Biến vườn thành rừng, trai trẻ Đắk Lắk làm ra thứ cà phê chất lừ
Cây cối trong khu vườn cà phê đặc sản của anh Vũ Mạnh Đường vẫn giữ được màu xanh tươi giữa mùa khô hạn. Dù bị coi là gàn dở, anh Đường vẫn tiếp tục theo đuổi phương thức làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp thuận tự nhiên dựa vào việc xây dựng một hệ sinh thái phong phú trên vườn cà phê của gia đình.
Trồng cây, nuôi con gì cũng có giá trị
Đến thăm “khu rừng” thu nhỏ của anh Vũ Mạnh Đường (38 tuổi) tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Anna (Đắk Lắk), phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN được chủ nhà mời ở lại cùng dùng bữa trưa do chính anh xắn tay vào bếp.
Giữa mùa khô hạn, vườn cà phê đặc sản của anh Vũ Mạnh Đường vẫn xanh tốt. (Ảnh: PL)
Anh Đường chạy ra vườn và trở vào với một rổ đầy các loại rau quả: sâm đất, lá rang, xuyến chi, đu đủ… Gạo lứt anh cũng làm ra từ lúa trồng tại ruộng nhà. Vậy là xong một bữa ăn thanh đạm, toàn đồ sạch, hữu cơ. Đó là những thứ rau, quả được anh cho ở chung với cà phê đặc sản.
Dắt chúng tôi đi thăm một vòng khu vườn cà phê đặc sản, anh Đường dừng lại và chỉ vào một tổ ong bầu khoét lỗ trên thân tre khô, anh Đường nói: “Chim ăn sâu, kiến bống, ong giúp kìm hãm các loài thiên địch có hại trên cây trồng. Cây, con gì trong một hệ sinh thái khu rừng nhỏ cũng có giá trị riêng của chúng”.
Một tổ ong bầu được anh Đường “quý như vàng”. (Ảnh: PL)
Ngồi tỉ mẩn lựa ra những hạt cà phê bị sâu, bị vỡ trong lô cà phê đặc sản, anh Vũ Mạnh Đường nhớ lại những ngày đầu làm nông nghiệp. Năm 2015, Đường bỏ lại những ngày lênh đênh với nghề phụ lái tàu biển, anh trở về nhà và thuyết phục bố mẹ đồng ý chuyển đổi 1,8 ha cà phê làm theo cách truyền thống qua hướng làm hữu cơ. Gắn bó với cây cà phê ở Đắk Lắk nhiều năm, điều con trai nói với ông bà còn quá lạ lẫm nhưng họ vẫn gật đầu cho anh Đường tiếp quản diện tích trồng cà phê.
Quan sát từ tự nhiên, anh Đường đem cấy ghép rất nhiều loài hoa lan rừng lên thân cây để làm phong phú hệ sinh thái thu nhỏ. (Ảnh: PL)
Thời gian đầu, anh Đường cải tạo và canh tác cà phê đặc sản theo hướng hữu cơ, làm sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học mà chỉ dùng các chế phẩm vi sinh. “Có lần, bạn mình gửi cho một video nói về cách người Brazil làm nông-lâm kết hợp trong vườn rừng. Tài liệu về cách làm nông nghiệp này chưa có nhiều. Mình quan sát trong tự nhiên và bắt đầu áp dụng lên vườn cà phê theo cách của mình” – anh Đường kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Sau đó, anh Vũ Mạnh Đường bỏ độc canh cà phê, chuyển qua xen canh nhiều loại cây như bơ, sầu riêng, hồ tiêu, muồng, đinh lăng, đậu đen… để tạo nhiều tầng, tán cho khu vườn. Trên những nhánh cây dưới tầm với, anh Đường còn khéo léo cấy nhiều loại lan rừng với mong muốn tạo ra một hệ sinh thái phong phú như trong tự nhiên.
Một chùm bơ vừa đậu trái được anh Đường tỉa thưa để cây đủ chất nuôi quả. (Ảnh: PL)
Các loại cây cao, tán lớn thường xuyên được anh Đường cắt tỉa. Lượng cành lá không bị bỏ đi mà được anh tận dụng để làm phân hữu cơ cho đất theo một chu trình khép kín. Cỏ dại giúp giữ ẩm cho đất và là môi trường cho vi sinh vật phát triển. Chính nhờ vậy, Tây Nguyên đang giữa mùa khô hạn nhưng “khu rừng” của anh Đường vẫn giữ được sự mát mẻ, xanh tươi.
Trái cây trong “vườn rừng” của gia đình anh Đường khi thu hái luôn được giữ lại một phần để nuôi…chim trời. Ảnh: PL
Video đang HOT
Quanh vườn cà phê đặc sản, anh Đường cũng trồng nhiều cây ăn trái như chuối, xoài, mít, vải thiều, mãng cầu… Đến kỳ thu hoạch, anh thường để lại một lượng trái chín cho các loài chim ăn.
4 sào ruộng lúa cung cấp gạo sạch, gạo hữu cơ cho gia đình anh Đường thường xuyên ngập cỏ và lúa trời. (Ảnh: PL)
Cuối vườn, anh Đường giữ lại 3 ao cá. Anh chặn dòng nước bên ngoài chảy vào ao để đảm bảm cách ly. Bên cạnh là 4 sào ruộng, trồng lúa sử dụng trong gia đình. Anh Đường chỉ vãi lúa giống đầu mùa, sau đó để cho cỏ, lúa trời tốt ngợp.
“Thứ lúa này làm ra thứ gạo hữu cơ độc đáo, sạch. Nhiều người đến hỏi mua lúa, gạo nhưng mình có đâu mà bán. Sắp tới, mình sẽ ngăn dòng cách ly ruộng lúa này với các vựa bên cạnh để khép kín luôn diện tích canh tác” – anh Đường nói.
Vườn rừng cho ra loại cà phê đặc sản
Anh Đường cho biết vì trồng xen nhiều cây, cắt giảm lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học khiến cho cây trồng chính là cà phê bị giảm năng suất từ 20-30%. Nhờ vào hướng canh tác mới đã cho ra hạt cà phê sạch, nền tảng để làm cà phê đặc sản. Sau tìm hiểu, anh Đường đã đăng ký theo học một lớp sơ chế, thử nếm cà phê đặc sản tại Lâm Đồng.
Hết mùa thu hái cà phê đặc sản, nhà kính được anh Đường tận dụng để phơi hồ tiêu, trà, dược liệu. (Ảnh: PL)
Vốn nhỏ, anh vay thêm để làm một khu nhà kính phơi cà phê đặc sản. Hết mùa, nhà kính được tận dụng để phơi khô các loại trà từ trái cây và dược liệu trong vườn.
Mùa cà phê trước, anh Đường đã áp dụng cách thức thu hái, chế biến cà phê mới theo hướng làm cà phê đặc sản. Cà phê trong vườn được hái lựa quả chín 100%, ủ lên men và phơi khô trên giàn dưới ánh nắng tự nhiên. Anh Đường cho rằng, với cách làm này cho ra chất lượng nhân xanh đồng đều, tỷ lệ tạp chất thấp, vị đậm hơn. Tất cả công đoạn đều được làm thủ công nên sẽ giúp nâng cao giá trị hạt cà phê gấp 3 lần so với cách làm cà phê truyền thống.
Anh Vũ Mạnh Đường phải thực hiện rất nhiều công đoạn để làm ra hạt cà phê đặc sản. (Ảnh: PL)
Sau 1 năm làm cà phê kiểu mới, anh Đường mạnh dạn đem cà phê từ khu vườn “sinh thái” đi tham dự một cuộc thi về cà phê đặc sản được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. Dưới sự đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước chuyên về thử nếm, cà phê của Vũ Mạnh Đường đạt số điểm cupping 80,36 – mức đạt cà phê đặc sản.
Với suy nghĩ “lạ đời”, anh Đường cho rằng khu vườn đang cho mình một môi trường sống tốt. Nông sản sạch được người tiêu dùng chấp nhận trả một cái giá xứng đáng. Cách làm cà phê đặc sản mà anh đang theo đuổi cũng giúp nông nghiệp bền vững hơn.
Thủy Vũ
Hai "gã khùng" liều đi nuôi "chim trời tiền tỷ" ở Kon Tum
Với khát vọng tạo nên một thương hiệu mang "hơi thở" núi rừng Kon Tum, Đặng Xuân Hùng và Đinh Xuân Tâm chấp nhận bị gọi là "khùng", dồn thời gian, tiền bạc và tâm huyết nuôi loài chim được ví như lộc trời - chim yến.
1.Khi ráng chiều tắt dần sau dãy núi xanh lam, trên nền trời xám bắt đầu xuất hiện từng bóng đen nhỏ bé vun vút từ xa lao tới, rồi hợp thành đàn, bay quẩn trên nóc nhà, ríu rít kêu tìm bạn trước khi chui vào căn nhà cao lênh khênh, kín như hộp diêm. Loáng cái, trên đầu chúng tôi rợp những đôi cánh nhỏ bé.
Chim yến tìm về "nhà" sau một ngày kiếm ăn. Ảnh: TH .
Miên man ngắm nhìn những đôi cánh đang vi vút đập gió ấy mà trong tôi cồn lên suy nghĩ: Nếu đổi lại là mình, liệu có dám dốc hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng để thực hiện cuộc phiêu lưu "5 ăn 5 thua" này không?
Như đoán được suy nghĩ của tôi, Đặng Xuân Hùng cười lớn: Thế thì người ta mới gọi chúng tôi là "hai gã khùng" chứ. Đùa thôi, chứ để nuôi yến thành công, vốn đầu tư là một chuyện, ăn nhau là ở tinh thần ham học hỏi, nắm bắt kỹ thuật và một chút may mắn nữa.
Và rồi, trong ánh sáng chạng vạng, trong tiếng ríu rít tần số cao của hàng ngàn con chim yến về tổ, tôi đã được nghe 2 ông chủ nhà nuôi yến trải lòng xung quanh những vui buồn đã qua và những trăn trở, dự định trong tương lai.
Hai con người, hai tính cách ngỡ như trái ngược ấy lại tâm đầu ý hợp trong "chuyện làm ăn", và chẳng bao lâu sau, cả hai phát hiện rằng, hóa ra "chúng ta" có khá nhiều điểm chung, ít nhất là sự đam mê nuôi yến, sự quyết liệt, bài bản trong công việc và cả một chút... máu liều.
Không ít người ở Kon Tum đã và đang nuôi yến. Người ta truyền tai nhau rằng, việc đầu tư xây nhà nuôi yến chứa đựng rủi ro cao bởi vì xây nhà xong chưa chắc yến đã vào, vào chưa chắc đã ở, ở chưa chắc đã làm tổ hoặc làm tổ ít, từng có những dự án thất bại, qua cả năm trời mà chỉ lơ thơ dăm ba cặp yến tìm về. Trong bối cảnh ấy, việc đổ tiền nuôi yến rõ ràng là liều - Đinh Xuân Tâm nhớ lại.
Có một điều may mắn là, Đặng Xuân Hùng từng sinh sống mấy năm ở Khánh Hòa - vùng đất có truyền thống làm nghề khai thác tổ yến trên đảo trước đây, và nuôi yến nhà sau này. Khi ấy, dù không nghĩ rằng sau này chính mình sẽ nuôi yến, nhưng do yêu thích mà Hùng đã bỏ nhiều công sức, thời gian tìm hiểu về chim yến, nên anh khá am hiểu tập tính và môi trường sinh sống của chúng.
Khu nhà nuôi yến được đầu tư bài bản, với quy trình kỹ thuật khắt khe. Ảnh: TH
Năm 2018, bằng kinh nghiệm của mình, Đặng Xuân Hùng lờ mờ đoán được rằng, khu đất rộng cả mấy héc ta ở tổ dân phố 1, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum của gia đình có thể làm nhà nuôi yến được, bởi ở đây thoáng đãng, sát cánh đồng nên không ảnh hưởng đến những nhà xung quanh, lại có ao hồ. Đặc biệt hơn cả, vào những buổi chiều cho cá ăn, Hùng phát hiện có những cánh yến lượn lờ, chấp chới trên mái nhà.
Vì vậy, sau nhiều đêm dài trăn trở, suy nghĩ, bàn bạc, tranh luận, Đặng Xuân Hùng và Đinh Xuân Tâm quyết định khởi đầu "cuộc phiêu lưu" mới: nuôi yến.
2.Nhưng "lờ mờ đoán" là một chuyện, để bắt tay vào làm lại đòi hỏi phải có nghiên cứu, có "luận cứ, luận chứng" thuyết phục đàng hoàng, không thể làm lụi được. Bài học thất bại của một số người đi trước còn đó.
Chúng tôi quyết định đi tìm thuê các chuyên gia giỏi về khảo sát, xác định vùng hoạt động của chim yến. Hàng tháng trời quan sát bằng mắt thường, sau đó là sử dụng các trang thiết bị hiện đại để thử âm trong các buổi chiều, từ 16h-18h (là khung giờ chim kiếm ăn về). Kết quả thử mỗi ngày (lượng chim, hướng chim bay) đều được quan sát và ghi lại cụ thể làm cơ sở để đánh giá- Đặng Xuân Hùng kể.
Đặng Xuân Hùng (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu về sản phẩm yến sào. Ảnh: TH
Sau thời gian dài nghiên cứu, xác minh thực tế, các chuyên gia đã khẳng định có thể xây dựng nhà nuôi yến ở 2 vị trí, tại khu rừng cao su ở xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum), và tại khu vườn của gia đình Đặng Xuân Hùng (ở tổ dân phố 1, phường Ngô Mây), bởi nơi đây nằm trúng luồng chim yến từ Khánh Hòa lên, từ Lào sang.
Ngay lập tức ý tưởng được triển khai với sự bài bản hiếm thấy. Cả hai chạy đôn chạy đáo hoàn tất các thủ tục, từ rà soát quy hoạch, khai báo với phòng chức năng đến xin phép xây dựng, tìm đầu mối cung ứng nguyên vật liệu đạt chuẩn, mua sắm trang thiết bị... "Đã làm là phải bài bản, đàng hoàng, không thì thôi" - Hùng từng đốp chát lại một người bạn khi người này cho rằng đang làm việc thừa, vì "bao nhiêu người làm rồi, có ai kỹ như vậy đâu".
Xét cho cùng đây cũng là điều nên làm, vì nguồn vốn đầu tư không hề ít. Chi phí cho khu nhà nuôi yến ở tổ dân phố 1, phường Ngô Mây (xây nhà, mua sắm trang thiết bị...) hết khoảng 1,3 tỷ đồng; chi phí cho khu nhà nuôi yến ở xã Đăk Cấm cũng xấp xỉ, chưa biết kết quả thế nào, đầu tư ban đầu mất đứt 2,5 tỷ đồng, phần lớn là vốn vay ngân hàng, nên chẳng dại gì mà làm kiểu chụp giật.
Bắt tay vào làm rồi mới thấy, nuôi yến khó thật. Có người nói, nuôi chim yến dễ vì không cần phải lo lắng về việc lựa chọn con giống, cũng không cần phải lo lắng về nguồn thức ăn cho chim vì sáng sớm chúng bay ra khỏi tổ đi kiếm ăn, chiều tối mới trở về. Nhưng trên thực tế, nếu muốn thành công, phải tuân thủ những quy trình kỹ thuật khắt khe.
Hệ thống sấy tổ yến. Ảnh: TH
Trước hết là trong xây dựng và lắp đặt thiết bị. Muốn thu hút chim yến về ở nhiều và nhanh, nhà nuôi yến phải đảm bảo các yêu cầu sau "mưa không ồn, nắng không nóng, thoáng không khí, không lọt sáng, ngăn phòng hợp lý, tạo đường bay độc lập". Nếu không đáp ứng được các điều kiện trên, yến có về thì cũng sẽ đi.
Ở tỉnh ta, đặc thù khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, nên nhà nuôi yến còn phải lắp đặt hệ thống sưởi khi thời tiết lạnh, hệ thống làm mát khi thời tiết nóng, luôn đảm bảo nhiệt độ trong nhà yến từ 27-300C, độ ẩm từ 65% - 80%. Vì vậy, trong nhà yến còn phải lắp đặt hệ thống giám sát nhiệt độ và độ ẩm không khí.
Xây dựng xong nhà nuôi, lắp đặt hoàn tất trang thiết bị, bật loa lên, cả 2 bỏ ăn bỏ ngủ thấp thỏm rình coi yến có về không. Khi những cặp yến đầu tiên lượn vòng trên nóc nhà rồi theo "cửa" chui vào, chúng tôi mừng đến phát khóc, sau đó, yến về ngày một nhiều, chưa đầy năm đã được hàng ngàn cặp, và may mắn thay, đúng 1 năm sau, chúng tôi đã được thu hoạch mẻ đầu tiên - Hùng hào hứng.
Theo giải thích của anh, gọi là may mắn vì không phải ai nuôi yến cũng thành công, hoặc nếu thành công thì cũng phải vài ba năm sau mới được thu hoạch.
Đinh Xuân Tâm và Đặng Xuân Hùng với mẻ tổ yến đầu tiên. Ảnh: TH
3.Trong căn nhà gỗ nhỏ xinh được bọc kính dày xung quanh, chị Hồng (vợ Đặng Xuân Hùng) đang tỉ mẩn dùng nhíp nhặt nhạnh từng mảnh tạp chất, lông chim li ti trong tổ yến. Có lẽ đây là công việc đòi hỏi sự cẩn thận, dẻo dai và kiên nhẫn nhất mà tôi từng biết.
Dụng cụ để làm sạch tổ yến thô cũng khá đơn giản, gồm thau sạch màu trắng hoặc màu nhạt để dễ thấy lông lẫn trong tổ yến; nhíp gắp; rây sạch, có lỗ nhỏ; muỗng; đĩa hay chén để đựng yến sạch.
Chăm chú gắp từng mẩu tạp chất màu đen nổi lên giữa nền trắng của tổ yến, chị Hồng cho biết, việc thu hoạch tổ yến cũng có mùa, người nuôi phải tránh thời gian chim yến làm tổ và sinh sản (khoảng tháng chạp năm trước đến hết tháng giêng năm sau). Vì vậy, người nuôi thường thu hoạch tổ yến ở 3 thời điểm: trước khi chim đẻ trứng; khi chim yến đẻ được 2 quả trứng; sau khi chim yến đã rời tổ. Việc thu hoạch ở mỗi thời điểm đều có những ưu điểm và hạn chế khác nhau.
Theo chị Hồng, hiện nay, mỗi tháng 2 nhà yến cho thu hoạch khoảng 5-6 kg, đáng mừng là sản lượng đang tăng dần bởi đàn chim đã "an cư lạc nghiệp" và sinh sản không ngừng.
Sản phẩm "Yến sào Kon Tum" hiện được bán với giá vừa phải: 25 triệu đồng/1kg yến thô; 5 triệu đồng/kg yến tươi; 40 triệu đồng/kg yến tinh đã làm sạch, sấy khô. Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến mua nhưng không được vì sản lượng có hạn.
Sau khi thu hoạch, tổ yến thô được làm sạch nếu khách hàng có yêu cầu. Ảnh: TH
Điều đáng nói là ngay từ khi triển khai ý tưởng nuôi yến, hai "gã khùng" đã nghĩ ngay đến việc xây dựng thương hiệu yến sào Kon Tum một cách nghiêm túc, bài bản nhằm giúp người tiêu dùng phố núi tiếp cận được những sản phẩm yến nhà chất lượng và uy tín.
Được biết, hiện nay, ở Kon Tum đã có một số người đầu tư nuôi yến, nhưng tất cả đều chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu một định hướng bài bản về phát triển cũng như xây dựng thương hiệu.Xuất phát từ thực tế đó, tháng 4/2019, Hùng và Tâm đã quyết định nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Yến sào Kon Tum lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ngày 20/1/2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, không lâu nữa, cơ sở nuôi yến của hai người sẽ được công nhận sở hữu nhãn hiệu này.
Trên thị trường đã có các thương hiệu Yến sào Khánh Hòa, Yến sào Bình Thuận, Yến sào Phú Yên..., vậy thì sao không thể có Yến sào Kon Tum? Tôi nghĩ rằng, nếu chúng tôi quyết tâm, hoàn toàn có thể đưa tên Kon Tum vào "bản đồ" yến sào Việt Nam - Đinh Xuân Tâm bộc bạch.
Bỗng dưng tôi nhớ lại hình ảnh những đôi cánh nhỏ vi vút đập gió tìm về "nhà" trong ráng chiều, và có niềm tin mãnh liệt rằng, khát vọng về một thương hiệu riêng cho yến sào phố núi của hai "gã khùng" sẽ trở thành hiện thực.
Có người nói 2 cậu ấy... khùng, khi bỏ hàng tỷ đồng ra để "đánh bạc", để "mơ hái lộc trời", trong khi một số người đi trước đang lao đao, lại còn đăng ký nhãn hiệu gì đó nữa. Nhưng tôi thì tin rằng họ sẽ thành công. Bởi tôi đọc được trong ánh mắt, trong cách làm của họ sự quyết tâm và khát vọng chinh phục mục tiêu phía trước- một người từng nuôi yến đã nói về ặng Xuân Hùng và inh Xuân Tâm như vậy.
Thành Hưng
Gã đàn ông U50 hiếp dâm người phụ nữ 63 tuổi Sau khi ghé vào nhà người phụ nữ 63 tuổi nói chuyện, Huỳnh Chiếm Tươi đã dùng vũ lực để ép nạn nhân quan hệ tình dục. Ngày 19/11, nguồn tin của Báo Bảo vệ pháp luật cho biết, VKSND huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) đã ban hành cáo trạng truy tố đối với bị can Huỳnh Chiếm Tươi (SN 1968, trú...