai dự luật vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. "Điều này là để tránh gây xáo trộn cho công dân trong các giao dịch", Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Quốc phòng An ninh nhận định, việc cấp thẻ căn cước công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã định danh cá nhân giúp việc quản lý dân cư trong tương lai đơn giản, thuận tiện, thay thế được nhiều loại giấy tờ cá nhân như giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu...
Dẫu vậy, Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa cùng nhiều thành viên Ủy ban cho rằng, thời điểm hiệu lực 1/7/2015 khó khả thi, cần thêm thời gian chuẩn bị khoảng 6 tháng nữa.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng lo ngại, nhiều địa phương chưa có điều kiện cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và cán bộ quản lý để triển khai. Do đó, Bộ Công an sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép duy trì các quy định của pháp luật hiện hành đến khi đủ điều kiện, chậm nhất là 1/1/2020.
Theon Xahoi
Giám đốc Công an Hà Nội: Cái gì cũng làm giả được! Nếu nói làm thẻ căn cước để tránh giả giấy tờ chưa thuyết phục. Như giấy phép lái xe đầu tư công nghệ cả triệu đô cuối cùng vẫn có giấy giả. Trao đổi với PV, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội thừa nhận một thực trạng: cái gì cũng có thể làm giả được hết. Chính vì thế...