Bitcoin nâng cấp lớn sau 4 năm
Taproot, bản nâng cấp lớn nhất trong 4 năm của Bitcoin, được kích hoạt ngày 14/11, trong đó ưu tiên tính riêng tư và hiệu quả của các giao dịch.
“Taproot rất quan trọng vì mở ra nhiều cơ hội cho doanh nhân và doanh nghiệp quan tâm đến việc mở rộng tiện ích của Bitcoin”, Alyse Killeen, người sáng lập công ty chuyên nghiên cứu khai thác tiền số Stillmark, nói với CNBC.
Không như bản nâng cấp SegWit năm 2017 được ví như “cuộc nội chiến cuối cùng” vì gây tranh cãi và chia rẽ nội bộ thợ đào, Taproot nhận được sự đồng thuận hơn 90%. Hồi tháng 6, Taproot được 1.815 trên 2.016 khối tín hiệu đồng ý. Các khối là đại diện cho công suất của các nhà máy Bitcoin có chỉ số năng lực khai thác hashrate thuộc nhóm lớn nhất trên thế giới.
“Taproot được ủng hộ gần như toàn cầu, một phần vì những điều chỉnh này liên quan đến cải tiến về tốc độ giao dịch và quyền riêng tư”, Ambcrypto bình luận. “Đó là sự đồng thuận hiếm hoi”.
Thay đổi lớn nhất
Bản cập nhật Taproot thay đổi liên quan đến ba vấn đề: Tối ưu hóa, Quyền riêng tư và Hợp đồng thông minh.
Trong đó, chữ ký số được tối ưu hóa trong giao dịch Bitcoin. Hiện mạng Bitcoin sử dụng thứ gọi là thuật toán chữ ký số dạng đường cong Elliptic, gọi tắt là Chữ ký Elliptic, cho phép tạo ra chữ ký số từ khóa riêng tư dùng kiểm soát ví Bitcoin và đảm bảo số Bitcoin trong đó chỉ có chủ sở hữu hợp pháp mới có thể sử dụng.
“Taproot sẽ thêm một thứ được gọi là Chữ ký Schnorr, về cơ bản làm cho các giao dịch đa chữ ký không thể đọc được”, thợ đào Bitcoin Alejandro De La Torre nói với CNBC.
Video đang HOT
Mô tả chữ ký số khi thực hiện giao dịch Bitcoin thông thường (trái) và bằng chữ ký số Schnorr (phải).
Theo Torre, hệ thống Chữ ký Schnorr không nâng cao tính ẩn danh cho các địa chỉ ví Bitcoin cá nhân trên blockchain công khai. Tuy nhiên, nó “giúp các giao dịch đơn giản gần như không thể phân biệt được với các giao dịch phức tạp”, bao gồm các giao dịch nhiều chữ ký.
“Về cơ bản, quyền riêng tư trong các giao dịch sẽ được nâng cấp, vì các khóa của bạn sẽ không bị lộ”, Brandon Arvanaghi, chuyên gia điều hành mạng khai thác Bitcoin có tên Meow, nói với AzCoin. “Khả năng ẩn danh của người dùng sẽ cao hơn, tốt hơn trong thị trường tiền mã hoá”.
Nhờ Taproot, việc giao dịch cùng thời điểm cũng dễ dàng hơn do khả năng tổng hợp các khóa và chữ ký công khai. Chẳng hạn, nếu một sàn gửi 500 giao dịch đồng thời cho 500 người, họ có thể nén tất cả 500 khóa công khai thành một và 500 chữ ký số thành một.
Hợp đồng thông minh
Chữ ký bổ sung mới trên mạng Bitcoin cũng là công cụ giúp thay đổi trong các hợp đồng thông minh – những thoả thuận giữa hai đối tác dựa trên blockchain. Về mặt lý thuyết, hợp đồng thông minh có thể được dùng cho bất kỳ loại giao dịch nào. Taproot giúp các giao dịch trở nên rẻ hơn và nhỏ hơn nếu xét về không gian chiếm trên blockchain.
Theo nhà phát triển Bitcoin nổi tiếng Hampus Sjberg, để làm được điều này, hệ thống cần đến Cây cú pháp trừu tượng Merkelized (MAST). “MAST có thể giúp các hợp đồng thông minh trở nên hiệu quả bằng cách chỉ đề cập các phần có liên quan của hợp đồng khi chi tiêu”, Sjberg giải thích trên Twitter.
Hiện các hợp đồng thông minh có thể được tạo cả trên lớp giao thức cốt lõi của Bitcoin và trên Lightning Network – nền tảng thanh toán cho phép thực hiện các giao dịch tức thì. Hợp đồng thông minh được thực hiện trên Lightning Network thường giúp giao dịch nhanh và ít tốn kém hơn.
Theo Sjberg, việc bổ sung Taproot bên cạnh Lightning Network là điều quan trọng đối với tuổi thọ của mạng Bitcoin, giúp các node mạng không còn đặt quá nhiều gánh nặng cũng như khối lượng thanh toán cao hơn so với trước.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng khi ngày càng nhiều lập trình viên xây dựng các hợp đồng thông minh trên blockchain của Bitcoin, mạng này có thể thành thế lực mới trong thế giới DeFi (tài chính phi tập trung). Hiện Ethereum thống trị với tư cách là blockchain được lựa chọn cho các ứng dụng phi tập trung này, còn gọi là “dApp”.
Sau thông báo về Taproot, giới khai thác tiền số và các nhà phát triển hưởng ứng khá tích cực. Một số kỳ vọng giá Bitcoin tiếp tục tăng mạnh như năm 2017. Cách đây 4 năm, Bitcoin tăng từ 4.000 USD lên 20.000 USD mỗi đồng sau khi nâng cấp SegWit. Hiện giá Bitcoin ở mức 64.000 USD.
Tiêu thụ năng lượng tăng vọt khi Bitcoin lập đỉnh
Tiêu thụ năng lượng của mạng lưới Bitcoin tăng mạnh khi giá tiền số này vượt 66.000 USD, giữa lúc lãnh đạo thế giới tìm cách ứng phó biến đổi khí hậu.
Giá đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới đạt 66.700 USD cuối tháng 10, phá kỷ lục lập ra vào giữa tháng 4 năm nay. Đà tăng của Bitcoin cũng giúp Ether, tiền mã hoá lớn thứ hai, tăng lên hơn 4.054 USD một đồng.
Điều này cũng kéo theo nhiều người chạy đua khai thác tiền số, khiến mức tiêu thụ năng lượng của toàn mạng lưới tăng cao. Năng lực khai thác (hashrate) của Bitcoin được đẩy nhanh và nhiều khả năng sẽ lập đỉnh mới, cùng với đó là mức tiêu thụ năng lượng kỷ lục, theo dữ liệu từ Đại học Cambrigde của Anh.
Một hệ thống khai thác Bitcoin tại New York, Mỹ.
Hệ thống Bitcoin sử dụng lượng điện tương đương cả nước Hà Lan, một thực tế khó chịu giữa lúc các lãnh đạo thế giới tham gia hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland.
Đào Bitcoin
Bitcoin và Ethereum đang vận hành theo phương thức bằng chứng công việc (PoW), trong đó thợ đào sử dụng máy tính để giải các bài toán phức tạp nhằm xác thực giao dịch và được nhận phần thưởng là đồng tiền mới. Phương thức này đòi hỏi hệ thống máy tính cấu hình cao hoặc thiết bị chuyên dụng, vốn tiêu tốn điện năng.
Giá Bitcoin càng cao, hoạt động đào càng hấp dẫn. Doanh thu của giới thợ đào Bitcoin trong tháng 10 tăng vọt lên 1,72 tỷ USD, gần bằng đỉnh 1,75 tỷ USD lập hồi tháng 3.
"Hashrate và tiêu thụ năng lượng sẽ sớm đạt đỉnh mới với mức giá Bitcoin hiện nay, khi ngày càng nhiều người tham gia đào", Alex de Vries, người sáng lập công ty dịch vụ dữ liệu năng lượng Bitcoin Digiconomist, cho hay.
Ngoài sử dụng lượng điện khổng lồ, quá trình đào tiền mã hóa cũng tạo ra nhiều chất thải điện tử, trong bối cảnh giới thợ mỏ liên tục thay máy móc cũ bằng sản phẩm mới có hiệu suất cao hơn. Báo cáo của Digiconomist cho thấy một giao dịch Bitcoin có thể tạo ra lượng chất thải bằng vứt bỏ hai điện thoại iPhone.
Tranh cãi nảy lửa
Mức tiêu thụ năng lượng tăng không đồng nghĩa với phát thải carbon cũng tăng theo, nhất là khi nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành khai thác Bitcoin đang tìm cách chuyển dịch sang nguồn năng lượng tái tạo và thành lập Hội đồng Khai thác Bitcoin (BMC) để thúc đẩy hoạt động đào tiền mã hóa xanh hơn.
Đồng tiền mô phỏng Bitcoin.
Dữ liệu năm 2020 của Đại học Cambridge ước tính, khoảng 40% hoạt động khai thác Bitcoin dùng nguồn năng lượng xanh. BMC tháng trước cho biết tỷ lệ này hiện đã tăng lên 58%, biến đào Bitcoin trở thành một trong những ngành công nghiệp xanh nhất thế giới, dù nhiều người vẫn chỉ trích và cho rằng năng lượng đổ vào đào tiền mã hóa có thể được sử dụng ở những nơi khác.
Đợt trấn áp khai thác tiền số ở Trung Quốc hồi giữa năm cũng thúc đẩy Bitcoin trở nên xanh hơn. Phần lớn hoạt động khai thác ở nước này dựa vào nguồn nhiệt điện than đá, nhưng lệnh cấm của chính quyền buộc nhiều thợ đào chuyển sang Mỹ, nơi năng lượng tái tạo là nguồn cấp điện rẻ nhất.
Các nỗ lực thúc đẩy bảo vệ môi trường trong ngành tài chính cũng tạo nên sự khác biệt, khi các nền tảng ít tiêu thụ năng lượng sẽ thu hút nhiều khoản đầu tư từ những tên tuổi lớn.
Ethereum đang chuẩn bị cho đợt nâng cấp đầy tham vọng là Ethereum 2.0, trong đó mạng lưới sẽ chuyển sang phương thức bằng chứng cổ phần (PoS), dựa vào những người đã nắm giữ tiền mã hóa để xử lý giao dịch mới. Phương thức này không đòi hỏi hệ thống máy tính tiêu tốn điện, thân thiện với môi trường hơn PoW hiện nay.
Trung Quốc dự định xếp đào tiền số là ngành tiêu cực Giới chức Trung Quốc lên kế hoạch đưa khai thác tiền số vào danh sách các ngành công nghiệp bị cấm với nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc ngày 8/10 công bố dự thảo danh sách 117 "ngành công nghiệp tiêu cực" - bị hạn chế hoặc cấm đầu tư,...