Bình yên ở New Zealand
Thiên nhiên hữu tình, con người bản xứ thân thiện và hiếu khách, ẩm thực đa dạng đến mê hoặc… có rất nhiều những nét chấm phá độc đáo ở dải đất mang biểu tượng của loài chim Kiwis khiến nhiều du học sinh Việt “phải lòng” New Zealand.
Con người ở New ZeaLand vô cùng thân thiện và mến khách
Từ Hà Nội đến New Zealand không có chuyến bay thẳng và nếu vé máy bay càng rẻ thì khách du lịch transit càng nhiều, ngoài ra còn phụ thuộc vào thành phố nơi chúng ta muốn đến, ví dụ bay đến Thủ đô Wellington thì có thể bạn phải transit nội địa từ Auckland.
Wellington International Airport
Đất nước xinh đẹp New Zealand nằm ở bán cầu Nam của trái đất nên khí hậu ngược hoàn toàn với Việt Nam: mùa Hè ở Việt Nam là mùa Đông ở New Zealand và ngược lại. Nằm ở châu Đại dương, New Zealand có hai đảo chính là đảo Bắc và đảo Nam. Trong đó, đảo Bắc gần như không bao giờ có tuyết còn đảo Nam tuyết phủ dày vào mùa Đông.
Điểm đặc biệt mà “hút” tầm mắt nhất khi đến New Zealand có lẽ là kiến trúc. Ở đây, nhà cửa làm chủ yếu bằng gỗ, trừ các toà nhà văn phòng hay một số đại học lớn là những tòa nhà cao tầng. Kiến trúc nhà ở New Zealand thường chuộng thấp, chỉ có một hoặc hai tầng, đặc biệt là khu vực ngoại thành. Do đặc điểm đất rộng người thưa nên diện tích các nhà đều lớn, hầu như nhà nào cũng có sân vườn và gara đầy đủ. Trên các tờ báo rao bán nhà, những ngoi nhà được xếp vào loại nhỏ nhất, bét nhất cũng đến vài trăm mét vuông một căn.
Levin town
Còn ở khu vực thành phố, do địa hình nhiều núi nên nhà dân thường xây dựng trên đồi. Những căn hướng biển giá thành khá cao.
Những tòa nhà cao tầng ở Wellington
Thường được gọi là những “Kiwi”, người New ZeaLand ưu thích một lối sống đơn giản họ thường gọi nhau bằng tên, ngay cả trong hoạt động kinh doanh. Họ rất tự hào về chất lượng phong cách sống của đất nước mình, một cách sống mà sinh viên quốc tế rất ưu thích.Từ cảm nhận của chính bản thân mình và qua cảm nhận của nhiều du học sinh Việt trên đất New Zealand quanh tôi, phải nói rằng, người Kiwi cực kì thân thiện và đáng yêu. Họ luôn mỉm cười với người khác, luôn sẵn sàng giúp đỡ và sống rất tình cảm với những người xung quanh.
Nhịp sống ở New ZeaLand vô cùng bình yên và êm ả. Tan học, tôi có thói quen đi qua mấy cửa tiệm để xem đồ rồi mua quà cho gia đình. Chỉ sau một bữa đi xem đồ, tôi đã có thể làm quen với chủ tiệm. Bà chủ tiệm là một phụ nữ hiền hậu, mến khách, bà rất hay tâm sự với tôi về chuyện gia đình mỗi lần tôi qua chơi. Người bản xứ ở đây cực kì thân thiện và nồng nhiệt.
New Zealanders bao gồm người Maori và người Anh. Ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Anh, ngoài ra còn có tiếng Maori. Tuy nhiên trong ngôn ngữ Anh của họ có những từ vựng được sử dụng khác với Anh – Mỹ. Ví dụ như bữa tối thay vì dùng từ “dinner” thì họ dùng từ “tea”. Một điều thú vị rất đặc biệt nữa trong giao tiếp ở đây đó là khi bạn muốn nhờ hay hỏi xin, mượn gì bạn phải luôn luôn thêm từ “please” ở cuối câu hỏi. Đó là phép tôn trọng tối thiểu mà người bản xứ luôn chú trọng. Cũng bởi vì văn hoá của họ có ảnh hưởng lớn bởi người Maori nên bất cứ ai đã từng đặt chân đến New ZeaLand đều sẽ biết đến Haka – một nghi thức chào đón đặc trưng của người Kiwi.
Ngoài ra, người Kiwi rất tôn thờ Rugby – môn thể thao thế mạnh ở New Zealand, được biết đến với đội All Black. Cứ đến mỗi giải đấu là cờ, băng rôn của đội bóng căng rợp trời, phấp phới khắp mọi nơi, đặc biệt là khu vực quanh sân vận động lớn nhất Wellington – Westpac Stadium.
Thả hồn ở những địa điểm nổi tiếng
Weta Workshop
Đây là một phim trường, đồng thời là công ty phim nổi tiếng với việc sản xuất các kĩ xảo điện ảnh đặc biệt trong các bộ phim nổi tiếng như Avatar, The Hobbit, King Kong và nhiều bộ phim khác.
Te Papa Museum
Te Papa là bảo tàng quốc gia với các kĩ thuật công nghệ cao và cho vào cửa miễn phí. Tất cả lịch sử, văn hoá, động thực vật của New Zealand đều được mô phỏng ở đây. Điều ấn tượng nhất là tham quan khu trưng bày và mô tả về cuộc chiến hình thành nên đất nước bằng các loại công nghệ khác nhau như nộm người, âm thanh sống động, các mô hình được dựng lên như thật, bản đồ động và rất nhiều điều thú vị khác.
Ở ngay bên ngoài bảo tàng sẽ là cảng biển – điểm đi dạo và ăn trưa lý tưởng của mọi người. Mình sẽ không nhắc đến các nhà hàng mà sẽ nhắc đến các food trucks. Với xông xênh chục đồng NZD là bạn đã có bữa trưa vừa đủ cùng với không khí gió biển cực đã rồi.
Beehive
Cơ quan hành pháp của New Zealand hay còn được biết đến là toà nhà hình tổ ong.
Mount Victoria
Đến Wellington thì nhất định phải lên đài quan sát này để được ngắm toàn bộ thủ đô của New Zealand.
Cuba Street Mall
Video đang HOT
Đây thực sự là địa điểm lý tưởng nếu bạn muốn mua sắm và đến thăm quan vào buổi tối – một nơi nhộn nhịp hàng quán và rộn ràng âm nhạc đường phố.
Ngoài những địa điểm ở Wellington, còn những địa điểm shopping khác khá sôi động như Lower Hutt Shopping Mall, Palmerston North Shopping Mall… Những địa điểm cuốn khách du lịch vào cơn cuồng mua sắm, “shop ’till you drop” (mua sắm đến mệt lử).
Nhắm mắt nếm ẩm thực
Các món ăn của New Zealand là sự pha trộn giữa các món Âu, Á và Polynesia. Những ảnh hướng tổng hợp này đã tạo thành những nét quyến rũ về hương vị trong các món ăn của đất nước này.
Pavlova
Đây là món ăn tráng miệng truyền thống và là món tôi thích nhất từ khi đặt chân đến New ZeaLand. Nó khá ngọt nhưng cảm giác cực xốp. Cắn miếng bánh đầu tiên sẽ khiến bạn không thể dừng ăn miếng tiếp theo. Nó chỉ đơn giản làm từ lòng trắng trứng và đường, sau đó được trang trí thêm rất nhiều hoa quả ở phía trên.
Đây là món thịt bò được áp dụng hình thức slow-cooked qua việc tẩm ướp muối tiêu và để tủ lạnh qua đêm rồi nướng trong khoảng thời gian khá lâu để thịt chín đủ dùng do miếng thịt dày và to, thường được ăn kèm với gravy (nước thịt) và củ quả luộc.
Roast Lamp
Đây là món thịt cừu, cách làm tương tự như Roast Beef nhưng cách thưởng thức hơi khác một chút đó là họ ăn kèm thịt với mứt/sốt bạc hà.
Điều tuyệt vời nhất của các gia đình ở New Zealand vào cuối tuần là có một bữa Fish And Chips bên bãi biển cũng nhau đó.
Meat Pie
Đúng như cái tên, nó chỉ đơn thuần là chiếc bánh với nhân thịt bên trong nhưng thực sự rất ngon và đáng nếm thử một lần.
Phan Thùy Linh
Theo ngaynay.vn
Hành trình phưu du ở vùng đất của chúa trời
Du khách có thể đến đảo quốc kiwi suốt bốn mùa trong năm. Mỗi thời điểm, New Zealand lại mang một vẻ đẹp khác nhau.
Mùa xuân (tháng 9 đến tháng 11) hoa trái thi nhau đua nở, thời tiết mát mẻ. Mùa hè (tháng 12 đến tháng 2) nhiệt độ ấm áp, thích hợp cho các hoạt động ngoài trời. Mùa thu (tháng 3 đến tháng 5) lý tưởng để ngắm những cánh rừng thay lá. Mùa đông (tháng 6 đến tháng 8) được khách châu Âu lựa chọn để trượt tuyết.
Theo anh Tạ Bảo Hoàng, hướng dẫn viên lâu năm của Vietravel, một trong những điểm hấp dẫn ở New Zealand với du khách Việt Nam là cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành, cư dân hiếu khách cùng nền văn hóa giàu bản sắc.
Thời gian để tham quan hầu hết điểm nổi tiếng ở đảo quốc kiwi là từ 7 đến 10 ngày. Khách du lịch tự túc đến New Zealand cũng có thể thuê xe máy hoặc ôtô để đi phượt. Hệ thống tàu lửa ở đây hiện đại, giá thành phải chăng. Nếu di chuyển trong vùng nội ô, du khách có thể đi taxi hoặc xe buýt.
Dưới đây là những gợi ý cơ bản cho hành trình khám phá "vùng đất của Chúa trời" từ đảo Bắc xuống đảo Nam.
Điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình khám phá New Zealand là Auckland - thành phố của những cánh buồm được xây dựng trên những ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động. Đây là thành phố lớn nhất ở đảo quốc kiwi. Nơi này từng được Economist bình chọn vào top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2017. Auckland được bao quanh bởi các hòn đảo cận nhiệt đới, những ngọn khói từ hơn 50 miệng núi lửa đang sục sôi và hệ thống bãi biển trải dài từ đông sang tây.
Tháp Sky Tower là một trong những điểm dừng chân đầu tiên bạn nên ghé qua khi đến Auckland. Ở độ cao 328 mét, đây không chỉ là tháp viễn thông cao nhất New Zealand mà còn là khu phức hợp gồm sòng bài, khách sạn, nhà hàng, đài quan sát.
Du khách có thể mua vé lên đỉnh tháp bằng thang máy trong suốt, đi bộ trên độ cao 192 mét hoặc dùng bữa tại Orbit - nhà hàng xoay duy nhất trong thành phố.
Cách tháp Sky khoảng 10 phút đi bộ là công viên Albert, một trong những điểm dã ngoại yêu thích của cả người dân địa phương và du khách. Nơi đây vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử với những bức tượng, đài phun nước và cổ thụ.
Ngoài ra thành phố Auckland còn nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như: Viện hải dương học Kelly Tarlton, bảo tàng Auckland, đồi Maungakiekie, làng lịch sử Howick, khu bảo tồn chim Mirana hoặc núi Eden.
Điểm dừng chân tiếp theo du khách không thể bỏ qua khi đến New Zealand là làng Hobbit, cách trung tâm thành phố Auckland khoảng 179 km. Nơi đây nổi tiếng khắp thế giới sau thành công của bộ phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn".
Cả làng có 44 ngôi nhà hình tròn như những chiếc hang trong lòng đất. Toàn bộ được giữ nguyên hiện trạng sau khi đoàn làm phim rời đi. Hầu hết nhà ở đây đều khóa cửa, nhưng vẫn có một số ngôi nhà mở khóa cho du khách vào ngắm nội thất độc đáo bên trong.
Cách làng Hobbit hơn 70 km là Rotorua, một trong những thành phố có đông người Maori sinh sống nhất New Zealand. Những thổ dân này được xem là chủ nhân đầu tiên của đảo quốc kiwi. Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ dân số, người Maori với văn hóa độc đáo là một phần không thể thiếu của New Zealand hiện đại. Du khách đến thăm làng Maori ở Rotorua sẽ được chào đón bằng điệu nhảy Haka nổi tiếng.
Nếu muốn tìm hiểu ẩm thực truyền thống của vùng đất này, bạn có thể thử những món nướng được nấu bằng bếp hangi. Thịt cừu, thịt bò hoặc thịt gà sẽ được nướng chín bằng đá núi lửa và ủ trong lòng đất khoảng 3 tiếng cùng các loại rau củ. Phần ngoài của món ăn sẽ có màu vàng và thơm như món nướng nhưng bên trong vẫn giữ độ ẩm, mềm như món hấp.
Ngoài tham quan làng người Maori, bạn cũng nên đến công viên Waiotapu với hàng loạt mỏ địa chất lộ thiên và những miệng núi lửa vẫn đang hoạt động. Nơi đây cũng có nhiều hồ tắm nước nóng miễn phí cho du khách và dân bản địa.
Phần lớn điểm du lịch nổi tiếng của New Zealand tập trung ở đảo Bắc. Hồ Taupo, hồ nước lớn nhất ở đây là điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình khám phá "vùng đất của Chúa trời". Nằm trên miệng núi lửa đã phun trào cách đây hơn 20.000 năm, hồ Taupo rộng hơn 600 km2 với làn nước trong xanh quanh năm được bao quanh bởi những rừng sồi, tre, thông.
Ở giữa hồ là vịnh Mine có tảng đá được chạm khắc hoa văn mô tả khuôn mặt của thổ dân Maori cao khoảng 10 mét. Người dân bản xứ tin rằng đây chính là bùa hộ mệnh góp phần ngăn chặn sự nổi giận của núi lửa và đem lại điều may mắn, bình an cho cả khu vực.
Ngoài ngắm cảnh, du khách đến hồ Taupo còn có thể chèo thuyền kayak, nhảy dù, lướt ván, lướt cano hoặc chơi phản lực trên hồ.
Bạn sẽ tiếc nuối nếu đến New Zealand mà chưa đến thăm hang động đom đóm Waitomo. Hang động được tìm thấy vào năm 1887 bởi tộc trưởng người Maori - Tane Tinorau cùng một điều tra viên người Anh.
Nằm sâu hơn 40 mét trong lòng đất, Waitomo là nơi cư trú của hàng triệu con đom đóm phát ra thứ ánh sáng xanh dương và xanh lá huyền ảo.
Tại đây, du khách được đắm chìm trong một không gian yên tĩnh, lấp lánh như đứng giữa dải ngân hà. Hướng dẫn viên địa phương đưa khách vào hang bằng một chiếc thuyền nhỏ, không gắn động cơ.
Hòa mình giữa bầu không khí yên tĩnh được bao quanh bởi hàng triệu ánh sáng li ti và tiếng nước róc rách chảy là trải nghiệm không thể quên ở hang đom đóm Waitomo.
Sẽ là thiếu sót nếu đến New Zealand mà không tham quan vài trang trại địa phương. Agrodome là điểm dừng chân thú vị được nhiều du khách lựa chọn. Điểm đặc biệt của trang trại này là màn biểu diễn hài hước của các loài động vật.
Mở đầu show diễn là tiết mục giới thiệu 19 loại cừu khác nhau của New Zealand. Đáng chú ý có giống lạc đà không bướu Alpakka dễ thương. Tiếp đó là màn biểu diễn chăn cừu của những chú chó trong trang trại.
Du khách cũng được xem biểu diễn xén lông cừu, cho cừu con uống sữa tại đây. Ngoài tham quan nông trại, du khách có thể ghé thăm các vườn trái cây, đặc biệt là kiwi. Bạn được nếm thử trái cây, nước ép mà mua một ít mật ong Manuka nổi tiếng về làm quà.
Tạm xa đảo Bắc, điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình khám phá New Zealand là thị trấn Queenstown ở đảo Nam. Đây được xem là thành phố du lịch đẹp nhất của New Zealand. Bất kỳ thời điểm nào trong năm khi đến Queenstown, du khách cũng được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. Hai thị trấn tìm vàng Clyde và Arrowtown, hồ Wanaka và trại nuôi cừu ở đỉnh núi Walter là những điểm tham quan nổi tiếng ở Queenstown.
Thành phố cũng được xem là nơi bắt nguồn của môn thể thao mạo hiểm nhất hành tinh - nhảy bungee. Cây cầu bắc qua sông Kawarau là điểm nhảy bungee thương mại đầu tiên trên thế giới. Trước khi nhảy, du khách được kiểm tra sức khoẻ, sau đó ký vào bản cam kết tự chịu mọi trách nhiệm nếu xảy ra rủi ro.
Kết thúc cú nhảy, bạn được cấp giấy chứng nhận. Các thông tin về người chơi cũng được cập nhật lên hệ thống website trên toàn cầu. Chi phí cho mỗi lần nhảy được phân chia rõ ràng theo độ tuổi. Trung bình một lần nhảy cho người lớn trên 4 triệu đồng, bao gồm các dịch vụ quay phim, chụp hình.
Núi Cook là ngọn núi cao nhất ở New Zealand quanh năm phủ tuyết trắng gồm ba đỉnh Hạ - Trung - Thượng. Vườn quốc gia Aoraki ở đây có nhiều hoạt động cho du khách như trượt tuyết, đi bộ đường dài leo núi hoặc săn bắn.
Một trong những cung đường được nhiều du khách yêu thích là đoạn qua đèo Copland đến núi Cook, đi qua khu bảo tồn rừng nguyên sinh. Một điểm dừng chân khác trên hành trình khám phá núi Cook là hồ Pukaki phẳng lặng, quanh năm có màu xanh ngọc bích.
Nếu đến New Zealand vào khoảng tháng 11 - 12, du khách nên ghé thăm hồ Tekapo. Nơi đây có những ngọn núi phủ tuyết trắng, hồ nước màu xanh ngọc và một nhà thờ nhỏ xinh.
Vào mùa xuân, những bông hoa Lupin rực rỡ sắc màu lại thi nhau đua nở tạo nên một khung cảnh lãng mạn. Lupin có thể cao tới 1,5 mét với đủ màu từ trắng, xanh, tím, cam, vàng cho tới hồng. Mỗi mùa xuân về, hồ Tekapo trở thành điểm chụp ảnh yêu thích của các nhiếp ảnh gia từ khắp nơi trên thế giới.
Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nền văn hoá đặc sắc, New Zealand còn ghi điểm với du khách bởi nền ẩm thực hấp dẫn. Một trong những món nhất định phải thử khi đến đảo quốc kiwi là thịt cừu nướng.
Cừu ở đây thường được chăn thả trên các đồng cỏ tự nhiên với nguồn thức ăn sạch, đảm bảo hương vị thơm ngon đặc trưng. Sau khi đã tẩm ướp gia vị, thịt được nướng theo nhiều cách khác nhau như nướng trên đá, lò nướng hoặc để trong chảo cho đến khi chín. Món cừu nướng ở New Zealand thường ăn kèm các loại rau củ tươi.
Tiếp đến là món bánh quy Anzac được làm từ những loại nguyên liệu đơn giản như: Bột mì, bột yến mạch, dừa vụn, bơ và mật. Trước đây loại bánh này thường được những phụ nữ New Zealand làm cho chồng, con họ đem ra chiến trường. Ngày nay Anzac trở thành món bánh phổ biến bậc nhất ở xứ sở kiwi. Du khách có thể thưởng thức Anzac cùng một ly cà phê hoặc sữa tươi.
Perna Viridis là loại vẹm xanh đặc trưng của vùng biển New Zealand được nuôi, thu hoạch theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một trong những món được du khách yêu thích nhất là vẹm xanh hấp hoặc nướng phô mai. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm thấy món vẹm nướng mỡ hành hoặc sốt kem ở khắp các nhà hàng từ cao cấp đến bình dân ở New Zealand với giá phải chăng.
Một món ăn bình dân và phổ biến khác là Kumara (khoai lang được luộc, hấp hoặc nấu cháo). Tuy nhiên món khoai lang nướng trên đá núi lửa của người Maori đặc biệt hơn cả. Khoai được nướng trong những lò đá đào sâu dưới lòng đất, đặt chung với thịt và nhiều loại rau củ khác.
Cuối cùng là món tráng miệng du khách sẽ bắt gặp ở bất kỳ nhà hàng nào khi đến New Zealand - Pavlova còn có tên gọi khác là bánh mây. Đầu bếp dùng lòng trắng trứng gà đánh bông với đường. Khi đánh trứng phải đủ độ cứng để tạo hình, nhưng vẫn đảm bảo đủ độ xếp, mềm mại.
Một chiếc Pavlova đạt tiêu chuẩn khi có màu vàng nhạt, không quá cứng, cũng không quá mềm để giữ được hương vị đặc trưng. Khi cắt bánh, lớp marshmallow óng ánh cùng vị mềm, xốp như tan trong miệng và không có cảm giác bị béo, ngấy. Đầu bếp thường phủ thêm một lớp trái cây như kiwi, dâu tây, dứa, mận, mâm xôi, việt quất... để cân bằng lại vị ngọt của bánh.
Khách sạn, căn hộ cho thuê hoặc nhà nguyên căn ở New Zealand khá phổ biến. Tuy nhiên nếu đi tự túc vào mùa cao điểm, bạn sẽ phải đặt vé máy bay và phòng ở từ sớm để chủ động trong lịch trình.
Thủ tục xin visa New Zealand không quá phức tạp nhưng đòi hỏi du khách phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như chứng minh tài chính, tình trạng hôn nhân, sổ hộ khẩu, hộ chiếu, giấy khám sức khoẻ... Hồ sơ xin visa có thể nộp online hoặc nộp trực tiếp tại văn phòng Lãnh sự quán tại Việt Nam.
Khi nhập cảnh New Zealand, du khách không được mang theo thực phẩm tươi sống, trái cây, hạt kể cả đã qua chế biến. Các sản phẩm được làm từ sữa, mật ong cũng không được phép mang vào New Zealand. Nếu buộc phải mang theo thuốc hoặc những thứ có nguồn gốc từ động vật, thực vật... du khách cần khai báo chi tiết. Hải quan sẽ xem xét và quyết định bạn có được mang theo chúng vào New Zealand không.
Thời tiết ở đảo quốc kiwi thay đổi theo mùa nên du khách nhớ mang theo quần áo phù hợp với thời tiết. Một trong những thứ du khách cần nhớ mang theo là kem dưỡng da, son dưỡng môi vì nhiệt độ thấp, chênh lệch độ cao khá lớn so với Việt Nam. Các nhà thuốc tây ở đây không phổ biến nên du khách cần chuẩn bị sẵn thuốc men cần thiết.
Một điều quan trọng khi đến nhà hàng hay những nơi công cộng ở New Zealand là phải tôn trọng quyền riêng tư của mọi người. Nếu muốn làm gì phải xin phép trước, không nên tuỳ ý và lớn tiếng ở nơi đông người.
Cuối cùng là phải tôn trọng pháp luật, chỉ làm những gì được phép và tuân thủ theo những chỉ dẫn của hướng dẫn viên.
Theo vnexpress.net
8 dòng sông thánh của thế giới Những con sông thánh luôn là nguồn sống, năng lượng, và sự giải thoát khỏi tội lỗi của các tôn giáo khác nhau trên thế giới. Nước luôn là nguồn sống, năng lượng và sự rửa tội trong các tôn giáo trên khắp thế giới. Đền chùa, thành phố, và cả các đế chế thường được xây dựng quanh nguồn nước. Từ Kito...