Biểu tình lan ra toàn bộ 50 bang ở Mỹ
Biểu tình đã lan ra 50 bang của Mỹ, nhưng hiện chủ yếu ôn hòa sau những ngày xuất hiện cướp phá, bạo loạn.
Hình ảnh biểu tình “Mạng sống người da màu quan trọng” nhằm đòi công lý cho George Floyd, bình đẳng cho người da màu và lên án hành vi bạo lực quá mức của cảnh sát tại 50 bang xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội.
Nhiều người biểu tình đã bày tỏ vui mừng trên mạng xã hội vì cảnh sát Derek Chauvin, người trực tiếp ghì gáy Floyd, bị truy tố tội giết người cấp độ hai và tất cả bang ở Mỹ đều ủng hộ chống phân biệt chủng tộc.
“Bạn không thể khiến tất cả 50 bang đồng thuận về bất kỳ vấn đề gì, nhưng toàn bộ 50 bang đều phản đối phân biệt chủng tộc. Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều này trong đời, như thế là có hy vọng”, một người chia sẻ trên Twitter.
“Tất cả 50 bang và 18 quốc gia đã tham gia các cuộc biểu tình “‘Mạng sống người da màu quan trọng’, khiến nó trở thành phong trào dân quyền lớn nhất trong lịch sử thế giới”, người dùng Twitter Rob Mackffy cho hay.
Người biểu tình tập trung tại một cuộc họp báo ở Brooklyn, New York để kêu gọi thông qua các dự luật tăng trách nhiệm đối với cảnh sát trên toàn bang hôm 4/6. Ảnh: AFP.
Biểu tình vẫn tiếp diễn trên toàn nước Mỹ trong ngày 4/6. Tuy nhiên, thay vì xuất hiện hành động cướp phá, đột nhập như những ngày trước, người biểu tình ôn hòa hơn và chủ yếu tập trung tại các khu vực tưởng niệm để tưởng nhớ Floyd. Tang lễ của Floyd tại thành phố Minneapolis cũng thu hút hàng trăm người tham gia.
Tại thủ đô Washington, người biểu tình quỳ trước Đài tưởng niệm Martin Luther King Jr. để tưởng nhớ và đòi công lý cho Floyd. Vào buổi tối, một cơn mưa lớn kèm sấm sét trút xuống nhưng người biểu tình vẫn không giải tán. Thủ đô nước Mỹ tối 4/6 không áp lệnh giới nghiêm, phản ánh sự ôn hòa trong các cuộc biểu tình so với vài ngày trước.
Tại New York, người biểu tình tập trung tại một cuộc họp báo ở quận Brooklyn để kêu gọi thông qua các dự luật tăng trách nhiệm đối với cảnh sát toàn bang New York. Sau một ngày biểu tình hòa bình, một nhóm người ở Manhattan tiếp tục diễu hành vào giờ giới nghiêm và cảnh sát đã bắt 10 người.
Lệnh giới nghiêm không được áp dụng ở thành phố Oakland, bang California và người biểu tình tiếp tục một đêm biểu tình ôn hòa. Họ cũng vẽ tranh tường trên các cửa hàng để vinh danh George Floyd và những người khác đã chết do bạo lực quá mức của cảnh sát.
Một đêm biểu tình ôn hòa khác kết thúc trước giờ giới nghiêm ở thành phố Detroit, bang Michigan. Thống đốc Michigan và Thị trưởng Detroit đều tham gia biểu tình.
Người dân biểu tình trong mưa lớn ở thủ đô Washington tối 4/6. Ảnh: AP.
Các thành viên gia đình Floyd cũng tham gia các cuộc biểu tình lớn ở Texas, quê nhà của anh. Các con của Floyd nghe đám đông hô lớn tên cha. Em trai của Floyd chủ trì tang lễ tại Minneapolis hôm 4/6. “Mọi người đều muốn công lý cho George, chúng tôi muốn công lý cho George”, Philonise Floyd nói.
Phát biểu tại tang lễ, người sáng lập Mạng lưới Hành động Quốc gia Al Sharpton lên án phân biệt chủng tộc và kêu gọi trách nhiệm trong hệ thống tư pháp hình sự. “Lý do chúng tôi không bao giờ có thể là người mà chúng tôi muốn hay mong ước là bởi các người đã ghì chân lên gáy chúng tôi”, Sharpton nói.
Floyd tử vong hôm 25/5 sau khi bị 4 cảnh sát khống chế vì cáo buộc tiêu thụ tờ 20 USD giả. Ngoài châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở Mỹ, cái chết của Floyd cũng khiến người dân nhiều nước như Anh, Đức, Canada, Brazil, Australia, Áo cũng xuống đường đòi công lý cho người da màu và lên án những hành vi bạo lực quá mức của cảnh sát với cộng đồng này.
George Floyd bị ghì chết trong gần 9 phút như thế nào? Video: NYTimes.
Hàng chục nghìn người Áo biểu tình vì George Floyd
Ít nhất 50.000 người xuống đường ở thủ đô Vienna, Áo, ủng hộ cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên toàn cầu sau cái chết của George Floyd.
Đám đông, hầu hết là thanh niên, sau khi nghe các diễn giả phát biểu, đã tuần hành đến công viên Karlsplatz ở trung tâm thành phố Vienna hôm 4/6. Cảnh sát Vienna cho hay 50.000 người đã tham dự sự kiện.
Một số người cho rằng đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Vienna nhiều năm qua.
"Nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, trong đó có Áo. Chúng ta phải ngăn chặn nó", Katharina Kohl, một nữ sinh 21 tuổi, nói khi cầm biểu ngữ "Thù ghét không phải là một quan điểm".
Phần lớn người biểu tình tụ tập sát nhau, không tuân thủ các biện pháp giãn cách nhằm ngăn chặn nCoV lây lan, nhưng nhiều người đeo khẩu trang.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại thủ đô Vienna, Áo, hôm 4/6. Ảnh: AFP
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc nổ ra tại Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd hôm 25/5, sau đó lan rộng nhiều nước trên thế giới như Anh, Đức, Canada, Pháp, Australia...
Tranh cãi về các hành vi bạo lực của cảnh sát hiếm khi xảy ra tại Áo, nhưng năm ngoái, giới chức đã mở cuộc điều tra về việc một số sĩ quan bị cáo buộc lạm quyền trong khi bắt người biểu tình chống biến đổi khí hậu. Nạn phân biệt chủng tộc ở Áo gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận, chủ yếu do những bình luận kích động từ các nghị sĩ của đảng cực hữu FPOe.
Biểu tình đòi công lý cho người da màu vẫn tiếp diễn khắp nước Mỹ trong ngày 4/6, nhưng đa phần ôn hòa thay vì bạo loạn, cướp phá như trước đó.
Derek Chauvin, 44 tuổi, người trực tiếp ghì gối lên gáy Floyd khiến anh tử vong, đã bị sa thải và bị truy tố tội giết người cấp độ hai. Ba đồng nghiệp của Chauvin bị truy tố tội hỗ trợ và tiếp tay cho hành vi này, với mức án tù tối đa 40 năm.
Nỗi dằn vặt của cảnh sát Mỹ trong biểu tình 10 Lo lắng và ngưỡng mộ hướng về nước Mỹ Cuộc chiến pháp lý quanh cái chết của George Floyd Bạo loạn đã ăn sâu bén rễ trong biểu tình Mỹ 20
Những nhóm cực đoan bị tố 'giật dây' bạo loạn Mỹ Khi nhiều thành phố Mỹ chìm trong biểu tình bạo lực và cướp phá, nhiều cáo buộc về các nhóm cực hữu hay cực tả đứng sau giật dây đang được lan truyền. Nhiều lãnh đạo chính trị, trong đó có Tổng thống Donald Trump, cáo buộc một số nhóm cực đoan khác nhau đã biến các cuộc biểu tình ôn hòa phản...