Bỏ 200 triệu đi cấy tóc chữa hói, quý ông Hà Nội nhận trái đắng
Mỗi sợi tóc cấy thêm có giá tới gần 2 USD, tổng cộng mất gần 200 triệu nhưng chỉ sau 2 tháng, đầu anh Nam đầy mủ.
Tóc sau cấy mủn ra
Do công việc kinh doanh phải giao tiếp nhiều, anh Nguyễn Nam (35 tuổi, Hà Nội) thường xuyên cảm thấy tự ti vì đầu bị hói, vùng hói càng ngày càng mở rộng, nhẵn bóng.
Sau khi nghe một thẩm mĩ viện lớn tại Hà Nội quảng cáo, mời chào về công nghệ cấy tóc sinh học thẩm mĩ không cần phẫu thuật, tóc đảm bảo chắc khoẻ, anh đã đến thực hiện với niềm tin mãnh liệt mình sẽ có mái tóc bồng bềnh trở lại.
Giá cho mỗi sợi tóc siêu đắt với mức giá gần 2 USD/sợi. Tuy nhiên anh Nam chấp nhận chi trả tổng số tiền gần 200 triệu đồng để mình được đẹp hơn.
Hói đầu khá phổ biến ở nam giới, gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khoẻ
Tuy nhiên được khoảng 2 tháng, anh Nam bắt đầu cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy tại các vùng cấy tóc, vài ngày sau, các chân tóc mưng mủ.
Khi đến BV Da liễu TƯ khám, bác sĩ phát hiện trên đỉnh đầu anh Nam có hàng trăm ổ áp se lớn nhỏ đang chảy mủ.
Bên lề hội nghị Da liễu miền Bắc ngày 17/4 tại Thái Bình, TS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, BV Da liễu TƯ cho biết, đây chỉ 1 trong 2 trường hợp đến viện điều trị sau biến chứng cấy tóc nhân tạo tại các cơ sở thẩm mĩ.
Trực tiếp điều chị cho bệnh nhân, TS Hà cho biết, khi đến viện, các sợi tóc nhân tạo trên đầu anh Nam đã gãy mủn, do đó bác sĩ không thể rút được sạch. Bệnh nhân sẽ phải điều trị rất lâu và để lại các ổ sẹo chi chít trên đầu.
Theo TS Hà, do tỉ lệ bị hói ở các quý ông rất lớn nên nhu cầu thẩm mĩ cấy tóc, kích thích nang tóc cực kỳ lớn.
Trường hợp mất hết nang tóc do rụng quá lâu, muốn tóc dày trở lại, bắt buộc phải cấy tóc.
Video đang HOT
Nếu vẫn còn nang tóc nhưng yếu khiến tóc không mọc hoặc mọc rất mảnh, bác sĩ có thể dùng nhiều công nghệ kích thích để nang tóc phát triển khoẻ mạnh trở lại như thuốc xịt, thuốc tiêm để kích thích dinh dưỡng cho các tế bào nang tóc phát triển lên, nhưng hiệu quả chỉ được 20-30%.
Gần đây có thêm các yếu tố tăng trưởng từ huyết tương, cung cấp các yếu tố tăng trưởng, tuy nhiên do nang tóc chịu tác động từ hormone sinh dục nên nếu không dùng liên tục, cũng không hiệu quả.
Cấy tóc tự thân có hiệu quả?
TS Hà cho biết, với cấy tóc, hiện có 2 loại gồm tự thân và nhân tạo (tóc giả). Với cấy tóc tự thân, nếu bác sĩ làm không khéo, lấy quá nhiều tóc ở vùng cho có thể khiến bệnh nhân bị sẹo giãn lớn trên đầu, gây mất thẩm mĩ.
Do đó, việc lấy tóc ở vùng cho phải được làm hết sức cẩn trọng. Bác sĩ sẽ cắt đường rất nhỏ ngang phía sau gáy, nơi tóc khoẻ, ít chịu tác động của hormone.
TS Vũ Thái Hà. Ảnh: T.Hạnh
Phần tóc này sẽ được cho vào kit tách, tách ra các nang tóc siêu nhỏ, giữ nguyên các đặc tính của tóc tại vị trí đó bao gồm môi trường của nang tóc, các yếu tố tăng trưởng, kích thích nên chỉ cần tiêm 1 lần, tóc sẽ mọc trở lại mà không chịu tác động của hormone nữa.
Hiện tại, viện mới áp dụng công nghệ cấy tóc tự thân cho 2 trường hợp. Tóc sẽ mọc lên sau 1 tháng, bệnh nhân sẽ quay lại tái khám sau 3 tháng và 6 tháng để đánh giá.
Tuy nhiên hiện tại, việc lấy nang tóc mới chỉ được làm bằng tay nên vẫn có những tỉ lệ nhất định bị đứt ngang nang tóc. Đặc biệt, nếu bác sĩ không có kinh nghiệm, tách nang tóc không đúng, bỏ mất phần gốc của nang tóc thì khi cấy lên, tỉ lệ sống chỉ được 10-20%, nếu tốt có thể được 70-80% nhưng sau cấy một thời gian, tóc vẫn “chết”.
Sắp tới, khi có thêm máy lấy nang tóc, việc lấy nang và cấy tóc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Máy tự tính toán số lượng nang tóc vùng cần cấy, tự rà các nang tóc khoẻ mạnh, hướng đi của nang tóc để lấy theo hình mắt sàng rồi cấy luôn lên vùng hói, do đó bệnh nhân không lo để lại sẹo.
Dù vậy, để cấy tóc đạt hiệu quả, TS Hà cho biết, bác sĩ sẽ phải lựa bệnh nhân rất kĩ. Ngoài đánh giá tình trạng da đầu, xem có thiếu dinh dưỡng, thiếu sắt, các bệnh mãn tính, chế độ sinh hoạt, ảnh hưởng môi trường ngoài như thuốc lá, rượu, bác sĩ còn cần kiểm tra mật độ nang tóc trên da đầu, tính toán tỉ lệ tóc tơ. Nếu tóc tơ càng nhiều thì hiệu quả càng rõ. Vì vậy, kết quả điều trị cũng tuỳ thuộc vào từng trường hợp.
TS Hà cho biết, “hói đầu” ở nam giới là bệnh do nội tiết và thường mang yếu tố di truyền (chiếm 95%). Nguyên nhân do sự tăng nhạy cảm quá mức của các hormone sinh dục nam và alpha-reductase (một loại men) ở vùng da đầu phía trước cao hơn so với ở vùng da đầu phía sau.
Với một số người, hói đầu không phải là vấn đề nặng nề, nhưng với đa số, hói đầu lại ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe.
Hói đầu thường bắt đầu ở tuổi 30. Do vậy ngay khi có dấu hiệu rụng tóc nhiều, các quý ông cần can thiệp sớm như sử dụng các loại thuốc xịt, tiêm, để kích thích nang tóc phát triển trở lại. Tuy nhiên việc này cần kiên trì. Một số trường hợp tìm đến các thuốc ức chế nội tiết, tuy nhiên TS Hà khuyến cáo, các thuốc này muốn dùng cần phải được sự tư vấn cẩn trọng từ bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Hội nghị Da liễu miền Bắc năm 2019 với chủ đề “Cập nhật quản lý, điều trị các bệnh lý da và thẩm mỹ da”, cập nhật các kiến thức mới trong điều trị ung thư tế bào sắc tố; giải pháp mới cho các bệnh lý da mạn tính; cập nhật mới trong phương pháp điều trị bạch biến…
Hội nghị có trên 20 bài báo cáo với 2 chuyên đề chính là các bệnh lý da và thẩm mỹ da (laser thẩm mĩ, điều trị lão hoá da, nâng cơ, trẻ hoá da, tái tạo da bằng hoá chất…)
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet.vn
Cấy tóc nhân tạo: Hậu quả khó lường
Làm đẹp giờ đây không chỉ dành riêng cho nữ giới, mà nhiều nam giới cũng đua nhau đi làm đẹp để tự tin hơn trong giao tiếp.
Trong đó, trào lưu cấy tóc nhân tạo hay cấy tóc sinh học là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng rụng tóc, hói đầu hiện được nhiều nam giới lựa chọn. Thế nhưng, phương pháp làm đẹp này cũng ẩn chứa những hậu quả khó lường.
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu trung ương kiểm tra nang tóc trước khi điều trị cho bệnh nhân.
Nguy cơ dị ứng, nhiễm trùng...
Mới 32 tuổi, nhưng do bị hói đầu nên anh Nguyễn H.A (ở Hà Nội) nhìn già hơn rất nhiều so với tuổi. Bất lợi về vẻ bên ngoài khiến anh luôn mặc cảm, tự ti trong giao tiếp. Khi được một cơ sở thẩm mỹ giới thiệu về phương pháp cấy tóc nhân tạo với giá hơn 2USD/sợi sẽ mang lại một mái tóc dày mượt tự nhiên, anh H.A đã đồng ý. Sau khi cấy tóc, tổng số tiền anh H.A phải trả cho cơ sở thẩm mỹ lên tới hàng trăm triệu đồng.
Thế nhưng, mái tóc dày chưa thấy đâu, trên da đầu anh H.A đã xuất hiện hàng trăm ổ mủ, viêm nhiễm. Thậm chí, sợi tóc nhân tạo được cấy đã bị gãy mủn. Hậu quả, anh H.A. phải vào Bệnh viện Da liễu trung ương để điều trị.
Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, đây là một trong những trường hợp bệnh nhân bị biến chứng sau khi cấy tóc ở cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Toàn bộ vùng tóc được cấy của bệnh nhân đã bị phản ứng với dị vật là nang tóc nhân tạo mới, tạo thành ổ mủ áp xe quanh chân tóc. Thậm chí, các ổ mủ sau khi được điều trị cũng sẽ để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ...
Theo bác sĩ Vũ Thái Hà, nhu cầu điều trị hói đầu ở nam giới là rất lớn. Hiện tại, có hai loại cấy tóc: Cấy tóc tự thân và nhân tạo. Với cấy tóc tự thân, kỹ thuật viên sẽ lấy tóc ở vùng cho, thường là sau gáy nơi tóc khỏe, ít chịu tác động của hormone, sau đó cấy vào vùng nhận (vùng bị hói). Tuy nhiên, việc xử lý tóc vùng cho rất cẩn trọng, bởi nếu kỹ thuật viên thực hiện không khéo có thể khiến bệnh nhân bị sẹo giãn lớn trên đầu.
Còn với phương pháp cấy tóc nhân tạo, khi đưa tác nhân bên ngoài vào cơ thể sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đầu tiên là nguy cơ tóc cấy sẽ bị rụng, bị đào thải dần dần theo thời gian do tác động của việc gội, sấy, hóa chất, chứ không được vĩnh viễn. Mặt khác, khi tóc được cấy vào da đầu cũng như đưa dị nguyên vào cơ thể dễ dẫn đến tình trạng bị dị ứng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương lưu ý, có nhiều nguyên nhân gây tóc rụng, chủ yếu chia thành 2 loại: Rụng tóc không sẹo và rụng tóc có sẹo. Riêng với rụng tóc có sẹo thì da đầu mất đi hoàn toàn khả năng mọc tóc. Các nang lông lúc này đã bị phá hủy hoàn toàn, không một liệu pháp nào có thể chữa trị được. Còn với loại rụng tóc không sẹo, việc điều trị có thể mang lại hiệu quả, song cũng không đơn giản.
Thế nhưng, nhiều người vẫn tin vào những lời quảng cáo về các sản phẩm điều trị rụng tóc, hói đầu. Tại Bệnh viện Da liễu trung ương thường xuyên ghi nhận các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da đầu bị mẩn ngứa, bong tróc, chảy nước, mẩn đỏ... Nguyên nhân do viêm da tiếp xúc, dị ứng với thành phần dược liệu trong các sản phẩm điều trị rụng tóc, hói đầu.
Tránh tình trạng "tiền mất, tật mang"
Cấy tóc nhân tạo ẩn chứa những nguy cơ khó lường nếu không được thực hiện cẩn trọng.
Bác sĩ Vũ Thái Hà cho rằng, cấy tóc giải quyết tình trạng hói đầu, tóc rụng nhiều, tóc thưa là phương pháp rất phức tạp và yêu cầu độ tỉ mỉ, chính xác cao. Nếu không chọn đúng phương pháp cấy tóc tốt nhất và lựa chọn địa chỉ uy tín, an toàn, thì hậu quả sẽ khôn lường. Trong thực tế, các thẩm mỹ viện đang "làm thay" công việc của bác sĩ. Đó là thực trạng đáng báo động. Do đó, khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng hói đầu, rụng tóc cần tới các bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị riêng biệt.
Theo bác sĩ Trần Bá Thoại, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, để ngăn ngừa tình trạng hói đầu cần hạn chế những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Cụ thể, việc chải, gội đầu tuy đơn giản nhưng cần thực hiện đúng cách sẽ giúp kích thích da đầu, thúc đẩy tuần hoàn nuôi dưỡng làm tóc mọc nhanh hơn. Do đó, nên chải tóc ngược lên, không xuôi theo chiều rủ xuống của tóc. Sử dụng dầu gội phù hợp với loại tóc, nếu có dấu hiệu dị ứng phải dừng lại ngay. Không nên lạm dụng thuốc nhuộm, uốn, duỗi tóc vì những tác nhân lý hóa này dễ làm cho tóc giòn, gãy.
Ngoài ra, trong chế độ ăn uống hằng ngày cần bảo đảm uống đủ nước, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, các loại vitamin và nguyên tố vi lượng. Đặc biệt, hạn chế stress, giảm bỏ phiền muộn, có tâm lý thoải mái, tinh thần vui vẻ lạc quan, ngủ đủ giấc...
Liên quan đến các cơ sở thẩm mỹ, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, hiện đang có sự nhầm lẫn giữa các thẩm mỹ viện, spa làm đẹp và các bệnh viện, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Theo quy định, thẩm mỹ viện hay spa làm đẹp chỉ được phép chăm sóc bên ngoài da, chăm sóc da thư giãn, không được làm các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như: Cấy tóc, xăm mắt, xăm lông mày, cắt mí... Riêng đối với những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải thực hiện ở các bệnh viện và chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục cho phép. Do vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh "tiền mất tật mang".
Theo hanoimoi.com.vn
Những cách phẫu thuật thẩm mỹ chỉ nghe thôi đã thấy sợ rồi Đây đều là những phẫu thuật thẩm mỹ khắc phục nhược điểm nhưng rất đáng sợ đến bác sĩ cũng cảm thấy dè chừng. Cắt bỏ xương sườn Thân hình đồng hồ cát vốn là ước mơ của hầu hết phụ nữ. Ngoài việc chăm chỉ tập luyện để có vòng eo thắt đáy lưng ong, một số người đã chọn cách nhanh...