Bình Phước: Sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sầu riêng
Hiện nay, chính quyền cùng nhà nông tại tỉnh Bình Phước đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết nhằm mở rộng thị trường và từng bước nâng cao giá trị cho trái sầu riêng trên địa bàn sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bình Phước sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sầu riêng. Ảnh minh họa: Hoài Thu/TTXVN
Sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch
Hợp tác xã Long Phú, xã Long Tân, huyện Phú Riềng là một trong các hợp tác xã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước chọn làm “đầu tàu” dẫn dắt sầu riêng Bình Phước xuất khẩu sang Trung Quốc sau khi Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư.
Trước sự kiện này, ông Nguyễn Hữu Năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sầu riêng Long Phú cho biết, không phải từ bây giờ chúng tôi mới chuẩn bị cho mã vùng trồng, mà từ trước hợp tác xã đã phải chuẩn bị tất cả để đảm bảo theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông cũng đã từng thông qua các đơn vị trung gian để xuất khẩu sầu riêng. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật làm việc với Trung Quốc đã làm mã vùng trồng cho tất cả các hợp tác xã và người trồng sầu riêng có đủ điều kiện. Hợp tác xã sầu riêng Long Phú là một trong những đơn vị của Bình Phước được chọn làm thủ tục nên rất phấn khởi.
Theo ông Nguyễn Hữu Năm, hiện đa số vườn sầu riêng của hợp tác xã đạt 5 – 7 năm tuổi, tổng sản lượng dự kiến trong các niên vụ tới đạt khoảng 1.000 tấn/năm, chưa kể nếu xuất đi được sẽ có nhiều bà con vùng này xin tham gia, diện tích và sản lượng sẽ còn tăng nhiều. Tới đây, bên cạnh thực hiện đúng theo yêu cầu của nhà nước, hợp tác xã sẽ xây dựng kho đông để phù hợp với điều kiện của các nhà nhập khẩu.
Video đang HOT
“Theo tôi, đúng quy trình của thị trường Trung Quốc thì nhiều người dân trồng sầu riêng của mình còn bỡ ngỡ. Thế nhưng, riêng bản thân tôi với nhiều năm canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP thì không khó. Tất nhiên ban đầu còn bỡ ngỡ, sau này khi đi vào quy trình 1 – 2 năm thì rất là bình thường. Để làm được quy trình này, chúng ta phải ý thức được mục đích của nó là bảo vệ sức khỏe người trồng, kể cả người tiêu dùng trong và ngoài nước. Là người nông dân, mình phải nắm bắt được điều này và phải cố gắng làm theo những gì nhà nước yêu cầu thì mới làm ăn lâu dài được”, ông Nguyễn Hữu Năm chia sẻ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Năm cho biết, để có được vườn sầu riêng chuẩn như ngày hôm nay, ông phải đánh đổi rất nhiều thứ, từ thời gian, công sức, tiền bạc thậm chí phải vật lộn và đấu tranh tư tưởng với chính bản thân mình. Việc chăm sóc cây sầu riêng theo hướng hữu cơ hơn 7 năm nay vừa giúp đất tơi xốp, giữ được hệ vi sinh vật có lợi cho cây trồng trong đất, đặc biệt giúp bộ rễ của cây trồng phát triển mạnh, từ đó kháng được các loại nấm, bệnh gây hại cây trồng. Cách làm này đã giúp trái sầu riêng đạt tiêu chuẩn sạch, hướng đến xuất khẩu. Hiện tại sầu riêng của hộ tác xã chứng nhận VietGAP từ 4 năm nay và được Cục Bảo vệ thực vật làm việc với phía Trung Quốc tiến hành cấp mã vùng trồng cho tất cả các hợp tác xã và những người trồng sầu riêng đủ điều kiện.
Anh Phạm Đình Chung, thành viên hợp tác xã sầu riêng Long có gần 2 ha sầu riêng, trước đây canh tác theo kiểu truyền thống, việc chăm sóc rất đơn giản, chi phí lại thấp, tới kỳ chăm sóc chỉ cần ra cửa hàng mua phân về bón là xong. Tuy nhiên, qua thực tế canh tác nhận thấy, việc sử dụng phân bón hóa học, cây chỉ tốt được trong 3 năm đầu, tới những năm tiếp theo cây bắt đầu xuống sức và bị sâu bệnh tấn công. Từ khi tham gia vào Hợp tác xã Long Phú, anh đã vận dụng “quy trình sạch” và hiện mỗi ha sầu riêng đem lại thu nhập ổn định cho gia đình 300 triệu đồng/năm.
“Mình làm hữu cơ yêu cầu phải bón phân chuồng số lượng lớn, phòng trừ sâu bệnh hoàn toàn bằng các chế phẩm sinh học nên tốn kém rất nhiều. Thồ gian qua, nhờ hữu cơ, cây cối mình phát triển rất là tốt, phẩm chất trái rất là cao, ăn rất là ngon, đặc biệt giá bán cao hơn thị trường và được hợp tác xã đến tận vườn bao tiêu”, anh Chung chia sẻ.
Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định nông nghiệp công nghệ cao
Tỉnh Bình Phước hiện có diện tích trên 3.400 ha sầu riêng, trong đó có gần nửa diện tích đang được cấp mã vùng để hướng đến xuất khẩu. Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, để chuẩn bị cho xuất khẩu chính ngạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có bước chuẩn bị khá sớm. Thứ nhất là tuyên truyền, vận động bà con thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để cấp mã vùng trồng. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, tập huấn về các điều kiện, thủ tục để tham gia cấp mã vùng trồng cho bà con trồng sầu riêng trong tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, Hợp tác xã Long Phú chuyên sản xuất sầu riêng là một hợp tác xã có quy trình sản xuất theo hướng sạch, an toàn để chuẩn bị cho việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện nay, hợp tác xã đã có bước chuẩn bị về hồ sơ, thủ tục và các điều kiện cần thiết để sầu riêng có thể xuất khẩu sang Trung Quốc một cách thuận lợi nhất.
“Định hướng phát triển của Bình Phước sẽ phát triển khoảng 10% diện tích sầu riêng so với cả nước, theo đó, hiện nay địa phương có khoảng 3.400 ha, thời gian tới phát triển khoảng 7.000-10.000 ha. Để đảm bảo việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chúng tôi sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất song song đó, sẽ hỗ trợ về kỹ thuật để làm sao người trồng sầu riêng địa phương sẽ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất và xây dựng vùng chuyên canh lớn để phục vụ cho xuất khẩu”, bà Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ.
Cũng theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, việc xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc, địa phương đã chuẩn bị khoảng 1.500 ha, trong đó có khoảng 33 cơ sở vùng trồng để chuẩn bị xuất khẩu đi Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có những khó khăn nhất định như bà con còn sản xuất theo kiểu truyền thống chưa bắt kịp yêu cầu khắt khe về chất lượng, đảm bảo điều kiện của vùng trồng.
Hiện nay, địa phương thực hiện trước 15 vùng trồng, 1 cơ sở đóng gói để mở đường sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc, sau đó tiếp tục rà soát cùng với những địa phương có diện tích trồng sầu riêng để đánh giá lại khả năng của từng tổ hợp tác, hợp tác xã và sẽ có những bước làm tiếp theo để sầu riêng Bình Phước sớm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính khác.
Đặc biệt, Bình Phước cũng đã có một số cơ sở đã có kho lạnh để liên kết với các hợp tác xã trong thực hiện xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc theo yêu cầu của nước bạn. Về hợp tác xã Long Phú là một trong những hợp tác xã có quy trình sản xuất theo hướng sạch, an toàn đủ điều kiện để chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đi Trung Quốc. Hiện nay, hợp tác xã Long Phú cũng như hầu hết các hợp tác xã cũng đã chuẩn bị về hồ sơ, thủ tục và những điều kiện để làm sao đó sầu riêng có thể xuất khẩu sang Trung Quốc một cách thuận lợi nhất.
Định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước mở ra hướng đi mới, bền vững cho người trồng sầu riêng trong tỉnh, nhất là đối với các tổ hợp tác, các hợp tác xã sầu riêng đã sản sản đảm bảo đúng quy trình, tiêu chuẩn xuất khẩu như Hợp tác xã sầu riêng Long Phú. Đây chắc chắn là hướng đi mà nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã sầu riêng khác phải học tập trong thời gian tới.
Giá sầu riêng tăng trở lại
Hiện nay, giá sầu riêng tại Tiền Giang đang tăng khi trở lại sau dịch COVID-19, mang lại nguồn thu nhập khá, giúp bà con vùng chuyên canh ổn định cuộc sống.
Theo Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy) Huỳnh Tấn Lộc, giá sầu riêng dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng và địa bàn, tăng hơn tháng trước khoảng 10.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha, mỗi ha chuyên canh sầu riêng thu hoạch đúng thời điểm hiện nay cho nông dân nguồn thu từ 1,1 - 1,2 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận đạt khoảng 60% tổng nguồn thu.
Ông Huỳnh Tấn Lộc đánh giá, sầu riêng có giá trở lại nhờ điểm nghẽn về lưu thông hàng hóa được tháo gỡ; cuối vụ thu hoạch nên nguồn cung có hạn trong khi nhu cầu thị trường cao; nỗ lực địa phương trong xúc tiến thương mại cho nông sản hàng hóa nói chung và trái sầu riêng nói riêng đang mang lại kết quả nhất định...
Nông dân Ngô Thành Trung (ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp) canh tác 7.000 m2 sầu riêng giống RI6 và Mong Thong cho biết, tuy giá sầu riêng đang lên nhưng diện tích cho thu hoạch ở vùng chuyên canh không nhiều bởi thời điểm này, sầu riêng tại Tiền Giang đã vào cuối vụ thu hoạch chính vụ. Đa phần nông dân đang xử lý cho vụ nghịch dự kiến đến gần cuối năm mới cho thu hoạch rộ. Khu vườn của ông Trung đang xử lý, mới ra hoa và sẽ thu hoạch rộ vào khoảng tháng 10 âm lịch tới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương hiện có trên 16.000 ha sầu riêng, tập trung ở các huyện, thị vùng kiềm soát lũ phía Tây với sản lượng thu hoạch vào khoảng 300.000 - 320.000 tấn/quả năm, là nguồn nông sản hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao; trong đó, lượng sầu riêng xuất khẩu chiếm đến 70% tổng sản lượng, còn lại tiêu thụ ở các thị trường chính là Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc và khu vực TP Hồ Chí Minh.
Tại vùng chuyên canh sầu riêng, Tiền Giang đã tổ chức được gần 100 cơ sở thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân; chưa kể mạng lưới thương lái đến tận vườn thu mua sản phẩm, giúp bà con tiêu thụ trái sầu riêng được thuận lợi, dễ dàng.
Giá sầu riêng tăng khá đang mang lại niềm vui cho nông dân, là động lực để bà con tập trung thâm canh, chăm sóc giành một vụ mới bội thu bù lại những thiệt hại cho sản xuất và đời sống bởi đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua.
Rất cần những "nhà nông học của làng" Khi những thế hệ các "lão nông tri điền" cùng những kinh nghiệm "chân ruộng" đã ra đi, bây giờ nếu muốn "trí thức hóa nông dân" thì không thể làm đồng loạt ngay được, mà rất cần có những "nhà nông học của làng". Trong thời đại 4.0, thành phần "nông học" ấy hầu hết là những người trẻ, những "thanh nông...