Biệt tài viết ngược tuyệt đẹp của thầy giáo xứ Kinh Bắc
Không chỉ nổi danh viết đẹp, anh còn có thể viết chữ ngược, viết thư pháp bằng bút sắt. Người xem phải dùng gương phản chiếu mới đọc được loại chữ này.
Thầy giáo Nguyễn Đương Ánh (41 tuổi, ở Tiên Du, Bắc Ninh) từng nổi danh khắp xứ Kinh Bắc bởi tài viết chữ đẹp. Anh cũng là một trong những người đầu tiên sáng tạo ra loại bút mài ngòi và đăng ký thương hiệu độc quyền. Gần 20 năm gắn bó với con chữ, người thầy giáo coi đó như cái nghiệp mình theo đuổi suốt đời. Hơn thế, anh còn nâng chữ lên thành một thú chơi tinh hoa, điêu luyện.
Chữ nét thanh nét đậm của thầy Nguyễn Đương Ánh
Biệt tài chữ ngược
Trước lúc viết, đôi mắt anh nhìn chăm chú vào khoảng trống trên tấm bảng. Để tâm trí không vướng bận vào suy nghĩ gì khác, anh bắt đầu tưởng tượng hình hài chữ ngược. Cẩn trọng đặt nét phấn đầu tiên, rồi cứ thế, từng nét chữ bay bổng hiện ra, nét sổ dứt khoát, nét thanh vòng mềm mại. Nhưng người xem cũng không thể đọc được chữ gì. Dùng gương phản chiếu lại ta mới thấy những con chữ bay bổng, đẹp không khác gì chữ viết xuôi. Nó được tạo nên bởi đôi tay tài hoa, cùng quá trình khổ luyện hàng chục năm của người viết.
Thầy Ánh chia sẻ: “Để viết chữ ngược đẹp, đòi hỏi phải viết xuôi cũng đẹp, có trí tưởng tượng tốt, hình dung trước được nét”.
Vốn có niềm đam mê chữ đẹp từ thuở nhỏ, năm 1997, khi đang học năm nhất trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, chàng sinh viên Nguyễn Đương Ánh đã đạt giải nhì cuộc thi viết chữ đẹp toàn quốc. Đến khi về giảng dạy tại trường Tiểu học Phú Lâm 2 (Tiên Du, Bắc Ninh), tài viết chữ đẹp của thầy Ánh đã nổi danh khắp vùng Kinh Bắc.
Anh Nguyễn Đương Ánh, người viết chữ đẹp nổi tiếng có nhiều người theo học
Tiếng lành đồn xa, không chỉ viết bằng khen, giấy tờ trong huyện, xã mà nhiều nơi khác cũng đến nhờ thầy viết chữ. Có thời gian, thầy Ánh phải khăn gói sang huyện Yên Phong (Bắc Ninh) ở cả tuần để viết hộ hàng trăm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con. Phụ huynh đến xin thầy viết dăm ba chữ khuyến khích con học tốt rồi treo trang trọng bên góc học tập. Bạn bè cần viết thiệp mừng, thiệp cưới cũng đến nhờ chữ thầy Ánh.
Kỷ niệm anh nhớ nhất, đó là vào buổi tối cuối năm học, đại diện hội phụ huynh của một trường tiểu học cách đó hơn chục cây số tới nhờ anh viết giấy khen. Tối muộn, công việc bận rộn nên anh đành từ chối. Nhưng người đó cố sức năn nỉ. Họ nói rằng những tấm giấy khen kia có nét chữ của thầy Ánh thì sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều. Anh nhận lời. Viết hơn 100 giấy khen, vở tặng học sinh giỏi xong xuôi, nhìn đồng hồ điểm 12h đêm. Hai vị phụ huynh say sưa ngắm nhìn những nét chữ với khuôn mặt rạng rỡ.
Không bằng lòng ở việc luyện chữ nét thanh nét đậm, anh còn tự học, tìm tòi viết thư pháp chữ Việt bằng bút sắt. Bút sắt ngòi cứng cáp, nhỏ mảnh không thể viết nhanh nét cực đậm, nét xược trong một lượt đưa bút. Anh nghĩ ra cách lật ngược ngòi bút, đẩy mực thấm ướt ngòi rồi đưa bút chậm ở nét cần nhấn, lướt nhanh tạo ra đường mềm mại, khoáng đạt. Thoạt nhìn, hầu như ít ai nhận ra đó là chữ thư pháp viết bằng bút sắt.
Người đầu tiên sáng tạo ra bút mài ngòi
Video đang HOT
Để viết được loại chữ nét thanh nét đậm cần loại bút ngòi bằng, dẹt nhưng các loại bút bơm mực hiện đại hầu như không đáp ứng được. Từ khi còn là sinh viên, anh Ánh đã tự tìm tòi cách mài bút sao cho viết ra nét thanh đậm. Mài hỏng nhiều ngòi bút, anh mới đúc rút ra kinh nghiệm. Thường phải mất vài tiếng đồng hồ mới có thể mài xong, vừa mài vừa viết thử đến khi viết trơn đều không gợn mới hoàn thành.
Anh Ánh biểu diễn viết thư pháp bằng bút sắt
Thư pháp bút sắt của anh Ánh
Anh Ánh chia sẻ: “Để mài được một cây bút như ý, phải trải qua nhiều công đoạn. Công cụ mài rất thô sơ, mài bằng đá, mài thủ công, phải soi xét từng góc cạnh. Bút mài bằng tay tuy có điểm hạn chế là tốc độ viết chậm nhưng lại có ưu điểm chữ viết sắc nét hơn, tạo được sự kiên trì, cẩn thận trong từng nét chữ”.
Ban đầu anh tự mài để viết, mài cho học sinh, cho đồng nghiệp, ngày càng nhiều người nhờ, mài không xuể. Anh nảy ra ý tưởng dùng mô – tơ quay để mài. Bạn bè động viên anh đăng ký bản quyền. Thương hiệu Bút mài thầy Ánh ra đời từ đó.
Người xưa nói: “Nhất tự thiên kim”, một chữ đáng giá ngàn vàng. Anh thường viết hộ, cho chữ mà không lấy công. Nhưng với mong muốn đem niềm đam mê chữ đẹp truyền cảm hứng cho nhiều người, anh lên Hà Nội mở trung tâm luyện chữ đẹp, sản xuất bút mài ngòi từ năm 2002.
Người tìm đến học chữ đẹp thầy Ánh, ngoài học sinh, giáo viên còn có dân văn phòng, phụ huynh… Họ học vì đam mê với chữ đẹp. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, một giáo viên tiểu học ở Gia Lai ra Hà Nội để học 3 buổi luyện chữ của thầy Ánh. Có người chưa đi xa bao giờ, được cả chồng đưa đi ra luyện chữ vài buổi lại về.
Học sinh khi tới trung tâm sẽ thực hiện bài thi đầu và bài thi kết thúc để kiểm tra đánh giá quá trình rèn chữ. Đối với giáo viên tới học chỉ cần nắm được các kĩ năng cơ bản rồi về tự rèn luyện. Còn với học sinh phải kèm thường xuyện vì mức độ nhận thức và rèn luyện kĩ năng lâu hơn.
Năm 2012, thầy Nguyễn Đương Ánh được mời làm giám khảo các cuộc thi viết chữ đẹp do tỉnh Sơn La tổ chức, làm giám khảo chấm thi viết chữ đẹp huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ngoài việc rèn chữ, anh còn sáng tạo 6 mẫu chữ để đáp ứng cho việc giải trí, trang trí, quảng cáo…
Theo Khampha
Cậu bé lớp 5 có biệt tài vẽ chữ đẹp như rồng bay phượng múa
Cậu học trò lớp 5 Mã Vương Kiệt (tiểu học Tân Phú, Q.9, TP.HCM) được nhiều người biết đến bởi khả năng vẽ chữ đẹp không kém các nhà thư pháp.
Mã Vương Kiệt (lớp 5, trường tiểu học Tân Phú) biết viết chữ thành hình rồng phượng từ năm 6 tuổi. Trong ảnh, Kiệt đang biểu diễn khả năng của mình tại căn nhà trọ của gia đình ở bên hông khu du lịch Suối Tiên (Q.9). Bằng sự sáng tạo cộng với năng khiếu vẽ giỏi, viết đẹp, Mã Vương Kiệt đã vận dụng hình ảnh rồng, cô tiên, bông hoa... để tạo thành một bức họa đẹp.
Loại hình này tựa như viết thư pháp, cũng dùng mực tàu.
Tuy nhiên thay vì dùng bút cọ để viết thì việc viết chữ rồng phượng phải dùng đến loại bút đặc biệt làm từ gỗ tre, được đẽo thành các khúc có chiều rộng khác nhau.
Người vẽ chấm mực tàu và phệt lên giấy trắng những đường nét thanh đậm, tạo ra hình rồng, hình phượng. Các bước không theo quy tắc viết chữ thông thường mà tùy thuộc vào cách bài trí một bức tranh.
Kiệt cho biết: "Nếu viết tên con trai thì dùng hình ảnh con rồng, tên con gái thì vẽ phượng. Đó đều là hai động vật tượng trưng cho sự phú quý, quyền lực. Hơn nữa rồng, phượng đều có đuôi dài, uốn éo nên dễ tạo hình chữ". Trong ảnh, Kiệt đang viết chữ Khang, với vần "K" hình con rồng.
Với tất cả các chữ cái đều có thể sử dụng rồng phượng tạo ra nét chữ và chỉ chữ đầu của mỗi tên thì mới dùng hình ảnh hai linh vật này để vẽ.
Người truyền nghề cho Kiệt là ông nội Mã Vương Quyền (77 tuổi). Ông Quyền có hơn 20 năm nghề thư pháp. Ông cho biết: "Loại chữ này do tôi sáng tạo ra cách đây 20 năm. Tôi đặt tên là chữ rồng phụng (phượng - PV). Lúc đầu tôi thử dùng hình ảnh các con giáp khác để vẽ chữ nhưng không đạt". Theo ông, đây là một dạnh biến thể khác của tranh thủy mặc.
Các con của ông Quyền cũng đều biết vẽ loại chữ này nhưng Kiệt là biết sớm nhất, từ năm 6 tuổi. Theo ông Quyền, từ nhỏ Kiệt đã thích thú với loại tranh ông vẽ và học hỏi nhanh. "Tôi không chỉ nhiều, Kiệt cứ nhìn tôi vẽ rồi bắt chước theo và tập luyện rất chăm chỉ", ông nói.
Tranh của Kiệt được nhiều người đánh giá cao, không chỉ đẹp, ý nghĩa mà nó còn thể hiện sự sáng tạo. Mỗi lần có cuộc thi vẽ tranh, chữ đẹp nhà trường đều cử Kiệt tham gia. Bất kỳ cái tên nào Kiệt đều có thể vẽ được kể cả tiếng nước ngoài. Chỉ cần đọc tên ra, mất vài giây tư duy, Kiệt biết mình nên vẽ dạng nào. Thời gian hoàn thành mỗi bức tranh mất khoảng 7-10 phút, tùy thuộc độ dài ngắn của các âm tiết.
Chữ "Khang Thái" được Kiệt thể hiện theo lối vẽ rồng phượng.
Chữ "Phúc" với hình ảnh con rồng.
Chữ "Tâm". Với mỗi cái tên, nét chính vẫn là hình ảnh rồng, phượng nhưng Kiệt đều thể hiện sự sáng tạo riêng cho từng bức tranh.
Ngoài ra Kiệt còn sử dụng các hình ảnh khác như cô tiên, bông hoa... để vẽ chữ. Trong ảnh là hình chữ "Hồng" với hình bông hoa và cô tiên. Theo lời ông Quyền, những nét chữ của Kiệt ngày càng tiến bộ nhưng vẫn chưa hài hòa về bố cục và ít thể hiện được phong thủy trong tranh. "Sắp tới tôi sẽ dạy cháu thêm về viết thư pháp, vẽ tranh thủy mặc", ông Quyền cho biết.
Thời gian chủ yếu của Kiệt vẫn là tập trung học. Nếu không học, không vẽ thì cậu bé thường đọc truyện tranh. Do bố mẹ làm công việc buôn bán ngoài chợ nên phần lớn thời gian Kiệt ở với ông bà hoặc một mình.
Theo VNE
Rèn trẻ viết chữ đẹp: Người ủng hộ lên tiếng Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, việc rèn chữ đẹp ở học sinh tiểu học là cần thiết, không nên bỏ. Trẻ luyện chữ tức là rèn luyện tính kiên trì, cần mẫn, chỉn chu trong việc. Trước đề xuất bỏ luyện chữ đẹp của TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm...