‘Black Hollywood: They’ve gotta have us’ & 8 cột mốc mang tính bước ngoặt của điện ảnh đen
Với bộ phim Black Panther lập kỷ lục doanh thu tiền vé của một bộ phim toàn diễn viên da đen và hai bộ phim Moonlight, Get out chinh phục nhiều giải Oscar, các nhà làm phim da đen và các diễn viên đen đương đại đã đạt được tầm cao mới so với các thế hệ đi trước. Để giới thiệu lại những cột mốc trong lịch sử điện ảnh “đen” (black cinema history), một bộ phim truyền hình gồm 3 phần có tựa Black Hollywood: They’ve gotta have us vừa được chiếu trên màn ảnh nhỏ trên truyền hình Anh đã nhắc lại 8 cá nhân cùng sự kiện trong quá khứ đã góp phần tạo nên thế hệ các điện ảnh đen của thời đại hôm nay.
1. Diễn viên da đen đầu tiên đoạt Oscar
Nữ diễn viên Hattie McDaniel được ngợi khen nồng nhiệt khi bà đóng vai bà vú Mammy của nhân vật nữ chính Scarlett O’Hara trong bộ phim kinh điển Gone with the wind (1939) đoạt nhiều giải Oscar. Giải vai nữ phụ xuất sắc nhất cũng giúp bà trở thành phụ nữ da mầu đầu tiên đoạt giải điện ảnh cao quý này. Khi lên nhận Oscar năm 1940, McDaniel cũng là người da đen duy nhất có mặt trong hội trường. Bà không đọc bài phát biểu được viết sẵn mà tự mình nói những lời xúc động: “Tôi thật lòng hy vọng mình sẽ trở thành bệ phóng để chủng tộc tôi tự tin đi vào kỹ nghệ điện ảnh. Trái tim tôi tràn ngập cảm xúc khi nói ra với các bạn mơ ước này”. Tuy nhiên, một số cộng đồng da đen như Tổ chức toàn quốc vì sự tiến bộ của người da mầu (National Association for the Advancement of Colored People (NAACP) đã chỉ trích bà đóng một vai làm… hạ thấp chủng tộc mình. Năm 1947, McDaniel đã bác bỏ chỉ trích trên bằng tuyên bố: “Tôi chỉ muốn nhắc cho khán giả biết về thân phận nô lệ của người da đen và công chúng không quá ngây thơ để không nhận ra ý đồ này như các nhà chỉ trích tưởng”.
Hattie McDaniel là người da đen đầu tiên đoạt giải Oscar với vai diễn trong Gone with the wind (1939)
2. Diễn viên da đen đầu tiên đóng vai chính trong một bộ phim tình cảm
Harry Belafonte là nam diễn viên da đen đầu tiên được giao vai nam chính có người yêu là một phụ nữ da trắng trong bộ phim Islands of the sun (1957). Nhưng ông phải tuân thủ quy định của luật Motion Picture Production Code (thường gọi là Hays Code), trong đó cấm quan hệ giường chiếu giữa hai chủng tộc đen và trắng. Tuy nhiên cũng có cảnh Belafonte hôn đồng diễn Joan Fontaine, cầm tay, khiêu vũ và những hành động yêu thương khác không cần đụng chạm cơ thể.
Harry Belafonte là diễn viên da đen đầu tiên đóng chính, yêu một phụ nữ da trắng trong phim Islands of the sun
Nụ hôn gây ấn tượng mạnh và được xem là cao trào của bộ phim. Năm 1954, Belafonte đóng vai nam chính cùng với nữ diễn viên Dorothy Dandridge trong bộ phim chuyển thể từ vở kịch opera Carmen Jones với dàn diễn viên toàn đen. “Dorothy và tôi rất thoải mái khi diễn những cảnh yêu đương trong phim, cái mà tôi không bao giờ dám làm trước đó nếu đóng với một diễn viên da trắng”. Đôi tình nhân cùng mầu da có sức hấp dẫn đặc biệt. Belafonte tin rằng các nhà sản xuất bộ phim này đã chịu áp lực rất lớn khi không có các diễn viên da trắng. “May mắn là khi phát hành khán giả đã đón nhận nó” – ông nhớ lại.
3. Khi diễn viên da đen trở thành “người đàn ông da đen quý tộc”
Khi phong trào đòi quyền công dân US Civil Rights lên cao trào tại Mỹ, nam diễn viên da màu Sidney Poitier đã nhanh chóng trở thành một trong những diễn viên nổi tiếng nhất thế giới. Vào thời điểm đó, không chỉ khán giả da đen mà cả khán giả da trắng và các quốc gia khác cũng thích Poitier. Họ chờ đón xem phim của diễn viên dễ mến này và gọi anh là ‘biểu tượng sự vùng lên của người da màu’. Thành công của các bộ phim có Poitier tham gia đã biến anh thành ‘người đàn ông da đen quí tộc’.
Video đang HOT
Sidney Poitier được gọi là người đàn ông da đen quý tộc và cũng từng chiến thắng giải Oscar
Poitier đoạt Oscar vai nam chính cho bộ phim Lilies of the field vào năm 1964. Ông là diễn viên da đen đầu tiên chiến thắng ở hạng mục này và là nam diễn viên da đen đầu tiên đoạt Oscar. Nhưng thành công của ngôi sao đầu tiên lọt vào thế giới quý tộc của người da trắng không phải là không có vấn đề. Nhiều người da đen bảo: tôi cần một người da đen đại diện cho giai cấp cùng khổ của tôi, cùng DNA với tôi chứ không phải người da đen thuộc giai cấp khác và được những người của giai cấp này tôn vinh!
4. Cuộc sống của người lao động đen lên phim
Bộ phim Claudine ra rạp năm 1974 là phim đầu tiên được viết, được dàn dựng chỉ dành cho một phụ nữ da đen, điều chưa từng có trước đây. Claudine là cơ hội độc nhất cho diễn viên da đen Diahann Carroll tự thể hiện mình và trở thành phụ nữ da đen thứ 4 được đề cử Oscar vai chính cho vai người mẹ đơn thân nuôi sáu đứa con dựa vào trợ cấp an sinh xã hội. Đây là lần đầu tiên cuộc sống của người lao động da đen được đưa lên phim cùng với những mối quan hệ của họ.
Claudine ra rạp năm 1974 là phim đầu tiên được viết, được dàn dựng chỉ dành cho một phụ nữ da đen
5. Eddie Murphy, một Sidney Poitier khác
Vào thập niên 1980, nam diễn viên da đen Eddie Murphy được xem là ‘người da đen quí tộc thế hệ sau Sidney Poitier’ với sự tự tin và tài năng hiếm có. Ông là diễn viên hài được yêu thích bởi mọi chủng tộc ở Mỹ. Nhưng sự thành công của Murphy lại là rào cản cho những diễn viên da đen khác như diễn viên Robert Townsend nói về bộ phim Hollywood shuffle do ông đạo diễn và đóng vai chính năm 1987: “Các hãng phim Hollywood thích chọn Murphy hơn các diễn viên da màu khác. Murphy luôn chiến thắng khi phải tranh vai với các đối thủ cùng màu da. Nếu bạn xem Hollywood shuffle, bạn sẽ thấy người phụ trách tuyển diễn viên chỉ chọn người giống Murphy trong 30 ứng viên”. Cùng năm đó, Murphy đã mời Townsend đạo diễn bộ phim Raw (1987) trong đó ông dành ra 90 phút nói về những sở thích của mình, từ sex đến phụ nữ. Raw trở thành một trong những bộ phim hài đen có doanh thu cao nhất mọi thời.
Eddie Murphy được xem là ‘người da đen quí tộc thế hệ sau Sidney Poitier’
6. Đưa âm nhạc đường phố hip hop vào điện ảnh
Do the right thing (1989) là ví dụ về cách làm phim độc đáo của đạo diễn da đen Spike Lee. Nghe âm nhạc qua những chiếc loa lớn ở rạp là trải nghiệm cực kỳ thú vị. Cách đưa âm nhạc hip-hop vào chuyển động và đối thoại của Lee là điều chưa từng có trước đó. “Khi Chuck D qua đời, Elvis Presley là anh hùng đối với nhiều người nhưng ông ấy không ấn tượng với tôi vì trong tôi là hàng triệu giọng nói của người da đen mà đại diện là hip hop” – Lee bộc bạch. Kết quả là âm nhạc đường phố và văn hóa đen thể hiện rất rõ trong các bộ phim của Lee.
Do the right thing của đạo diễn da đen Spike Lee lần đầu mang hip hop vào điện ảnh
7. Phim về nhân vật thần tượng đen
Nam diễn viên Denzel Washington đóng vai nhà đấu tranh cho quyền của người da đen nổi tiếng Malcolm X trong bộ phim cùng tên ra rạp năm 1992. Bộ phim này được xem là đột phá lớn cho các bộ phim khai thác các ‘thần tượng đen’. “Nhiều khán giả không biết Malcolm và có quá nhiều thông tin giả về ông cả trước và sau khi ông qua đời. Vì vậy, trọng trách của bộ phim là làm sao điều chỉnh cho đúng những suy nghĩ sai trái này về Malcolm X, một nhà hoạt động da đen chứ không phải tội phạm”, Denzel nhớ lại.
Nam diễn viên Denzel Washington đóng vai nhà đấu tranh cho quyền của người da đen – Malcolm X
8. Lịch sử nô lệ được tái hiện
Nữ diễn viên Debbie Allen không đóng vai nào trong bộ phim Amistad (1997), nhưng trong cương vị nhà sản xuất bà có vai trò lớn trong việc làm sống lại một câu chuyện có thật của cuộc giải phóng nô lệ thế kỷ 19 trên màn hình. Sau khi đọc được cuốn truyện Amistad vào năm 1978 bà khẳng định sẽ làm mọi cách để kể lại câu chuyện này cho khán giả. Bà đã thuyết phục bằng được Steven Spielberg đạo diễn bộ phim Amistad. “Ông ấy nói là đang gặp khó khi bị phê là người da trắng mà lại đạo diễn bộ phim đen The color purple. Nhưng tôi nắm lấy tay ông và hứa, tình hình bây giờ đã khác. Tôi luôn sát cánh bên ông và chúng ta là một đôi hoàn hảo để đưa câu chuyện cảm động này đến với công chúng” – Allen nói.
Amistad năm 1997 làm sống lại một câu chuyện có thật của cuộc giải phóng nô lệ thế kỷ 19
Theo thegioidienanh.vn
7 giải thưởng Oscar nên mở thêm để tăng sự hấp dẫn
Sau tranh cãi về việc mở giải Phim đại chúng xuất sắc của Oscar, tờ Indiewire chỉ ra bảy hạng mục mà Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ nên cân nhắc để trao tượng.
Phim đầu tay xuất sắc: Oscar 2018 mới chứng kiến Jordan Peele và Greta Gerwig cùng tranh giải Đạo diễn xuất sắc khi họ mới chỉ tung ra tác phẩm đầu tiên sự nghiệp trên cương vị đạo diễn là Get Out (2017) và Lady Bird (2017). Có lẽ những nỗ lực vượt trội như thế cần được tưởng thưởng hơn nữa bằng một cuộc đua riêng. Từ năm 2015, bản thân Hiệp hội Đạo diễn Mỹ (DGA) đã mở ra hạng mục Phim đầu tay xuất sắc cho các nhà làm phim.
Tuyển trạch diễn viên xuất sắc: Tuyển trạch diễn viên (casting director) là hiệp hội thứ 17 thuộc Viện hàn lâm, nhưng tới nay vẫn chưa có tượng vàng Oscar riêng. Nếu để ý phần credits mở đầu các bộ phim, đây cũng là vị trí duy nhất trong đoàn phim không có cơ hội tranh tài giống như đạo diễn, biên kịch, diễn viên, quay phim... Việc tôn vinh những người đã có công phát hiện ra gương mặt phù hợp cho một vai diễn nào đó hẳn là điều rất nên làm.
Dàn diễn viên xuất sắc: Đây là giải thưởng lớn nhất của Hiệp hội Diễn viên Mỹ (SAG), nhưng nó không tồn tại ở Oscar. Lấy ví dụ như bộ phim Moonlight (2016), cả ba diễn viên vào vai Chiron đều rất hay, nhưng từng cá nhân lại không đủ sức nặng để cạnh tranh ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc. Một hạng mục dành cho toàn bộ dàn diễn viên có thể giúp khắc phục vấn đề đó. Ngoài ra, mỗi diễn viên hoàn toàn có thể được nâng tầm nhờ đồng nghiệp trên trường quay, và Oscar cũng nên tính đến việc tôn vinh một bộ phim sở hữu dàn diễn viên xuất sắc đồng đều.
Diễn viên đột phá xuất sắc: Lucas Hedges ở Manchester by the Sea (2016) hay Timothée Chalamet ở Call Me by Your Name (2017) từng được giới phê bình ca tụng, giành đề cử Oscar, để rồi phải chịu thất bại trước những tên tuổi nhiều kinh nghiệm hơn. Nỗ lực đến từ các ngôi sao trẻ tuổi cần được công nhận và tôn vinh khi mà lượng đề cử diễn xuất thực tế vẫn còn hơi ít so với những màn trình diễn ấn tượng trên màn bạc hàng năm. Năm qua, nhiều người còn tỏ ra tiếc nuối cho Brooklyn Prince ở The Florida Project (2017) khi cô bé không thể chen chân vào cuộc đua với các "đàn chị" như Frances McDormand, Margot Robbie, Sally Hawkins...
Diễn viên lồng tiếng xuất sắc: Từng có ý kiến cho rằng Scarlett Johansson nên nhận một đề cử với Her (2013), dù trong phim cô chỉ là giọng nói của một hệ điều hành. Tài năng lồng tiếng đặc biệt được thể hiện qua các bộ phim hoạt hình, như Ellen DeGeneres ở Finding Nemo (2003), Jennifer Jason Leigh ở Anomalisa (2015), Amy Poehler ở Inside Out (2015)... Song, họ chắc chắn gần như "không có cửa" ở hạng mục Nam hoặc Nữ diễn viên chính xuất sắc. Oscar nên học theo giải thưởng Annie của dòng hoạt hình để tôn vinh những giọng nói tài năng và quyến rũ.
Điều phối đóng thế xuất sắc: Sau khi theo dõi Mission: Impossible - Fallout mới đây, đạo diễn nổi tiếng Edgar Wright ( Baby Driver) nói rằng bom tấn chính là lý do để Viện hàn lâm mở thêm hạng mục riêng cho các diễn viên đóng thế. Anh không phải là người đầu tiên lên tiếng về chuyện đó, và Hiệp hội Diễn viên Mỹ (SAG) thực tế đã mở hạng mục dành cho những cá nhân có đóng góp thầm lặng trên phim trường. Đây chắc chắn là hạng mục sẽ thu hút nhiều bom tấn giải trí khi chúng thường chứa đựng hàng loạt pha hành động mạo hiểm mãn nhãn.
Nhạc trong phim xuất sắc: Oscar có hai giải thưởng dành cho mảng âm nhạc: Nhạc nền xuất sắc và Ca khúc chủ đề trong phim xuất sắc. Chúng buộc phải là các sáng tác hoàn toàn mới mới có thể tranh tài. Vậy trường hợp người làm nhạc chọn lựa những giai điệu cũ, có sẵn, nhưng vẫn rất hiệu quả và ấn tượng thì sao? Khán giả có thể kể ra vô vàn trường hợp ấn tượng kiểu như vậy: Marie Antoinette (2006), Drive (2011), Inside Llewyn Davis (2013), hay các bộ phim của Quentin Tarantino... Đó là những bộ phim mà âm nhạc góp phần không hề nhỏ trong thành công chung.
Ngọc Nhi
Ảnh: Outnow, Indiewire
Theo Zing
10 phim kinh dị đáng xem trong mùa Halloween 10 bộ phim từ năm 2008 đến 2018 do Variety lựa chọn cho thấy dòng phim kinh dị phát triển đa dạng và nỗ lực mang đến những nỗi sợ mới cho khán giả. Thống kê được trình bày theo dạng đếm ngược. Variety thừa nhận, việc thiếu vắng một số phim kinh dị khá nổi, như It Follows (2015), sẽ gây tranh...