Bỏ cả tỷ đồng với siêu vắc xin vừa phòng, chữa ung thư: Liệu có tiền mất tật mang?
Thời gian qua, trong cộng đồng những người bị ung thư thì vắc xin trị ung thư của bác sĩ Hasumi từ Nhật Bản được nhiều người quan tâm và họ hi vọng có thể là loại thuốc hữu ích cho căn bệnh tử thần này.
Vắc xin được giới thiệu ngừa và chữa ung thư Hasumi.
Lời quảng cáo có cánh
Theo như quảng cáo trên các trang mạng, loại vắc xin này được giới thiệu bằng các mỹ từ với đủ các công trình nghiên cứu được thực hiện tại Nhật Bản. Theo đó “ Vắc xin Hasumi”, lần đầu tiên được sử dụng trong lâm sàng vào năm 1948 với tư cách là tiền thân của vắc xin ung thư. Kể từ đó đến nay, tình hình áp dụng liệu pháp miễn dịch này đã thay đổi đáng kể.
Trải qua hơn 85 năm nghiên cứu, chỉ trong giai đoạn từ 2000 – 2016, Vắc xin này đã được áp dụng trên 22.549 bệnh nhân và có mặt ở hơn 42 quốc gia và khu vực (Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,…). Ngoài khả năng điều trị ung thư, vắc xin Hasumi còn có khả năng giúp tăng cường sức khỏe, phòng ngừa nhiều loại bệnh lý khác. Đến nay, vắc xin Hasumi đã được thực hiện tại một phòng khám quốc tế ở Nhật Bản và được cấp phép sử dụng.
Theo hướng dẫn, trong thời kỳ chữa trị khỏi ung thư & ngăn tái phát, lấy nước tiểu của bệnh nhân. Đầu tiên đưa vào hệ thống máy phân tích và tách lấy tế bào tự thân, nuôi cấy tế bào (trong 5 tuần), sau đó tiêm vào bệnh nhân ngăn tái phát bệnh. Theo đó, đối với bệnh nhân phòng ngừa sẽ tiêm 6 mũi trong vòng 30 ngày (5 ngày tiêm 1 lần)
Đối với bệnh nhân đã bị ung thư và tiêm ngừa tái phát tiêm 6 – 72 mũi trong 1 năm tùy theo chỉ định của bác sĩ. Còn đối với bệnh nhân bị ung thư và trong thời kì chữa trị sẽ tiêm để chống di căn và điều trị theo phác đồ.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên khi liên hệ tới một trung tâm quảng cáo đưa người sang Nhật Bản chữa bệnh tại Hà Nội thì đây được coi là một liệu pháp sử dụng hệ miễn dịch của chính bệnh nhân để điều trị cho chính cơ thể họ, được thực hiện bằng cách lấy chính một phần tế bào của khối u của người bệnh để tạo ra vắc xin điều trị bệnh ung thư, sau đó tiêm lại cho người bệnh.
Theo như người hướng dẫn thì các bệnh ung thư có u đều chữa được bằng cách phẫu thuật và giữ một phần mô bệnh phẩm gửi sang Nhật Bản để sản xuất vắc xin sau đó người bệnh sẽ sang Nhật Bản tiêm vắc xin. Theo liệu trình một lần hết 750 triệu đồng.
Cả chi phí ăn ở và đi lại chăm sóc khoảng 1 tỷ đồng. Đây là một liệu trình và khả năng tái phát hay phải điều trị thêm chưa rõ ràng.
Nhưng với các bệnh nhân ung thư thì chỉ cần được sống 1,2 tỷ đồng với họ không quan trọng. Còn với bệnh nhân không có điều kiện thì vắc xin này chỉ là giấc mơ.
Những dấu hỏi còn mang tính “lừa đảo”
Theo các chuyên gia của tổ chức Phi Chính phủ Ruy Băng Tím đến nay chưa có một báo cáo khoa học nào về vắc xin Hasumi có thể sử dụng trên người để chữa ung thư thậm chí là ung thư giai đoạn 4 tỷ lệ thành công vẫn lên tới 70 – 80%. Vắc xin này cũng chưa được công nhận bởi một tổ chức y tế của chính phủ nào để sử dụng như một phương pháp điều trị ung thư chính thống cho bệnh nhân.
Quảng cáo thái quá.
Video đang HOT
Hơn nữa, các thông tin trên mạng đưa ra quảng cáo vắc xin Hasumi không có tác dụng phụ vì sử dụng hệ miễn dịch trong cơ thể tiêu diệt ung thư là sai.
Hiện nay, trên hế giới đã có nhiều nghiên cứu sử dụng chính tế bào miễn dịch của cơ thể người bệnh để huấn luyện bên ngoài và đưa lại vào cơ thể người bệnh. Các phương pháp này nhằm mục đích chính là làm sao kích thích được hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại tế bào ung thư. Trong quá trình kích thích hệ miễn dịch dù đặc hiệu hay không đặc hiệu đều xảy ra tác dụng phụ là khó tránh khỏi.
Việc cam kết hòa toàn không có tác dụng phụ khi sử dụng phương pháp này để điều trị ung thư là điều không tưởng hoặc thứ được sử dụng ở đây không phải là vắc xin.
Hiện nay, bất cứ liệu pháp nào tác dụng phụ luôn là rào cản và lo ngại trong nghiên cứu điều trị ung thư.
Ngoài ra, vắc xin này còn dành được cho cả người khỏe, khi chưa có dấu hiệu ung thư là điều hoàn toàn vô lý và chưa có loại vắc xin nào trên thế giới vừa dự phòng vừa chữa được bệnh.
Các chuyên gia của tổ chức này khuyến cáo trước khi sử dụng bất cứ liệu pháp điều trị ung thư nào, người bệnh nên chú ý tìm hiểu thông tin và nên lựa chọn các phương pháp đã được khoa học khẳng định chính xác.
Theo infonet
Sự thật vắc xin chữa được ung thư giai đoạn cuối giá 350 triệu
Sau khi đăng ký và thăm khám, người bệnh sẽ được chuyển sang Nhật để tiêm vắc xin với chi phí khoảng 350 triệu đồng.
Hội thảo giới thiệu vắc xin "thần dược"
Tháng 3 vừa qua, BV Gia An 115, TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học "Liệu pháp phòng ngừa và điều trị ung thư bằng vắc xin hệ miễn dịch HITV" với sự tham dự của nhiều y, bác sĩ.
Tại hội thảo, TS.BS Kenichiro Hasumi, Chủ tịch phòng khám Shukokai, BV Hijirigaoca, Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Hijiri-no-Sato, thuộc Viện Điện Hóa và ung thư Tokyo Nhật Bản báo cáo rằng, ông đã phát minh và chế tạo thành công hơn 30 loại vắc xin để phòng ngừa và điều trị ung thư bằng liệu pháp sử dụng miễn dịch của chính cơ thể.
TS.BS Kenichiro Hasumi chia sẻ thông tin tại hội thảo tháng 3 vừa qua tại BV Gia An
Cụ thể, ông điều chế vắc xin bằng cách lấy máu của người bệnh để tạo ra vắc xin sau đó tiêm lại cho người bệnh. Phương pháp này đã được ông nghiên cứu hơn 40 năm qua.
TS Hasumi thông báo, đến nay vắc xin Hasumi đã được tiêm cho hơn 100.000 bệnh nhân ung thư tại 20 quốc gia, có thể giúp điều trị các ung thư phổ biến như ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư dạ dày...
Vắc xin Hasumi gồm 2 loại: Vắc xin phòng ung thư, tránh tái phát và vắc xin điều trị ung thư. Hầu hết các bệnh ung thư đều có thể áp dụng, ngoại trừ ung thư gan, úng thư túi mật, ung thư tuyến tụy.
Trong đó loại vắc xin dự phòng được tiêm cho những người khoẻ mạnh muốn ngừa ung thư và tiêm cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn 1, 2 để tránh tái phát.
Với vắc xin điều trị, bệnh nhân ung thư không cần dùng xạ trị, hoá trị, ngay giai đoạn 4 vẫn có tỉ lệ thành công lên tới 70 - 80%, hiện đã có 22.000 người trên thế giới điều trị thành công.
Dù vậy, TS Hasumi không công bố những số liệu này được đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín nào hay chỉ là con số tự thống kê và cũng không công bố các loại giấy tờ đã được cấp phép.
Vắc xin có giá 350 triệu đồng
Tại Việt Nam, BV Gia An 115 và Trung tâm chăm sóc sức khoẻ World Medical tại TP.HCM được giới thiệu là 2 cơ sở độc quyền trong việc hợp tác tác cùng phòng khám Shukokai của TS Kenichiro Hasumi.
Hình ảnh quảng cáo vắc xin Hasumi ngay trên trang chủ của World Medical
Riêng phía World Medical đã tự nâng cấp "phòng khám" Shukokai thành bệnh viện Shukokai, giới thiệu đây một trung tâm y khoa hiện đại của thế giới tại Nhật Bản trong việc nghiên cứu và ứng dụng thành công vắc xin Hasumi để phòng và điều trị ung thư, đối với ung thư giai đoạn 1, 2, 3 là hoàn thiện 100%, với ung thư giai đoạn 4, tỉ lệ thành công cao 70-80%.
Trung tâm này còn giới thiệu vắc xin Hasumi không có tác dụng phụ vì vắc xin sử dụng hệ miễn dịch trong cơ thể để tiêu diệt ung thư.
Đáng lưu ý, trung tâm này quảng cáo vắc xin Hasumi không chỉ dùng riêng cho bệnh nhân ung thư mà người khoẻ mạnh cũng nên sử dụng để nâng cao sức khoẻ, thậm chí có thể sử dụng cho trẻ em từ 7 tuổi.
Để tiêm vắc xin Hasumi, khách hàng sẽ đến 2 cơ sở nói trên để được tư vấn. Nếu bệnh nhân đồng ý sẽ được đưa sang Nhật để tiêm.
Nhân viên tư vấn của World Medical cho biết, mỗi mũi tiêm sẽ có giá 6-7 triệu đồng, với người khoẻ mạnh có thể tiêm 6 mũi, mỗi lần cách nhau 5 ngày. Với bệnh nhân ung thư, liệu trình điều trị 1 năm là 350 triệu đồng.
Để quảng bá cho loại vắc xin "thần dược" này, World Medical đã thuê nhiều người nổi tiếng quảng bá, trong đó có diễn viên M.T.H., doanh nhân L.A.T., vợ MC nổi tiếng.
Bài viết của nữ doanh nhân L.A.T. về vắc xin Hasumi nhận được sự quan tâm rất lớn với hơn 1.700 lượt share
Doanh nhân T. cho biết đã tìm hiểu kĩ loại vắc xin này trước khi tiêm. Sau tiêm, thấy sức khoẻ cải thiện nhiều, trước hay bị viêm mũi dị ứng nhưng giờ khoẻ, ít bị stress hơn và đang dự định dùng cho cả nhà. Chị T. cũng khuyên nhiều người nên đi tiêm.
Bài viết này sau đó đã nhận được hơn 1.500 lượt like và 1.700 lượt share facebook. Dưới mỗi thắc mắc của khách hàng, đều có nhân viên của World Medical trả lời.
Lừa đảo trắng trợn
Khi biết vắc xin Hasumi được quảng cáo rầm rộ và thổi phồng sai sự thật về tác dụng, rất nhiều bác sĩ ung bướu trong tổ chức Ruy Băng Tím - tổ chức phi lợi nhuận phòng chống ung thư tại Việt Nam đã lên tiếng phản bác.
Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu Ung thư City of Hope (Mỹ) cho biết, ông và các cộng sự trong tổ chức Ruy Băng Tím đã kiểm tra tất cả thông tin từ website và Facebook của trung tâm World Medical, đi đến khẳng định, tất cả những thông tin quảng cáo sử dụng vắc xin Hasumi để phòng và điều trị ung thư là lừa đảo.
Vắc xin Hasumi
Thứ nhất, về quảng cáo vắc xin Hasumi ngừa được nhiều bệnh ung thư, TS Vũ khẳng định đây là điều chưa từng có. Bản chất ung thư là do đột biến gen, nếu người bệnh chưa bị ung thư, chưa có tế bào ung thư, không biết tế bào ung thư hình dạng ra sao thì không thể "dạy" tế bào miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư được. Nên việc quảng cáo vắc xin Hasumi có thể ngừa ung thư ở người khoẻ mạnh điều vô lý và không thể thực hiện.
Nhiều người so sánh, hiện thị trường đã có vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung thì vắc xin Hasumi cũng tương tự, tuy nhiên TS Vũ cho biết, bản chất vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung là vắc xin ngừa virus HPV, nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Và vắc xin này chỉ ngừa được một số chủng HPV chứ không phải tất cả.
Thứ hai, vắc xin Hasumi để điều trị ung thư, TS Vũ cho biết đến nay chưa có bất kỳ báo cáo khoa học nào nói vắc xin Hasumi đã được sử dụng thành công trên người với các con số như TS Hasumi cung cấp. Các số liệu, dẫn chứng này chỉ có giá trị khi đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín.
Vắc xin Hasumi cũng chưa được bất kỳ tổ chức y tế chính phủ nào (bao gồm cả Bộ Y tế Việt Nam) cấp phép như một thuốc sử dụng ung thư chính thống vì chưa có một công bố khoa học nào chứng tỏ giá trị của nó.
Theo TS Vũ, để phát minh ra một loại vắc xin, có thể mất 10-30 năm thậm chí lâu hơn nữa vì cần trải qua nhiều giai đoạn tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng. Có những loại thuốc đến giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng rồi vẫn bị loại vì không thấy sự khác nhau với nhóm đối chứng.
"Chưa kể khi được xem là thuốc chính thống thì mọi quy trình chất lượng sản xuất thuốc phải được đảm bảo tiêu chuẩn, tuy nhiên với những gì như quảng cáo thì ai đảm bảo. Việc sử dụng trên người một cách đại trà như vậy là nguy hiểm và phạm luật", TS Vũ nhấn mạnh.
Sau khi nhiều chuyên gia phản biện, hiện nữ doanh nhân đỡ gỡ nội dung quảng cáo trên trang facebook cá nhân. Trang web của trung tâm World Medical cũng đã chỉnh sửa lại các nội dung quảng cáo về vắc xin Hasumi theo hướng "nhẹ nhàng", ít tác dụng hơn.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Bất ngờ kiểu luyện thở có thể cứu hàng loạt bệnh nhân ung thư Các nhà khoa học Anh đã tìm ra cách để xạ trị trở nên hiệu quả hơn trong bệnh ung thư chỉ nhờ việc giúp bệnh nhân luyện tập... nín thở. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Brimingham (Anh) đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm tại các bệnh viện ở New Castle (Anh), Bỉ, Hà Lan và chứng minh được hiệu quả...