Bitcoin lao dốc mạnh khi thị trường lo ngại về diễn biến đại dịch COVID-19
Đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới bitcoin đã kết thúc một tuần giao dịch đầy biến động với mức giảm gần 8% trong phiên 26/11, sau khi việc phát hiện ra một biến thể virus SAS-CoV-2 mới gây dịch COVID-19 có khả năng kháng vaccine đã khiến giới đầu tư bán phá giá loại tài sản này.
Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN
Phiên 26/11, đồng bitcoin đã có lúc trượt tới 9,2% xuống 53.551 USD/bitcoin – thấp nhất kể từ ngày 10/10. Thị trường sau đó đã phục hồi một phần, giúp thu hẹp đà giảm xuống dưới 8% và bitcoin khép lại phiên thứ Sáu ở mức 54.365 USD/bitcoin theo số liệu từ Coindesk.
Đồng tiền điện tử này đã giảm hơn 1/5 kể từ khi đạt mức cao kỷ lục gần 70.000 USD đổi 1 bitcoin vào đầu tháng này.
Các nhà khoa học cho biết biến thể mới có tên Omicron được phát hiện ở Nam Phi, Botswana (Bốt-xoa-na) và Hong Kong (Trung Quốc) có sự kết hợp bất thường của các đột biến. Điều đó giúp biến thể này có thể “né tránh” các phản ứng miễn dịch hoặc khiến virus dễ lây lan hơn.
Video đang HOT
Chuyên gia Yuya Hasegawa tại sàn giao dịch Bitbank có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản cho biết nếu biến thể này lan rộng, đặc biệt là sang các quốc gia khác, diễn biến đó có thể làm suy yếu nhu cầu về tiền điện tử của nhà đầu tư hơn nữa. Nếu kịch bản này xảy ra, đà tăng giá của bitcoin sẽ bị hạn chế, thậm chí thị trường cần chuẩn bị cho giai đoạn giảm sâu thêm nữa.
Sau những phiên giao dịch đầy biến động mạnh, bitcoin đã mất 4% tính chung trên cả tuần. Trong ngày đầu tuần 22/11, giá bitcoin đã tăng từ khoảng 57.000 USD đổi 1 bitcoin lên đến 59.000 USD, nhưng rồi lại giảm xuống dưới ngưỡng 56.000 USD trong cùng phiên. Từ đó, giá đồng tiền điện tử này bắt đầu củng cố và đi lên. Trước diễn biến ngày 26/11, bitcoin có vẻ đã sẵn sàng tấn công ngưỡng 60.000 USD/bitcoin một lần nữa vào thứ Năm 25/11.
Tuy nhiên, bitcoin đã rơi thẳng từ trên ngưỡng 59.000 USD xuống dưới 54.000 USD vào thứ Sáu. Dù giá đồng tiền này đã khép lại tuần giao dịch ở trên mức thấp đó, nhưng sự bất ổn vẫn tồn tại khi thị trường lo lắng về diễn biến mới của đại dịch COVID-19.
Nếu biến thể Omicron khiến dịch bệnh tiếp tục kéo dài và dẫn đến các lệnh phong tỏa mới, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ càng trầm trọng và đẩy lạm phát lên cao hơn. Đây vốn là một điều tích cực đối với bitcoin, vì nhiều nhà đầu tư coi đồng tiền điện tử này như một kênh lưu trữ tài sản giá trị. Theo ngân hàng JPMorgan, đợt tăng hồi tháng 10 của bitcoin chủ yếu do kỳ vọng lạm phát tăng đột biến khiến sức hấp dẫn như một “hàng rào” phòng lạm phát của đồng tiền điện tử này lên cao.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã ở mức cao nhất trong ba thập kỷ. Chỉ số này nếu tăng thêm có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưu tiên kiểm soát lạm phát hơn thúc đẩy tăng trưởng, bằng cách tăng cường thu hẹp các biện pháp kích thích nhanh hơn. Điều đó có thể dẫn đến giảm phát giá các loại tài sản, bao gồm bitcoin.
Nhật Bản, Sri Lanka kiểm soát người từ một số quốc gia miền Nam châu Phi
Ngày 27/11, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này sẽ siết chặt kiểm soát biên giới đối với hành khách đến từ các quốc gia miền Nam châu Phi như Mozambique, Malawi và Zambia, yêu cầu mọi hành khách nhập cảnh phải thực hiện cách ly 10 ngày.
Hành khách tại sân bay Haneda ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Quyết định trên được đưa ra sau khi có thông tin về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 phát hiện đầu tiên ở Nam Phi có số lượng đột biến rất cao.
Cụ thể, quy định mới sẽ có hiệu lực từ 22h cùng ngày và được đưa ra một ngày sau khi Nhật Bản ban hành lệnh hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Nam Phi, Botswana, Eswatini, Zimbabwe, Namibia và Lesotho. Những người đến từ 6 quốc gia này buộc phải cách ly 10 ngày tại cơ sở do chính phủ chỉ định khi nhập cảnh vào Nhật Bản.
Cùng ngày, Sri Lanka thông báo cấm nhập cảnh đối với những người đến từ 6 quốc gia miền Nam châu Phi nhập cảnh, gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho và Eswatini, do lo ngại biến thể Omicron. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 29/11. Ngoài ra, những du khách đến từ 6 nước này trong hai ngày qua sẽ phải thực hiện cách ly bắt buộc 14 ngày.
Ngày 24/11, Nam Phi đã lần đầu tiên báo cáo lên Tổ chức y tế thế giới (WHO) về sự xuất hiện của biến thể Omicron và đến nay Botswana, Bỉ, Israel và Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận một số trường hợp mắc biến thể này.
Thái Lan, Oman cấm nhập cảnh người đến từ nhiều nước châu Phi Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan sẽ cấm nhập cảnh đối với những người đến từ 8 quốc gia châu Phi mà nước này đưa vào danh sách có nguy cơ cao do biến thể Omicron, tương tự như danh sách mà Mỹ vừa công bố lệnh cấm. Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi...