Bkav muốn cạnh tranh với Zoom
Đại diện Bkav cho biết muốn phát triển nền tảng họp trực tuyến eMeeting của mình cạnh tranh với những nền tảng tầm thế giới, như Zoom.
“Chúng tôi luôn chọn đối thủ là những sản phẩm, nhà sản xuất hàng đầu trên thế giới. Cạnh tranh với những đối thủ mạnh nhất thì sản phẩm mới tốt được. Zoom là một trong những đối thủ chúng tôi hướng tới”, ông Vũ Ngọc Sơn, phó Chủ tịch Bkav chia sẻ tại buổi giới thiệu nền tảng họp trực tuyến eMeeting mới đây.
Trong năm 2020, khi nhiều trường học, công ty chuyển sang học và họp trực tuyến, ứng dụng Zoom liên tiếp trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất tại Việt Nam và trên thế giới. eMeeting cũng hỗ trợ nhiều trường học, bệnh viện, tổ chức hành chính tại Việt Nam trong thời kỳ Covid-19. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, eMeeting được các đại biểu sử dụng để họp từ xa.
Khi được thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đặt câu hỏi về việc liệu eMeeting có ý định cạnh tranh với Zoom hay không, đại diện Bkav khẳng định muốn cạnh tranh không chỉ với Zoom, mà còn với các nền tảng họp trực tuyến khác nữa. Theo ông Sơn, các sản phẩm của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực có thể khó cạnh tranh với các sản phẩm hàng đầu thế giới, nhưng “về sản phẩm công nghệ thì chúng tôi sẵn sàng”.
Video đang HOT
Ông Vũ Ngọc Sơn, phó Chủ tịch Bkav chia sẻ về eMeeting.
Trong chia sẻ của phó chủ tịch Bkav, eMeeting là nền tảng họp trực tuyến “tất cả trong một”, với các tính năng như nhắc lịch, chia sẻ tài liệu, chia sẻ màn hình, biểu quyết, điều hành cuộc họp. Người dùng cũng có thể tách nền và đổi phông nền hiển thị trong cuộc họp. Với chế độ họp hội nghị, người quản trị có thể tùy biến vị trí các điểm cầu, xoay vòng điểm cầu theo kịch bản hội nghị, hiển thị chữ chạy ở chân trang.
Về công nghệ, eMeeting được tối ưu hiệu năng nhờ thuật toán nén dữ liệu, giúp tiết kiệm băng thông, họp tốt cả khi mạng yếu và hỗ trợ được 200 điểm cầu cùng lúc.
Đại diện Bkav cũng cho rằng, lợi thế của ứng dụng Việt là các cơ quan tổ chức có thể đưa ra yêu cầu tùy biến sản phẩm để phù hợp với nhu cầu sử dụng, trong khi yêu cầu này sẽ khó thực hiện với các ứng dụng quốc tế.
Ngoài ra, ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng các ứng dụng quốc tế như Zoom thường tập trung vào phát triển thêm tính năng, còn Bkav có lợi thế về bảo mật đã áp dụng vào eMeeting. Nền tảng họp trực tuyến của Việt Nam được thiết kế với hệ thống bảo vệ lên tới 9 lớp. “Nhờ đó, người dùng và các cơ quan tổ chức có thể hạn chế vấn đề mất an ninh khi họp trực tuyến, như bị lộ nội dung cuộc họp hay có người lạ xâm nhập phòng họp như một số giải pháp nước ngoài đã gặp phải”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận một số khó khăn của nền tảng Việt khi cạnh tranh với các nền tảng quốc tế, đặc biệt là vấn đề đầu tư hạ tầng và quảng bá.
“Zoom có lượng khách hàng đông, triển khai trên toàn cầu. Điều này cho phép họ có thể đầu tư thiết bị hạ tầng, như máy chủ, đường truyền, và bù đắp chi phí khi bán cho khách hàng. Trong khi tại Việt Nam, nhu cầu hiện tại không cao như thời điểm năm 2020, nên việc đầu tư có thể sẽ hạn chế hơn”, ông Sơn nói. Giải pháp eMeeting hiện tập trung vào các cơ quan, doanh nghiệp khi nhu cầu chuyển đổi số tại Việt Nam tăng cao. Với người dùng cá nhân, ứng dụng eMeeting hiện vẫn có thể sử dụng miễn phí với các tính năng cơ bản.
Theo thống kê của Bkav, ứng dụng eMeeting trên iOS và Android hiện có trên 1,5 triệu lượt tải, 12 nghìn tài khoản, chưa tính những người dùng không đăng ký. Trong năm 2020, nền tảng này được triển khai tại 14 trường học trên 5 tỉnh thành, với hàng triệu lượt học trực tuyến.
Nhà lập pháp Nga muốn cấm Zoom
Nhà lập pháp Nga xem đây là biện pháp đối xứng nếu Zoom ngừng bán đăng ký mới cho các cơ quan và tổ chức nhà nước của Nga.
Theo Reuters, một nhà lập pháp từ đảng cầm quyền của Nga hôm 7.4 đã đưa ra ý tưởng cấm Zoom sau khi công ty phần mềm video trực tuyến được cho là đã yêu cầu nhà phân phối của mình ngừng bán thuê bao đăng ký cho các tổ chức nhà nước của Nga.
Cụ thể hơn, nhật báo Kommersant của Nga trích dẫn nội dung lá thư từ đại diện của Zoom trong khu vực ngày 31.3 cho biết, Zoom đã cấm các nhà phân phối bán quyền truy cập vào dịch vụ của công ty cho các công ty và tổ chức nhà nước của Nga.
"Nga không phải là nước ủng hộ các biện pháp trừng phạt, nhưng nếu Zoom đưa ra quyết định như vậy thì việc chặn dịch vụ của Zoom trên lãnh thổ quốc gia có thể là một biện pháp đối xứng, có qua có lại", hãng tin RIA dẫn lời nhà lập pháp Alexander Bashkin từ đảng Nước Nga thống nhất nói tại thượng viện.
Tuy nhiên, về phần mình Zoom cho biết họ vẫn cam kết phục vụ khách hàng ở Nga và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập. "Chúng tôi đang trong quá trình phát triển phương pháp tiếp cận trong khu vực. Trong thời gian chờ đợi, khách hàng mới và hiện tại trong khu vực công cũng như khu vực tư có thể tìm cách mua tài khoản Zoom trực tiếp thông qua trang web của chúng tôi", đại diện Zoom nói.
Mẫu thuẫn trên diễn ra khi mối đe dọa về các lệnh trừng phạt của Mỹ đang treo trên Nga vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu của Mỹ và tấn công mạng, điều mà Nga không thừa nhận. Ngoài ra, sự việc cũng xảy đến khi Nga đang nhắm mục tiêu vào các công ty internet nước ngoài vì không xóa những nội dung bị cấm.
Điện Kremlin cho biết họ đã sử dụng Zoom cho một số cuộc gọi video quốc tế trong thời gian qua. "Nhìn chung chúng tôi bày tỏ sự tiếc nuối và bối rối về nguyên nhân các cơ sở giáo dục đại học và cơ quan nhà nước Nga đang bị tước đi cơ hội gia hạn hợp đồng hiện có và đăng ký hợp đồng mới", Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên, nhưng không đề cập trực tiếp đến khả năng sẽ cấm Zoom.
Nền tảng họp trực tuyến Việt thất thế trên sân nhà, vì đâu nên nỗi? Ra đời ngay khi xã hội phát sinh nhu cầu nhưng các phần mềm họp online của Việt Nam vẫn chưa thể cạnh tranh được với các phần mềm ngoại ngay trên chính sân nhà. Học trực tuyến đã bước sang năm thứ hai mùa Covid-19, mặc dù đã quen với các thao tác trên phần mềm họp trực tuyến, các em học...