Biệt danh vui nhộn của các tuyển thủ Việt Nam
Cu Tèo, Hài gà, Hưng vịt, Hoàng bò, Phong sói biển, Đồng chó, Sơn miền núi, Duy vẹo… là những nickname (biệt danh) gắn liền với các tuyển thủ Việt Nam.
Đủ loại nickname
Đặc trưng về ngoại hình, gốc gác, sinh quán cho đến những… loại động vật đều có thể dùng để đặt nickname cho các cầu thủ. Đội phó của tuyển Việt Nam Lê Tấn Tài thường được gọi là Tèo, vì đây là tên gọi của anh từ nhỏ. Có một điều đặc biệt là 2 cầu thủ nổi tiếng nhất của bóng đá Khánh Hòa từ trước đến nay là Nguyễn Hữu Đang và Tấn Tài đều có tên gọi ở nhà là Tèo.
Tấn Trường Samurai. Bức ảnh gây xôn xao khi có nguồn tin cho rằng anh sẽ đóng vai một võ sĩ đạo trong bộ phim Modern vs Ancient Samurai wars (Cuộc chiến giữa võ sĩ đạo tân thời và truyền thống) của Nhật Bản do đạo diễn Takashi Miike thực hiện, với cát-sê 15 tỷ đồng. Nhưng đó chỉ là tin bịp nhân ngày Cá tháng Tư
Đa dạng nhất trong nickname của các tuyển thủ chính là gắn với một loại động vật nào đó. Tiền đạo Nguyễn Quang Hải còn gọi là Hải “gà” vì thú vui nuôi gà chọi của mình. Không chỉ có “gà”, đội tuyển còn có “vịt” – đó là tiền vệ Phan Thanh Hưng của SHB-Đà Nẵng. Thanh Hưng có người anh Thanh Phúc cũng được gọi là Phúc “gà”. Trọng Hoàng với lối chơi mạnh mẽ, thể lực sung mãn, không biết mệt nên được gọi là Hoàng “bò”. Đồng đội của anh tại CLB Sông Lam Nghệ An là Âu Văn Hoàn hay được trêu là Hoàn “cụt” vì khuôn mặt biết cười và dáng người rất giống loài chim cánh cụt.
Đặt nickname theo động vật vốn là đặc trưng của đội bóng xứ Nghệ từ Bình “bướm” (tiền vệ Văn Bình), Khánh “khỉ” (Đắc Khánh)… nên hậu vệ Đình Đồng còn được gọi là Đồng “chó” bởi lối chơi rất rắn của mình. Một cầu thủ chủ chốt của đội tuyển Việt Nam hiện tại là hậu vệ Đào Văn Phong được HLV Phan Thanh Hùng gọi là “sói biển” vì lối đã vững chắc nơi hàng phòng ngự.
Nguồn gốc xuất thân và đặc trưng về lối chơi, ngoại hình cũng là cơ sở để cho ra đời nhiều nickname độc đáo khác. Trung vệ đội trưởng Minh Đức còn được gọi là Đức “Sâm”, thủ môn Dương Hồng Sơn còn được gọi là Sơn “miền núi” bởi quê gốc của anh ở huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An. Hậu vệ Hồng Tiến còn được gọi là Tiến “Nam Giang” bởi quê anh ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn.
Hai cầu thủ có kèo trái rất hay của đội tuyển là Thành Lương và Ngọc Duy hay được các đồng đội gọi là Lương “dị” và Duy “vẹo”. Trong khi đó, Nguyễn Văn Quyết hay được gọi là Quyết “rừng”. Theo như các đồng đội của Quyết thì lúc mới đá bóng, bộ dạng của Quyết chẳng khác gì người rừng nên mới “chết tên” từ đó. Hậu vệ Văn Biển với đôi mắt to, lồi nên được gọi là Biển “trợn”. Tiền vệ Vũ Phong với lối chơi thiên về tốc độ được các CĐV yêu mến gọi là “đứa con của thần gió”.
Video đang HOT
Thủ môn Bùi Tấn Trường từng có biệt danh là “bò mộng” vì chiều cao quá khổ của mình. Nhưng thời gian gần đây, anh thường được gọi là Trường Samurai do bức ảnh anh chụp nhân ngày Cá tháng Tư năm ngoái. Nhìn chung, nickname của các cầu thủ ở ĐTVN rất đa dạng nhưng để tạo thành một thương hiệu riêng như CV9 của Lê Công Vinh lại không có nhiều.
Biệt danh của các đội tuyển tại AFF Cup
Hầu hết các đội tuyển tham dự AFF Suzuki Cup đều có những biệt danh rất kêu, gắn liền với lịch sử của quốc gia. Như đội tuyển quốc gia Thái Lan còn được gọi là Voi Chiến (War Elephants). Tuyển quốc gia Indonesia có đến 2 biệt danh. Đôi lúc các cầu thủ của họ được gọi là Mesah Putih (Quỷ đỏ), đôi lúc đội tuyển của họ được gọi là Garuda (Người da trắng). Dù được gọi là nickname gì thì trên áo đấu của đội tuyển Indonesia lúc nào cũng ghi câu khẩu hiệu của quốc gia này: Bhineka Tunggal Ika (Thống nhất trong đa dạng).
Hình tượng con hổ, loài động vật có nhiều ở khu vực Đông Nam Á đặc biệt là 2 loại hổ đã tuyệt chủng là Hổ Java và Hổ Đông Dương được 2 đội bóng Malaysia và Myanmar lấy làm biệt danh cho mình. Các CĐV Malaysia gọi đội bóng của mình là The Tigers, trong khi Myanamr được gọi là Golden Tiger (Hổ vàng) hoặc White Tiger (Hổ Trắng) dựa trên trang phục khi đội tuyển của họ khi thi đấu. Đội tuyển Singapore thường được gọi là The Lion (Sư tử), trong khi tuyển Phillippines có biệt danh rất kêu The Azkals (những chú chó đường phố).
Đội tuyển Việt Nam vẫn chưa có một biệt danh thống nhất. Nhưng thời gian gần đây truyền thông quốc tế hay gọi ĐTVN là Golden Star (Những ngôi sao vàng) nhờ thành tích thi đấu khá ấn tượng. Trước đó một thời gian, tuyển Việt Nam được báo chí quốc tế gọi là Red Warriors (Những chiến binh đỏ).
Theo Zing
Từ sân cỏ đến chính trường: Từ Shevchenko đến Shevchen "cô-đơn"
Một cánh cửa đóng lại và cánh cửa khác lập tức mở ra. Xếp đôi giày vào tủ kính và cất ký ức của những trận đấu giữa các khán đài ầm ào rung chuyển vào một ngăn trang trọng của tiềm thức, Andriy Shevchenko tuyên bố bước vào chính trường. Một thế giới mà không nhiều người nghĩ rằng thuộc về anh.
Từ Shevchenko tiền đạo đến Shevchenko nghị sĩ
Cú đúp bằng đầu vào lưới Thụy Điển ở trận ra quân của Ukraine tại EURO 2012 đã mở ra những hy vọng níu kéo Sheva (nickname của Shevchenko) ở lại với bóng đá. Nhưng đó cũng là những bàn thắng cuối cùng của anh, trong tổng số 48 khoảnh khắc hạnh phúc như thế qua 111 lần khoác áo đội tuyển quốc gia. Hai trận thua liên tiếp nối theo sau trước Pháp và Anh đã chính thức dập tắt những hy vọng ấy. Sự nhạy cảm và thông minh của trí óc, như những gì chúng ta đã chứng kiến tại Kiev, vẫn còn, nhưng cơ thể Shevchenko đã đi đến giới hạn. Vài năm nay, anh khốn khổ vì các cơn đau ở lưng, và những lần căng cơ đến thường xuyên hơn. Một cơn đau khác ở đầu gối đến sau trận thua 0-2 trước đội tuyển Pháp, để rồi bất chấp việc Sheva đã nghiến răng mà đá ở trận cuối cùng với đội tuyển Anh (vào sân từ phút 70), anh vẫn không thể đưa Ukraine đến với một thắng lợi khác.
Bóng đá chia tay một chân sút huyền thoại, và chính trị chào đón thêm một Shevchenko với ánh mắt đầy nghi ngờ
Cú rướn cuối cùng của một sự nghiệp vàng son đã kết thúc ở trận gặp Thụy Điển, nhưng quả bóng có ngừng lăn, thì cuộc đời vẫn trôi. Hơn một tháng sau, Sheva rút vào cánh gà của đời cầu thủ, nhưng đi kèm với lời giã biệt ấy, là một tuyên bố làm tất cả những người yêu mến anh ngã ngửa: "Có lẽ tôi sẽ gây sốc cho tất cả các bạn. Tương lai của tôi sẽ chẳng liên quan đến bóng đá, theo bất kỳ con đường nào. Thay vào đó là chính trị, và tôi mong nhận được sự ủng hộ của các bạn". Khẩu hiệu trên chính trường của anh? Như một câu trong bài thơ của nhà thơ La Mã Juvenal "mens sana trong corpora Sano" (Một tinh thần khỏe mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh), Sheva bảo anh có kế hoạch thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực xã hội và thể thao.
Andriy Shevchenko (phải) và Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych- Ảnh Internet
Một cuộc tranh cãi lớn nổ ra. Trước khung thành, Sheva là một tiền đạo đặc biệt, là riêng, là duy nhất. Nhưng trên chính trường, rất nhiều cử tri sẽ phải học phân biệt anh với một Shevchenko khác. Cũng là Andriy Shevchenko, không sai một chữ, cũng sinh năm 1976, nhưng chào đời sớm hơn cựu tiền đạo của đội tuyển Ukraine một tháng. Người này sử dụng vũ khí là quả bóng để bắn phá các khung thành, còn người kia, một nhà báo và nhà hoạt động xã hội đã tham gia rất tích cực vào cuộc cách mạng Cam năm 2005, lấy ngòi bút sắc bén và khả năng hùng biện để xông pha trên chính trường.
Một cái tên, hai số phận. Ba ngày sau khi Shevchenko-bóng-đá đánh dấu quá trình trượt dốc trên sân cỏ, chuyển từ AC Milan sang Chelsea với giá chuyển nhượng kỷ lục 43,5 triệu euro, Shevchenko-chính-trường trở thành nghị sĩ trong quốc hội Ukraine. Bây giờ, thì bóng đá chia tay một chân sút huyền thoại, và chính trị chào đón thêm một Shevchenko với ánh mắt đầy nghi ngờ. "Càng nhiều Shevchenko trong chính trị, càng tốt", Shevchenko nghị sĩ đã viết như thế trên Twitter ngay sau khi biết rằng Shevchenko tiền đạo sẽ bước vào thế giới của ông. Nhưng bóng đá không phải là chính trường.
Cơn giận dữ của Ukraine
Andiry Shevchenko (phải) cùng lãnh đạo Đảng Ukraine, Tiến lên! Natalia Korolevska trong một chuyến đi vận động chính trị ở trường nội trú Volodarskaya, vùng Kiev
Trên Facebook, một cuộc thăm dò ý kiến được tổ chức về xu hướng chính trị của Shevchenko ngay sau khi anh nói lời chia tay bóng đá và thâm nhập chính trường. Không nhiều người tham gia bỏ phiếu, nhưng những tiên đoán của họ đủ để nói lên sự bối rối và hỗn loạn trước tuyên bố bất ngờ ấy. Đa số người được hỏi (250 lá phiếu) cho rằng Đảng Các vùng của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych sẽ là lựa chọn của Sheva. 177 người cho rằng Đảng Liên minh dân chủ Ukraina (Udar) do võ sĩ quyền anh nổi tiếng Vitali Klitschko lãnh đạo là đáp án đúng. Đảng Ukrayina, Vpered! (Ukraina, tiến lên!) của nữ chính trị gia xinh đẹp Natalia Korolevska, bị trục xuất khỏi khối các đảng phái của cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko vào tháng 3 năm nay, chỉ được 40 phiếu. Nhưng rốt cục, đó lại là đáp án đúng, và nó tạo ra một sự thất vọng ghê gớm với công chúng: "Tôi quyết định gia nhập Đảng của Nataliya Korolevska, vì đây là một đảng phái của tương lai, của những người trẻ tuổi. Tôi muốn hoàn thiện bản thân trên con đường chính trị, chia sẻ những kinh nghiệm châu Âu của mình và làm điều gì đó có ích cho tổ quốc", Sheva tuyên bố.
Cũng giống như Shevchenko, bà Korolevska từng ủng hộ ông Yanukovich lên thay Viktor Yushchenko trong cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi năm 2004 ở Ukraine, dẫn đến một cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn lãnh thổ Ukraine, được gọi là cuộc cách mạng Cam. Nhưng bà Korolevska không được xem như một nhà chính trị độc lập, và Đảng Tiến lên, Ukraine! do bà lãnh đạo bị chỉ trích là "đảng bù nhìn chỉ có nhiệm vụ duy nhất là lôi kéo cử tri từ các đảng đối lập", như nhà khoa học chính trị người Đức Andreas Umland bình luận. Cuối thập niên 1990, toàn bộ đội hình Dinamo Kiev công khai ủng hộ Đảng Dân chủ xã hội Ukraine (đã thống nhất, viết tắt: SPDU), được lãnh đạo bởi Hryhorly Surkis, người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Ukraine và là anh trai của Ihor Surkis, Chủ tịch câu lạc bộ Dinamo Kiev thời điểm ấy. Shevchenko, dưới ảnh hưởng của cái nôi Dinamo, đã chọn Tiến lên, Ukraina!, một hóa thân của SPDU trong hiện tại, với quan điểm theo đuổi chính sách thân Nga và chống Liên minh châu Âu (EU).
Ukraine, nằm giữa sự tranh giành ảnh hưởng của Nga và EU, đang trải qua một giai đoạn đen tối trên chính trường, trong khi nền kinh tế và niềm tin của công chúng đều lâm vào khủng hoảng. Đất nước ấy cần một điểm tựa tinh thần. Shevchenko nghị sĩ, tác giả của bộ luật tiếp cận thông tin công cộng được thông qua năm 2011, đã góp phần tăng cường quyền tự do dân sự và tự do thông tin trong nước, được đánh giá là một chính trị gia xuất sắc. Nhưng Sheva, người làm điên đảo các hàng phòng ngự và có thể khiến một biển người rung chuyển sau mỗi bàn thắng, mới là báu vật của một Ukraine cần liều doping tinh thần để vượt qua một giai đoạn khó khăn của lịch sử. Thậm chí, anh còn được coi là người thay thế nhà thơ dân tộc thế kỷ 19 Taras Shevchenko trong vai trò một biểu tượng đất nước. Nhưng biểu tượng ấy đang rạn vỡ.
Dù đã chuyển nghề chính trị gia, Andriy Shevchenko vẫn được yêu mến như một cầu thủ. Những người hâm mộ anh đang xin chữ ký Shevchenko ở Kiev
Người Ukraine cảm thấy rằng họ đang mất đi một cái gì đó, đi kèm một dự cảm không lành về tương lai. Trên trang web chính thức của câu lạc bộ Dinamo Kiev, thông tin Shevchenko gia nhập đảng của Korolevska đã thu hút đến 800 bình luận, và hầu hết đều nhìn sự việc một cách tiêu cực. Một cổ động viên đề tên Vladimir Perevoznik viết: "Shevchenko có thể đã sang Mỹ, nơi cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Nhưng anh đã chọn chính trị. Có lẽ là vì chính trị mang lại nhiều lợi nhuận hơn chăng?" Một người khác, ký tên Viktor Yanchenko, mỉa mai: "Andriy đã tìm được đội bóng mới, và ký vào bản hợp đồng bộn tiền có thời hạn năm năm!" Một người khác đề tên Valery Dyadyura chua chát: "Ai càng có nhiều tiền, thì càng dễ mua được anh ta".
Sheva, trong nỗi cô đơn
Trên blog cá nhân, một blogger có biệt danh là Frankensstein LJ chia sẻ: "Tôi không thấy chuyện Andriy Shevchenko gia nhập đảng của Korolevska là một bất ngờ. Đúng theo những tiêu chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp, lĩnh vực mà Shevchenko đã cống hiến những năm đẹp nhất của cuộc đời, đơn giản là anh ta chỉ chuyển đến một đội bóng đề nghị một hợp đồng tốt hơn". Nhưng ở những dòng viết cuối, blogger này gằn giọng: "Tôi chỉ không hiểu vì sao Shevchenko, một hình mẫu về đạo đức, lại khiến tất cả phải lo lắng vì việc kết giao với một lực lượng chính trị mập mờ. Xin lỗi, nhưng tại sao? Một ngôi sao bóng đá đơn thuần thì chẳng có vấn đề gì, nhưng một ngôi sao bóng đá không phải một nhà lãnh đạo xã hội. Để bỏ phiếu cho một đảng phái vớ vẩn, điều này chẳng có ý nghĩa gì cả". Trên trang Facebook dành cho cổ động viên của Shevchenko (có 32.353 người ấn "like" để cập nhật), chỉ có một dòng mô tả về quyết định của Sheva: "Game Over" (Cuộc chơi chấm dứt).
Andriy Shevchenko trong màu áo đội tuyển Ukraine
Nhưng cuộc chơi thật sự chưa chấm dứt. Ukraine đang giận dữ vì một huyền thoại của thể thao bị biến thành tấm bình phong che giấu một nền chính trị máy móc, không hiệu quả và bị bủa vây bởi các cáo buộc tham nhũng. Shevchenko, từng là niềm tự hào dân tộc, một biểu tượng tình dục đối với nữ giới và là mẫu đàn ông mà nam giới Ukraine muốn noi gương, đang bước chân vào một thế giới có thể nuốt chửng lấy sự nghiệp lẫy lừng của anh. Sheva ấy có thể là một con sư tử tinh anh trước mọi khung thành, nhưng trước micro và dưới hàng trăm ánh flash bắn tới tấp, anh vẫn là một con nai ngây thơ, với nét mặt còn bẽn lẽn, nói năng nhỏ nhẹ và dường như không đủ vốn từ để tạo ra ảnh hưởng thật sự đến đám đông. Sheva ấy đang bị kẹp giữa một bên là những người đã từng yêu anh đến phát điên, nhưng giờ phẫn nộ vì cho rằng anh đến với chính trường chỉ vì tiền, và một bên là giới chính trị được cho là chỉ muốn lợi dụng danh tiếng của anh.
Chỉ mới hai tháng trước, hình ảnh Shevchenko vào sân với cái đầu gối vẫn còn nhức nhối trong 20 phút ít ỏi còn lại của trận cuối cùng ở vòng bảng EURO trước tuyển Anh đã đem lại biết bao hy vọng cho hàng triệu người Ukraine. Giờ thì biển người đã từng ở bên anh trong thời khắc cuối cùng của sự nghiệp cầu thủ và luôn yêu anh bất chấp những thăng trầm bao tháng năm đã bỏ Shevchenko ở lại trước cánh cửa mà anh chỉ vừa mới mở ra. Tại ngưỡng cửa ấy, có một Sheva đã "qua đời", và hai Andriy Shevchenko hiện diện trên chính trường. Một người trong đó sẽ mãi bị ám ảnh bởi sự cô đơn.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Biệt danh hài hước trong làng bóng đá Việt Ngoài cái tên khai sinh, các cầu thủ và HLV làm việc trong môi trường bóng đá Việt còn có những nickname đặc biệt, như Lương "dị", Hoàng "bò", Hải "lơ"... Muôn kiểu đặt biệt danh của cầu thủ Trên sân cỏ các cầu thủ được mặc áo đúng với tên khai sinh của mình, nhưng trong lúc luyện tập hay sinh hoạt,...