Bố chồng đáng sợ
Tôi ít nói, sống nội tâm, hiếm khi tâm sự cùng ai vì thế không có nhiều mối quan hệ. Ngấp nghé tuổi 29 tôi mới có bạn trai. Anh cũng muộn màng như tôi nên thông cảm và hiểu cho nhau, nhưng phía gia đình anh không nghĩ vậy.
Ảnh minh họa
Nhớ hôm ấy cuối tuần tôi đến nhà anh chơi, vừa đến cổng đã thấy trong nhà có tiếng nói to vọng ra: “Tìm hiểu cho nó kỹ, con gái gì mà gầy khẳng có một dúm, như con bệnh. Mà gần ba mươi tuổi làm sao mà mãi chẳng lấy chồng, có vấn đề tai tiếng, hư hỏng gì không? Đừng có “dính bả” đến tối mắt vào rồi đùng đùng đòi cưới, hối không kịp đâu”. Tính bố anh là thế những lúc nóng giận thường không giữ được âm lượng của giọng nói và tôi biết ông đang nói đến tôi.
Nghe nhưng lời ấy lòng tôi đau buốt. Nhưng tin vào duyên phận, tin cái tình cảm chân thành kia, tôi vẫn yêu anh tha thiết và tiếp tục tin tưởng rằng khi về làm dâu tôi sẽ chứng minh cho ông thấy mình là người có học, con nhà đàng hoàng, nề nếp.
Video đang HOT
Sau đám cưới, do đã chuẩn bị tinh thần trước là sẽ có những bất đồng, mình có lối sống khác người ta, giờ nhập gia phải tùy tục nên tôi luôn im lặng, nhún nhường, song với ông dường như không bao giờ là đủ. Ông hay nói những câu khiến tôi có cảm giác bị sỉ nhục, mà vẫn phải nhẫn nhịn, chấp nhận tìm cách thích nghi, cho qua những điều bực bội. Xóm giềng quanh đó chẳng ai chê được gì tôi, nhưng càng ngày ông càng quá quắt.
Mẹ chồng tôi hiểu biết hơn một chút, cũng quen chịu nhịn tính gia trưởng của chồng nên không hùa vào mắng mỏ con dâu. Với tôi đó là một điều may. Song khổ cái là vợ chồng tôi lấy nhau đã gần một năm mà chưa có em bé.
Cưới được bốn tháng bố chồng đã giục rối rít đi khám. Chồng tôi có nói với ông là bình tĩnh, “bố cứ ầm ĩ gây áp lực tâm lý thế làm sao mà đậu thai được”. Ông liền ngoa ngoắt: “Làm đĩ không nên còn trách tổ tiên không phù hộ”.
Bản thân tôi cũng rất hồi hộp và sốt ruột, stress đến nỗi tháng nào cũng dùng đến hai que thử cho chính xác, vậy mà kết quả vẫn bằng không. Bố mẹ tôi đến chơi ông cũng lạnh lùng phàn nàn: “Nói mãi chúng nó có thèm nghe đâu. Có bệnh phải mau vái tứ phương chứ”.
Đến lúc chúng tôi đi khám, xét nghiệm đủ kiểu, vẫn chưa mang lại hiệu quả gì, ông lại đay: “Cứ mải kiếm tiền, chẳng lo giữ sức khỏe, tìm bệnh viện uy tín mà chạy chữa. Tiền nhiều để làm gì, dành mua quan tài cho đẹp à, của cải nhiều còn mang xuống mồ cho oai với ma phải không?”.
Tôi kinh hãi tột độ khi nghe những lời nghiệt ngã ấy và hoang mang vô cùng khi suốt ngày ông ra rả những lời đao to búa lớn đến rợn gai ốc: “Thằng H. là trưởng cả một họ, trọng trách không nhỏ đâu và nhiệm vụ đầu tiên là nó phải có bằng được một đứa con trai, nếu không muốn mang tội bất hiếu với gia đình, dòng tộc”. Rồi ông lại tiếp tục chì chiết cái dáng vẻ mảnh khảnh, “đói ăn” của con dâu.
Mỗi sáng phải nhìn thấy ông là nỗi sợ hãi lại ám ảnh, bao trùm lên tôi suốt cả một ngày. Việc ra ở riêng là không tưởng, mà cứ sống thế này, bao giờ cho hết đời?
Theo VNE
Ấm ức ở cùng mẹ chồng
Nó về làm dâu cũng đã ba năm có lẻ, những ấm ức, cay cú dường như sắp lĩnh hội đủ, các quy tắc bất thành văn bắt đầu được nó thiết lập để tạo nên kinh nghiệm cho mình, trong đó có những quan điểm sai mười mươi mà vẫn đành phải bấm bụng tuân theo.
Nó dần rút ra khái niệm "ở cùng mẹ chồng" và "sống chung với lũ", hình như là một câu đồng nghĩa nhưng khác âm. Bởi nó quá ngán ngẩm với những bài học xứng đáng được cho vào viện bảo tàng trưng bày cổ vật của mẹ chồng. Như, làm phận đàn bà là phải biết nhịn nhường, lo toan, giành về mình phần thiệt thòi hơn cho chồng con còn nhờ.
Chồng về đến nhà dù vợ đang đầu tắt mặt tối cũng phải tươi cười chạy ra niềm nở chào đón, cất cặp cất mũ, kể cả chồng vừa đi nhậu say xỉn, chơi bời chán chê ở đâu về. Bà từng làm dâu hơn ba mươi năm, trong những hoàn cảnh còn bất công hơn thế, gánh vác, chịu đựng bao vất vả, tủi cực, vậy mà sao giờ lại cũng muốn con dâu mình phải chung số phận tương tự?
"Đang khi lửa tắt cơm sôi, lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem. Bây giờ lửa đã cháy lên, lợn no con nín tòm tem thì tòm". Phải thế mới là người phụ nữ đảm đang chính chuyên, nó nghe bà rao giảng, đọc và dạy đi dạy lại về sự tươm tất của người phụ nữ, tự hỏi không hiểu ông chồng trong câu ca dao ấy có bị què chân hay cụt tay không mà để vợ một mình xoay sở với hàng núi việc như vậy mà vẫn còn tâm trí để mà đòi "nọ kia". Sao anh ta không nhóm lửa, cho lợn ăn, còn vợ thì cho con bú chẳng hạn, rồi hai người cùng vui vẻ.
Thi thoảng nó cứ phải nhịn như "ăn cơm tám", để dành về báo lại với chồng theo chỉ thị từ "trên" giao, để chồng nói lại với mẹ sẽ dễ hơn, chứ con dâu mà nói bà lại lu loa lên.
Dù nhiều lúc nó muốn nói thẳng quản điểm "Mẹ chê ít chứ, chê vừa thôi và cứ từ từ mà chê, đừng có dồn dập quá kẻo con không tiếp thu, lĩnh hội đủ những gì mẹ yêu cầu". Bà khiến nó có cảm giác mẹ chồng chẳng có việc gì để làm và đã hết chuyện để nói nên cứ lê la từ chỗ nọ sang chỗ kia mà bêu rếu con dâu. Những lời nói bâng quơ buôn chuyện khi đến tai nó không thể là những lời góp ý hữu ích, chỉ càng khiến nó cảm thấy nặng nề, muốn hét lên "Những chuyện ấy liệu cả làng cả tổng đã biết chưa, hay để con bắc loa kể cho thông suốt và mọi người đều tỏ".
Nó cứ cố suy nghĩ mọi việc rất nhẹ nhàng, bức xúc mãi rồi cũng phải tự làm nguội mình. Sau này nó cũng làm mẹ chồng, thể nào chả mắc lỗi này tật kia khiến con dâu phiền muộn. Không biết bỏ qua, cứ chấp nhặt thì mình là người khổ tâm trước tiên, "đời người có mấy cái mười năm đâu", rồi sẽ qua cả thôi.
Theo VNE
Tình... ban ơn Nhìn ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của anh khi sánh bước bên cô, cô biết Bắc yêu cô nhiều lắm. Nhưng, trong trái tim cô, tình cảm dành cho Bắc không khác gì một sự ban ơn. Cô đứng lặng bên bờ sông, cắn chặt ngón tay đến suýt bật máu. Đó là thói quen của cô mỗi khi gặp chuyện gì...