Biến thể Omicron dường như gây bệnh nhẹ hơn – cách COVID-19 chuyển sang bệnh đặc hữu?
COVID-19 sẽ trở nên ít nghiêm trọng hơn khi nó chuyển sang cấp độ bệnh đặc hữu. Các nhà khoa học cho rằng biến thể Omicron có thể là bước đầu tiên trong quá trình này.
Biến thể Omicron được cho là lây lan nhanh hơn Delta nhưng bệnh nhân ở Nam Phi lại có triệu chứng rất nhẹ.
Đây mới là những ngày đầu thế giới hiểu về biến thể Omicron. Những gì chúng ta đã biết là biến thể này có một lượng lớn các đột biến, đặc biệt là ở protein gai và nó dường như đang lan truyền nhanh chóng ở một số khu vực trên thế giới.
Nhưng những dấu hiệu sớm từ châu Phi cho thấy biến thể Omicron không gây ra bệnh đặc biệt nghiêm trọng (mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo cần thận trọng với những dữ liệu còn hạn chế hiện tại). Và tại thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu Omicron có khả năng tránh vaccine lớn hơn các biến thể khác như Delta hay không.
Việc virus trở nên kém độc lực hơn (tức là ít khả năng gây bệnh nặng hơn) là rất phổ biến khi chúng đã hiện diện rộng rãi trong một quần thể. Một ví dụ điển hình là bệnh myxomatosis (nấm da ở thỏ) đã giết chết 99% thỏ nhiễm bệnh khi lần đầu tiên lây nhiễm ở Australia, nhưng hiện tại bệnh này gây tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều.
Một số chuyên gia đã dự đoán COVID-19 cũng sẽ trở nên ít nghiêm trọng hơn khi nó chuyển sang cấp độ bệnh đặc hữu, tức là mô hình bệnh xuất hiện phổ biến, liên tục có thể dự đoán được ở một khu vực địa lý nhất định. Các nhà khoa học cho rằng biến thể Omicron có thể là bước đầu tiên trong quá trình này.
Tại sao một số biến thể trở nên thống trị?
Sinh học tiến hóa cho thấy các biến thể có nhiều khả năng phát triển hơn nếu chúng lây lan nhanh hơn trong cộng đồng người so với các chủng hiện tại. Điều này nói lên hai điều: Thứ nhất, các chủng có hệ số R (hệ số lây nhiễm cơ bản – tức là số người trung bình mà một người nhiễm virus có khả năng lây nhiễm cho) sẽ thay thế các chủng có hệ số R thấp hơn; Thứ hai, những chủng khiến vật chủ có khả năng lây nhiễm nhanh hơn sẽ thay thế những chủng có khả năng lây nhiễm chậm hơn. Điều này xảy ra với biến thể Delta, vốn có thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với các chủng trước đó.
Sự tiến hóa của chủng virus cần được xem xét trong quần thể cụ thể mà biến thể xuất hiện. Diễn tiến của dịch bệnh sẽ khác nhau ở nhóm dân số có mức độ tiêm chủng thấp so với nhóm có mức độ tiêm chủng cao hơn.
Ở một nơi phần lớn dân số chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 như Nam Phi, với chỉ khoảng 25% dân số đã được tiêm chủng, và biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện, các chủng có hệ số R cao sẽ có cơ hội tiến hóa tốt hơn. Nhưng trong một quần thể có tỉ lệ tiêm chủng cao, các chủng có khả năng tránh vaccine tốt hơn sẽ có nhiều khả năng chiếm ưu thế hơn, ngay cả khi chúng có hệ số R thấp hơn ở những người chưa tiêm chủng.
Đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn vẫn là một trong những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 cần thiết.
Các triệu chứng nhẹ có thể thúc đẩy virus lây lan
Từ thực tế trên, một câu hỏi đặt ra là liệu có khả năng một biến thể với các triệu chứng COVID-19 ít nghiêm trọng hơn sẽ phát triển mạnh hay không? Câu trả lời thực sự phụ thuộc vào sự cân bằng giữa các triệu chứng và khả năng lây truyền.
Nếu các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, người dân sẽ ít muốn đi xét nghiệm hơn và do đó ít có khả năng bị cách ly hơn. Một số người có thể không tự nhận ra họ mắc COVID-19. Dó đó, một chủng có độc lực thấp (tức là ít có khả năng gây ra triệu chứng nghiêm trọng hơn) lại có thể có khả năng lây truyền cho nhiều người hơn so với các chủng có độc lực cao.
Video đang HOT
Mặt khác, giống như trường hợp của biến thể Delta, một số biến thể có thể gây ra nhiễm virus máu (viraemia) cao hơn những biến thể khác – có nghĩa là tải lượng virus trong cơ thể người bị nhiễm cao hơn.
Càng có nhiều virus, người đó càng có nhiều khả năng truyền bệnh thành công hơn. Điều này là do mối quan hệ giữa liều lượng và phản ứng – liều gây nhiễm càng cao thì khả năng nhiễm virus cũng càng cao.
Người ta vẫn chưa hiểu tại sao biến thể Omicron dường như có khả năng lây truyền cao, ít nhất là trong bối cảnh ở châu Phi, vì vậy ở giai đoạn này, chúng ta cũng không biết liệu nó có tạo ra mức virus máu cao hơn các chủng khác hay không. Lây truyền virus là một quá trình nhiều giai đoạn phức tạp, vì vậy nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến tốc độ lây truyền cao của biến thể Omicron.
Điều gì xảy ra tiếp theo vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia sẽ tìm kiếm thêm thông tin về khả năng lây truyền của Omicron, mức độ virus máu mà nó tạo ra và khả năng tránh được các loại vaccine hiện có hoặc tránh các phản ứng miễn dịch của cơ thể do đã nhiễm virus trước đó.
Biến thể Omicron có thể hoạt động khá khác biệt ở một nhóm dân số được tiêm chủng cao – chẳng hạn như ở Australia – so với nhóm dân số có mức độ tiêm phòng rất thấp như hầu hết các quốc gia vùng cận Sahara ở châu Phi. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể mới này càng nhấn mạnh rằng nỗ lực tiêm chủng hiệu quả trên toàn thế giới là cần thiết để vượt qua đại dịch COVID-19
COVID-19 tại ASEAN hết 30/11: Thêm 368 ca tử vong; Các nước siết chặt đề phòng biến thể Omicron
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 30/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 25.503 ca mắc COVID-19 và 368 ca tử vong.
Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 14.065.347 ca, trong đó 291.780 người tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 26/11. Ảnh: THX/TTXVN
Trong ngày 30/11, Thái Lan tiếp tục có số ca mắc mới cao so với đa số quốc gia ASEAN, chỉ sau Việt Nam. Nước này ghi nhận 4.306 ca mắc mới, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 2.115.872 ca.
Tại Malaysia, nước này có thêm 4.078 ca mắc mới, đứng thứ ba ASEAN trong ngày 30/11. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.627.903 ca mắc COVID-19.
Lào ghi nhận 1.291 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu đại dịch lên 73.738 ca mắc.
Tiếp đó là Singapore với 1.103 ca mắc mới; Philippines với 425 ca mắc mới; Indonesia với 297 ca mắc mới và Campuchia với 22 ca mắc mới.
Về số ca tử vong, đa số quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Việt Nam (197 ca), Malaysia (61 ca), Philippines (44 ca), Thái Lan (37 ca), Indonesia (11 ca), Singapore (9 ca), Campuchia (5 ca) và Lào (4 ca).
Campuchia cho phép quán bar, karaoke ở thủ đô mở cửa trở lại
Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh để phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Ngày 30/11, Campuchia quyết định cho phép các quán karaoke, câu lạc bộ đêm và quán bar tại thủ đô Phnom Penh được mở cửa trở lại sau một thời gian dài ngừng hoạt động do đại dịch COVID-19.
Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng nêu rõ: "Các quán karaoke, câu lạc bộ đêm, sàn nhảy được mở lại từ ngày 30/11/2021, trong bối cảnh thích ứng với trạng thái bình thường mới".
Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định y tế như bố trí nhân viên kiểm tra chứng nhận tiêm chủng và đo thân nhiệt của khách hàng ở lối vào. Ngoài ra, các cơ sở này cũng phải đảm bảo việc thực hiện hướng dẫn y tế như đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn tay, thực hiện giãn cách xã hội, tránh những không gian kín và đông người, hạn chế tiếp xúc trực tiếp...
Quyết định trên được công bố sau khi phần lớn dân số Campuchia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 và số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày giảm đáng kể.
Nữ phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho biết tính đến ngày 29/11, Campuchia đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine cho 14,13 triệu người từ 5 tuổi trở lên, tương đương 88,3% trong tổng số 16 triệu dân ở nước này. Trong đó, số người tiêm đủ 2 mũi là 13,32 triệu người (83,2% dân số), trong khi số người tiêm mũi tăng cường đạt 2,25 triệu người (14% dân số).
Trước đó, ngày 29/11, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng thông báo quyết định hạn chế đi lại đối với 10 quốc gia châu Phi để ngăn chặn biến thể Omicron. Trong một thông cáo, ông Bunheng nói rõ những người từng tới 10 nước trên trong vòng 3 tuần qua sẽ bị cấm nhập cảnh Campuchia. Đến nay, Campuchia vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron.
Lào ghi nhận 1.291 ca mắc mới trong cộng đồng
Phun khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 30/9. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ tế Lào ngày 30/11 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 1.291 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố và 4 ca tử vong do COVID-19.
Bộ Y tế Lào cho biết sau 3 ngày có chiều hướng giảm, số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn đã tăng trở lại, trong 24 giờ qua có thêm 615 ca tại 197 bản thuộc 8 quận, tức tăng 336 ca so với ngày 29/11và tiếp tục đứng đầu cả nước. Ngoài ra, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Viêng Chăn, Phongsaly, Bokeo...
Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 73.738 ca, trong đó có 170 người tử vong.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tiêm chủng để đạt mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh biến thể mới Omicron đang gây lo ngại trên toàn thế giới; đồng thời nhanh chóng đưa người mắc COVID-19 đi điều trị, người tiếp xúc gần đi xét nghiệm và cách ly; khẩn trương vệ sinh khử khuẩn địa điểm làm việc và nơi ở của người nhiễm bệnh.
Từ tháng 1/2022 tới, Chính phủ Lào sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi trên phạm vi toàn quốc.
Bộ Y tế Lào cho biết đã chỉ đạo các cơ quan y tế cấp tỉnh và huyện thống kê số lượng trẻ em trong độ tuổi từ 6-11 và trẻ em thuộc nhóm tuổi này sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Cũng theo bộ trên, để giúp người dân hiểu và đưa con đi tiêm, các nhân viên y tế sẽ thông báo cho phụ huynh về tầm quan trọng của việc tiêm chủng và khuyến khích họ đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ. Trẻ chỉ được tiêm khi có sự đồng ý của cha mẹ.
Việc tiêm chủng cho trẻ em từ 6-11 tuổi sẽ bắt đầu ở thủ đô Viêng Chăn, nhưng các tỉnh đã sẵn sàng triển khai chương trình này cũng có thể tiến hành tiêm chủng trước.
Bộ Y tế Lào cũng cho biết sẽ đánh giá thành công của chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi sau khi việc triển khai tiêm chủng cho nhóm tuổi này kết thúc vào cuối tháng sau.
Chính phủ Lào kỳ vọng nếu số lượng trẻ em được tiêm chủng ở mức đủ, các trường học sẽ được coi là an toàn và được phép mở cửa trở lại. Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân, hướng tới việc sớm mở cửa đất nước, Bộ Y tế Lào cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng mở thêm các điểm tiêm chủng tại các trạm y tế và các bản trên toàn quốc để tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho người dân địa phương.
Malaysia áp đặt nhiều biện pháp ứng phó với biến thể Omicron
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Langkawi, Malaysia, ngày 16/9. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhằm ứng phó với biến thể Omicron, ngày 30/11, Bộ Y tế Malaysia kêu gọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành biện pháp chống dịch, tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 tăng cường và cấm công dân tới 7 nước châu Phi, gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.
Ngoài ra, Malaysia cũng cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã tới 7 nước nêu trên trong 14 ngày qua. Công dân Malaysia dù đã hoàn thành tiêm chủng hay không, nếu trở về Malaysia từ 7 nước nói trên, sẽ phải cách ly 14 ngày tại trung tâm cách ly.
Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho rằng biến thể Omicron có thể lây nhiễm dễ hơn so với biến thể Delta, nhưng hiện nay vẫn chưa rõ độc lực của biến thể này. Do vậy, những biện pháp mà Malaysia có thể thực hiện để ứng phó với biến thể Omicron hiện nay là tăng cường các biện pháp y tế như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và vệ sinh khử khuẩn. Bên cạnh đó, người dân cần phải cải thiện lưu thông không khí trong phòng, đảm bảo an toàn cho người cao tuổi và tiêm mũi tăng cường đúng hạn.
Singapore thắt chặt kiểm soát biên giới vì biến thể Omicron
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, ngày 15/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Singapore đã quyết định thắt chặt các biện pháp kiểm soát đường biên, tăng cường xét nghiệm PCR và dừng kế hoạch nới lỏng hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội để có thêm thời gian chuẩn bị đối phó với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 (MTF) tại cuộc họp báo chiều 30/11 cho biết, dù tới nay Singapore chưa có ca nào nhiễm biến thể Omicron nhưng nước này cần triển khai các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ biến thể xâm nhập. Từ ngày 3/12, các biện pháp kiểm soát mới đối với người nhập cảnh sẽ được kích hoạt. Theo đó, tất cả những người nhập cảnh qua Làn đi lại cho người đã tiêm đủ vaccine (VTL) sẽ phải xét nghiệm nhanh ART tại các trung tâm xét nghiệm vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7 sau khi có mặt tại Singapore. Trước đó, những người này chỉ phải xét nghiệm PCR sau khi nhập cảnh.
Bên cạnh đó, tất cả những người nhập cảnh hoặc quá cảnh tại Singapore bằng đường hàng không đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính (có thể xét nghiệm PRC hoặc ART) trong vòng 2 ngày trước khi lên chuyến bay tới Singapore. Quy định này áp dụng cả với du khách từ Trung Quốc đại lục cũng như Đài Loan, Hong Kong và Macau (Trung Quốc), vốn trước đó chỉ phải xét nghiệm PCR một lần khi nhập cảnh vào Singapore. Những du khách nhập cảnh vào Singapore không sử dụng làn VTL sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR. Trước đây, họ không phải xét nghiệm khi nhập cảnh mà xét nghiệm PCR vào ngày kết thúc cách ly. Ngoài ra, Singapore sẽ thông báo xét nghiệm đối với toàn bộ những người đã nhập cảnh vào nước này từ ngày 12-27/11 và có lịch sử đi lại trước đó tới các khu vực/nước bị ảnh hưởng của biến thể Omicron.
Singapore cũng sẽ triển khai xét nghiệm PCR định kỳ hằng tuần bắt đầu từ ngày 2/12 cho lực lượng làm việc tại sân bay và khu vực đường biên giới, thay vì xét nghiệm nhanh ART như hiện nay. MTF cho biết việc xét nghiệm PCR sẽ giúp kịp thời phát hiện ra những người có thể nhiễm biến thể Omicron. Trong trường hợp phát hiện người nhiễm hoặc nghi nhiễm biến thể Omicron, họ sẽ không được phép cách ly tại nhà như trước đây, thay vào đó được đưa tới Trung tâm Dịch bệnh Truyền nhiễm quốc gia (NCID) để cách ly riêng và điều trị. Những người tiếp xúc gần cũng sẽ phải cách ly và điều trị tại các trung tâm chỉ định.
Số ca mắc COVID-19 vượt 262,6 triệu, thế giới tăng cường đối phó với biến thể Omicron Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 30/11 (theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới ghi nhận 262.640.323 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.228.834 ca tử vong. Số ca hồi phục là 237.170.721 ca. Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho bệnh nhân tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh minh họa: THX/TTXVN Tình hình dịch...