Bình Định: Vượt 165km, bệnh nhân đột quỵ may mắn được cứu sống
Sau khi được tiêm thuốc tiêu huyết khối, nam bệnh nhân 52 tuổi được chuyển gấp từ tỉnh Gia Lai đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định. Dù vượt quãng đường hơn 165 km, nhưng bác sĩ 2 bệnh viện đã phối hợp “ăn ý” nên bệnh nhân may mắn được cứu sống.
Bình Định: Vượt gần 200km, bệnh nhân đột quỵ may mắn được cứu sống
Ngày 12/5, bác sĩ Nguyễn Văn Trung – Phó khoa Thần kinh (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định), cho biết sức khỏe bệnh nhân Lê Đình Thịnh (52 tuổi, ở thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã chuyển biến khá tốt.
Bác sĩ 2 bệnh viện cách nhau gần 200km phối hợp nhịp nhàng cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ
Hiện, bệnh nhân có thể nói chuyện, ăn uống bình thường và dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Trung, khoảng 19h20′ ngày 10/5, Đơn vị đột quỵ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đã tiếp nhận bệnh nhân Thịnh từ Bệnh viện Đại học Y dược – Hoàng Anh Gia Lai trong tình trạng nguy kịch, cần phải được can thiệp khẩn cấp trước giờ vàng (6 giờ kể từ khi bệnh nhân đột quỵ).
Trước đó, lúc 1h30′ chiều 10/5, ông Thịnh được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y dược – Hoàng Anh Gia Lai trong tình trạng liệt nửa người bên trái, tiếp xúc chậm, nói khó và bác sĩ chẩn đoán là bị đột quỵ.
BS Nguyễn Văn Trung – Phó Khoa thần kinh (BVĐK tỉnh Bình Định) cho biết đây là ca khó vì bệnh nhân bị tổn thương 2 tầng (động mạch cảnh trong và động mạch não giữa).
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành chụp MRI, xác định ông Thịnh bị nhồi máu não do tắc nghẽn hoàn toàn động mạch não giữa bên phải và thương tổn kèm theo động mạch cảnh trong bên phải.
Ngay lập tức, các bác sĩ bệnh viện này đã tiêm thuốc tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch cho bệnh nhân Thịnh. Đồng thời, liên hệ ngay với Đơn vị Đột quỵ thuộc Khoa Thần kinh – Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định để chuyển bệnh nhân đến cấp cứu.
Vì đây là nơi gần Bệnh viện Đại học Y dược – Hoàng Anh Gia Lai nhất (cách khoảng 165 km) có thể thực hiện được phẫu thuật can thiệp nội mạch để lấy huyết khối (cục máu đông trong não – PV) bằng dụng cụ cơ học.
Nhận được tin báo, bác sĩ Hà Thị Phi Điệp – Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định), lập tức huy động toàn bộ ê kíp thần kinh đột quỵ và ê kíp can thiệp mạch để sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân Thịnh.
Đến 19h20′ tối 10/5, bệnh nhân Thịnh được đưa vào Đơn vị Đột quỵ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định và các bác sĩ khẩn trương làm thủ tục để can thiệp nội mạch lấy khối huyết.
“Đây là ca phức tạp vì bệnh nhân bị tổn thương 2 tầng (động mạch cảnh trong và động mạch não giữa) nên phải tiến hành 2 kỹ thuật, gồm: đặt stent ở động mạch cảnh trong và lấy khối huyết ở động mạch não giữa. Sau khoảng 70 phút sau, các bác sĩ đã hoàn thành 2 kỹ thuật này”, bác sĩ Nguyễn Văn Trung nói.
Đến sáng 11/5, ông Thịnh đã khôi phục gần như hoàn toàn, nói rõ, tay chân bên trái cử động gần như bình thường, ăn uống qua đường miệng…
Theo bác sĩ Trung, đây là trường hợp thứ 2 mà Bệnh viện Đại học Y dược – Hoàng Anh Gia Lai và BVĐK tỉnh Bình Định phối hợp với nhau để cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị đột quỵ.
“Thường cấp cứu bệnh nhân bị đột quỵ khi chuyển viện, các bệnh viện chỉ cách nhau 100km, nhưng 2 bệnh viện cách nhau khoảng 165 km. Tuy nhiên, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược – Hoàng Anh Gia Lai đã chẩn đoán chính xác, tiến hành can thiệp và chuyển viện rất kịp thời. Bệnh nhân Thịnh được cấp cứu trong “khung giờ vàng” đối với bệnh nhân đột quỵ (6 giờ đầu tiên). Nếu chỉ chậm khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa sẽ nguy hiểm đến tính mạng”, ông Trung nói thêm.
Bà Anh mừng khi ông Thịnh bình phục sau đột quỵ được bác sĩ kịp thời can thiệp.
Đang chăm sóc chồng tại BVĐK tỉnh Bình Định, bà Lê Thị Anh (49 tuổi) vợ bệnh nhân Thịnh kể lại: “Khoảng 13h30′, chiều 10/5, khi đó chồng tôi chuẩn bị lên rẫy đi làm thì tôi nghe thấy tiếng ú ớ trong phòng, liền chạy vào. Lúc tôi vào thì chân tay anh ấy bị liệt, miệng ú ớ, tôi kịp đỡ từ từ cho tựa vào người rồi kêu con trai gọi xe cấp cứu đưa đi bệnh viện gấp. May mà có người ở nhà phát hiện đưa đi bệnh viện sớm và bác sĩ chẩn đoán chính xác, chuyển viện kịp thời chứ không giờ cũng không biết chồng tôi có qua khỏi không. Giờ anh ấy tỉnh lại nói bình thường, ăn uống được nên gia đình mừng lắm…”.
Doãn Côn
Theo Dân trí
Danh sách tham khảo 50 bệnh viện có quy trình can thiệp đột quỵ não cần biết
Sau khi Thanh Niên Online đăng bài Phải làm để cứu người nhà bị đột quỵ? (ngày 18.11), trong đó nêu vấn đề bệnh nhân cần đến bệnh viện có quy trình can thiệp đột quỵ càng sớm càng tốt, vì nếu đi "nhầm" bệnh viện thì sẽ mất "giờ vàng" của bệnh nhân.
Bác sĩ kiểm tra phục hồi của bệnh nhân sau khi được cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện An Bình (TP.HCM) - ẢNH: NGUYÊN MI
Nhiều bạn đọc gửi phản hồi đề nghị báo cung cấp danh sách bệnh viện có quy trình này.
Bạn đọc cũng hỏi là khi chờ xe cấp cứu hoặc taxi đến thì người thân nên làm gì?
Một chuyên gia về điều trị đột quỵ ở TP.HCM cho biết: 95% người đột quỵ não với 3 dấu hiện cảnh báo: méo miệng, liệt tay và chân cùng bên, rối loạn ngôn ngữ.
Không chỉ có nhân viên y tế, người dân cũng có thể nhận biết 3 dấu hiệu này để đưa người thân đi bệnh viện và không được làm gì cả.
"Trong khi chờ xe đến chuyển đi bệnh viện thì nên cho bệnh nhân nằm nơi thoáng mát để thở dễ dàng. Tốt nhất là có xe chuyên dụng nhưng thực tế kẹt xe ở Việt Nam thì xe chuyên dụng sẽ đến không kịp", chuyên gia nói.
Một thực tế là tại Bệnh viện Nhân dân 115 mỗi năm có khoảng 12.000 bệnh nhân đột quỵ não (khoảng 7.000 đột quỵ tim). Tuy nhiên, có trên 90% bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115 là đi xe gia đình hoặc xe taxi, gần 10% đi bằng xe cấp cứu chuyên dụng, trong đó thì trên 75% bệnh nhân đến trễ.
"Đột quỵ não không nặng lúc đầu, bệnh nhân tỉnh táo, có thể di chuyển bằng xe gia đình, xe công cộng. Nhưng đến bệnh viện càng sớm khả khăng điều trị thành công càng cao. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp xảy ra, có trường hợp dù đến sớm nhưng cục huyết khối quá lớn lấy không ra được", chuyên gia cho biết.
Qua tham khảo của một số chuyên gia, theo yêu cầu của bạn đọc, Thanh Niên cung cấp danh sách 50 bệnh viện có quy trình can thiệp đột quỵ để bạn đọc tham khảo; có thể có một số đơn vị, bệnh viện có quy trình này nhưng trong danh sách này chưa cập nhật hết được.
Danh sách 50 trung tâm, đơn vị có quy trình can thiệt đột quỵ trên cả nước:
1. Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM
2. Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định
3. Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM
4. Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội
5. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM
6. Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai
7. Bệnh viện Đà Nẵng
8. Bệnh viện Quân y 103 Hà Nội
9. Bệnh viện Q.Thủ Đức TP.HCM
10. Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng
11. Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội
12. Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
13. Bệnh viện đa khoa T.Ư Thái Nguyên
14. Bệnh viện T.Ư Huế
15. Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa
16. Bệnh viện An Bình TP.HCM
17. Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng
18. Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái
19. Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị
20. Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ
21. Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 1)
22. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh
23. Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc
24. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương
25. Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An
26. Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh
27. Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM
28. Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình
29. Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội
30. Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp
31. Bệnh viện Q.2 TP.HCM
32. Công ty TNHH MTV Bệnh viện đa khoa Hợp Lực tỉnh Thanh Hóa
33. Bệnh viện đa khoa Kiên Giang
34. Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 Hà Nội
35. Bệnh viện 105 Hà Nội
36. Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình
37. Bệnh viện E Hà Nội
38. Bệnh viện đại học y Hà Nội
39. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí Quảng Ninh
40. Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định
41. Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội
42. Bệnh viện Quân y 120 Tiền Giang
43. Bệnh viện đa khoa trung âm An Giang
44. Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai
45. Bệnh viện khoa khoa khu vực Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc
46. Bệnh viện tỉnh Lào Cai
47. Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận
48. Công ty cổ phần Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai
49. Bệnh viện đa khoa tỉnh An Giang
50. Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn
Theo thanhnien
Cứu sống người phụ nữ bị rách gan, tắc ổ bụng nguy kịch Một phụ nữ bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, nạn nhân bị vỡ cơ hoành phải, gây thoát vị gan lên ngực, huyết khối tắc hoàn toàn tĩnh mạch chủ bụng, dập, rách gan hạ phân thùy VI... rất nguy kịch. Nạn nhân tưởng chừng khó thoát khỏi lưỡi hái tử thần đã được cứu sống ngoạn mục. Bệnh nhân đang được...