BioShock Infinite: Burial at Sea Ep 2: Kết thúc đẹp cho một huyền thoại
BioShock Infinite: Burial at Sea Ep 2 – tựa game cuối cùng của Irrational Games đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.Khi Irrational Games rời bỏ thế giới dưới nước Rapture trong hai phiên bản đầu tiên để đến với thành phố trên mây Columbia, nhiều game thủ đã tiếc nuối cái cảm giác ngột ngạt, kinh dị của một thế giới tối tăm nên không thực sự thích thú không khí tràn ngập ánh sáng ở Bioshock Infinite. Và rồi hai phần nội dung mở rộng Burial At Sea lần lượt được tung ra để chiều lòng các fan trung thành của dòng game, và Episode 2 – cũng là tập cuối cùng đã kết thúc cho mọi nỗ lực không biết ngừng nghỉ của studio này. Một cách tuyệt nhất có thể.
Tất cả những câu hỏi đã đeo bám, ám ảnh người chơi suốt từ khi chơi xong BioShock: Infinite hay thậm chí là từ khi “phá đảo” BioShock phiên bản đầu tiên từ bảy năm về trước đều sẽ được giải đáp thích đáng (chẳng hạn như “Vigor từ đâu mà ra?”, “Songbird được tạo nên như thế nào?”, và còn rất nhiều bí ẩn nữa) và những bước ngoặt cốt truyện không ai có thể ngờ tới sẽ liên tục xuất hiện. Câu chuyện của Burial at Sea – Episode Two hội tụ đầy đủ những cung bậc cảm xúc từ căm phẫn, hạnh phúc cho tới buồn đau và liên kết bộ trilogy huyền thoại BioShock lại với nhau theo cách hết sức tinh tế.
Vẫn còn một vài bí ẩn chưa được vén màn nhưng nhìn chung, Burial at Sea đã hoàn thành xuất sắc vai trò của nó – mảnh ghép cuối cùng của một câu đố đặc biệt nan giải nhưng cũng không kém phần thú vị. Khoảnh khắc người chơi hoàn tất Chương 2 của Burial at Sea cũng là lúc bức tranh toàn cảnh của BioShock hiện lên một cách trọn vẹn nhất.
Mặc dù là một phần mở rộng đơn thuần nhưng Burial At Sea: Episode 2 đã mang đến một câu chuyện hoàn chỉnh, đưa người chơi sống lại với ký ức của thế giới ngầm Rapture, “chắt lọc” lại những tinh túy nhất của hai phiên bản đầu tiên để kể tiếp câu chuyện về thế giới hoang đường và điên cuồng trong Bioshock. Irrational Games đã phải đóng cửa ngay sau khi tựa game này ra mắt, tuy nhiên cái kết mà họ để lại cho Bioshock thực sự quá tuyệt vời và chắc chắn còn đọng lại mãi trong lòng những fan hâm mộ dòng game.
Tạm biệt Bioshock, và để cuộc chia ly này có đầy ý nghĩa, tôi chỉ muốn nhắn nhủ tới fan của Bioshock rằng, nếu là một fan đã mê mẩn dõi theo cuộc hành trình của BioShock từ những ngày đầu của kỷ nguyên current-gen console tới nay, có lẽ bạn sẽ không cầm nổi những giọt nước mắt, bởi một tượng đài của làng game thế giới rốt cuộc đã đi tới trạm dừng chân cuối cùng.
Theo VNE
Video đang HOT
BioShock Infinite: Burial at Sea - Episode Two chôn vùi biển sâu
Lời giã biệt ngọt ngào dành cho fan của BioShock và Irrational Games.
Sau một loạt sự kiện rùm beng xảy ra gần đây, thật khó để các fan của dòng game BioShock có thể đón nhận Chương 2 của bản DLC BioShock Infinite: Burial at Sea một cách hồ hởi như trước. Đây không chỉ là chương cuối của bản DLC này, còn là chuyến viếng thăm cuối cùng của Irrational Games tới thế giới BioShock và là sản phẩm cuối cùng được một bộ phận không nhỏ những người giờ đây đã trở thành những "cựu nhân viên của Irrational Games" tạo nên. Đồng thời cũng là dấu chấm hết cho khoảng thời gian ngắn ngủi được tôn vinh như một trong những studio làm game xuất sắc nhất trên thế giới của Irrational. May mắn thay cho cả giới game thủ cũng như những người trong cuộc, Burial at Sea - Episode Two là một chương cuối thành công mĩ mãn, xứng đáng với sự kì vọng lớn lao và khiến cho cuộc chia li này thêm phần giá trị.
Lưu ý: Bài viết dưới đây chứa rất nhiều tiết lộ cốt truyện quan trọng (spoiler). Vì vậy game thủ chưa chơi trọn vẹn cả phiên bản BioShock đầu tiên, phiên bản BioShock Infinite lẫn DLC Burial at Sea - Episode One đến tận phút cuối cùng (phần BioShock 2 có thể được bỏ qua do không có nhiều sự liên hệ lắm) thì tốt nhất không nên nghĩ tới chuyện chơi bản DLC này.
Thông tin game
Thể loại: Bắn súng góc nhìn thứ nhất
Phát hành: 2K Games
Phát triển: Irrational Games
Ngày phát hành: 25/3/2014
Hệ máy: PS 3, Xbox 360, PC.
Giống như BioShock 1 và Episode One, Burial at Sea - Episode Two vẫn đặt bối cảnh tại thành phố dưới đáy đại dương Rapture, một khoảng thời gian ngắn trước khi cả thành phố này sụp đổ thành tro bụi vì bạo loạn và chiến tranh. Điểm khác biệt là trong khi ở Chương đầu tiên của câu chuyện người chơi nhập vai "phiên bản Rapture" của Booker DeWitt thì ở Chương thứ hai này, bạn sẽ có cơ hội vào vai Elizabeth. Tỉnh dậy sau tình tiết kinh hoàng ở cuối Episode One, Elizabeth bàng hoàng nhận ra mình đang bị bao vây bởi toán thuộc hạ của "Atlas" (các fan của BioShock chắc hẳn chẳng còn lạ lẫm gì nhân vật này). Cái xác lạnh lẽo của Booker đang nằm bên cạnh cô, còn cô bé Sally (một nhân vật then chốt trong cốt truyện của Chương 1) thì đã bị "Atlas" bắt giữ làm con tin. Sau khi đạt được thỏa thuận giữ lại mạng sống với hắn, Elizabeth phải một mình tìm đường vượt qua những cạm bẫy của thành phố ngầm đang suy tàn nhanh chóng, tìm cách cứu lấy Sally và tìm kiếm lời giải đáp cho những thắc mắc của chính cô - những lời giải mã có thể sẽ khiến cô phải trả một cái giá rất đắt.
Nếu như game thủ là một fan "ruột" của thế giới BioShock và rất "khoái" đặt ra những so sánh khác thường giữa Rapture và Columbia của phiên bản Infinite thì sẽ là không ngoa khi nói rằng, Burial at Sea - Episode Two là "thiên đường" dành riêng cho bạn. Tất cả những câu hỏi đã đeo bám, ám ảnh người chơi suốt từ khi chơi xong BioShock Infinite hay thậm chí là từ khi "phá đảo" BioShock 1... 7 năm về trước đều sẽ được giải đáp thích đáng (chẳng hạn như "Vigor từ đâu mà ra?", "Songbird được tạo nên như thế nào?") và những bước ngoặt cốt truyện không ai có thể ngờ tới sẽ liên tục xuất hiện.
Câu chuyện của Burial at Sea - Episode Two hội tụ đầy đủ những cung bậc cảm xúc từ căm phẫn, hạnh phúc cho tới buồn đau và liên kết trường thiên 3 phần BioShock lại với nhau theo cách hết sức tinh tế. Vẫn còn một vài bí ẩn chưa được vén màn (đáng chú ý nhất là về cặp đôi song sinh Lutece), song nhìn chung Burial at Sea đã hoàn thành xuất sắc vai trò của nó: Mảnh ghép cuối cùng của một câu đố đặc biệt nan giải nhưng cũng không kém phần thú vị. Khoảnh khắc người chơi hoàn tất Chương 2 của Burial at Sea cũng là lúc bức tranh toàn cảnh của BioShock hiện lên một cách trọn vẹn nhất.
Cốt truyện thì mang tính kết nối nhưng về mảng gameplay, Irrational lại lựa chọn một phong cách khác hẳn với những người tiền nhiệm. Những phiên bản BioShock trước (bao gồm cả Episode One) đều thuộc thể loại First - Person Shooter thuần chất, nhưng ở Episode Two này game thủ phải vào vai một Elizabeth mỏng manh, yếu ớt, vậy nên trọng tâm của game được chuyển từ "chạy và bắn" sang "lẩn tránh và ẩn nấp". Irrational đã rất nhiều lần nhắc đến cái tên Thief trong quá trình quảng bá cho bản DLC lần này (một nhân vật quan trọng xuất hiện trong game thậm chí còn gọi Elizabeth là "thief" - tên trộm) và đó là một sự liên hệ rất có cơ sở bởi Episode Two quả thực chịu rất nhiều ảnh hưởng từ lối chơi của series stealth action nổi tiếng này (có lẽ là còn phảng phất một chút "chất" của Dishonored nữa bởi Elizabeth cũng biết sử dụng "phép thuật" giống như Corvo Attano).
Súng ống vẫn xuất hiện trong game nhưng chủng loại thì rất ít (đáng chú ý chỉ có súng lục, shotgun và khẩu Radar Range độc đáo trở lại từ Episode One) và Elizabeth thì xử lí chúng khá chậm chạp. Đó là chưa kể đến việc súng đạn gây ra rất nhiều tiếng động và sẽ dẫn dụ kẻ địch đến nơi người chơi ẩn nấp, vậy nên chỉ nên viện đến chúng khi đã không còn sự lựa chọn nào khác. Thay vào đó game thủ nên tận dụng triệt để cây nỏ (crossbow) nhỏ gọn của Elizabeth, với ba loại tên gây mê, tên tạo khí gas (làm bất tỉnh nhiều kẻ địch một lúc nếu hít phải) và tên báo động (khi bắn vào tường sẽ phát ra tiếng động dụ kẻ địch tới nơi người chơi phục kích). Ngoài ra cây móc Air Grabber của cô cũng có thể được dùng để đánh ngất đối thủ từ phía sau, nhưng chỉ từ phía sau mà thôi. Nếu chúng bất chợt nhìn thấy bạn thì nên chạy đi là vừa hoặc nên sẵn sàng chiến đấu bằng súng, bởi Air Grabber sẽ không gây sát thương cho đối thủ ở vào thế cận chiến.
Một điểm giống với các phiên bản BioShock trước đó là game thủ vẫn sẽ phải trông cậy khá nhiều vào các "phép thuật" siêu nhiên Vigor/Plasmid, mặc dù trong Episode Two thì số Vigor đã bị rút xuống chỉ còn có 4. Phép Possession quen thuộc thực sự là "của trời cho", phép Old Man Winter băng giá xuất hiện từ Episode One cũng tương đối hữu dụng, và có hai Vigor hoàn toàn mới, ăn khớp với phong cách gameplay nặng về ẩn nấp: Peeping Tom và Ironsides. Phép Peeping Tom cho phép Elizabeth nhìn thấy kẻ địch và các vật dụng đáng chú ý xuyên tường khi đang đứng yên (tương tự Eagle Vision trong Assassin's Creed IV: Black Flag), ngoài ra khi nhấn giữ phím chuột giữa thì Peeping Tom sẽ khiến Elizabeth tàng hình - đây chắc chắn sẽ là Vigor được người chơi dùng nhiều nhất trong quá trình chơi game. Ironsides thì gần giống với Return to Sender của phiên bản Infinite, đáng tiếc điểm chung giữa hai Vigor này là chúng đều có khá ít đất diễn. Tuy nhiên, ngoài trường hợp của Ironsides thì cả ba Vigor/Plasmid còn lại đều rất hữu ích, thú vị và khiến cho Episode Two vẫn mang dáng dấp của một tựa game BioShock, mặc dù trọng tâm lối chơi đã được chuyển sang stealth.
Không chỉ các Vigor nói riêng mà toàn bộ các cơ chế gameplay nói chung cũng đã được tinh chỉnh sao cho phù hợp nhất với lối chơi ẩn nấp mới mẻ. Chẳng hạn, nếu như người chơi dùng Air Grabber để bám lên các móc sắt trên cao quá lâu thì chúng sẽ kêu cót két và khiến bạn bị lộ - rất độc đáo! Hay nếu như bạn bấm nút Crouch (mặc định là Ctrl) ngay sau khi nhảy khỏi các móc sắt này thì Elizabeth sẽ "hạ cánh" nhẹ nhàng không gây tiếng động - cực kì thích hợp cho lối đánh "du kích" nhảy từ trên cao xuống, tiếp đất sau lưng kẻ địch, đánh ngất chúng rồi lại trở lên cao. Thiết kế màn chơi của Episode Two cũng không chê vào đâu được với những bất ngờ nối tiếp bất ngờ (nhất là ở nửa đầu game) và kẻ địch thì có thể đột ngột xuất hiện từ bất cứ đâu, vậy nên người chơi luôn cần phải đề cao cảnh giác.
Nếu xét tổng thể thì tựa game mà Episode Two sở hữu nhiều điểm tương đồng nhất không phải Thief hay Dishonored mà chính là bản DLC tuyệt vời Minerva's Den của BioShock 2. Cũng một cốt truyện đặc sắc với vô số tình tiết đan xen, song điểm giống nhau quan trọng nhất giữa hai bản DLC này nằm ở khâu thiết kế màn chơi phi tuyến tính. Mũi tên chỉ đường của game dĩ nhiên sẽ luôn hướng người chơi tới nhiệm vụ chính, nhưng game luôn biết kích thích trí tò mò của bạn bằng cách xếp đặt những cánh cửa, những căn phòng san sát nhau. Đằng sau mỗi cánh cửa đó thường sẽ là cả một khu vực kích thước khổng lồ có tới nửa tá cánh cửa, với thêm một gian phòng khác có kích thước cũng "vĩ đại" không kém ở đằng sau cánh cửa ngay đối diện! Một số khu vực nhất định trong game chỉ cho phép người chơi đặt chân tới theo tiến trình nhiệm vụ chính và nhiệm vụ phụ, nhưng hầu hết thì không có sự hạn chế nào cả, và bạn có thể tùy ý khám phá chúng theo bất cứ trình tự nào bạn muốn. Sự tự do này trái ngược hẳn so với phong cách thiết kế có phần hạn hẹp của Infinite và Episode One - có vô số cánh cửa dẫn tới những địa điểm khác nhau trong Episode Two và rất ít cửa trong số này bị khóa (mà kể cả nếu chúng có bị khóa đi chăng nữa thì cũng sẽ có những lối đi khác dẫn người chơi vòng qua chúng).
Tất cả những yếu tố nói trên góp phần tạo nên một cái kết không thể trọn vẹn hơn nữa cho series con cưng BioShock của Irrational Games. Thật sự rất khó để tìm ra một khiếm khuyết nào trong bản DLC này. Lối chơi mang hơi hướng stealth có lẽ là "điểm trừ" lớn nhất của Episode Two bởi đây là phong cách gameplay khá kén người chơi, song nên nhớ rằng game thủ vẫn có thể dùng súng và Plasmid, chỉ là nên dùng chúng có tính toán hơn là cứ "nhắm mắt xả bừa" mà thôi. Bên cạnh đó, BioShock Infinite vốn không phải một tựa game stealth action, nên dù có cố gắng lắp ghép đến đâu đi chăng nữa thì Burial at Sea - Episode Two cũng không thể đạt tới đẳng cấp của những tựa game thuần steal như THIEF hay Splinter Cell. Tuy nhiên thì mọi cơ chế hành động lẫn ẩn nấp đều vận hành khá suôn sẻ và có thể đủ sức làm hài lòng các fan của cả hai thể loại.
Có người cho rằng thời lượng chơi của Episode Two vẫn là hơi ngắn, nhưng chất lượng hơn số lượng, còn đòi hỏi được gì hơn là 6 - 8 giờ đồng hồ cho một bản DLC đỉnh cao? Hạt sạn cuối cùng đó là như đã nói, game hầu như không có bất cứ một sự liên hệ nào tới BioShock 2 (có thể là bởi Ken Levine cùng các cộng sự của ông không được trực tiếp đảm nhiệm công đoạn thiết kế phiên bản này - BioShock 2 do 2K Marin chịu trách nhiệm phát triển), nhưng có lẽ chỉ cần có hơi hướng của DLC Minerva's Den thôi là đã đủ bù đắp phần nào rồi.
Burial at Sea - Episode Two kết hợp nhuần nhuyễn giữa cốt truyện chặt chẽ, phong cách gameplay mới lạ cùng thiết kế màn chơi chi tiết để tạo nên một cái kết xứng tầm với danh tiếng của series BioShock, và đó là còn chưa kể tới chất lượng âm - hình tuyệt mĩ của Rapture nữa. Có thể Irrational Games nay đã "tan đàn xẻ nghé" nhưng phải thừa nhận rằng khi được trao cơ hội thì hiếm có studio nào bì được họ về khoản thiết kế nên những tựa game xuất sắc và đáng nhớ. Episode Two, dẫu chỉ kéo dài xấp xỉ 7 giờ đồng hồ, cũng đã kịp hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ của nó, ấy là nói lời giã biệt BioShock (và cả Irrational nữa) theo cách không thể ý nghĩa hơn. Phiên bản này "ăn đứt" Chương đầu Episode One về tất cả mọi mặt, và mặc dù chỉ mang danh nghĩa là một bản DLC mở rộng, đây vẫn có thể được coi là một trong những tựa game hay nhất năm 2014 tính cho tới thời điểm hiện tại. Nếu như game thủ là một fan đã mê mẩn dõi theo cuộc hành trình của BioShock suốt từ những ngày khai sáng thế hệ current - gen console năm 2007 tới nay thì có lẽ bạn sẽ không cầm nổi những giọt nước mắt, bởi một tượng đài của làng game thế giới rốt cuộc đã đi tới trạm dừng chân cuối cùng.
Theo VNE
Hãng phát triển BioShock bất ngờ giải thể Irrational Games, studio được biết đến nhiều nhất qua series BioShock sau 17 năm hoạt động sẽ chính thức giải thể - thông tin rất bất ngờ được tiết lộ từ chính Ken Levine. Ngày hôm nay, Ken Levine đã bất ngờ tuyên bố Irrational Games studio sẽ đóng cửa sau khi phiên bản DLC cuối cùng của BioShock: Infinite - Burial at...