Bộ Công an đề xuất ‘dao có tính sát thương cao’ có thể là vũ khí quân dụng
Theo đề xuất của Bộ Công an, ‘dao có tính sát thương cao’ nếu được sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì sẽ được coi là vũ khí quân dụng.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Luật này do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Theo đề xuất của Bộ Công an, dao có tính sát thương cao sẽ được bổ sung vào danh mục vũ khí thô sơ; trừ dao có tính sát thương cao được sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt.
Đặc biệt, kiếm, giáo, mác, mã tấu, quả chùy, cung, nỏ, dao có tính sát thương cao… sẽ được coi là vũ khí quân dụng khi trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ hoặc không được trang bị cho các đối tượng theo quy định của luật này nhưng chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật.
Bộ Công an đề xuất ‘dao có tính sát thương cao’ có thể là vũ khí quân dụng
Đề xuất trên của Bộ Công an, nhất là việc coi dao có tính sát thương cao là vũ khí quân dụng, nhận được nhiều ý kiến băn khoăn của các bộ, ngành.
Theo đề xuất của Bộ Công an, dao có tính sát thương cao nếu được sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì sẽ coi là vũ khí quân dụng (ảnh minh họa). ẢNH T.N
Căn cứ vào mục đích sử dụng là chưa hợp lý
Viện KSND tối cao cho rằng, việc quy định như dự thảo, trong đó dao có tính sát thương cao sử dụng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thuộc vũ khí quân dụng là khiên cưỡng.
Bản chất vũ khí quân dụng là những vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, chuyên dùng cho các lĩnh vực đặc thù như bảo đảm an ninh, quốc phòng, thi hành công vụ…; tác dụng, tính năng vốn có nguyên bản của chúng phải đáp ứng là vũ khí quân dụng.
Trong khi đó, dao vốn là vật dụng được sản xuất và sử dụng phổ biến trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, tập quán thông thường lại trở thành vũ khí quân dụng khi nó được sử dụng nhằm mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là chưa thỏa mãn bản chất của vũ khí quân dụng.
“Suy rộng ra, ngoài dao còn rất nhiều các loại vật, hung khí nguy hiểm khác như gạch, đá, gậy sắt…; khi sử dụng nhằm mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì có coi là vũ khí quân dụng không?”, Viện KSND tối cao đặt vấn đề.
Vẫn theo cơ quan này, bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn đã có khái niệm “hung khí nguy hiểm” để xử lý đối với hành vi phạm tội sử dụng dao các loại.
Do đó, nếu chỉ căn cứ vào mục đích sử dụng (nhằm mục đích gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật) để quy định dao có tính sát thương cao thành vũ khí quân dụng là chưa hợp lý.
Viện KSND tối cao nhận định, trong trường hợp cần nghiêm trị các đối tượng dùng các loại dao có tính sát thương cao thì nên tính đến phương án đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của bộ luật Hình sự để xử lý phù hợp, hiệu quả.
Bộ Công an cho rằng quy định như dự thảo là cần thiết cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm (ảnh minh họa). ẢNH T.N
Cùng cho ý kiến về nội dung trên, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc. Bởi lẽ, một trong những đặc điểm của vũ khí quân dụng để phân biệt với các loại vũ khí khác đó là tính chất sử dụng các loại vũ khí này là phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh. Quy định như dự thảo là chưa phù hợp với tính chất, nội hàm của khái niệm vũ khí quân dụng.
Cạnh đó, việc phân loại vũ khí dựa vào mục đích sử dụng là chưa bảo đảm tính thống nhất trong chính sách xử lý hình sự đối với cùng một hành vi cùng một đối tượng tác động nhưng chỉ khác nhau về mục đích sử dụng đối tượng tác động đó.
Ví dụ, cùng một loại vũ khí nhưng trong trường hợp chưa sử dụng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí thô sơ và xử lý theo quy định tại điều 306 bộ luật Hình sự; nhưng cũng là loại vũ khí đó khi được sử dụng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật sẽ xác định là vũ khí quân dụng và bị xử lý theo quy định tại điều 304 bộ luật Hình sự (điều luật có chính sách xử lý hình sự nghiêm khắc hơn).
Bộ Công an: Cần thiết cho đấu tranh, phòng chống tội phạm
Phản hồi về các góp ý đã nêu, Bộ Công an cho hay, qua 5 năm triển khai thực hiện luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, lực lượng chức năng đã phát hiện 27.161 vụ, bắt giữ 46.693 đối tượng sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án, nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, tội phạm sử dụng các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao, có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước; nhiều vụ là các băng, nhóm tội phạm có tổ chức gây án với tính chất rất manh động, dã man, coi thường pháp luật gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Quá trình điều tra các vụ án, cơ quan điều tra chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…; không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì luật không quy định dao, phương tiện tương tự dao là vũ khí. Việc xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Vẫn theo Bộ Công an, thực tế công tác đấu tranh với tội phạm còn cho thấy, các đối tượng thường sử dụng kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu… để gây án, chống người thi hành công vụ . Trong khi đó, quy định tại điều 306 bộ luật Hình sự sẽ không xử lý ngay được.
Từ những căn cứ trên, Bộ Công an đề nghị giữ nguyên như dự thảo.
Đề xuất dao là vũ khí: Người dân sử dụng thế nào để không vi phạm?
Bộ Công an muốn bổ sung dao vào danh mục vũ khí thô sơ để quản lý, ngăn chặn các tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Nếu luật này được thông qua, người dân phải dùng dao đúng quy định để tránh vi phạm pháp luật.
Tại dự thảo luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi, Bộ Công an đề xuất quy định dao là vũ khí thô sơ vì có tính sát thương cao. Thời gian gần đây, tội phạm dùng dao để gây án đang có xu hướng gia tăng.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp. Ảnh KHẮC HIẾU
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V03 - Bộ Công an), cho biết thực tế đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến quy định của luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho thấy nhiều đối tượng dùng dao lắp thêm cán sắt dài khoảng 1,5 m để gây án, làm môi trường an ninh trật tự của người dân bị đe dọa nghiêm trọng.
Do đó, việc quy định dao trong nhóm vũ khí thô sơ là một trong những cách để quản lý và điều chỉnh hành vi của người sử dụng dao. Trên cơ sở đó, hạn chế việc sử dụng công cụ, phương tiện này để chống người thi hành công vụ cũng như là đe dọa đến đời sống an ninh, an toàn của người khác.
Bộ Công an đề xuất quy định dao là vũ khí
Cạnh đó, trong dự thảo luật này, ban soạn thảo quy định dao trong nhóm vũ khí thô sơ và trong trường hợp sử dụng dao để gây nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của người khác trái pháp luật (nếu chứng minh được) thì cơ quan chức năng sẽ xử lý hình sự về hành vi sử dụng trái phép vũ khí quân dụng để nâng cao tính răn đe và điều chỉnh hành vi trong xã hội đối với việc sử dụng dao.
Nói về lo ngại của nhiều người khi cho rằng quy định dao là vũ khí thô sơ sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống lao động của người dân, thiếu tướng Nguyên cho hay, dao có tính lưỡng dụng. Nếu người dân sử dụng vào lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nếu tàng trữ, sử dụng dao vào mục đích vi phạm pháp luật thì dao trở thành đối tượng quản lý là vũ khí thô sơ hoặc nếu sử dụng để gây nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của người khác trái pháp luật thì lúc đó dao là vũ khí quân dụng.
Theo quy định hiện hành, vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
Chỉ lực lượng quân đội, công an, dân quân, kiểm lâm, kiểm ngư, an ninh hàng không, hải quan cửa khẩu, lực lượng chống buôn lậu của hải quan, cơ sở huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động, trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh trong diện được trang bị vũ khí thô sơ.
Đề xuất 3 trường hợp cảnh sát được nổ súng vào phương tiện giao thông Theo đề xuất của Bộ Công an, đối tượng điều khiển phương tiện tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác thì lực lượng chức năng được quyền nổ súng. Bộ Công an vừa công bố dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...