Bikini chưa đủ làm đẹp biển Đà Nẵng
Ngoài việc mặc bikini khi tắm biển thì khâu tổ chức, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự phải được tiến hành đồng thời.
Từ việc khách than phiền người dân mặc đồ ngủ đi tắm biển Đà Nẵng, tại kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất lập khu vực riêng dành cho khách mặc bikini. Xung quanh chủ đề này, VOV.VN trao đổi với GS Hà Tôn Vinh – Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp giáo dục đào tạo và tư vấn Stellar Management.
PV: Thưa ông, ông có ý kiến gì về đề xuất của lãnh đạo ngành du lịch thành phố Đà Nẵng đề xuất lập khu vực riêng dành cho khách mặc bikini?
GS Hà Tôn Vinh: Điều này không quan trọng bằng sự thanh lịch và tính hiếu khách của thành phố. Mục tiêu của thành phố là bãi biển của mình đẹp hơn trong mắt du khách, thu hút được nhiều khách du lịch hơn. Việc bikini hay không bikini đều nằm trong chiều hướng gia tăng hình ảnh, vẻ đẹp của thành phố.
Thế nhưng, ngoài chuyện bikini ra thì còn nhiều yếu tố khác ví dụ như vấn đề rác thải ở bãi biển, sự nhếch nhác trong tổ chức, tệ nạn ăn trộm, ăn cắp, an ninh trật tự… Chuyện yêu cầu phải mặc bikini cũng quan trọng, làm tăng vẻ đẹp thành phố lên nhưng không phải chỉ có bikini mới làm tăng sức hút du lịch. Có thể tạm gọi điều này không quan trọng bằng các vấn đề tổ chức, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
Bikini là đồ dành cho phụ nữ, có loại 2 mảnh và loại 1 mảnh. Thế còn đàn ông thì sao, những người khác thì sao? Đàn ông cũng phải mặc gọn gẽ, sạch sẽ hơn. Đi tắm biển mà mặc bộ pizama, quần áo ngủ nhảy xuống biển thì phản cảm. Mặc bikini đẹp ra bãi biển thì tốt quá. Nếu thấy bikini không thoải mái thì mặc một mảnh từ trên xuống dưới cũng rất đẹp, nhưng phải là loại thiết kế cho tắm biển. Người nước ngoài cũng mặc như vậy. Người nào mập thì họ mặc kimono bikini. Không phải vì không tự tin mà ra bãi biển lại ăn mặc luộm thuộm là không được.
Mục tiêu TP Đà Nẵng đặt ra là đúng rồi, nhưng phải thân thiện hơn, đẹp hơn và sạch sẽ hơn trong mắt người du lịch.
PV: Ông có thể chia sẻ các trải nghiệm của mình khi đến bãi biển trong nước và nước ngoài?
Video đang HOT
GS Hà Tôn Vinh: Tôi đi các bãi biển của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nhưng tựu chung lại có 3 vấn đề quan trọng nhất, thứ nhất làm sao du khách đến bãi biển phải không bị ùn tắc giao thông; không có trộm cắp và không xả rác.
PV: Ở Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng, theo ông đã làm được những việc đó hay chưa?
GS Hà Tôn Vinh: Đà Nẵng là một trong những thành phố tiến bộ nhất trong các thành phố, là gương cho nhiều thành phố khác. Từ chỗ đó, đi đến cái tiểu tiết là vẻ đẹp của người phụ nữ khi đi tắm biển mặc bikini cũng rất hay. Từ những cái tiểu tiết ấy mới tạo nên sự hài hòa chung cho toàn thành phố.
PV: Nhưng nhiều người dân nói rằng, họ đi làm về qua bãi biển muốn nhảy ào xuống biển để xả stress. Nếu yêu cầu phải có trang phục tắm biển riêng thì rất bất tiện?
GS Hà Tôn Vinh: Cái đó chỉ đúng một phần. Người dân phải hợp tác với chính quyền để đạt mục tiêu cao hơn, đưa hình ảnh thành phố của mình lên, chứ không thể tồn tại suy nghĩ tôi là người lao động nên muốn mặc thế nào thì mặc. Thành phố cũng không bắt buộc những người này phải mặc đồ đắt tiền. Hai bên phải cùng chấp nhận một mục tiêu chung là thành phố của chúng ta phải đẹp, thân thiện… để thu hút du khách. Mỗi người phải hy sinh cái tôi của mình một chút.
Đơn cử một ví dụ, tôi thấy nhiều người vào hồ bơi không phải để tắm, để thư giãn, mà họ tắm rửa. Bao nhiêu thứ bẩn thỉu lại đưa hết vào hồ bơi, như thế thì không chấp nhận được. Hành động đó không đẹp lại ảnh hưởng tới quyền lợi của những người khác.
PV: Nhưng nhiều người cho rằng, qui định như vậy là vi phạm nhân quyền, quyền tự do ăn mặc của người dân?
GS Hà Tôn Vinh: Cái đó không thể nâng cao quan điểm thành nhân quyền được mà chỉ là lòng tự trọng, tôn trọng chính mình và người khác. Nếu nói nhân quyền thì tôi có thể mang quần áo vào giặt trong hồ bơi, tắm rửa, kỳ cọ thoải mái?
Đây không phải là việc làm mang tính lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hay sự ăn chia giữa mấy người bán hàng quần áo tắm mà đó là hình ảnh của thành phố, hình ảnh của bãi biển. Thành phố không thể thu hút khách du lịch đến bãi biển bằng những hình ảnh ăn mặc lôi thôi, nhếch nhác đi tắm biển được.
PV: Xin cảm ơn ông!
“Người dân Đà Nẵng coi biển là nhà của mình. Họ đi đâu, làm gì ngang qua bãi biển thấy muốn tắm là lao xuống biển chứ đâu phải cầu kỳ thay đồ bơi nọ kia.
Nếu nhà sát bãi biển thì có thể thay đồ bơi qua tắm nhưng tôi phải đi hơn 2km mới tới bãi biển. Trên đường đi còn rẽ dọc ngang thì sao tiện mang đồ bơi đi cùng. Với lại, đâu phải ai mặc đồ bơi cũng đẹp và đâu phải ai cũng tự tin mặc bikini đâu. Khi còn con gái, ra bãi biển tôi rất tự tin để mặc đồ bơi. Thế nhưng sau 2 lần sinh nở, cơ thể tôi không còn đường cong nào mà chỉ có đường “lồi” (cười) nên tôi không thể mặc đồ bơi trên biển. Nhưng tôi cùng đồng ý rằng khi ra bãi biển phải ăn mặc thế nào cho khỏi nhếch nhác, không ảnh hưởng thuần phong mỹ tục. Đúng là nhiều bà, nhiều chị và cả nhiều ông ăn mặc khó coi quá” – Chị Lê Thị Nhung ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
“Vừa rồi, Đà Nẵng họp HĐND, lãnh đạo thành phố nói bãi biển Đà Nẵng là của dân Đà Nẵng nhưng những chỗ đẹp người ta xí phần, cấm tắm hết chơn rồi, giờ chỗ nào cũng thấy nhếch nhác. Các nhà quản lý hãy làm cho bãi biển đẹp lên thì ý thức của người dân cũng sẽ nâng lên” – Anh Trịnh Tuấn Hiệp, quận Sơn Trà.
Vũ Hạnh
Theo_VOV
Bí thư Khánh Hòa yêu cầu tháo dỡ biển "cấm xâm phạm" tại bãi biển
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết đã đề nghị UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ ngay các tấm biển này vì chưa có giấy phép.
Ngày 22/5, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với thành phố Nha Trang yêu cầu Công ty TNHH Dewan International Việt Nam tháo dỡ các tấm biển dọc công viên bờ biển thành phố Nha Trang.
Từ tháng 4/2015, Công ty Dewan Việt Nam đã tự ý cắm nhiều tấm biển ghi bằng tiếng Anh và tiếng Việt với nội dung: "Phát triển phía đông đường Trần Phú - khu vực này nằm trong quy hoạch của dự án Phoenix Beach của Công ty TNHH Dewan Việt Nam theo quy hoạch đã được phê duyệt ngày 17/10/2014 của UBND tỉnh Khánh Hòa. Mọi thông tin xin liên hệ chủ đầu tư. Vui lòng không xâm phạm!".
Tấm biển gây bức xúc trong dư luận
Ngay sau khi phát hiện, lực lượng chức năng của thành phố Nha Trang đã tháo gỡ 11 bảng hiệu dọc chiều dài 4 cây số công viên - bãi biển Nha Trang.
Thế nhưng, ngày 27/4, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh là "cho phép Công ty TNHH Dewan International Việt Nam được khôi phục như cũ một số bảng "cấm xâm phạm" mà công ty này đã dựng tại công viên bờ biển dọc đường Trần Phú". Chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khiến nhiều người dân và dư luận phản ứng gay gắt.
Những tấm biển này đã bị tháo dỡ dù có ý kiến chỉ đạo "cho cắm" của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Lê Thanh Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã đề nghị UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ ngay các tấm biển này vì chưa có giấy phép: "Cái sai của công ty Dewan, là một đơn vị thôi, mới đang quy hoạch mà trương bảng với nội dung không phù hợp, gây hiểu lầm, bức xúc trong dân. Họ không có quyền đi trương bảng như vậy. Tôi yêu cầu dỡ, không có sửa chữa gì hết. Đặt bảng không xin phép. Chúng ta phải tổ chức quản lý tốt hơn để toàn dân hưởng lợi, nghỉ ngơi, vui chơi trên bãi biển, trên công viên".
Như VOV đã thông tin, thời gian gần đây, người dân thành phố Nha Trang bức xúc trước tình trạng các doanh nghiệp đầu tư du lịch đã có hành vi cản trở người dân và du khách đi dạo ở khu vực bờ biển đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa./.
Thái Bình
Theo_VOV
3 học sinh tiểu học mất tích khi tắm biển Hai anh em Huynh và người bạn cùng lớp rủ nhau đi tắm biển thì bị sóng cuốn mất tích. Bà Cao Thị Dung, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho biết 15h chiều 16/5, được nghỉ học nên hai anh em sinh đôi Vũ Văn Huynh và Vũ Văn Đệ (trú tại xã Quỳnh Thuận) cùng...