BioShock Infinite: Burial at Sea – Episode Two chôn vùi biển sâu
Lời giã biệt ngọt ngào dành cho fan của BioShock và Irrational Games.
Sau một loạt sự kiện rùm beng xảy ra gần đây, thật khó để các fan của dòng game BioShock có thể đón nhận Chương 2 của bản DLC BioShock Infinite: Burial at Sea một cách hồ hởi như trước. Đây không chỉ là chương cuối của bản DLC này, còn là chuyến viếng thăm cuối cùng của Irrational Games tới thế giới BioShock và là sản phẩm cuối cùng được một bộ phận không nhỏ những người giờ đây đã trở thành những “cựu nhân viên của Irrational Games” tạo nên. Đồng thời cũng là dấu chấm hết cho khoảng thời gian ngắn ngủi được tôn vinh như một trong những studio làm game xuất sắc nhất trên thế giới của Irrational. May mắn thay cho cả giới game thủ cũng như những người trong cuộc, Burial at Sea – Episode Two là một chương cuối thành công mĩ mãn, xứng đáng với sự kì vọng lớn lao và khiến cho cuộc chia li này thêm phần giá trị.
Lưu ý: Bài viết dưới đây chứa rất nhiều tiết lộ cốt truyện quan trọng (spoiler). Vì vậy game thủ chưa chơi trọn vẹn cả phiên bản BioShock đầu tiên, phiên bản BioShock Infinite lẫn DLC Burial at Sea – Episode One đến tận phút cuối cùng (phần BioShock 2 có thể được bỏ qua do không có nhiều sự liên hệ lắm) thì tốt nhất không nên nghĩ tới chuyện chơi bản DLC này.
Thông tin game
Thể loại: Bắn súng góc nhìn thứ nhất
Phát hành: 2K Games
Phát triển: Irrational Games
Ngày phát hành: 25/3/2014
Hệ máy: PS 3, Xbox 360, PC.
Giống như BioShock 1 và Episode One, Burial at Sea – Episode Two vẫn đặt bối cảnh tại thành phố dưới đáy đại dương Rapture, một khoảng thời gian ngắn trước khi cả thành phố này sụp đổ thành tro bụi vì bạo loạn và chiến tranh. Điểm khác biệt là trong khi ở Chương đầu tiên của câu chuyện người chơi nhập vai “phiên bản Rapture” của Booker DeWitt thì ở Chương thứ hai này, bạn sẽ có cơ hội vào vai Elizabeth. Tỉnh dậy sau tình tiết kinh hoàng ở cuối Episode One, Elizabeth bàng hoàng nhận ra mình đang bị bao vây bởi toán thuộc hạ của “Atlas” (các fan của BioShock chắc hẳn chẳng còn lạ lẫm gì nhân vật này). Cái xác lạnh lẽo của Booker đang nằm bên cạnh cô, còn cô bé Sally (một nhân vật then chốt trong cốt truyện của Chương 1) thì đã bị “Atlas” bắt giữ làm con tin. Sau khi đạt được thỏa thuận giữ lại mạng sống với hắn, Elizabeth phải một mình tìm đường vượt qua những cạm bẫy của thành phố ngầm đang suy tàn nhanh chóng, tìm cách cứu lấy Sally và tìm kiếm lời giải đáp cho những thắc mắc của chính cô – những lời giải mã có thể sẽ khiến cô phải trả một cái giá rất đắt.
Video đang HOT
Nếu như game thủ là một fan “ruột” của thế giới BioShock và rất “khoái” đặt ra những so sánh khác thường giữa Rapture và Columbia của phiên bản Infinite thì sẽ là không ngoa khi nói rằng, Burial at Sea – Episode Two là “thiên đường” dành riêng cho bạn. Tất cả những câu hỏi đã đeo bám, ám ảnh người chơi suốt từ khi chơi xong BioShock Infinite hay thậm chí là từ khi “phá đảo” BioShock 1… 7 năm về trước đều sẽ được giải đáp thích đáng (chẳng hạn như “Vigor từ đâu mà ra?”, “Songbird được tạo nên như thế nào?”) và những bước ngoặt cốt truyện không ai có thể ngờ tới sẽ liên tục xuất hiện.
Câu chuyện của Burial at Sea – Episode Two hội tụ đầy đủ những cung bậc cảm xúc từ căm phẫn, hạnh phúc cho tới buồn đau và liên kết trường thiên 3 phần BioShock lại với nhau theo cách hết sức tinh tế. Vẫn còn một vài bí ẩn chưa được vén màn (đáng chú ý nhất là về cặp đôi song sinh Lutece), song nhìn chung Burial at Sea đã hoàn thành xuất sắc vai trò của nó: Mảnh ghép cuối cùng của một câu đố đặc biệt nan giải nhưng cũng không kém phần thú vị. Khoảnh khắc người chơi hoàn tất Chương 2 của Burial at Sea cũng là lúc bức tranh toàn cảnh của BioShock hiện lên một cách trọn vẹn nhất.
Cốt truyện thì mang tính kết nối nhưng về mảng gameplay, Irrational lại lựa chọn một phong cách khác hẳn với những người tiền nhiệm. Những phiên bản BioShock trước (bao gồm cả Episode One) đều thuộc thể loại First – Person Shooter thuần chất, nhưng ở Episode Two này game thủ phải vào vai một Elizabeth mỏng manh, yếu ớt, vậy nên trọng tâm của game được chuyển từ “chạy và bắn” sang “lẩn tránh và ẩn nấp”. Irrational đã rất nhiều lần nhắc đến cái tên Thief trong quá trình quảng bá cho bản DLC lần này (một nhân vật quan trọng xuất hiện trong game thậm chí còn gọi Elizabeth là “thief” – tên trộm) và đó là một sự liên hệ rất có cơ sở bởi Episode Two quả thực chịu rất nhiều ảnh hưởng từ lối chơi của series stealth action nổi tiếng này (có lẽ là còn phảng phất một chút “chất” của Dishonored nữa bởi Elizabeth cũng biết sử dụng “phép thuật” giống như Corvo Attano).
Súng ống vẫn xuất hiện trong game nhưng chủng loại thì rất ít (đáng chú ý chỉ có súng lục, shotgun và khẩu Radar Range độc đáo trở lại từ Episode One) và Elizabeth thì xử lí chúng khá chậm chạp. Đó là chưa kể đến việc súng đạn gây ra rất nhiều tiếng động và sẽ dẫn dụ kẻ địch đến nơi người chơi ẩn nấp, vậy nên chỉ nên viện đến chúng khi đã không còn sự lựa chọn nào khác. Thay vào đó game thủ nên tận dụng triệt để cây nỏ (crossbow) nhỏ gọn của Elizabeth, với ba loại tên gây mê, tên tạo khí gas (làm bất tỉnh nhiều kẻ địch một lúc nếu hít phải) và tên báo động (khi bắn vào tường sẽ phát ra tiếng động dụ kẻ địch tới nơi người chơi phục kích). Ngoài ra cây móc Air Grabber của cô cũng có thể được dùng để đánh ngất đối thủ từ phía sau, nhưng chỉ từ phía sau mà thôi. Nếu chúng bất chợt nhìn thấy bạn thì nên chạy đi là vừa hoặc nên sẵn sàng chiến đấu bằng súng, bởi Air Grabber sẽ không gây sát thương cho đối thủ ở vào thế cận chiến.
Một điểm giống với các phiên bản BioShock trước đó là game thủ vẫn sẽ phải trông cậy khá nhiều vào các “phép thuật” siêu nhiên Vigor/Plasmid, mặc dù trong Episode Two thì số Vigor đã bị rút xuống chỉ còn có 4. Phép Possession quen thuộc thực sự là “của trời cho”, phép Old Man Winter băng giá xuất hiện từ Episode One cũng tương đối hữu dụng, và có hai Vigor hoàn toàn mới, ăn khớp với phong cách gameplay nặng về ẩn nấp: Peeping Tom và Ironsides. Phép Peeping Tom cho phép Elizabeth nhìn thấy kẻ địch và các vật dụng đáng chú ý xuyên tường khi đang đứng yên (tương tự Eagle Vision trong Assassin’s Creed IV: Black Flag), ngoài ra khi nhấn giữ phím chuột giữa thì Peeping Tom sẽ khiến Elizabeth tàng hình – đây chắc chắn sẽ là Vigor được người chơi dùng nhiều nhất trong quá trình chơi game. Ironsides thì gần giống với Return to Sender của phiên bản Infinite, đáng tiếc điểm chung giữa hai Vigor này là chúng đều có khá ít đất diễn. Tuy nhiên, ngoài trường hợp của Ironsides thì cả ba Vigor/Plasmid còn lại đều rất hữu ích, thú vị và khiến cho Episode Two vẫn mang dáng dấp của một tựa game BioShock, mặc dù trọng tâm lối chơi đã được chuyển sang stealth.
Không chỉ các Vigor nói riêng mà toàn bộ các cơ chế gameplay nói chung cũng đã được tinh chỉnh sao cho phù hợp nhất với lối chơi ẩn nấp mới mẻ. Chẳng hạn, nếu như người chơi dùng Air Grabber để bám lên các móc sắt trên cao quá lâu thì chúng sẽ kêu cót két và khiến bạn bị lộ – rất độc đáo! Hay nếu như bạn bấm nút Crouch (mặc định là Ctrl) ngay sau khi nhảy khỏi các móc sắt này thì Elizabeth sẽ “hạ cánh” nhẹ nhàng không gây tiếng động – cực kì thích hợp cho lối đánh “du kích” nhảy từ trên cao xuống, tiếp đất sau lưng kẻ địch, đánh ngất chúng rồi lại trở lên cao. Thiết kế màn chơi của Episode Two cũng không chê vào đâu được với những bất ngờ nối tiếp bất ngờ (nhất là ở nửa đầu game) và kẻ địch thì có thể đột ngột xuất hiện từ bất cứ đâu, vậy nên người chơi luôn cần phải đề cao cảnh giác.
Nếu xét tổng thể thì tựa game mà Episode Two sở hữu nhiều điểm tương đồng nhất không phải Thief hay Dishonored mà chính là bản DLC tuyệt vời Minerva’s Den của BioShock 2. Cũng một cốt truyện đặc sắc với vô số tình tiết đan xen, song điểm giống nhau quan trọng nhất giữa hai bản DLC này nằm ở khâu thiết kế màn chơi phi tuyến tính. Mũi tên chỉ đường của game dĩ nhiên sẽ luôn hướng người chơi tới nhiệm vụ chính, nhưng game luôn biết kích thích trí tò mò của bạn bằng cách xếp đặt những cánh cửa, những căn phòng san sát nhau. Đằng sau mỗi cánh cửa đó thường sẽ là cả một khu vực kích thước khổng lồ có tới nửa tá cánh cửa, với thêm một gian phòng khác có kích thước cũng “vĩ đại” không kém ở đằng sau cánh cửa ngay đối diện! Một số khu vực nhất định trong game chỉ cho phép người chơi đặt chân tới theo tiến trình nhiệm vụ chính và nhiệm vụ phụ, nhưng hầu hết thì không có sự hạn chế nào cả, và bạn có thể tùy ý khám phá chúng theo bất cứ trình tự nào bạn muốn. Sự tự do này trái ngược hẳn so với phong cách thiết kế có phần hạn hẹp của Infinite và Episode One – có vô số cánh cửa dẫn tới những địa điểm khác nhau trong Episode Two và rất ít cửa trong số này bị khóa (mà kể cả nếu chúng có bị khóa đi chăng nữa thì cũng sẽ có những lối đi khác dẫn người chơi vòng qua chúng).
Tất cả những yếu tố nói trên góp phần tạo nên một cái kết không thể trọn vẹn hơn nữa cho series con cưng BioShock của Irrational Games. Thật sự rất khó để tìm ra một khiếm khuyết nào trong bản DLC này. Lối chơi mang hơi hướng stealth có lẽ là “điểm trừ” lớn nhất của Episode Two bởi đây là phong cách gameplay khá kén người chơi, song nên nhớ rằng game thủ vẫn có thể dùng súng và Plasmid, chỉ là nên dùng chúng có tính toán hơn là cứ “nhắm mắt xả bừa” mà thôi. Bên cạnh đó, BioShock Infinite vốn không phải một tựa game stealth action, nên dù có cố gắng lắp ghép đến đâu đi chăng nữa thì Burial at Sea – Episode Two cũng không thể đạt tới đẳng cấp của những tựa game thuần steal như THIEF hay Splinter Cell. Tuy nhiên thì mọi cơ chế hành động lẫn ẩn nấp đều vận hành khá suôn sẻ và có thể đủ sức làm hài lòng các fan của cả hai thể loại.
Có người cho rằng thời lượng chơi của Episode Two vẫn là hơi ngắn, nhưng chất lượng hơn số lượng, còn đòi hỏi được gì hơn là 6 – 8 giờ đồng hồ cho một bản DLC đỉnh cao? Hạt sạn cuối cùng đó là như đã nói, game hầu như không có bất cứ một sự liên hệ nào tới BioShock 2 (có thể là bởi Ken Levine cùng các cộng sự của ông không được trực tiếp đảm nhiệm công đoạn thiết kế phiên bản này – BioShock 2 do 2K Marin chịu trách nhiệm phát triển), nhưng có lẽ chỉ cần có hơi hướng của DLC Minerva’s Den thôi là đã đủ bù đắp phần nào rồi.
Burial at Sea – Episode Two kết hợp nhuần nhuyễn giữa cốt truyện chặt chẽ, phong cách gameplay mới lạ cùng thiết kế màn chơi chi tiết để tạo nên một cái kết xứng tầm với danh tiếng của series BioShock, và đó là còn chưa kể tới chất lượng âm – hình tuyệt mĩ của Rapture nữa. Có thể Irrational Games nay đã “tan đàn xẻ nghé” nhưng phải thừa nhận rằng khi được trao cơ hội thì hiếm có studio nào bì được họ về khoản thiết kế nên những tựa game xuất sắc và đáng nhớ. Episode Two, dẫu chỉ kéo dài xấp xỉ 7 giờ đồng hồ, cũng đã kịp hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của nó, ấy là nói lời giã biệt BioShock (và cả Irrational nữa) theo cách không thể ý nghĩa hơn. Phiên bản này “ăn đứt” Chương đầu Episode One về tất cả mọi mặt, và mặc dù chỉ mang danh nghĩa là một bản DLC mở rộng, đây vẫn có thể được coi là một trong những tựa game hay nhất năm 2014 tính cho tới thời điểm hiện tại. Nếu như game thủ là một fan đã mê mẩn dõi theo cuộc hành trình của BioShock suốt từ những ngày khai sáng thế hệ current – gen console năm 2007 tới nay thì có lẽ bạn sẽ không cầm nổi những giọt nước mắt, bởi một tượng đài của làng game thế giới rốt cuộc đã đi tới trạm dừng chân cuối cùng.
Theo VNE
BioShock Infinite: Burial at Sea Part I - chôn vùi biển sâu
Bản DLC chỉ dừng ở mức khá của một trong những tựa game xuất sắc nhất năm 2013.
Burial at Sea là hành trình trở lại với "người quen cũ" Rapture, cái thành phố lạnh lẽo nằm dưới đáy đại dương tách biệt hẳn với phần còn lại của thế giới. Đã từ rất lâu rồi các fan của series BioShock bày tỏ khát khao được một lần quay lại vùng biển Bắc Đại Tây Dương sâu thẳm để khám phá những bí mật mà vương quốc dưới mặt nước này còn cất giấu. Và nhà sáng lập của series, Ken Levine, cuối cùng đã trao cho game thủ cơ hội quí giá ấy với bản DLC hai phần theo cốt truyện nối tiếp "quả bom tấn" BioShock Infinite. Nhập vai Booker DeWitt và rồi đặt chân tới một Rapture chưa bước vào thời kì suy tàn thoạt nghe có vẻ là một sự kết hợp đầy hứa hẹn, nhưng thật không may, giá trị của sự kết hợp đó đã bị giảm đi đáng kể bởi một số yếu tố nằm ngoài tính toán của hãng phát triển.
Trailer BioShock Infinite: Burial at Sea - Part I - chôn vui biển sâu
Sức lôi cuốn đặc biệt của phiên bản BioShock đầu tiên nằm ở một nhân vật chính "lặng thinh" cùng thành phố hoàn toàn xa lạ với những bí ẩn cứ ngày càng thâm hiểm và đen tối hơn lên theo quá trình khám phá của game thủ. Rapture của Burial at Sea thì không hề xa lạ và không chỉ có một nam diễn viên chính "lắm lời" hơn nhiều mà còn đặt cả Elizabeth bên cạnh bạn trong toàn bộ cuộc hành trình. Game thủ cũng chỉ được đắm chìm vào thành phố mới mà cũ này trong vỏn vẹn có... ba giờ đồng hồ, và đó là đã bao gồm cả thời gian bạn lùng sục khắp mọi ngóc ngách của Rapture - Burial at Sea để tìm kiếm tiền và vật phẩm. Những bất ngờ mà Rapture "để dành" cho người chơi trong BioShock gần như không hiện diện tại đây, và bầu không khí ớn lạnh kì quái cũng bởi thế mà bị giảm bớt đi ít nhiều. Nói như vậy không phải để hạ thấp Burial at Sea, song tốt hơn hết là bạn đừng mong đợi sẽ một lần nữa được trải qua những cảm xúc mâu thuẫn đan xen nhau, vừa ghê sợ lại vừa kinh ngạc đã từng in đậm dấu ấn trong phiên bản đầu tiên của series.
Lời hứa hẹn sẽ được chứng kiến một Rapture đang "còn sống" ngay trước thềm sự sụp đổ của nó trở nên không còn đáng tin cậy nữa khi người chơi nhận ra những công dân của thành phố Rapture "sống" này máy móc tới mức nào. Người viết đã dành khá nhiều thời gian đi lang thang xung quanh nghe ngóng những cuộc trò chuyện và cố gắng trải nghiệm Rapture giống như mong đợi của "cha đẻ" Andrew Ryan nhưng rồi lại chỉ toàn bắt gặp những NPC gần như không cử động dù chỉ một li và tỏ ra quá "kịch bản". Không có một rung cảm tự nhiên nào trên gương mặt của họ cả, giống như những cỗ máy được lập trình để đơn thuần mấp máy môi và quay ra nhìn mỗi khi Booker DeWitt tiến lại gần vậy. Hầu hết những cuộc hội thoại đều không đem lại điều gì mới mẻ, chỉ mang tính "tri ân" đối với các fan là chính khi đều đề cập đến những sự kiện trọng tâm trong phiên bản BioShock đầu tiên, nếu không thì lại là những cuộc trò chuyện bông đùa không có chủ đề và thường kết thúc rất đột ngột.
Những công dân của Rapture có thể chỉ là những cỗ máy nói vô tri, nhưng Booker và Elizabeth thì hoàn toàn ngược lại. Booker của Burial at Sea (vẫn được lồng giọng bởi diễn viên gạo cội Troy Baker) vẫn là Booker mà bạn đã biết trong Infinite, song Elizabeth thì đã thực sự tỏa sáng khi hóa thân thành một hình mẫu nữ nhân vật khác hẳn, trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, mang phong cách những bộ phim đen trắng của thế kỉ trước. Cô - chứ không phải Booker - là người dẫn dắt game thủ xuyên suốt phần 1 của bản DLC này và vừa đóng vai dàn dựng những bí ẩn xoay quanh cốt truyện của Burial at Sea, vừa chính là người giải mã những bí ẩn đó. Thật không may là BioShock Infinite đã đạt đến độ chuẩn mực về tính chất hoàn thiện, có nghĩa là chắc chắn sẽ không có chỗ cho thứ gì đó quá bất ngờ xảy ra trong cốt truyện của những hậu bản dựa trên nền tảng của nó, và mặc dù có thể bạn vẫn sẽ không đoán trước được những tình tiết cụ thể cho tới tận hồi kết, cốt truyện của Burial at Sea cũng không thể mang đến những tiết lộ "kinh thiên động địa" như trong trường đoạn cao trào của BioShock Infinite trước đây.
Mảng combat trong Burial at Sea vay mượn khá nhiều từ BioShock Infinite nhưng khác ở chỗ được đặt bối cảnh trong những gian sảnh chật hẹp của Rapture. Lối chơi lén lút (stealth) rất được đề cao trong trường hợp này và trên thực tế thì bản thân người viết ở những thời điểm ban đầu luôn bị bắn hạ rất nhanh chóng bất cứ khi nào muốn đổi gió chơi kiểu "rambo". Rất khó để đánh giá chuẩn xác được combat gameplay của Burial at Sea bởi toàn bộ trải nghiệm DLC này trôi qua quá đỗi nhanh chóng. Như đã nói, game thủ chỉ mất khoảng hai giờ đồng hồ để "phá đảo" phần chơi nội dung của Burial at Sea, có lẽ là thêm khoảng một giờ nữa nếu như có ý định đi "thám hiểm", và phân đoạn đầu của bản DLC này thì chỉ hoàn toàn mang tính chất giới thiệu cốt truyện và bối cảnh Rapture chứ không có bất cứ một trận đọ súng nào cả. Đối thủ của người chơi ở Burial at Sea thì không phải là lũ splicer biến dị điên loạn trong quá khứ mà là một mớ hỗn tạp các splicer mới chỉ đang bước vào thời kì đánh mất lí trí.
Combat của Burial at Sea đã nhận được một số sự tinh chỉnh nhất định so với Infinite. Nổi bật nhất trong số đó là tình trạng khan hiếm đạn dược, EVE - về lí thuyết thì có thể khiến cho những cuộc đụng độ trở nên căng thẳng và thử thách hơn - và việc giới hạn hai khẩu súng đã bị loại bỏ - giờ đây, người chơi nhấn giữ phím "E" để bật weapon wheel lên và chọn một trong số rất nhiều vũ khí thấy ưng ý. Các gói nâng cấp cho súng ống cũng như cho các Vigor (trong Burial at Sea đã quay trở lại với cái tên Plasmid) như Devil's Kiss, Possession, Shock Jockey hay "tân binh" Old Man Winter có thể được mua bằng tiền tại các máy bán hàng tự động dọc đường, song thời lượng chơi chỉ hai giờ đồng hồ là không đủ và không bõ để thực hiện một nâng cấp nào đáng kể. Một vũ khí mới khá thú vị song cũng nhận được rất ít đất diễn xuất hiện trong Burial at Sea là radar range. Có hình dạng giống như một vệ tinh nhân tạo mini cầm tay, radar range phát ra những lớp sóng chết người có thể "nấu nhừ" địch thủ của bạn, khiến chúng nổ tung thành từng mảnh.
Một chiến thuật quan trọng của phiên bản BioShock đầu tiên là đặt bẫy và tận dụng môi trường làm lợi thế mỗi khi đối đầu với kẻ địch. Với việc Burial at Sea vay mượn một cơ chế combat gameplay vốn được thiết kế đặc thù cho các môi trường chiến đấu lớn trong Infinite, những chiến thuật như vậy không còn đất sống và chỉ khiến cho việc chiến đấu trong những gian phòng chật chội trở nên khó khăn hơn. Quả thực, vấn đề lớn nhất của Burial at Seanằm ở thiết kế màn chơi tù túng. Những cuộc đọ súng chủ yếu diễn ra trong những căn phòng nhỏ hẹp đầy chật splicer, khiến người chơi đôi khi bị choáng váng khi bị tấn công dồn dập cùng một lúc từ quá nhiều phía mà không có đủ không gian để xoay trở.
Một thiết bị hình móc có tên Air Grabber (Skyhook của Infinite) sẽ cho phép game thủ lướt dọc theo những đường ống chạy ngoằn ngoèo trên cao của Rapture như trong Infinite, nhưng cơ hội để sử dụng thiết bị này là cực ít và cũng không thật sự hiệu quả. Thực ra, lần duy nhất Air Grabber tỏ ra đặc biệt hữu dụng là trong trận chiến cuối cùng của DLC này, khi mà việc dịch chuyển liên tục trên các đường ống là cách hiệu quả để tạo khoảng cách an toàn giữa người chơi và địch thủ.
Tear - kĩ năng vô cùng đặc sắc của Elizabeth - cũng trở lại, nhưng lại trở lại quá muộn để có thể tạo nên được một hiệu ứng tích cực hay bất ngờ nào đó, chưa kể đến mặt trái là việc nó còn khiến cho combat trong game trở nên dễ hơn rất nhiều. Tôi có quan sát được một kiểu tear rất mới và khá lí thú (sẽ không spoil tại đây), nhưng hầu hết các tear về cơ bản đều là đồ được "xào" lại từ những gì chúng ta đã thấy trong Infinite.
Gameplay của Burial at Sea tựu chung đem lại cảm giác như một hỗn hợp giữa Infinite và phiên bản BioShockđầu tiên, nhưng thời lượng ngắn ngủi của bản DLC khiến cho các cơ chế không kịp có cơ hội để lại ấn tượng. Súng ống và plasmid được "phân phát" dần dần, và đến lúc tất cả đã được trải ra trước mặt người chơi thì game lại... đột ngột kết thúc. Bởi điều này, Burial at Sea bị biến thành một trải nghiệm hỗn độn. Sự thừa mứa lựa chọn khiến cho ý đồ gây khó dễ cho người chơi bằng cách làm khan hiếm lượng đạn dược của hãng phát triển thất bại thảm hại và lại khiến cho các trận đấu súng bị đứt quãng khi game thủ cứ liên tục phải bật weapon wheel lên để kiểm tra xem loại súng nào vẫn còn đạn trong ổ. Sự bổ sung gượng gạo mang tên Air Grabber thì không tìm được đất diễn giữa những hành lang gò bó của Rapture, và dĩ nhiên cũng chẳng tái hiện lại được sự dữ dội và tốc độ của tựa game gốc.
Có thể bạn đã từng cho rằng hợp nhất những nhân tố nổi trội của hai trong số game xuất sắc nhất trong vòng một thập kỉ qua sẽ cho ra lò một sản phẩm hoàn hảo, nhưng thực tế không đơn giản như vậy, và mặc dù sản phẩm ấy cũng có những khoảnh khắc mê hoặc riêng, nó chẳng đủ tầm sánh được với cả hai người tiền nhiệm BioShock và BioShock Infinite. Hai thế giới này đơn giản không nên bị trộn lẫn với nhau và không nên có một chuyến viếng thăm lần hai. Sự kì vĩ, lung linh của Rapture mới chưa thể vượt ra khỏi cái bóng đổ nát và bí hiểm của Rapture cũ. Chuỗi cảnh tượng cuối cùng trong Infinite là một chiêu ảo thuật không nên bị lôi ra diễn lại lần nữa, bởi khi đó mức độ tác động tới người xem sẽ giảm đi rất nhiều. Tựu chung, Burial at Sea - Part I đã gợi được sự tò mò nơi game thủ, song đã gặp trục trặc lớn trong việc khái quát lại bức họa Rapture và câu chuyện phức tạp của Infinite, và đó là vấn đề mà Irrational Games sẽ phải nhanh chóng tìm cách khắc phục để chuẩn bị cho Part II.
Theo VNE
Hãng phát triển BioShock bất ngờ giải thể Irrational Games, studio được biết đến nhiều nhất qua series BioShock sau 17 năm hoạt động sẽ chính thức giải thể - thông tin rất bất ngờ được tiết lộ từ chính Ken Levine. Ngày hôm nay, Ken Levine đã bất ngờ tuyên bố Irrational Games studio sẽ đóng cửa sau khi phiên bản DLC cuối cùng của BioShock: Infinite - Burial at...