Bình Định: 1.200ha lúa bị ngập, nông dân ngồi trên “đống lửa”
Trưa (2.11), văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Định cho biết, từ 19h ngày 1.11 đến 7h ngày 2.11 khu vực tỉnh Bình Định có mưa lớn.
Nước ngập trắng cả cánh đồng.
Từ ngày 1.11, mực nước trên các sông trong tỉnh dao động và xuất hiện lũ. Dự báo ngày và đêm nay (2.11) khu vực Bình Định tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Mực nước các sông tiếp tục lên mức báo động I – II, có nơi trên báo động II.
Video đang HOT
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cùng với các địa phương đang kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với tình hình mưa lũ, vận hành các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Kôn – Hà Thanh theo quy trình vận hành liên hồ.
Theo báo cáo nhanh của các huyện, đã có 25 hồ chứa nhỏ đầy nước, hàng trăm hộ ngập nước và phải di dời, 1.200ha lúa mùa bị ngập, ngã đổ, hai cầu bị hư hỏng và một số điểm sạt lở. Các địa phương đang tiếp tục kiểm tra và tổng hợp báo cáo cụ thể tình hình.
Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, tổng thiệt hại của huyện đã lên đến khoảng 15 tỷ đồng.
Theo đó, từ ngày 31.10-2.11, tại huyện Hoài Ân có mưa rất lớn khiến nhiều vùng bị ngập, các trục đường chính thuộc tỉnh lộ ĐT 629, ĐT 630 và nhiều tuyến đường liên xã bị nước lũ chia cắt hoàn toàn.
Cầu Bù Nú (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) bị sập, gây chia cắt.
Đến trưa 2.11, theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hoài Ân (Bình Định), địa phương này đã có 776 nhà dân bị ngập, 1 nhà bị sập hoàn toàn (gia đình ông Bùi Xuân Mới, xã Ân Tường Tây), 1 nhà sập vách (xã Ân Đức), 1.100 giếng nước sinh hoạt bị ngập, 45ha hoa màu (đu đủ, chuối) bị hư hại, 3.500 con gia cầm bị trôi… Kênh mương bị sạt lở, bồi lấp khá nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, 128 đập tạm, đập bổi bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn, 11 đập dâng kiên cố của 3 xã vùng cao ĐakMang, BokTới, Ân Sơn và 9 đập dâng kiên cố của 3 xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây và Ân Nghĩa bị sạt lở, bồi đắp với khối lượng 1.150m3. Cầu Bù Nú (xã Ân Nghĩa) bị mưa lũ gây hư hỏng nghiêm trọng và cuốn trôi hoàn toàn. Đặc biệt, nhiều cầu và đường giao thông nông thôn bị sạt lở, gây chia cắt giao thông.
Tại huyện Hoài Nhơn, hàng trăm nông dân như ngồi trên đống lửa vì nhiều diện tích lúa bị ngập, đổ ngã nhưng chưa thể thu hoạch được.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết: “Hiện giờ, chúng tôi đang lo khi nông dân còn 700 ha lúa gieo khô đang thời kỳ sắp thu hoạch nhưng bị ngập, ngã đổ hư hỏng. Chúng tôi đang chỉ đạo cho người dân nuôi tôm (hơn 30 ha hồ tôm nổi) lo thu hoạch. Bên cạnh đó chờ nước rút là thu hoạch lúa, yêu cầu các hồ chứa cần phải trực để điều tiết nước hợp lý”.
Theo Danviet