BMW là hãng xe đầu tiên sử dụng Android Automotive
Không chỉ có điện thoại hay máy tính bảng, từ năm sau hệ điều hành Android sẽ chạy trên xe BMW. Kể từ năm sau trở đi, khách hàng mua xe BMW sẽ có tuỳ chọn sử dụng hệ thống thông tin giải trí chạy trên nền hệ điều hành Android Automotive của Google.
BMW sẽ bắt đầu sử dụng hệ điều hành Android Automotive từ năm 2023. Ảnh: BMW
Ảnh hưởng của Google trong ngành xe hơi đang tiếp tục tăng lên khi BMW vừa công bố sẽ ứng dụng hệ điều hành Android Automotive cho một số loại xe trong tương lai.
Từ tháng 3.2023, công ty sẽ tích hợp Android Automotive vào hệ điều hành BMW 8 cho một số mẫu xe mới, tuy nhiên hãng vẫn tiếp tục duy trì phiên bản Linux hiện tại cho các mẫu xe khác.
Stephan Durach – Phó Chủ tịch Cấp cao của Công ty Kết nối và Hoạt động Kỹ thuật Phát triển của BMW – cho biết, họ muốn có một phương pháp tiếp cận công nghệ thứ hai.
“Chúng tôi đang tích hợp những khía cạnh tốt nhất của tất cả các lĩnh vực – đó có thể là sự phát triển nội bộ của chúng tôi, nguồn mở hoặc các sản phẩm phần mềm thương mại, tùy thuộc vào giải pháp cụ thể trông sẽ như thế nào” – Stephan Durach nói.
Stephan Durach cũng cho biết thêm, công ty muốn đảm bảo “khách hàng của chúng tôi luôn tận hưởng trải nghiệm kỹ thuật số độc đáo, tùy chỉnh trên xe của họ”.
Android Automotive là hệ điều hành dành cho ôtô, có thể tuỳ chỉnh quy mô để chạy trên các thiết bị và hệ thống thông tin giải trí trên ôtô.
Hệ thống này hoàn toàn khác với Android Auto – hệ thống kết nối từ điện thoại tới bảng điều khiển của Google giống như CarPlay của Apple.
Hệ điều hành mới cũng sẽ có khả năng cập nhật phần mềm qua mạng, một tính năng quan trọng cho phép công ty gần đây giao cho khách hàng những chiếc xe bị thiếu các tính năng như CarPlay do các vấn đề về chuỗi cung ứng.
BMW thường đi trước trong việc áp dụng các công nghệ kết nối mới. Đây là một trong những nhà sản xuất ôtô đầu tiên có kết nối không dây CarPlay của Apple và hãng cũng đã sớm tiếp cận phiên bản mới của Apple về tính năng thay thế chìa khoá xe bằng điện thoại cho phép người dùng khởi động xe mà không cần chìa khoá.
Tuy nhiên, BMW đã chậm trễ trong việc tích hợp Android Auto bởi phần lớn chủ sở hữu BMW là người dùng iPhone. Nhưng với Android Automotive, BMW sẽ tham gia cùng các nhà sản xuất ô tô khác như Polestar, Volvo, General Motors, Renault, Honda và một số loại xe Ford và Lincoln trong việc áp dụng AAOS.
Video đang HOT
Google cũng đang tìm cách đưa hệ điều hành Android Automotive vào thị trường sản xuất ôtô đại chúng.
VinFast VF e34 - tham vọng của kẻ khai phá
Giá bán 690 triệu kèm loạt trang bị hấp dẫn là cơ sở để VF e34 khai phá thị trường Việt, nơi xe điện còn là điều mới mẻ.
Từ bỏ thói quen vốn đã tồn tại sau nhiều năm với xe xăng, có thể nhanh với người này hoặc mất rất nhiều thời gian với người khác. Với VF e34, mẫu xe điện phổ thông đầu tiên của VinFast lẫn thị trường ôtô Việt Nam, bài toán đặt ra là làm thế nào để khách hàng quên đi xe xăng, dầu truyền thống, chấp nhận thứ mới mẻ với đa số: ôtô điện.
Vì sao VF e34 được chọn?
Tháng 10/2018, VinFast bước ra xưng tên trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu bằng bộ đôi Lux sedan, SUV tại một trong năm triển lãm lớn nhất thế giới Paris Motor Show. Ba năm sau, hãng trình làng VFe34, chiếc xe điện đầu tiên trong kế hoạch hướng đến tương lai và cũng khởi đầu cho tham vọng tiếp theo sau những thành công của Lux, Fadil. VFe34 sử dụng bộ pin lithium cho quãng đường di chuyển 285 km, công suất môtơ điện gắn ở cầu trước đạt công suất 147 mã lực, mô-men xoắn 242 Nm.
VF e34 tại khuôn viên nhà máy VinFast ở Hải Phòng.
Vì sao là VF e34, một mẫu mini SUV mà không phải một chiếc sedan hay SUV cỡ lớn nào khác. Chiến lược của VinFast được vạch ra theo từng giai đoạn. Để định hình một hãng xe với khả năng tạo ra những sản phẩm cao cấp, sang trọng, Lux A2.0 và SA 2.0 được lựa chọn. Để tạo ra độ phủ thương hiệu, liên tục ưu đãi bằng nhiều hình thức để chiếm thị phần, Fadil là cái tên nhận trọng trách.
Khi những bước đệm quan trọng đã phần nào thành hình, VinFast dấn thêm một bước đến lĩnh vực mà họ xem là cuộc chơi chính ở tương lai: xe điện. Khi đó, VF e34, một mẫu SUV cỡ nhỏ ra đời.
"Trong 1-2 năm tới, phân khúc mini SUV sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam", anh Đức Hiếu, cựu quản lý cấp cao từng kinh qua nhiều hãng xe Nhật, Đức bình luận. "Gầm cao, đa dụng, giá vừa phải, phù hợp với nhu cầu sở hữu ôtô ở thành thị, đặc biệt thời kỳ sau đại dịch Covid-19 là những thứ khiến phân khúc này sẽ có nhiều đất diễn".
Theo vị này, VinFast đã tính toán kỹ lưỡng cho "điểm rơi" của thị trường ôtô Việt Nam trong những năm tới. Fadil và hai dòng Lux đã làm tốt vai trò của mình khi mang đến cho VinFast ngôi thứ tư thị trường về doanh số, sau Toyota, Hyundai, Kia. VF e34 sẽ là quân bài mới của hãng khi xu hướng thị trường đang đưa đến cuộc cạnh tranh của nhóm xe gầm cao cỡ vừa và nhỏ.
Kia Sonet tại khuôn viên trụ sở của Trường Hải ở Quảng Nam. Ảnh: Thaco
Không phải ngẫu nhiên khi nhóm xe có số lượng tân binh nhiều nhất trong 2021 là mini SUV. Kia mang về Sonet khi đã có Seltos, Toyota sắp trình làng Raize dù 2020 mới phân phối Corolla Cross. Mazda sốt sắng khi giới thiệu bộ đôi CX-3, CX-30, lấp đầy dải sản phẩm xe gầm cao từ nhỏ đến lớn. Những cái tên khách hứa hẹn xuất hiện còn có Kia Sportage, Volkswagen T-cross.
Xét về kích thước tổng thể bên ngoài, VinFast VF e34 tương tự những mẫu CUV cỡ B truyền thống. Nhưng với đặc điểm không quá nhiều linh kiện cơ khí như xe xăng, pin đặt dưới sàn xe phẳng, tạo điều kiện để tối ưu không gian nội thất, nhiều công nghệ an toàn, VF e34 được hãng xe Việt định vị cạnh tranh những đối thủ ở phân khúc C.
Sự xuất hiện của VF e34 được xem là đúng sản phẩm cho thị trường cần, vậy còn thời điểm? Xe điện đã thực sự thuyết phục được khách hàng, những người đã quen với sử dụng động cơ xăng, dầu truyền thống?
Những thách thức cần giải quyết
Khái niệm xe điện vẫn còn lạ lẫm với phần lớn người Việt. Đây là trở ngại chính để biến những thích thú ban đầu thành quyết định xuống tiền, chốt cọc cụ thể. Trước VF e34, thị trường chỉ có mỗi mẫu xe sang Porsche Taycan là mẫu xe thuần điện kèm bộ sạc ngoài. Nhưng số lượng ít chỉ vài chiếc và giá đắt đỏ, Taycan không đủ định hình nên một thị trường xe điện đúng nghĩa tại Việt Nam.
Mẫu xe điện hạng sang Porsche Taycan ở TP HCM trên đường giao cho khách. Ảnh: Thành Nhạn
Những hãng xe khác chọn hướng tiếp cận thận trọng hơn. Đại diện một hãng xe Đức nói rằng, xe điện cần thêm thời gian để nở rộ tại Việt Nam. "Hạ tầng về trạm sạc, giao thông, chính sách ưu đãi từ nhà nước để khuyến khích, vận hành xe điện ở Việt Nam gần như bằng 0", vị này cho biết. "Các hãng vì thế sẽ triển khai từ từ, không thể một phát ăn ngay".
Ra mắt một mẫu xe điện không giống xe xăng, dầu. Hạ tầng trạm sạc phải là những thứ chuẩn bị trước để vận hành xe điện. VinFast giải bài toán này như thế nào?
Hãng xe Việt cho biết, có khoảng 10.000 cổng sạc đã được lắp đặt và sẵn sàng đi vào hoạt động tại 62 tỉnh, thành. Khách lăn tăn về pin và chi phí sử dụng, hãng đưa ra chính sách thuê pin 1,45 triệu đồng cho quãng di chuyển 1.400 km. Nếu đi quá mức trên, chi phí sẽ cộng thêm 998 đồng mỗi km. Hãng còn đưa ra mức bảo hành 10 năm, con số chưa từng có trên thị trường, tuy nhiên lại chưa nói rõ bảo hành hạng mục nào.
Một trạm sạc của VinFast tại Việt Nam.
VinFast tính toán mức tiêu hao năng lượng trung bình 15,52 kWh/100 km, theo giá điện sinh hoạt hiện nay 3.117 đồng/kWh. Giả sử chủ xe VF e34 đi khoảng 1.000 km mỗi tháng, tài xế mất khoảng 2 triệu tiền pin và sạc điện. Nếu so với một. xe crossover cỡ C, ví dụ CR-V có mức tiêu thụ 9 lít/100 km, giá xăng khoảng 22.000 đồng/lít thì số tiền xăng là khoảng 22.000 x 90 = 1.980.000 đồng.
Như vậy, có thể coi chi phí cho năng lượng của hai phương án di chuyển bằng xe xăng và điện là tương đồng. Điều còn lại là liệu khách có chấp nhận những bất tiện của xe điện như số lượng trạm sạc chưa phong phú, thời gian sạc còn hạn chế.
VinFast cung cấp loại trụ sạc DC 60 kW với khả năng sạc 10%-70% pin khoảng 30 phút. Trụ sạc siêu nhanh DC 250 kW cho phép xe đi được 180 km sau khoảng 18 phút sạc. Những loại sạc thấp cấp hơn tính bằng hàng giờ. Chưa kể việc sạc tại nhà bằng các bộ sạc cầm tay yêu cầu chủ xe có nhà để xe hoặc garage riêng.
Với những khách hàng thành thị sống ở nhà riêng nhưng thiếu không gian đỗ xe, việc tiếp pin dựa chủ yếu các trạm sạc công cộng. Ứng dụng quản lý xe kết nối với điện thoại thông minh là công cụ chính giúp chủ xe tìm trạm sạc. Trong khi đó với xe xăng, dầu, tiếp nhiên liệu chỉ mất vài phút và đi gần, đi xa đều không lo thiếu trạm sạc.
Vấn đề thói quen sử dụng của khách hàng cũng là thách thức cho VF e34. Ví như chị Thảo Vân (TP HCM), nói rằng xe điện có ưu điểm không phát thải, ít phải bảo dưỡng như xe xăng, dầu. "Bản thân tôi thích lái những chiếc xe xăng, cảm giác thật và cảm xúc hơn".
Ngoài những nhược điểm về hạ tầng, sạc pin cần thời gian để hoàn thiện, VF e34 có sức hấp dẫn lớn từ trang bị đi kèm. Định vị ở phân khúc C nhưng các công nghệ an toàn, hệ thống trợ lý ảo, kết nối, nâng cấp phần mềm trực tuyến của VF e34 vượt trội các mẫu xe cùng hạng trên thị trường.
Mức giá 690 của chạm vào các bản cao của dòng CUV hạng B như Kia Seltos (629-739 triệu đồng), Hyundai Kona (636-750 triệu đồng), và nối lên dòng hạng CUV C. Với cách định giá này và hàm lượng trang bị vượt trội các đối thủ, VinFast có cơ sở để kỳ vọng đạt được mức bán tốt với VF e34.
Chuẩn sạc của VF e34 là loại CCS2.
Một chuyên gia bán xe lâu năm tại TP HCM cho rằng, nếu hệ thống trạm sạc đạt độ phủ tốt, cộng hưởng với chính sách ưu đãi giá của VinFast đã áp dụng thành công hai năm qua, VF e34 có thể sẽ là một "Fadil thứ hai" về doanh số. Hơn nữa sạc pin của xe đạt tiêu chuẩn châu Âu CCS2 với cổng DC và Type 2 với cổng AC. Những loại này được nhiều hãng như BMW, Ford, Jaguar, GM, Polestar,
Volkswagen, Hyundai, Kia, mở ra cơ hội cho các hãng hợp tác, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. VinFast đi tiên phong tại Việt Nam nhưng để đạt độ phủ về trạm sạc rộng lớn, một mình VinFast là không đủ.
Đến nay, VinFast vẫn chưa công bố ngày cụ thể giao xe cho khách. Khoảng 25.000 đơn đặt hàng cho VFe34 sau ba tháng mở bán là con số đầy tích cực với một mẫu xe điện phổ thông vốn chưa có tiền lệ tại Việt Nam. VFe34 với bản lý lịch "đẹp trên giấy" sắp được kiểm chứng khi bước vào giai đoạn thực chiến trên đường. Còn người dùng khi đó sẽ có đáp án cho câu hỏi, mất bao lâu để thay đổi một thói quen?
BMW hoàn thành nhà máy ôtô điện tại Trung Quốc BMW khai trương nhà máy sản xuất xe điện tại Trung Quốc, khẳng định tham vọng dài hạn tại thị trường đầy hứa hẹn này. Nhà máy sản xuất mới được BMW Brilliance Automotive đặt tên Lydia, nằm tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, thuộc khu vực đông bắc của Trung Quốc. Với tổng mức đầu tư khoảng 2,24 tỷ USD,...