Bình Dương phấn đấu 90% doanh nghiệp hoạt động trở lại vào cuối tháng 10
Tỉnh Bình Dương phấn đấu 90% doanh nghiệp sẽ hoạt động trở lại vào cuối tháng 10 năm 2021.
Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 500 lao động phổ thông. Ảnh: TTXVN phát
Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp muốn khôi phục sản xuất sớm đang đối diện nhiều thách thức mới như đứt gãy chuỗi sản xuất, chi phí sản xuất tăng cao, đầu vào nguyên vật liệu khó khăn, thiếu hụt nguồn lao động…
Sau thời gian “bình thường mới”, tỉnh Bình Dương nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên kế hoạch trở lại hoạt động sản xuất. Hiện đã có 4.216 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo các phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” và “3 xanh” với 444.496 lao động. Trong đó, có 2.289 doanh nghiệp trong khu công nghiệp với 314.354 lao động; 69 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp với 9.109 lao động và 1.858 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp với 121.033 lao động.
Theo Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí, việc mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh phải theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Đến nay, tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần được khôi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
Nhiều doanh nghiệp đã cố gắng duy trì hoạt động bằng các phương án “3 tại chỗ”, nhưng đối diện nhiều khó khăn phát sinh như chi phí sản xuất tăng cao, đầu vào nguyên vật liệu giảm, tình trạng công nhân đã về quê ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phục hồi sản xuất của nhiều doanh nghiệp.
Video đang HOT
Cụ thể, theo Kế hoạch phấn đấu đến 31/10 sẽ có 90% doanh nghiệp trở lại sản xuất và đạt 100% vào cuối năm nay; trong đó có hơn 80% doanh nghiệp vận hành đạt công suất sản xuất hàng hóa trước khi chưa có dịch xảy ra.
Để các doanh nghiệp trở lại hoạt động theo lộ trình trên, các doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng theo mô hình “3 xanh” hoặc “3 tại chỗ một cách linh hoạt” tùy theo tình hình kiểm soát dịch.
Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cũng cho biết sẽ cùng doanh nghiệp tiếp tục tháo gỡ những tồn tại để xây dựng phương án phục hồi sản xuất thuận lợi nhất.
Trước mắt, Ban quản lý các Khu công nghiệp đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 2 cho chuyên gia và người lao động để đảm bảo điều kiện tham gia lưu thông và an toàn vào nhà máy làm việc. Bên cạnh đó, nhanh chóng triển khai thành lập các trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp nhằm đảm bảo người lao động được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi; thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn trong sản xuất.
Để nắm bắt quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã có buổi làm việc tại một số doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Far Eastern và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ecco nằm trên địa bàn huyện Bàu Bàng, cho biết, muốn khôi phục sớm trở lại các hoạt động sản xuất, nhưng hiện đang gặp khó khăn. Đó là việc lưu thông đi lại các địa bàn giáp ranh còn gặp nhiều quy định, người lao động chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine tạo miễn dịch để doanh nghiệp tái khởi động sản xuất trở lại được bảo đảm an toàn.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh của các doanh nghiệp thời gian qua; đồng thời thời ghi nhận những kiến nghị của các doanh nghiệp về những khó khăn. Bí thư Tỉnh ủy cho biết tỉnh sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất trong điều kiện an toàn.
Xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương tăng gần 27%
Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 xảy ra kéo dài tại địa phương, nhưng 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương ước đạt hơn 24,5 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 79,8% kế hoạch năm nay.
Hoạt động sản xuất sản phẩm linh kiện điện tử tại Công ty TNHH TPR Việt Nam tại KCN Vsip 2 Bình Dương. Ảnh minh họa: Hải Âu/TTXVN
Theo ghi nhận, kim ngạch xuất khẩu của vực khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 4,6 tỷ USD, tăng 31,3%; trong khi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vẫn áp đảo chiếm 19,8 tỷ USD, tăng 25,6%.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương giữ mức tăng khá so với cùng kỳ như: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử...
Một số ngành sản xuất khẩu tỷ đô gồm sản phẩm từ gỗ, giày dép các loại, hàng dệt may... giữ mức tăng trưởng dương. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ trong 9 tháng ước đạt hơn 4,98 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu; giày da ước đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 14,4%... Thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay là Mỹ, kế tiếp là châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Qua kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của 450 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cho thấy, có 10,71% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2021 tốt hơn quý trước; 49,33% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn và 39,96% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Về số lượng đơn đặt hàng mới, có 4,98% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng quý III/2021 cao hơn quý trước; 46,83% số doanh nghiệp đánh giá đơn hàng giảm và 48,19% số doanh nghiệp đánh giá có đơn đặt hàng ổn định.
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, có 3,61% số doanh nghiệp đánh giá quý III/2021 tăng hơn so với quý trước; 45,83% số doanh nghiệp đánh giá đơn hàng giảm và 50,56% số doanh nghiệp đánh giá ổn định.
Dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 so với quý III/2021, có hơn 87% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn; trong đó, trên 47% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 39% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và hơn 12,8% dự báo khó khăn hơn.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất đồ gỗ cho biết hiện đơn hàng không thiếu, nhưng muốn duy trì sản xuất phải có đầy đủ nhân công, lao động.
Nhằm bảo đảm nguồn lao động cho các doanh nghiệp sau khi phục hồi lại sản xuất, lãnh đạo tỉnh Bình Dương kêu gọi người lao động không tự phát vể quê; khuyến cáo bà con ở lại để tiếp tục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Hiện tỉnh đang ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động để có "thẻ xanh" vào nhà máy máy làm việc. Tính đến nay, tại Bình Dương đã có hơn 2 triệu người được tiêm ít nhất 1 mũi. Tuy nhiên, hiện mới có 258.057 người tiêm đủ 2 mũi.
Bình Dương đang tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hồi phục trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tỉnh đã có 85% doanh nghiệp đăng ký nối lại sản xuất trong điều kiện mới.
Tháo nút nghẽn: 'Hàng thiết yếu' bị hiểu chỉ là lương thực thực phẩm Trừ những mặt hàng không thiết yếu, bị hạn chế lưu thông có trong danh mục, tất cả các loại hàng hóa còn lại phải được lưu thông để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như hoạt động sản xuất, xuất khẩu... Nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong thủ tục vận chuyển hàng hóa -...