Bịt kẽ hở pháp lý, đẩy lùi buôn lậu ở vùng biên Lạng Sơn
Thời gian qua, các “đầu nậu”, “mắt xích” tham gia đánh hàng lậu qua biên giới đã sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, nhất là lợi dụng một số kẽ hở pháp lý để “né”, gây khó khăn cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm khắc phục những tồn tại, qua đó đẩy lùi số vụ vi phạm.
Ngàn lẻ quái chiêu “né” luật
Thực tế cho thấy, hàng lậu lén lút tuồn từ biên giới vào nội địa đã khiến thị trường tiêu dùng trong nước theo đó bị lũng đoạn. Tại vùng biên Lạng Sơn – nơi tiềm ẩn các điểm “ nóng” về tội phạm buôn lậu, thời gian qua, lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý các vi phạm. Nhưng, theo Trung tá Ngô Tuấn Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an tỉnh Lạng Sơn, mặc dù tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán vận chuyển gia cầm nhập lậu trên địa bàn tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2015, nhưng hiện vẫn tiềm ẩn phức tạp.
Các đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó lại cơ quan chức năng như: cắt cử “chim lợn” làm nhiệm vụ cảnh giới, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các đơn vị nghiệp vụ; thường xuyên thay đổi thời gian và địa bàn hoạt động; lợi dụng thời gian giao ca của các đơn vị chức năng, thời điểm đêm tối để vận chuyển hàng qua hệ thống đường mòn trên tuyến biên giới.
Pháo lậu bị Công an huyện Văn Lãng phát hiện, tạm giữ.
Đáng lưu ý, khi bị lực lượng chức năng ra quân xử lý quyết liệt, các đối tượng buôn lậu liền tìm cách vận chuyển hàng theo hệ thống đường vòng, đường tránh giáp biên khác. Trung tá Ngô Tuấn Cường dẫn chứng, nếu như các điểm thuộc đường mòn Gốc Bưởi, đường mòn 386 (xã Tân Mỹ – Văn Lãng); Khe Thớt, Cột Cờ, Thác Nước (Đồng Đăng – Cao Lộc) bị “đánh mạnh” thì các đối tượng liền chuyển hướng sang cung đường 474 (Tân Mỹ) hoặc một số đường mòn khác về thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, hay một số lối mở ở địa bàn huyện Lộc Bình.
Đúng như chia sẻ của đồng chí Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, 16h30 ngày 14-12 khi ghi nhận thực tế trên QL4A, đoạn tiếp giáp với lối dẫn vào đường mòn gốc Bưởi, Thác Ném (xã Tân Mỹ), chúng tôi chứng kiến hình ảnh một số đối tượng “chim lợn” làm nhiệm vụ cảnh giới, mắt dõi chặt theo di biến của Tổ công tác Công an huyện Văn Lãng và Trạm Kiểm soát Biên phòng Cốc Nam (Đồn Biên phòng Tân Thanh) đang tuần tra, đảm bảo ANTT ở đây. Thấy Tổ công tác vẫn bám trụ tại các vị trí, nên một số “cửu vạn” khoác trên lưng tấm nệm (phục vụ cho việc vác hàng qua đường biên) thở dài, và thẫn thờ ra về.
Qua thâm nhập thực tế, chúng tôi còn được hay, để hạn chế những “rủi ro” trong quá trình đánh hàng lậu vào nội địa, các “đầu nậu” gom hàng đã chia nhỏ lượng hàng hóa, thuê “cửu vạn” vác qua đường mòn biên giới. Sau khi vác hàng xuống gần khu vực một số nhà dân sinh sống, số “đầu nậu” này sẽ thuê “phi đội bay” dùng xe mô tô có gắn giá chở hàng, xe ôtô khách…vận chuyển vào nội địa.
Cùng với đó, các đối tượng “chim lợn” được trang bị bộ đàm trước đó sẽ chốt chặn tại các vị trí mà lực lượng chức năng có thể xuất hiện kiểm tra, xử lý để cảnh giới, cấp báo kịp thời cho “cửu vạn”, “phi đội bay” tẩu tán hàng.
Tung hỏa mù, hợp thức hóa hàng lậu
Là người nhiều năm gắn liền với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện vùng biên Văn Lãng nên Đại tá Dương Công Mạnh, Trưởng Công an huyện Văn Lãng khá hiểu thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu.
Một “cửu vạn” ra về khi thấy Tổ công tác Công an huyện Văn Lãng và Trạm Kiểm soát Biên phòng Cốc Nam tuần tra.
Video đang HOT
Đại tá Dương Công Mạnh cho hay, chỉ tính từ đầu năm 2016 tới nay, Công an huyện đã bắt giữ và xử lý 32 vụ buôn lậu, thu giữ hàng hóa với tổng trị giá lên đến 1,8 tỷ đồng. Trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này thấy nổi lên tình trạng, một số “đầu nậu” đã lợi dụng những kẽ hở pháp lý hiện hành để hợp thức hóa hàng lậu bằng hình thức viết hóa đơn khống, lưu thông hàng hóa, khiến công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.
Đồng quan điểm trên, Trung tá Ngô Tuấn Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an tỉnh Lạng Sơn cũng cho rằng, khi hàng lậu đã “tuồn” được vào nội địa, nhiều “đầu nậu” đã lợi dụng các quy định chưa chặt chẽ của Thông tư liên tịch số 64 của Bộ Tài chính – Bộ Công thương – Bộ Công an và Bộ Quốc phòng năm 2015 về quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để viết hóa đơn hợp thức số hàng hóa nhập lập, rồi vận chuyển về các tỉnh trong nội địa tiêu thụ.
Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế phân tích, sau khi đã hợp thức hóa số hàng lậu bằng hóa đơn (đã giảm giá trị thực của mặt hàng), “đầu nậu” sẽ bán cho người có nhu cầu. Lúc này, người mua hàng đã có hóa đơn kèm theo. Nên, trong quá trình vận chuyển hàng về xuôi, lực lượng chức năng có kiểm tra cũng không thể xử lý, tịch thu số hàng trên (hàng vốn nhập lậu trước đó) được, vì người mua đã có hóa đơn hợp lệ.
Và trong trường hợp, lực lượng chức năng có làm rõ được các “đầu nậu” khai khống hóa đơn, mua hàng không rõ nguồn gốc thì cũng chỉ xử lý hành chính chủ hàng với mức phạt không đủ sức răn đe theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà thôi. Vì trên thực tế, số hàng lậu có giá trị gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với mức phạt, trong khi đó theo quy định, lực lượng chức năng không thể tịch thu số hàng đã được hợp thức hóa bằng hóa đơn ở trên được.
Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế cũng hay, nhằm tạo điều kiện cho đời sống cư dân biên giới, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới, theo đó, chủ thể mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới quy định tại Điều 11 Quyết định này được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (nếu có) với giá trị không quá 2 triệu đồng/người/ngày/lượt và không quá 4 lượt/tháng đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới do Bộ Công thương ban hành. Tuy nhiên, một số “đầu nậu” đã lợi dụng chính sách này để thu gom hàng dưới hình thức mua, thuê cư dân biên giới vận chuyển hàng qua biên giới.
Rõ ràng, cùng với sự ra quân quyết liệt của các lực lượng chức năng, để kiềm chế hơn nữa tình trạng buôn lậu nơi vùng biên Lạng Sơn, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sớm khắc phục những kẽ hở pháp lý đang tồn tại có liên quan.
Để chủ động hơn trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, Ban Chỉ đạo 389 đã đề ra một số nhiệm vụ, trong đó chỉ đạo các cơ quan chức năng (như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan…) chủ động phối hợp xử lý và tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đề xuất với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và các Bộ, Ngành liên quan có quy định và chế tài xử lý phù hợp đối với việc ghi giá hàng hóa rất thấp so với thị trường trong hóa đơn bán hàng để lưu thông trên thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa nội địa…
(Theo Công An Nhân Dân)
Trinh sát bật mí dùng 'nam nhân kế' săn trùm ma túy
Thậm chí nhiều lần thị còn tự nấu cơm ở nhà, rồi rủ Đại tá Thính và một vài người bạn của thị đến cùng ăn uống, giao lưu. Thi thoảng, thị cũng rủ riêng "anh Thính" đi chùa, đi lễ với thị...
Dĩ nhiên Đại tá Thính luôn hết sức tỉnh táo, tránh mọi cạm bẫy mà thị giăng ra...
Năm 2017 tới đây Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47 Bộ Công an) sẽ kỷ niệm tròn 20 năm thành lập. Về Cục từ những ngày đầu, Đại tá Nguyễn Đức Thính, Trưởng phòng 3 cùng đồng đội đã phá hàng trăm chuyên án ma túy lớn nhỏ.
Đặc biệt, có những chuyên án mà nút thắt của nó lại rơi vào những kiều nữ vô cùng xinh đẹp, và cũng cực kỳ bản lĩnh, khó "đánh". Đại tá Thính cùng đồng đội đã phải dùng "nam nhân kế" để lấy được sự tin tưởng của mỹ nhân, đồng thời khui ra ông trùm cùng cả đường dây ma túy "khủng" phía sau nó...
1. Gặp ông khá nhiều lần, song hôm nay tôi mới có dịp ngắm kỹ người được mệnh danh là "hùm xám Tây Bắc". Đại tá Thính có khuôn mặt vuông vức, vầng trán cao, nếu nước da không sạm đen thì có thể nói là điển trai. Chuyện trò với ông, tôi mới biết Phòng 3 là đơn vị đầu tiên của lực lượng phòng chống ma túy vinh dự được phong danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang".
Cũng theo Đại tá Thính tình hình tội phạm ma túy trên tuyến Tây Bắc ngày càng phức tạp, nguy hiểm; các đối tượng tham gia buôn bán, vận chuyển ngày một liều lĩnh, manh động. Tổng kết các chuyên án mà đơn vị đã phá, thì điều thành công nhất đó là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia phá án và cho người dân trong khu vực. Có không ít chuyên án các trinh sát phải đấu trí với những phụ nữ xinh đẹp, để từ đó thâm nhập sâu vào tận hang ổ của các trùm ma túy, khui ra ông trùm cùng các đối tượng trong đường dây.
Đại tá Thính nhớ lại một trong những chuyên án đó...
Tang vật trong một chuyên án ma túy lớn do Đại tá Thính và đồng đội triệt phá.
Cách đây chưa lâu các trinh sát C47 phát hiện một đường dây buôn bán ma túy từ Điện Biên về đồng bằng Bắc bộ, sau đó đi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Tổ chức xác minh, các trinh sát có được thông tin về một "bà trùm" chuyên nghề môi giới bán ma túy tại Hưng Yên. Thị tên là Nguyễn Thị H. (SN 1969, trú tại Yên Mỹ, Hưng Yên) nổi tiếng xinh đẹp và giảo hoạt.
Thời điểm đó, việc buôn bán ma túy ở Hưng Yên tuy khá sôi động nhưng hầu như các đối tượng chỉ buôn nhỏ lẻ, một vài tép cho đến vài "cây" là cùng. Những người mà có thể "gọi" được 1-2 bánh heroin thuộc dạng cực kỳ hiếm, trong đó có Nguyễn Thị H.. H. uy tín trong giới buôn bán đã đành, nhưng đàn ông con trai nếu ai gặp "bà trùm" chuyên môi giới cũng đều ít nhiều ngất ngây trước nhan sắc mỹ nhân.
Đại tá Thính, khi ấy mới ngoài 30 tuổi, nhưng cũng đã có kinh nghiệm đánh án ma túy được Ban chuyên án giao thâm nhập vào đường dây. Thông qua quần chúng nhân dân, Đại tá Thính - trong vai một dân chơi quê gốc Hải Phòng - được giới thiệu đến gặp kiều nữ. Buổi đầu gặp mặt, kiều nữ luôn ném những cái nhìn "tóe lửa" về phía Đại tá Thính, ra điều "đi guốc trong bụng" đối phương. Nói chuyện lăng nhăng, "buôn dưa lê bán dưa chuột" thì H. tỏ ra khá vui vẻ, nhưng mỗi lần chạm đến "hàng" là thị cảnh giác ngay, không bắt nhời.
Sau nhiều lần tiếp xúc, ăn uống, thậm chí cả tham gia chơi bài tá lả, tam cúc... với kiều nữ, Đại tá Thính phát hiện thực ra thị đang cô đơn, và dường như rất muốn "chăn" một gã trai để làm chỗ dựa cho công việc môi giới, buôn bán ma túy của mình. Đại tá Thính liền nảy ra một phương án...
Khi Đại tá Thính trình bày kế hoạch dùng "nam nhân kế", lãnh đạo C47 rất cân nhắc và cử thêm một nữ trinh sát đóng vai "vợ hờ" của nam trinh sát, tránh những trường hợp hiểu lầm hoặc tình huống bất khả kháng có thể xảy ra.
Được biết, kiều nữ H. vốn đã có chồng và có một đứa con. Tuy nhiên, mấy năm trước chồng H bị Công an bắt và xử tù chung thân vì tội buôn bán ma túy. Đứa con được H. gửi về cho bà ngoại chăm, để mình thị rảnh rang việc làm ăn. Trước đó, cũng đã có mấy tay nghiện ngập bu quanh, nhưng chỉ được ba bữa là thị chán, thị "đá" bay. Đặc biệt, qua một thời gian thấy Đại tá Thính to cao, nam tính lại nói được làm được nên H. ít nhiều có cảm tình.
Mỗi khi hai vợ chồng "anh Thính" đến gặp kiều nữ H. để đặt vấn đề buôn ma túy về Hải Phòng, thị đều tỏ ra nhấm nhẳng, không muốn tiếp đón. Nhưng hễ cứ lần nào một mình Đại tá Thính đến gặp, H. đều quay ngược 180 độ, tỏ ra rất vui vẻ.
Thậm chí nhiều lần thị còn tự nấu cơm ở nhà, rồi rủ Đại tá Thính và một vài người bạn của thị đến cùng ăn uống, giao lưu. Thi thoảng, thị cũng rủ riêng "anh Thính" đi chùa, đi lễ với thị... Dĩ nhiên Đại tá Thính luôn hết sức tỉnh táo, tránh mọi cạm bẫy mà thị giăng ra.
Khi mà đã chiếm được sự tin tưởng của H., Đại tá Thính lấy được thông tin chuẩn bị diễn ra một vụ buôn bán ma túy lớn. Đại tá Thính còn khéo léo khai thác được thêm cả thông tin về địa điểm giao hàng, các đối tượng tham gia đường dây. Một mẻ lưới được C47 chuẩn bị sẵn...
Một buổi tối giáp tết nguyên đán năm Tân Tỵ, với sự môi giới của H., một nhóm đối tượng đi xe máy vận chuyển 2 bánh heroin có mặt tại Hưng Yên để bán cho đại gia người Hải Phòng. Ban chuyên án đã tổ chức bắt gọn các đối tượng, đồng thời mở rộng điều tra và khui ra được cả một đường dây ma túy "khủng" từ Điện Biên về Hưng Yên rồi đi Hà Nội các tỉnh miền duyên hải.
Kiều nữ H. rất may mắn đã lọt lưới trong chuyên án ma túy trên. Tuy nhiên, ít năm sau tự tay H. cầm đầu một đường dây lớn khác. Đường dây bị phá, H. đã phải nhận án tử hình.
2. Cuối năm 2005, Đại tá Thính tiếp tục được nhận nhiệm vụ làm trinh sát, xâm nhập vào một đường dây ma túy "khủng" từ Lào, qua Mộc Châu (Sơn La) rồi về các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Thông tin từ quần chúng nhân dân cho biết, để có thể "vào" được đường dây này thì ai cũng phải qua một "bà trùm" chuyên môi giới. Cô ta là Lê Thị M. (SN 1977, là dân tộc Thái, trú tại huyện Yên Châu, Sơn La).
Có một điểm trùng hợp với kiều nữ H. là M. cũng là một người đàn bà có nhan sắc mặn mà. M. khi ấy đã có chồng và hai đứa con. Tuy nhiên, người chồng đã bị bắt vì tham gia buôn bán ma túy. Dù ở Yên Châu, song M. lại có quan hệ rất chặt chẽ với nhiều ông trùm trong mắt xích của đường dây buôn bán ma túy từ Lào về Mộc Châu.
Tang vật trong một chuyên án ma túy.
Thu thập thông tin về M., Đại tá Thính có được không ít giai thoại về bà trùm này. M. rất giàu có, trong tay có đến hai nhà nghỉ ở thị trấn Yên Châu. Và dù là người dân tộc, song M. lại có vẻ quý phái đài các như các "quý bà" ở thủ đô. Đồng thời, thị cũng rất sành dùng mỹ phẩm ngoại. Người cô ta lúc nào cũng thơm nức, khiến lắm gã trai trẻ liêu xiêu.
Từ sau khi ông chồng bị bắt, M. đã "chăn" được nhiều gã giang hồ để thị sai bảo trong việc điều hành nhà nghỉ cũng như việc buôn bán ma túy. Bản thân Đại tá Thính thời gian đầu tiếp cận với thị cũng có lần bị một đối tượng người Sơn La - vì quá si mê thị - nên chặn đường "đánh ghen".
Tiến hành "bắt rễ" với bà trùm môi giới, Đại tá Thính phải đi học tiếng Thái, học một số tập tục của dân tộc này... Tuy nhiên, việc gây dựng lòng tin với kiều nữ M. mất thời gian hơn so với H. rất nhiều. M. là một con "cáo già" trong nghề, nên không ít lần thị đã tổ chức cho đàn em "thử" trinh sát.
Một tối, M. bảo có mối hàng lớn và rủ Đại tá Thính gặp gỡ, tiếp xúc. Để lấy lòng tin của thị, đúng ngày đúng giờ Đại tá Thính có mặt. M. cố tình đến muộn, nhắn Đại tá Thính cứ nói chuyện giao lưu trước. Uống xong chén trà, một đối tượng xăm trổ vằn vện đưa cho Đại tá Thính một gói giấy bạc, bảo hít thử. Đại tá Thính lắc đầu, bảo: "Tao chỉ buôn bán thôi, chứ tao không chơi!".
Bất ngờ gã xăm trổ rút trong người ra một khẩu K54 chĩa vào người Đại tá Thính, gào lên: "Đ.M thằng này là Công an, đ. buôn bán gì nữa". Đại tá Thính cũng gân cổ lên cãi: "Mày nghĩ gì kệ mày, nhưng tao là tao ghét nhất bọn nghiện. Đã đ. làm ăn được gì, chỉ tổ tốn tiền. Mày xem ông trùm Trường "hói", Xiêng Nhông... cũng có nghiện đâu?". Thấy sự việc có vẻ "căng", bà trùm xuất hiện gạt phăng cánh tay cầm súng của gã xăm trổ, bảo: "Đừng có giở cái trò thô tục ở đây. Cút ngay!".
Đối tượng và tang vật trong một chuyên án ma túy lớn do Đại tá Thính và đồng đội triệt phá.
Gã xăm trổ bỏ đi, song miệng vẫn còn lèm bèm...
Mấy hôm sau, Đại tá Thính rủ một mình M. đi ăn uống, đi hát karaoke để "giải nghi". Gần một năm trổ tài "chăn dắt", kiều nữ M. dần dà tin tưởng trinh sát hơn. Biết bà trùm môi giới rất khoái ăn ô mai, lần nào gặp, Đại tá Thính cũng phải mua tặng M. nào ô mai khế, mận, gừng... Cũng từ mối quan hệ chặt chẽ này, Đại tá Thính có được nhiều thông tin và không dưới 3 lần đồng đội của anh "điều" được các đối tượng trong đường dây mang ma túy từ Lào, qua Mộc Châu rồi vào tận cái bẫy của ta giăng sẵn tại Hòa Bình. Nhờ đó hàng loạt chuyên án lớn được C47 cùng công an tỉnh Sơn La triệt phá thành công.
Sau hơn 30 năm liên tục làm trinh sát, hiện tại Đại tá Thính dù đang là chỉ huy phòng, nhưng mỗi khi đồng đội cần người để thâm nhập vào các chuyên án, anh đều không từ chối...
(Theo Công An Nhân Dân)
Đua xe trái phép có thể bị xử hình sự Tham gia đua xe, tổ chức hay reo hò cổ vũ đua xe trái phép đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc phạt tù. "Tình trạng tụ tập đua xe trái phép có chiều hướng phức tạp. Các nhóm thanh niên rất manh động khi gặp CSGT". Đây là phát biểu của Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng...