Bình Thuận bàn giải pháp tiêu thụ hơn 130.000 tấn thanh long
Trước tình hình xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc ( thị trường chính nhập khẩu thanh long) đang gặp nhiều khó khăn, chiều 25/2, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận.
Các đại biểu kiến nghị giải pháp gỡ khó tiêu thụ thanh long. Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN
Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, với diện tích hơn 33.000 ha chuyên canh cây thanh long cho sản lượng gần 700.000 tấn/năm, người nông dân ở Bình Thuận đã làm giàu nhờ cây trồng này. Tuy nhiên, thị trường của trái thanh long trong nhiều năm qua được xem là không ổn định và thiếu bền vững. Đặc biệt, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, sản xuất thanh long đối mặt với nhiều khó khăn. Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc.
Ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện tại thanh long Bình Thuận đang tồn ở cửa khẩu và trong kho lạnh của các doanh nghiệp khoảng 30.000 tấn, cần được giải quyết trong vòng 15 ngày. Thêm vào đó, dự kiến sản lượng thu hoạch của nông dân đến hết tháng 3/2022 khoảng 100.000 tấn. Việc tháo gỡ khó khăn tiêu thụ trái thanh long là điều cấp thiết.
Từng gắn bó nhiều năm với cây thanh long, ông Lê Minh Hùng ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết, chưa bao giờ thanh long tụt giá như hiện nay. Hiện thanh long đang trong vụ nghịch, nông dân phải chong đèn để cây cho trái nên chi phí giá thành sản xuất cao. Nếu bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg thì mới lấy lại vốn. Tuy nhiên với giá thanh long như hiện tại (2.000 đồng/kg), thậm chí không có người mua, nông dân thua lỗ. Nhiều nhà vườn đang nằm trong vòng luẩn quẩn, nếu sản xuất mà giá thành quá thấp thì lỗ nặng, còn nếu không sản xuất thì cây bị hỏng, không sản xuất được cho mùa sau.
Hàng hóa ùn ứ, giá giảm sâu, không chỉ người trồng thanh long thua lỗ mà các vựa thu mua, doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Đại diện Công ty Thanh long Thu Hằng cho biết, hiện tại chi phí để đưa thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng gấp 3 lần so với những năm trước đây tuy nhiên thanh long khi vận chuyển tới cửa khẩu thì không thể thông quan; khiến trái hư hỏng, doanh nghiệp thua lỗ nặng. Thời gian qua, doanh nghiệp vẫn cố “gồng” để thu mua cho bà con nhưng đến nay khó có thể gắng sức.
Cùng ý kiến, đại diện Công ty Thanh long Thọ Hướng cho rằng: Sau thời gian các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn ngừng tiếp nhận xe lên cửa khẩu (từ ngày 12 – 15/2), các đơn vị tiếp tục thu mua, đóng hàng để xuất khẩu thì các cửa khẩu tiếp tục tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến ngày 5/3. Điều này khiến các doanh nghiệp rơi vào thế “trở tay không kịp”.
Ngoài ra, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thanh long cũng phải đối mặt với một số khó khăn như: hiện nay nhiều đơn vị cùng sử dụng một mã số vùng trồng, mã số đóng gói, mã số kho đã dẫn đến tình trạng một mã hàng bị “dính” COVID-19 thì tất cả lô hàng đều phải tiêu hủy, khó khăn chồng chất khó khăn. Do xuất khẩu đường bộ gặp khó các doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu bằng đường biển nhưng cước phí quá cao, tăng bình quân từ 300- 400% so với trước đây.
Chăm sóc Thanh long Bình Thuận. Ảnh: TTXVN phát
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị sản xuất, kinh doanh thanh long tại Bình Thuận đều nêu kiến nghị nhằm mong muốn chính quyền các cấp hỗ trợ tiêu thụ thanh long trong bối cảnh hiện nay như: kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan đàm phán với phía Trung Quốc sớm thông quan cửa khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ thanh long đang tồn đọng; lực lượng chức năng tại các cửa khẩu tạo điều kiện tốt nhất cho các xe hàng chờ thông quan…
Các đại biểu cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận quan tâm cấp và quản lý nghiêm ngặt mã số vùng trồng, mã số đóng gói… Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người trồng và các đơn vị xuất khẩu thanh long như: giảm lãi suất vay vốn ngân hàng, giảm giá tiền điện…
Bên cạnh các kiến nghị, hội nghị cũng đưa ra một số giải pháp cho sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Ông Trần Ngọc Hiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh long Hoàng Hậu cho rằng: Tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài. Cơ hội để thanh long sang thị trường này sẽ càng ngày càng khó bởi diện tích và sản lượng thanh long trồng ở Trung Quốc ngày càng tăng. Do vậy, chúng ta cần thay đổi để thích ứng. Trước mắt người nông dân nên tổ chức lại sản xuất. Các doanh nghiệp nên theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kiểm soát lại tình hình để tránh tình trạng đưa hàng hóa lên cửa khẩu quá nhiều.
Các đại biểu cho hay, Hiệp hội Thanh long phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương và các địa phương để theo dõi, nắm bắt thông tin, tuyên truyền tới các hộ nông dân, cơ sở sản xuất- xuất khẩu, hợp tác xã về tình hình xuất khẩu thanh long và tình trạng ùn ứ, tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để chủ động trong sản xuất, thu hoạch cũng như có sự phối hợp trong việc điều tiết, vận chuyển thanh long lên các cửa khẩu hợp lý. Ngoài ra, Hiệp hội Thanh long cần xây dựng phương án, kế hoạch kết nối, tiếp tục tìm kiếm thị trường, mở rộng tiêu thụ.
Video đang HOT
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, nông dân, Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ có tổng hợp, báo cáo và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất thanh long Bình Thuận.
Bình Thuận: Xuất khẩu thanh long đều đều nhờ thấm nhuần bài học từ thị trường Trung Quốc
Trung Quốc siết chặt kiểm soát các cửa khẩu khiến thị trường thanh long điêu đứng. Thế nhưng ở Bình Thuận, nhiều đơn vị vẫn xuất khẩu thanh long đều nhờ thấm nhuần bài học từ thị trường Trung Quốc.
Thích ứng trong mùa dịch
Huyện Hàm Thuận Nam là vùng trọng điểm có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long. Để chuỗi sản xuất và tiêu thụ thành long không bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp đã sắp xếp lại công việc cho phù hợp tình hình mới.
Từ khi thực hiện giãn cách xã hội, Công ty xuất khẩu thanh long Bối Trác sử dụng hết công suất của dãy nhà trọ để làm nơi ăn chốn ở cho gần 40 công nhân.
Ông Hỏa Thịnh Thống - Giám đốc Công ty kể, công nhân được bố trí ăn ở tại chỗ nên an tâm làm việc. Công nhân nào từ vùng dịch trở về thì cho tạm ngưng công việc.
Thu mua thanh long xuất khẩu của một doanh nghiệp ở huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ
Công ty chủ động giao dịch với đơn vị vận tải thông qua mạng zalo. Tài xế container đến nhận hàng theo khung giờ định sẵn. Xe ra, vào bốc dỡ hàng hóa đều phải được xịt khuẩn. Hàng hóa sau khi bốc dỡ sẽ thực hiện 1 cung đường 2 điểm đến.
Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, công ty vẫn duy trì với sản lượng thu mua từ 20-30 tấn thanh long mỗi ngày, cao điểm lên đến gần 100 tấn.
Dù còn khó khăn, công ty vẫn đang nỗ lực đảm bảo chuỗi sản xuất và tiêu thụ thanh long xuất khẩu.
"Việc này không chỉ giúp khôi phục kinh tế mà còn sẽ chia bớt những nhọc nhằn với nông dân trong lúc dịch bệnh còn phức tạp", ông Thống nói.
Ông Nguyễn Minh Thi - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hàm Thuận Nam cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 140 cơ sở xuất khẩu thanh long.
Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 30% doanh nghiệp hoạt động do nhiều yếu tố từ dịch bệnh đến vấn đề thông quan xuất khẩu gặp khó.
"Huyện có nhiều văn bản yêu cầu các cơ sở thu mua thanh long bố trí lưu trú cho công nhân, đội ngũ tài xế. Các cơ sở phải đảm bảo an toàn mới được sản xuất", ông Thi cho biết.
Liên kết sản xuất thanh long sạch
Bà Nguyễn Ngọc Lệ, một nông dân huyện Bắc Bình cho biết thanh long đang ở giai đoạn cuối vụ mùa và chuẩn bị bước vào vụ chong đèn. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá thanh long thấp và hàng hóa lưu thông rất khó khăn.
Giá thanh long chỉ còn vài ngàn đồng/kg. Có trường hợp thương lái đồng ý với giá 10.000 đồng/kg, gia đình vui mừng cắt bán. Nhưng khi thương lái đến, họ chỉ lựa mua những trái to đẹp.
"Đây không phải là trường hợp duy nhất mà còn nhiều trường hợp trồng thanh long nhỏ lẻ khác cũng vậy", bà Lệ cho biết.
Ngược lại, ở thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc), HTX thanh long sạch Hòa Lệ là một trong những đơn vị sản xuất thanh long khép kín từ canh tác, thu hoạch, đóng gói, bảo quản, chế biến và xuất khẩu trái thanh long.
HTX Hòa Lệ có tổng diện tích 35ha, trong đó 5ha đạt chuẩn GlobalGAP, phần còn lại đạt chuẩn VietGAP. Ông Đỗ Thanh Hiệp - Giám đốc HTX cho biết, dù khó khăn thế nào, HTX vẫn cố gắng thu mua hết thanh long của 12 xã viên.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc thông thương qua Trung Quốc gặp khó. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, câu chuyện với thị trường Trung Quốc để lại quá nhiều bài học chứ không riêng gì trong mùa dịch Covid-19 hiện nay.
Nhiều cơ sở thích xuất khẩu qua đường tiểu ngạch vì thanh toán nhanh, thủ tục đơn giản hơn xuất chính ngạch. Nhưng xuất tiểu ngạch gặp nhiều rủi ro vì giá cả biến động.
HTX Hòa Lệ chế biến kem thanh long từ nguyên vùng trồng thanh long sạch. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tiêu chuẩn chất lượng để được Trung Quốc nhập khẩu cũng không còn dễ dàng. Vùng trồng thanh long của Trung Quốc lại đang tăng nhanh về diện tích. Và thời điểm thu hoạch tương đồng mùa vụ Việt Nam.
Nhờ sản xuất sạch và đa dạng hóa thị trường, thanh long của HTX Hòa Lệ vẫn xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga cho tới Canada, Trung Đông và các nước Đông Nam Á... Thị trường Trung Quốc chỉ là lựa chọn thứ yếu.
Năm 2020, HTX Hòa Lệ tiêu thụ được gần 6.000 tấn thanh long. "Từ đầu năm 2021 tới nay, dù đầu ra khó khăn, HTX vẫn tiêu thụ được 4.400 tấn", ông Hiệp nói.
Không chỉ xuất khẩu trái tươi, HTX còn đầu tư vào chế biến sâu, giúp đẩy mạnh tiêu thụ thanh long cho xã viên.
Trước đó, HTX Hòa Lệ đã có nhiều loại sản phẩm chế biến như tinh dầu thanh long, thanh long sấy, nước ép thanh long, kẹo dẻo thanh long. Và mới đây, HTX này còn cho ra mắt sản phẩm độc đáo khác là kem tươi thanh long.
HTX Hòa Lệ đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Bình Thuận. HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 50-70 lao động với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trang trại thanh long Hùng Linh ở xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) cũng đang trồng 20ha thanh long theo chuẩn GlobalGAP.
Trang trại Hùng Linh còn liên kết với 150ha khác của nông dân khác để xuất khẩu chính ngạch. Các nhà vườn phải tuân thủ theo phương thức canh tác mà trang trại đưa ra.
Trái phải đạt chất lượng GlobalGAP, tuyệt đối không bị dư lượng thuốc BVTV. Nếu sai phạm, doanh nghiệp phải hủy đơn hàng, nông dân phải đền tiền cước vận chuyển.
Ông Trần Quốc Thắng, chủ trang trại Hùng Linh cho biết, đây là điều kiện ràng buộc khi liên kết. Tuy nhiên, với giá thu mua ổn định từ 16.000-20.000 đồng/kg thanh long các loại, nông dân không lo đầu ra.
Hiện thanh long vụ mùa đang gặp khó thì trang trại Hùng Linh vẫn đều đặn thực hiện các đơn hàng xuất chính ngạch. Trung bình mỗi tháng, trang trại xuất khẩu 80 tấn thanh long sang thị trường Úc; 30 tấn sang thị trường Mỹ...
Ông Thắng giải thích, các nước EU và Mỹ, Úc đang mở cửa trở lại, thị trường tiêu thụ tốt hơn. "Và quan trọng là khách chấp nhận giá cao, tăng phí vận chuyển để mua thanh long sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP", ông Thắng nói.
Cuối tháng 8/2021, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long trong và ngoài nước, giai đoạn 2021 - 2025.
Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch đạt từ 50-60 triệu USD/năm trong những năm tới, nâng dần tỷ lệ tiêu thụ nội địa lên mức 22-25% vào năm 2025...
Ông Nguyễn Tám - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết, bên cạnh việc mở rộng tìm kiếm thị trường chính ngạch, thanh long cần phát triển hiệu quả và bền vững theo tiêu chuẩn an toàn, để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Trung Quốc đóng cửa, thanh long Bình Thuận "gõ cửa" thị trường Ấn Độ Các cửa khẩu biên giới đất liền sang Trung Quốc đóng cửa, trái thanh long Bình Thuận bắt đầu tìm đến thị trường Ấn Độ nhiều hơn. Ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, cho biết ngày 19.1 Bình Thuận sẽ tham dự Hội nghị xúc tiến xuất khẩu thanh long vào thị trường Ấn Độ (trực tuyến)...