Bộ Công an lên tiếng về tranh luận với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng
Chiều 5.11, Bộ Công an chính thức có phản hồi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ về tranh luận xung quanh phát biểu của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng tại phiên chất vấn sáng 31.10.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng tranh luận tại Quốc hội sáng 31.10
ẢNH: TTXVN
Theo đó, Bộ Công an dẫn lại chất vấn của đại biểu (ĐB) Nhưỡng với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm với nội dung: “… qua báo cáo thì mới thấy rằng như thế này, vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%… Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng và tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong việc này”.
Theo Bộ Công an, “điều đáng nói là sau phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, nhiều trang mạng xã hội đã trích dẫn, bình luận, xuyên tạc về đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan điều tra, gây dư luận không tốt”. Do đó, sự việc “rất cần được thông tin một cách đầy đủ để công luận hiểu rõ vấn đề”.
Bộ Công an cũng báo cáo lại số liệu tính trong 12 tháng báo cáo Quốc hội (từ 1.10.2017 đến 30.9.2018), số tin báo, tố giác không thụ lý theo đúng quy định của cơ quan điều tra (CQĐT) là 82/118.731 tin, chiếm tỷ lệ 0,07%. Số tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố đã giải quyết nhưng chậm gửi quyết định giải quyết cho Viện kiểm sát của CQĐT là 37/118.731 tin, chiếm 0,03%. Số tin báo, tố giác xử lý quá hạn của CQĐT là 3.360/118.731 tin, chiếm tỷ lệ 2,82%. Số lần vi phạm trong việc gửi, tống đạt, thông báo, niêm yết… các lệnh, quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn của CQĐT là 33, chiếm tỷ lệ 0,01%. Tất cả các tỷ lệ đều thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ mà ĐB Nhưỡng đề cập trong chất vấn.
Bộ Công an cũng khẳng định thêm, tại phiên chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đã cung cấp thông tin đánh giá của ủy ban, cho thấy đánh giá tình hình của ĐB Nhưỡng không chính xác.
Video đang HOT
Trước khi Bộ Công an lên tiếng chính thức, trong phiên chất vấn ngày 1.11 cũng như bên lề Quốc hội, nhiều ĐB công an đã lên tiếng về tỷ lệ này, như ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), ĐB Nguyễn Minh Đức (TP.HCM), yêu cầu ĐB Nhưỡng xin lỗi về thông tin gây nhầm lẫn.
Trước đề nghị của một số ĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã phải lên tiếng (đây là ủy ban thẩm tra các báo cáo về phòng chống tội phạm của Bộ Công an) “về 2 chỉ tiêu mà các ĐB đang có tranh luận nhau”. Theo đó, bà Nga khẳng định tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm đạt 87,2%, còn 2,8% mới đạt yêu cầu của Quốc hội, nhưng số tố giác tin báo quá hạn giải quyết thì Ủy ban Tư pháp “đã tính toán rất thận trọng”, cho thấy năm qua có 3.368 tin báo tố giác quá hạn, chiếm 2,8% trên tổng số. “Như vậy, chúng tôi khẳng định Ủy ban Tư pháp đánh giá số tin báo tố giác quá hạn chiếm 2,8% trên tổng số các tin báo, chứ không phải là chiếm nhiều”, bà Nga nói.
Ngược lại, ĐB Nhưỡng vẫn khẳng định tỷ lệ mình đưa ra là không sai, mà trích từ phụ lục một báo cáo đóng dấu mật.
Theo Thanhnien
ĐB Lưu Bình Nhưỡng: "Tôi khẳng định không nói bất cứ gì sai trái"
"Tôi giơ biển xin tranh luận sau tranh luận lần 2 của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (nhưng không được phát biểu) không phải tranh luận lại nội dung mà muốn nói: Quy tắc làm việc ở Quốc hội là đại biểu được tôn trọng.
Vấn đề tôi đưa ra là Bộ trưởng Bộ Công an trả lời, nhưng Bộ trưởng không trả lời. Tại sao Bộ trưởng Bộ Công an không trả lời mà đại biểu khác lại tranh luận với tôi vấn đề này", đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (ảnh quochoi.vn).
Tại phiên chất vấn của Quốc hội diễn ra tranh luận sôi nổi giữa đại biểu đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) và Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) xung quanh chuyện "vi phạm khủng khiếp của cơ quan điều tra". Đại biểu Cầu nói 2 lần, đại biểu Nhưỡng 1 lần, dù đại biểu Nhưỡng có giơ biển xin tranh luận, nhưng Chủ tịch Quốc hội đề nghị dừng cuộc tranh luận này tại hội trường. PV Dân Việt đã có trao đổi thêm với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng xung quanh câu chuyện này.
Hôm qua (1.11) khi giơ biển tranh luận lại đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), nhưng Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị dừng cuộc tranh luận này tại hội trường, nếu được phát biểu ông sẽ nói gì?
- Tôi muốn nói phát biểu thêm của đại biểu tranh luận với tôi sau giờ giải lao đã không đúng với tinh thần như Chủ tịch Quốc hội đã nói trước đó. Trong giờ giải lao, trao đổi với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tôi nói cách đặt vấn đề của tôi là hệ quy chiếu hoàn toàn khác. Còn khi phát biểu ở hội trường, tôi đã nói không công bố số liệu vì đây là báo cáo mật, vì thế đã phải tính tỷ lệ phần trăm. Tôi đảm bảo con số đã chia chính xác. Cần phải nói rõ thêm là phụ lục trong báo cáo đó chỉ nói về một vấn đề, đó là vi phạm của các cơ quan trong hoạt động tư pháp.
Tôi phải tính tỷ lệ để xem trong số vi phạm đó thì cơ quan nào có vi phạm cao hơn. Ví dụ, tổng số vi phạm của các cơ quan trong hoạt động đó là 10 thì phải xem cơ quan A vi phạm bao nhiêu, cơ quan B vi phạm bao nhiêu, cơ quan C là bao nhiêu, chính vì thế tôi phải chia tỷ lệ, cách làm đó là chính xác, khoa học.
Khi phát biểu tôi đã giãi bày trước Quốc hội, cử tri cả nước là mình làm việc một cách nghiêm túc, số liệu trong báo cáo mật tôi không công bố, chỉ nói tỷ lệ. Tôi không vi phạm quy định về bảo mật Nhà nước. Tôi khẳng định mình trung thực, khách quan, không lấy những gì ngoài luồng để đưa vào phát biểu, đây là cách làm việc của tôi. Cá nhân tôi cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu trong đó có những đại biểu là Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, họ cho rằng cách nhìn nhận của tôi là khoa học.
Còn đại biểu Nguyễn Hữu Cầu khi tranh luận đã nói, phải lấy số vi phạm chia cho tổng số vụ việc. Tôi cho rằng đây là câu chuyện khác, đó là việc của ngành Công an. Ở đây tôi chỉ so sánh giữa các cơ quan với nhau để xem cơ quan nào vi phạm nhiều hơn, cơ quan nào làm việc tốt hơn.
Tôi giơ biển xin tranh luận sau tranh luận lần 2 của đại biểu Cầu (nhưng không được phát biểu) không phải tranh luận nội dung mà muốn nói: Quy tắc làm việc ở Quốc hội là đại biểu được tôn trọng. Vấn đề tôi đưa ra là Bộ trưởng Bộ Công an trả lời, nhưng Bộ trưởng không trả lời. Tại sao Bộ trưởng Bộ Công an không trả lời mà đại biểu khác lại tranh luận với tôi vấn đề này?
Khi tranh luận, tôi không hiểu tại sao đại biểu Nguyễn Hữu Cầu là Đại tá Công an lại dám công bố số liệu trong báo cáo mật, lúc này phiên chất vấn của Quốc hội đang được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Về vấn đề này tôi sẽ có ý kiến với lãnh đạo Quốc hội.
Ông có nghĩ phát biểu chất vấn của mình trong ngày 31.10 chưa rõ có thể làm hiểu lầm dẫn tới phản ứng của đại biểu trong ngành Công an?
- Cũng có thể, bởi không phải ai cũng có thể nói hoàn hảo được. Nhưng tôi đã nói rõ đây là vi phạm của cơ quan điều tra chứ tôi không nói trong tổng số thụ lý đơn báo tố giác phạm, có 94% là vi phạm. Khi tôi xem trong báo cáo thấy vi phạm của cơ quan Công an nhiều nhất nên tôi so sánh với cơ quan tương đương, khi đặt so sánh không bao giờ đi đặt sai hệ quy chiếu, ví dụ không thể so sánh cơ quan công an với cơ quan không có chức năng trong hoạt động tư pháp. Tôi khẳng định lại là không nói bất cứ gì sai trái, đó là nguyên tắc làm việc của một chính khách. Khi tôi nói thái độ có thể rắn chắc, ngôn ngữ mạnh mẽ, còn sai thì không. Nếu tôi sai thì sẽ nhận lỗi ngay trước quốc dân đồng bào
Ông nghĩ sao về phản ứng của các cử tri trong lực lượng Công an trước phát biểu của ông?
- Việc phản ứng của các cử tri trong lực lượng Công an tôi rất chia sẻ, họ là những người làm trong ngành, đặc biệt là cán bộ điều tra. Tôi đã dự tính được vấn đề này, nhưng trách nhiệm trước nhân dân lớn hơn trách nhiệm trước một ngành nên phải chỉ ra. Tôi cho rằng giả sử những điều tôi nói ra anh em Công an cầu thị và chân thực có thể trao đổi với tôi. Những việc làm tốt, chưa tốt, tồn tại, hạn chế thì các báo cáo cũng đã nêu.
Tôi không vơ đũa cả nắm, cái gì làm tốt, hy sinh của anh em Công an tôi biết. Tôi biết điều này từ khi bắt đầu làm công tác pháp luật, tham mưu về cải cách tư pháp, cũng như tham gia thẩm tra, thẩm định các đề án của lực lượng Công an. Bên cạnh những mặt tốt, tôi biết trong số đó vẫn có "con sâu".
Ông có muốn nói rõ việc này trong phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm tới đây?
- Tôi chưa có dự định.
Xin cảm ơn ông (!)
Theo Danviet
Nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục để phân biệt với xã hội đen: Không cần thiết Chuyên gia tài chính cho rằng, việc nhân viên đòi nợ thuê mặc đồng phục thể hiện sự trang trọng, nghiêm chỉnh, chuyên nghiệp của nhân viên thu hồi nợ, tuy nhiên, việc đó không làm tăng hiệu quả đòi nợ của công ty thu, đòi nợ. Tại Đồng Nai, một nhóm đòi nợ thuê đã "khủng bố" con nợ bằng tờ rơi...