Bình dị mắm cua Bình Định
Bình Định có một loại mắm đặc sắc đến mức “ác liệt” mà không nhiều người biết đến là mắm cua.
Mắm cua có mùi rất đặc biệt, khó tả nhưng rất ngọt – béo và đầy hấp dẫn nhờ váng đỏ của gạch cuaMắm cua là loại mắm đặc biệt bởi nó là thứ mắm không phải đến từ biển mà thuộc về vùng đồng ruộng xứ này. Mắm được làm từ con cua đồng hay con rạm bằng cách giã nhuyễn rồi vắt xác lấy nước, sau đó để qua một đêm để cho thứ nước này bị “ử” (chính xác là để lên men làm sình nhẹ). Qua một đêm để “ử”, nồi nước bay một mùi hơi khó chịu của chất đạm bị phân hủy nhẹ. Sau đó, người ta sẽ phi hành cho thơm rồi đổ nước cua này lên kho thành mắm gọi là mắm cua.
Vì đã để qua một đêm cho “ử” nên khi nấu lên nước không kết tủa đóng thành riêu như nước cua đồng tươi mà lại trở thành nồi nước màu nâu, ở trên nổi váng mỡ đỏ sậm màu nâu đất do gạch cua tạo nên. Nồi mắm cua khi kho bay lên một loại mùi “ngây ngấy” mà với người chưa quen, chưa từng ăn thì có vẻ khó ngửi nhưng với người dân xứ Nẫu thì loại thứ mùi đó kích thích khức giác, vị giác dữ dội khiến nước miếng trong miệng tự đồng tứa ra.
Mắm cua có mùi rất đặc biệt, khó tả nhưng rất ngọt – béo và đầy hấp dẫn nhờ váng đỏ của gạch cua. Đây là món ăn phổ biến của người dân vùng đồng ruộng Bình Định, đặc biệt ở lưu vực con sông Côn và các vùng phụ cận chuyên trồng lúa như huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ. Vì là thứ mắm của vùng đồng ruộng nên người dân sống ở vùng ven biển ở Bình Định, chuyên nghề chài lưới vốn hay ăn hải sản tươi sống lại không mấy người thích ăn thứ mắm độc đáo này mà theo họ bởi vì nó có mùi quá “quái quái”.
Mắm cua khá ngậy béo nên chan với cơm hay chấm ăn với rau lang luộc hoặc rau sống. Bún mà chan mắm cua ăn là số một. Người ta cứ ăn hết tô này đến tô khác, càng ăn càng thấy muốn ăn thêm, cho đến lúc nhận ra là quá no thì cái bụng cũng đủ lặc lè. “Căng da bụng, chùng da mắt”, đến lúc này không gì sướng hơn là lăn ra ngủ.
Video đang HOT
Khác với tại “nguyên quán”, mắm cua khi lên Pleiku, lại được bán phổ biến khắp nơi, bán quanh năm và hay cho thêm măng khô
Vì cua đồng và con rạm sinh sôi nhiều sau mùa lụt và khi trời những cơn mưa rả rích miền Trung nên cứ hễ đến mùa mưa lụt, bầu trời xám xịt thì người ta lại chẹp miệng thèm được ăn chén cơm hay tô bún chan thì đời không đòi gì hơn. Khi nước rút dần, trời se lạnh cũng là lúc mùa thu hoạch củ sắn (ngoài Bắc gọi là củ đậu) nên trong nồi mắm cua xứ này ngoài thịt heo, cá lóc thì người ta còn hay sắc củ sắn cho vào thêm phần ngon ngọt.
Một điều khá lạ khác tuy mắm cua rất phổ biển với người dân Bình Định nhưng chỉ do người nhà tự làm rồi nấu ăn, chứ không có bán ngoài hàng quán. Ngày trước, láng giềng thân tình, nhà này kho nồi mắm bao giờ cũng múc một tô lớn sang cho nhà kế bên như chia sẻ sự thơm thảo.
Giờ cua đồng ngày càng ít và nhà hàng mở lên khắp nơi nên món mắm cua không mấy người làm, bởi vậy với nhà nào kho được nồi mắm cua mà đem cho hàng xóm, phải nói là quý còn hơn tặng bánh kẹo của Mỹ!
Theo chân người Bình Định lên An Khê rồi Pleiku lập nghiệp nên mắm cua lại trở thành món đặc sản của dân Gia Lai, mảnh đất vốn quen được gọi là Bình Định II. Khác với tại “nguyên quán”, mắm cua khi lên Pleiku, lại được bán phổ biến khắp nơi, bán quanh năm và hay cho thêm măng khô. Trong các nhà hàng tại Pleiku hay bán đặc sản rau rừng luộc và kèm theo chén mắm cua nhỏ.
Để ý thì thấy mắm cua ở Gia Lai không có béo ngậy và nổi váng đỏ gạch như ở Bình Định. Có lẽ con cua đồng trên Gia Lai ko mập béo như con rạm ở Bình Định mùa nước lụt. Người Gia Lai cũng tự hào coi mắm cua là đặc sản nên với những người ở vùng khác đến chơi, họ thường kỳ kèo rủ đi ăn mắm cua với lời “cảnh báo”: Chưa quen bay mùi hơi khó ăn nhưng ăn quen rồi là ghiền đó nha!
Theo Thanhnien
Phải lòng bánh dây thì về Bồng Sơn
Sau bao lần nhấp nha trong ước muốn, tôi đã đặt chân đến được Bồng Sơn (H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) để rồi "phải lòng" món đặc sản Bình Định có tên bánh dây.
Tạo nên nét đặc biệt cho bánh dây Bồng Sơn chính là sự khéo léo trong quá trình nêm nếm gia vị
Bồng Sơn mới 8 giờ tối mà tưởng như trời đã vào khuya. Sự vắng lặng của một thị trấn không thuộc trung tâm tỉnh Bình Định quả thật khó để kiếm món gì thi vị vào giờ này. May thay, một quán nhỏ hiện ra xa xa bên đường với biển hiệu khá lạ mắt - "Bánh dây Bồng Sơn". Đến gần, không chỉ một mà lần lượt vài ba quán liền kề nhau. Vậy là không thể không dừng chân, nhất là thấy quán nào cùng đông khách lại đúng lúc "đói lòng" như thế này.
"Bánh dây Bồng Sơn, cô ăn thử một đĩa nhé". Vừa mời tôi, chủ quán vừa nhanh nhảu giải thích: "Cô an tâm, đặc sản Bình Định đấy, ai đến đây mà chưa thưởng thức bánh dây coi như tiếc một chuyến đi". Có lẽ, chủ quán cố giải thích cho tôi hiểu vì đọc được ánh mắt tròn vo nửa ngạc nhiên, nửa thích thú của tôi khi nhìn vào rá bánh "lạ mắt" đặt trong tủ gương.
Như phản xạ tự nhiên, tôi nhanh tay gõ Google tìm hiểu thêm về món bánh dây. Một sự ngạc nhiên thú vị đến bất ngờ, có cả hàng trăm kết quả về món bánh dây xứ nẫu này. Quả thật "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ", không chủ đích nhưng tôi lại bắt gặp bánh dây, nếu như tiết trời Bồng Sơn mưa cứ đỏng đảnh kéo dài, hoặc ví như tôi làm biếng không lang thang đêm Bồng Sơn một mình mà ham vui ngồi nhâm nhi tách cà phê nơi khách sạn với bạn bè, chắc hẳn không thể biết đến món đặc sản bánh dây này..
Thú nhất là được tận hưởng mùi thơm thoang thoảng hương gạo mùa, đậu phộng quê, lá hẹ vườn nhà. Nhẹ nhàng gắp, cắn một miếng thôi mà như tận hưởng tất cả những đặc trưng của hương đồng cỏ nội.
Bánh dây Bồng Sơn thoạt nhìn tưởng cách làm rất đơn giản, ấy vậy mà khi hỏi ra mới hiểu thế nào là "ăn ngon phải kỳ công". Muốn có bánh dây ngon thì phải dùng đến gạo lúa cũ, tức là gạo xay từ lúa được thu hoạch từ nhiều tháng trước. Với loại gạo này, sợi bánh sẽ có vị dai đặc trưng.
Gạo đem vo vài lần, sau đó ngâm với nước tro củi khoảng 6 tiếng đồng hồ. Tiếp theo, gạo sau khi ngâm nước tro sẽ được đem xay thành bột và hấp chín. Trong quá trình hấp, người làm phải liên tục khuấy để bột chín đều, không bị cháy khét.
Khi bột đặc lại và ráo nước thì được ngắt thành từng miếng nhỏ, cho vào khuôn ép thành những vỉ bánh gồm nhiều sợi bún nhỏ. Những vỉ bánh này lại được đem đi hấp cách thủy cho chín đều. Lúc này, sợi bún có màu vàng nhạt tự nhiên và đẹp mắt.
Bánh dây Bồng Sơn ăn hơi dai, vị thanh dịu. Ban đầu được người dân chế biến như một món quà vặt đãi chồng con, khách phương xa. Dần dần, tiếng lành đồn xa, bánh dây cứ thế trở thành đặc sản và phổ biến ở Bình Định. Nhưng quả thật không quá khi nói rằng, ai có lỡ "phải lòng" bánh dây thì nên cất công đến Bồng Sơn mới tận hưởng hết sự tuyệt vời đặc sản xứ nẫu.
Theo Thanhnien
Về Bình Định thưởng thức vị thơm ngon tô canh cá liệt Đất võ Bình Định với những con người chân chất, với phong cảnh hoang sơ và văn hóa ẩm thực đặc sắc. Nơi đây có rất nhiều món ngon nhưng món mang đậm hồn quê hương, dân dã nhưng lại có hương vị rất riêng phải nó đến tô canh cá liệt. Chưa có năm nào biển cả thất bát như năm nay....