Biết giống sắn bị nhiễm bệnh, nông dân vẫn “nhắm mắt” mua về trồng
Vụ sắn mới đang bắt đầu ở Tây Ninh. Nhu cầu giống sắn (mì) sạch bệnh từ nông dân lẫn củ sắn tươi nguyên liệu từ nhà máy tăng cao nhưng cả 2 nguồn cung đều đang bị thiếu hụt, vì thế có không ít người dù biết nguồn giống sắn bị nhiễm bệnh nhưng vẫn “nhắm mắt” mua vì giá rẻ chưa đến 1 nửa so với nguồn giống sạch bệnh hơn.
Do nhu cầu cây giống tăng cao cho vụ trồng mới nên các điểm bán cây sắn giống đang xuất hiện khá nhiều trên địa bàn tỉnh. Phần lớn trong đó là các điểm bán giống tự phát.
Một điểm bán sắn giống trên địa bàn huyện Dương Minh Châu. Nguyên Vỹ
Tại xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu), anh Trần Tấn Sang cho biết đang bán cùng lúc cả 2 loại giống trong và ngoài tỉnh. Do sắn trong tỉnh đã bị nhiễm bệnh khảm lá nên giá chỉ dao động 13.000 đồng/bó. Trong khi giống sắn đưa từ một số tỉnh miền Trung vào, ít có dịch bệnh được bán với giá 30.000 đồng/bó.
Với giống sắn từ ngoài tỉnh đưa vào, anh Sang cũng không dám chắc là có sạch bệnh hay không, chỉ biết là ít nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, phần lớn người trồng quanh vùng vẫn thường chọn mua giống sắn được thu hoạch ngay trong tỉnh.
Dù biết giống tại Tây Ninh nhiễm bệnh khảm lá nhưng giá bán thấp hơn. “Nếu chăm sóc tốt, sắn vẫn cho năng suất khoảng 30 tấn/ha. Ít ra người trồng vẫn còn lời chút đỉnh với giá bán nguyên liệu như hiện nay”, anh Sang nói.
Không chỉ thiếu nguồn giống kháng bệnh, củ sắn tươi nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất cũng đang thiếu hụt. Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết hiện tại, đã vào chính vụ sản xuất 2019 – 2020. Nguồn cung hàng hóa tăng mạnh, riêng khu vực Tây Ninh thiếu nguyên liệu nên nhiều nhà máy phải ngưng chạy máy.
Nhiều nhà máy đang thiếu nguyên liệu tươi cho chế biến. Nguyên Vỹ
Hiệp hội Sắn Việt Nam nhận định dù nhu cầu mua hàng từ Trung Quốc vẫn chưa tăng mạnh, nhưng do nguồn cung tinh bột sắn hiện tại không nhiều nên dự kiến giá sẽ không giảm sâu.
Video đang HOT
Ghi nhận giá mua nguyên liệu tại khu vực huyện biên giới Tân Biên, Tân Châu, giá vẫn ổn định quanh mức 2.620 – 2.750 đồng/kg tùy nhà máy và chất lượng củ đưa về. Một số nhà máy ở các huyện khác cũng đã tăng giá mua, giữ quanh mức 2.700 đồng/kg để hút sắn về.
Ông Hà Thanh Tùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh thừa nhận, do dịch bệnh khảm lá sắn gây hại trên toàn tỉnh đã làm giảm năng suất, ảnh hưởng không chỉ đến thu nhập của người trồng sắn mà còn gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho nhà máy.
Hiện Tây Ninh có 67 nhà máy đang hoạt động, ước khối lượng củ sắn đưa vào chế biến trên 4 triệu tấn củ tươi. Tuy nhiên hiện nay năng suất giảm từ 30 – 40%, đang ảnh hưởng đến ngành chế biến sắn của tỉnh.
Việc hỗ trợ giống sắn sạch bệnh cho vụ Đông Xuân 2019 – 2020 là hết sức cần bách. Nguyên Vỹ
Để có cây giống sắn sạch bệnh phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến, Trung tâm Khuyến nông đang đề xuất xây dựng mô hình hỗ trợ giống sắn sạch bệnh vụ Đông Xuân năm 2019 – 2020.
Mô hình này dự kiến thực hiện trên diện tích 600 ha ở 2 huyện Dương Minh Châu (400 ha) và Tân Châu (200 ha). Kinh phí thực hiện khoảng hơn 1,85 tỷ đồng. Nhà nước sẽ hỗ trợ 50% kinh phí mua hom giống sạch bệnh, người dân tham gia đối ứng 50% giống và vật tư khác.
Theo ông Tùng, kết quả thực hiện mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2018 -2019 cho thấy, nếu sử dụng cây giống không bị nhiễm bệnh và kiểm soát được bệnh ở giai đoạn 5 tháng đầu, năng suất chỉ giảm 5 – 10%.
“Việc xây dựng mô hình hỗ trợ giống sắn sạch bệnh cho vụ Đông Xuân năm 2019 – 2020 là hết sức cần bách hiện nay”, ông Tùng nói.
Theo Danviet
Khát sắn nguyên liệu, doanh nghiệp buộc phải tăng giá thu mua
Đầu tháng 11, giá sắn (mì) tăng nhẹ nhưng tình hình xuất khẩu cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Nhiều nhà máy ở khu vực Tây Ninh và Tây Nguyên bắt đầu bước vào sản xuất vụ 2019 - 2020, nhưng sản lượng củ sắn tươi nguyên liệu đầu vụ chưa ổn định.
Nhiều nhà máy nâng giá mua nhưng lượng sắn nhập cửa khẩu về không nhiều.
Tại Tây Ninh, giá sắn đã tăng nhẹ so với hồi cuối tháng 10. Nhiều nhà máy đã tăng mức giá mua thêm 70 - 130 đồng/kg, nâng mức giá sắn nguyên liệu lên 2.620 - 2.730 đồng/kg để thu hút sắn về. Tuy nhiên, số lượng xe nhập sắn từ Campuchia về các cửa khẩu Chàng Riệc, Xa Mát không nhiều.
Thêm vào đó, chất lượng sắn không cao do sắn đầu vụ có độ ẩm cao và độ trữ bột thấp. Độ ẩm sắn lên đến 18 - 19% nên nhiều kho phải phơi lại trước khi bán về nhà máy. Độ trữ bột cũng chỉ dao động quanh mức 26 - 28% khiến giá mua tại cửa khẩu giảm.
Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tuần đầu tháng 11/2019, giá sắn nguyên liệu trên cả nước nhìn chung vẫn ổn định ở mức thấp.
Cục xuất nhập khẩu ước tính, trong tháng 10, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 200.000 tấn.
Lũy kế 10 tháng năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,89 triệu tấn, giảm 3,7% về lượng và giảm 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu bình quân cũng giảm 12,6% so với cùng kỳ khi chỉ đạt 392 USD/tấn.
Mì đầu vụ có độ ẩm cao, độ trữ bột thấp và giá vẫn ổn định ở mức thấp.
Theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), 9 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 4,22 triệu tấn sắn lát và tinh bột sắn, giảm 22% về lượng so với cùng kỳ năm 2018.
Thái Lan, Việt Nam, Capuchia và Lào là các thị trường cung cấp sắn lát và tinh bột sắn chính cho Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian này, Trung Quốc tăng nhập khẩu từ các thị trường Capuchia và Lào nhưng lại giảm nhập từ Thái Lan (giảm 26,6%); Việt Nam (giảm 7,2%).
Được biết, trong tháng 11, Bộ NN&PTNT sẽ có kế hoạch trao đổi với phía Trung Quốc về việc Tổng cục Hải quan nước này chậm cập nhật danh sách 89 đơn vị đăng ký xuất khẩu sản phẩm sắn trong đợt tháng 9.
Đến nay, vẫn chưa có thông tin gì về việc cập nhật. Hiệp hội Sắn Việt Nam đánh giá, điều này đã gây ra những khó khăn nhất định đối với các doanh nghiệp có tên trong danh sách khi xuất khẩu Trung Quốc. Hiện tại, nhu cầu thu mua từ nước này vẫn chưa tăng cao.
Nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn rất thấp
Trước đó, Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng đã gửi đề nghị cung cấp thông tin về thị trường Ấn Độ như một giải pháp tìm kiếm thêm thị trường mới, giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.
Ông Bùi Trung Thướng, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết: Ấn Độ vừa là nước sản xuất, xuất khẩu song cũng đang nhập khẩu tinh bột sắn từ nhiều nước.
Ấn Độ có dân số đông với 1,3 tỷ dân, nhu cầu sử dụng tinh bột trong bữa ăn hàng ngày lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa không quá khắt khe. Đây là thị trường tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu tinh bột sắn và các sản phẩm từ sắn.
Tuy nhiên nước này cũng áp mức thuế nhập khẩu khá cao (68%) để hạn chế lượng tinh bột sắn nhập khẩu vào nội địa. Vì thế, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị Hiệp hội và các thành viên nên tìm hiểu nhiều hơn thông qua các hội chợ để nắm bắt tình hình thực tế, qua đó tìm kiếm cơ hội và đối tác kinh doanh.
Theo Danviet
5 thành viên hoàng tộc giàu có bậc nhất hành tinh Vào năm 2018, một thống kê cho thấy tổng giá trị tài sản của các tỷ phú trên thế giới rơi vào khoảng 9,1 ngàn tỷ USD. Khối tài sản kếch xù này không những thuộc về các doanh nhân thành đạt với những tập đoàn nổi tiếng toàn cầu mà còn có gia sản của những người hoàng tộc giàu có bậc...