Bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba: Bước đi tất yếu của lịch sử
Sau hơn nửa thế kỷ băng giá,quan hệ Mỹ-Cuba đã được sưởi ấm trở lại với việc tái lập quan hệ ngoại giao. Đây là bước đột phá lịch sử hướng tới việc bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng cựu thù và là một tiến trình không thể đảo ngược.
Nguyên thủ Mỹ-Cuba bắt tay nhau tại Nam Phi hồi năm ngoái.
Lịch sử quan hệ Mỹ-Cuba đã trải qua chặng đường hơn nữa thế kỷ đầy thăng trầm và mất mát. Là nước bị cấm vận, chính phủ và nhiều thế hệ người dân Cuba đã phải chịu rất nhiều khó khăn, thiệt thòi. Nhưng lịch sử đấu tranh kiên cường và bền bỉ của Cuba đã cho thế giới thấy bằng “hòn đảo tự do” này không đơn độc trên hành trình đi tìm công lý. Việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba sớm muộn cũng sẽ xảy ra vì đây là một bước đi tất yếu trong xu hướng hội nhập và hợp tác quốc tế hiện nay.
Kiên cường trước lệnh cấm vận hà khắc
Mỹ áp đặt lệnh cấm vận kinh tế với Cuba từ năm 1960, chỉ một năm sau khi Cách mạng Cuba thành công. Năm 1961, hai nước chấm dứt quan hệ ngoại giao. Đây được coi là lệnh cấm vận lâu dài nhất trong lịch sử hiện đại đối với một quốc gia có chủ quyền và là lệnh cấm vận gây thiệt hại nặng nề nhất trong số 20 lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt với các nước.
Trong 53 năm qua, sự phong tỏa của Mỹ đã khiến người dân, đặc biệt là trẻ em và người già Cuba, không có điều kiện tiếp cận các loại thuốc men chữa bệnh hiểm nghèo. Người của đảo quốc này cũng không được tiếp cận với nhiều loại hàng hóa, công nghệ hiện đại và bị loại ra khỏi dòng chảy thương mại của các cơ chế tín dụng quốc tế lớn.
Video đang HOT
Theo thống kê, trong hơn nửa thế kỷ, lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đã khiến Cuba thiệt hại 116,8 tỷ USD, trong đó riêng năm 2013 là 3,9 tỷ USD.
Chính sách cấm vận khắc nghiệt này của Mỹ đã bị nhiều nước trên thế giới phản đối và yêu cầu dỡ bỏ. Kể từ năm 1992, hàng năm Đại hội đồng Liên hợp quốc đều thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ cấm vận chống Cuba vì coi đây là hành động vi phạm Hiến chương LHQ cũng như luật pháp quốc tế. Mới đây nhất, trong phiên họp toàn thể ngày 29/10/2014, với 188 trên 193 nước ủng hộ, Đại hội đồng LHQ khóa 69 cũng đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết “Sự cần thiết chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cuba” .
Nghị quyết mới nhất này của Đại hội đồng LHQ đã tiếp thêm động lực cho chính phủ Cuba trong công cuộc đấu tranh đòi Mỹ bãi bỏ các chính sách đơn phương cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền trên thế giới.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng thôi thúc chính quyền Tổng thống Barack Obama có những hành động mạnh mẽ hơn trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba. Ngay từ khi lên nắm quyền tháng 1/2009, Tổng thống Obama đã tuyên bố sẽ cải thiện quan hệ với Cuba và từ đó đến nay, ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng cũng đã những bước đi cụ thể nhằm nới lỏng “vòng kim cô” đang siết chặt nền kinh tế đầy khó khăn của Cuba. Một trong số đó là cho phép kiều dân Cuba được tăng số kiều hối và số lần về thăm quê hương.
Nhưng bước đi quan trọng và mang tính quyết định nhất của chính quyền Tổng thống Obama là việc âm thầm tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao với Cuba trong suốt một năm qua về bình thường hóa quan hệ song phương. Các cuộc đàm phán này được tiến hành tại Canada với sự trung gian của Tòa thánh Vatican mà trực tiếp là Giáo hoàng Francis.
Dấu mốc lịch sử trong quan hệ song phương
Ngày 17/12/2014 đã trở thành dấu mốc lịch sử trong quan hệ Mỹ-Cuba khi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương được các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước cùng tuyên bố.
Trong thông điệp gửi tới toàn thể nhân dân và được truyền phát trực tiếp trên truyền hình, Chủ tịch Cuba Raul Castro chính thức tuyên bố: “Chúng tôi nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ sau hơn nửa thế kỷ”.
Cùng lúc đó, từ thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định “một chương mới” đã được mở ra trong quan hệ với Cuba và rằng giờ là thời điểm chín muồi để Mỹ chấm dứt “cách tiếp cận lỗi thời”. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, những điều chỉnh chính sách với Cuba không chỉ tạo điều kiện cho hai bên xích lại gần nhau, mà còn giúp Mỹ tăng cường ảnh hưởng ở Tây bán cầu vì một tương lai bền vững và ổn định trong khu vực.
Tất nhiên, cái cớ lớn nhất mà Mỹ đưa ra cho việc bình thường hóa quan hệ là La Habana đã trả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross cùng một điệp viên Cuba làm gián điệp cho Mỹ. Alan Gross là nhân viên hợp đồng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), bị Cuba kết án 15 năm và giam giữ 5 năm qua; còn điệp viên Cuba bị bắt giữ từ cách đây 20 năm. Đổi lại, Mỹ cũng phóng thích 3 trong số 5 chiến sỹ tình báo của Cuba bị giam giữ từ năm 2001.
Có thể nói, việc Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ sau hàng thập kỷ trắc trở là sự kiện được trông đợi nhất không chỉ ở Mỹ Latinh mà còn trên toàn thế giới. Hầu hết lãnh đạo các nước từ khắp các châu lục và các tổ chức đa phương quốc tế lớn đều đã ra tuyên bố hoan nghênh động thái này. Với hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba, sự kiện này càng có ý nghĩa quan trọng.
Đối với nhà lãnh đạo đã bước sang tuổi 83 của Cuba, đây là một thắng lợi lịch sử cho đất nước và dân tộc Cuba sau nhiều năm đấu tranh vì chủ quyền và quyền bình đẳng. Nó cũng giúp Cuba từng bước hóa giải những khó khăn kinh tế trong bối cảnh “chiếc phao cứu sinh” Venezuela đang gặp khá nhiều khó khăn do giá dầu liên tục xiên thủng đáy. Do lệnh cấm vận ngặt nghèo của Mỹ, trong nhiều năm qua, nền kinh tế bị cô lập của Cuba chủ yếu được duy trì nhờ nguồn cung cấp 3 tỷ USD/năm thông qua chương trình trợ cấp 80.000 thùng dầu/ngày từ Caracas theo một thỏa thuận bí mật giữa cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và lãnh tụ Cuba Fidel Castro.
Đối với Tổng thống Obama, thỏa thuận cũng được coi là một dấu ấn quan trọng giúp ông có thể để lại một di sản mang tên mình trên trường quốc tế khi chỉ còn 2 năm nữa là sẽ kết thúc nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu tiên trên chặng đường dài và gian nan phía trước khi cả hai nhà lãnh đạo Raul và Obama cùng phải đối mặt với không ít rào cản từ trong nước.
Những rào cản không dễ vượt qua
Theo hiến định ở Mỹ, Tổng thống Obama cần phải nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội cho việc xóa bỏ hoàn toàn cấm vận Cuba, nhất là trong việc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa kinh tế. Nhưng điều này sẽ không dễ dàng vì Quốc hội hiện nay của Mỹ đã ngừng hoạt động, trong khi Quốc hội khóa mới lại hoàn toàn do đảng Cộng hòa đối lập kiểm soát. Trong bối cảnh nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã công khai phản đối bất kỳ sự tan băng nào, dù là nhỏ nhất, trong quan hệ với Cuba, Tổng thống Obama rất khó có thể kỳ vọng vào sự hợp tác suôn sẻ từ Quốc hội. Không loại trừ khả năng, ông còn phải để lại di sản này cho người kế nhiệm mình hoàn tất.
Tại Cuba, Chủ tịch Raul cũng sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ những người theo đường lối cứng rắn. Mặc dù Chủ tịch Raul đang có nhiều ảnh hưởng chính trị để có thể đối phó với bất kỳ bất đồng chính trị nào, song điều đó không có nghĩa mọi việc cứ thể thẳng tiến. Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Raul cũng đã nhấn mạnh việc hai bên bình thường hóa quan hệ không đồng nghĩa với việc mọi vấn đề chính đã được giải quyết.
Mặc dù vậy, những khó khăn trước mắt không thể ngăn cản được những bước đi tất yếu của hai chính quyền Mỹ và Cuba, nhất là khi từ lâu chính sách cấm vận Cuba của Mỹ đã vấp phải sự cô lập hoàn toàn trên bình diện quốc tế, buộc Washington không thể mãi duy trì hành động phi lý này.
Đức Vũ
Theo Dantri