Biến thể nCoV gây thảm họa y tế ở Brazil
Biến thể nCoV mới tên P.1 đang khiến giới khoa học lo lắng về tốc độ lây nhiễm, khả năng gây bệnh nặng và lẩn trốn vaccine.
Biến thể P.1 được phát hiện lần đầu ở hai du khách Nhật Bản đến Amazon vào đầu tháng 1 và đã lan ra 7 quốc gia. Các nhà khoa học lo ngại tốc độ lây lan nhanh hơn và khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch của biến thể khiến nhiều người tái nhiễm.
Trong khi nghiên cứu về biến thể mới vẫn ở giai đoạn đầu, các nhà dịch tễ học cho rằng P.1 là thủ phạm khiến số ca mắc Covid-19 tăng gấp 4 lần trong tháng qua ở Manaus. Ngoài ra, nó cũng có thể là nguyên nhân làm tăng số người trẻ rơi vào tình trạng nghiêm trọng.
Đất nước lớn nhất Nam Mỹ có nguy cơ trở thành ổ dịch của những biến thể virus nguy hiểm nhất, theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Virus càng lan rộng, càng có cơ hội đột biến, có thể lây truyền nhanh hơn, thậm chí qua mặt vaccine.
“Brazil có điều kiện lý tưởng để virus sinh sôi và biến đổi. Ở đây không có lệnh phong toả, nhiều người chống đối giãn cách xã hội và không đeo khẩu trang”, nhà nghiên cứu Ana Tereza Vasconcelos làm việc tại phòng thí nghiệm của chính phủ LNCC tại Rio de Janeiro, nói.
Biến thể P.1 gây ra 52,2% số ca nhiễm mới trong thành phố Manaus vào tháng 12/2020, theo nghiên cứu của Nuno Faria, giáo sư virus học tại Đại học Oxford và Imperial College London. Tới tháng 1, 85,4% ca mắc Covid-19 có chủng virus này. Ước tính khoảng 100 người chết mỗi ngày, theo thống kê của chính phủ. Hơn 30 người đã chết ngạt vì bệnh viện cạn kiệt nguồn oxy.
Một bệnh nhân Covid-19 34 tuổi tại nhà riêng ở Manaus, ngày 22/1. Ảnh: WSJ
Tại nước láng giềng Peru, trước tình hình số ca tử vong tăng lên, chính phủ cấm những chuyến bay từ Brazil. Colombia cũng cắt giảm các chuyến bay từ thành phố Leticia, giáp danh với Brazil, đến thủ đô Bogotá.
Brazil ghi nhận hơn 220.000 người thiệt mạng do Covid-19, xếp thứ hai thế giới, sau Mỹ. Một số nhà nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng cho rằng chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro đã hành động quá chậm trong việc mua vaccine và nên tập trung nỗ lực dập dịch, thay vì quảng bá các phương pháp điều trị gây tranh cãi như thuốc trị sốt rét chloroquine.
Chính phủ Brazil mới chỉ mua được vaccine cho 6 triệu người, không đủ để bảo vệ tất cả các nhân viên y tế, chưa nói tới nhóm người cao tuổi gồm hơn 210 triệu dân. Trong khi, nước này từng là phòng thí nghiệm toàn cầu cho cuộc đua vaccine Covid-19 với sự hiện diện của các trung tâm nghiên cứu uy tín và một hệ thống y tế công cộng có kinh nghiệm trong sản xuất và phân phối vaccine.
Video đang HOT
Margareth Dalcolmo, nhà nghiên cứu hàng đầu của Tổ chức Oswaldo Cruz chuyên điều tra các vấn đề y tế công, đã bật khóc trong một lễ trao giải. Bà không thể chấp nhận việc chính phủ Brazil thất bại trong đàm phán với các nhà sản xuất vaccine. Bà cho rằng giới lãnh đạo quá chậm chân trong cuộc mua bán. “Họ đáng nhẽ phải mua vaccine từ sáu tháng trước đây”, bà nói.
Các nhân viên nhà tang lễ vận chuyển quan tài của bệnh nhân 57 tuổi chết vì Covid-19. Ảnh: WSJ
Manaus là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Brazil trong làn sóng Covid-19 thứ nhất từ tháng 4-7/2020. Một số nhà khoa học cho rằng thành phố đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng mọi niềm tin sụp đổ trước đợt bùng phát mới. Giải thích cho việc này, các chuyên gia cho rằng, biến thể P.1 chứa đột biến E484K, có khả năng lẩn trốn các kháng thể trung hòa, khiến người dân tái nhiễm.
Ngoài Amazonas, São Paulo là bang duy nhất ghi nhận ca nhiễm biến thể này. Song, giới nghiên cứu cho rằng P.1 đã lan khắp đất nước. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 24/1, P.1 đã xuất hiện ở nhiều Mỹ, Italy, Đức, Anh, Ireland, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lo ngại biến thể lan ra toàn cầu, Anh cấm du khách từ Nam Mỹ trong tháng 1.
Các nhà khoa học đang chạy đua để tìm hiểu biến thể mới. “Chúng tôi nhận thấy nhiều ca nặng hơn và nhiều trường hợp là bệnh nhân trẻ tuổi”, Flávia Lenzi, người đứng đầu hiệp hội bác sĩ ở bang Rondônia, nói. Gần đây, tại cộng đồng người Ấn Độ Yanomami ở bang Roraima, 9 trẻ em đã tử vong do Covid-19. Bộ Y tế đang điều tra các trường hợp và chưa đưa ra kết luận về mối liên hệ với biến thể mới.
Thiếu dữ liệu về mã di truyền của virus trong đợt dịch đầu tiên khiến Brazil khó theo dõi các biến thể hơn những nước như Anh. Theo Felipe Naveca, nhà nghiên cứu của Tổ chức Oswaldo Cruz, quản lý yếu kém là nguyên nhân cơ bản gây ra cuộc khủng hoảng y tế tại Brazil. Những bữa tiệc và buổi tụ họp gia đình trong kỳ nghỉ lễ khiến số ca nhiễm tăng vọt.
Toàn thế giới đã ghi nhận trên 104 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 2/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 104.031.036 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.250.245 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 75.867.883 người.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Beirut, Liban, ngày 1/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 454.246 ca tử vong trong tổng số 26.912.972 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 154.522 ca tử vong trong số 10.767.206 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 225.143 ca tử vong trong số 9.230.016 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 182 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 169 người và Anh 157 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 33,5 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 743.200 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với trên 599.600 ca tử vong trong trên 18,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 463.400 ca tử vong trong trên 27,1 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 241.300 ca tử vong trong trên 15,2 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 97.800 ca tử vong, châu Phi có trên 91.400 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 945 người.
Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19, đã ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong 1 tháng qua. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020 tại nước này đang dần bị đẩy lùi trước thềm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố ngày 2/2 cho thấy trong ngày 1/2, Trung Quốc đại lục ghi nhận 30 ca mắc mới, giảm từ mức 42 ca ghi nhận một ngày trước đó và đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 2/1. Đến nay Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 89.594 ca mắc, trong đó có 4.636 ca tử vong.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết ông sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 9 tỉnh, thành khác tới ngày 7/3, trong khi dự định sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Tochigi, phía Bắc Tokyo, theo đúng kế hoạch vào ngày 7/2 do tình hình ở đây đã cải thiện đáng kể. Như vậy, các tỉnh, thành vẫn nằm trong phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp gồm: Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Aichi, Gifu, Osaka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka.
Chính phủ Nhật Bản sẽ duy trì hỗ trợ cho các chính quyền địa phương trợ cấp cho các nhà hàng và quán bar tuân thủ các yêu cầu của lệnh tình trạng khẩn cấp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường làm việc từ xa và làm việc theo ca với mục tiêu giảm 70% số lượng nhân viên làm việc tại văn phòng, đồng thời không để nhân viên làm việc sau 20h ngoại trừ các công việc cần thiết để duy trì hoạt động.
Số ca mắc COVID-19 hằng ngày tại Hàn Quốc vẫn ở ngưỡng 300 ca ngày thứ 3 liên tiếp sau khi cơ quan chức năng tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trong bối cảnh các ổ lây nhiễm tập thể chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 2/2 cho thấy nước này có thêm 336 ca mắc mới, trong đó có 295 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 78.844 ca. KCDA cho biết sẽ tính toán nới lỏng giãn cách xã hội trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nếu số ca nhiễm mới tiếp tục giảm trong những ngày tới.
Chính phủ Malaysia đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa trên cả nước (ngoại trừ 1 bang), cũng như những hạn chế đi lại thêm 2 tuần nữa (cho đến ngày 18/2) trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc mới. Lệnh phong tỏa cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, song vẫn duy trì lệnh cấm đi lại giữa các bang và hoạt động xã hội. Malaysia hiện đã ghi nhận gần 220.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 770 ca tử vong.
Tại Trung Đông, Bộ Y tế Israel cho biết chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, nước này đã ghi nhận tới 1.433 người tử vong do mắc COVID-19, chiếm gần 30% tổng số bệnh nhân tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát. Ngoài ra, dịch bệnh cũng đang "nhắm" vào những người trẻ tuổi, trong đó có 6 trẻ em.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel ngày 1/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Israel đang tích cực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine với hàng trăm nghìn người được tiêm mỗi ngày, đưa tổng số người được tiêm phòng lên gần 3,1 triệu người (chiếm 33% dân số). Tuy nhiên, nỗ lực này không thể ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Tỷ lệ phát hiện bệnh thông qua xét nghiệm vẫn ở mức cao là 9,7%, trong khi ở các cộng đồng người Do Thái chính thống tỷ lệ này lên tới 20,1%.
Số bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị tại Israel là trên 68.300 người, trong đó có 1.140 bệnh nhân nặng, đặc biệt 315 người phải thở máy. Các nhân viên y tế cho biết tỷ lệ bệnh nhân dưới 60 tuổi nhập viện với các triệu chứng nặng chiếm đến hơn 30%.
Tại châu Mỹ, Chính phủ Argentina thông báo tiếp tục cấm du khách nước ngoài nhập cảnh cho đến ngày 28/2. Tổng cục Di trú Quốc gia (DNM) sẽ hỗ trợ xác định các bước đi cần thiết để các công dân, cư dân nước ngoài và người nước ngoài không cư trú là người thân của công dân hoặc cư dân Argentina được nhập cảnh vào nước này. DNM và Bộ Y tế sẽ xác định lịch trình các chuyến bay và số lượng hành khách nhập cảnh hằng ngày, đặc biệt là qua các chuyến bay từ Mỹ, Mexico, châu Âu và Brazil. Trong khi đó, tần suất các chuyến bay chở khách đến Mỹ, Mexico, châu Âu bị giảm 30% và đến Brazil giảm 50%. Công dân và cư dân nước ngoài, đặc biệt là những người ngoài 60 tuổi hoặc thuộc các nhóm có nguy cơ cao, được khuyến nghị hoãn xuất ngoại nếu không cần thiết.
Trong khi đó, Bộ Y tế Cuba thông báo số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em tiếp tục tăng, sau khi ghi nhận 111 ca mới trong 24 giờ qua. Theo số liệu của bộ trên, trong gần 11 tháng đối phó với đại dịch, đã có 2.882 trẻ em và thanh thiếu niên ở Cuba mắc COVID-19 và 586 em trong số đó vẫn chưa bình phục. Trong 24 giờ qua, Cuba ghi nhận thêm 906 ca mắc và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt 27.592 ca và 216 ca. Với số liệu này, Cuba đã khép lại tháng 1/2021 với tổng số 15.536 ca mắc - tháng nghiêm trọng nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Một điểm điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định siết chặt các quy định nhập cảnh đối với du khách ngoài khối, theo đó chỉ những người đến từ các quốc gia có rất ít ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và gần như không có ca mắc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mới được vào khối này mà không phải tuân thủ các quy định phòng dịch nghiêm ngặt.
Theo khuyến nghị về hoạt động đi lại không thiết yếu, các nước EU cho phép nhóm đối tượng du khách nhất định được nhập cảnh mà không cần trải qua các quy định phòng dịch như cách ly bắt buộc song phải dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt. Nhóm đối tượng này là người đến từ một quốc gia ghi nhận tỷ lệ không quá 25 ca mắc COVID-19 trên 100.000 người trong 14 ngày - tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn tất cả các nước EU.
Trong khi đó, các biện pháp hạn chế đi lại cần được nhanh chóng tái áp đặt đối với các nước có tỷ lệ mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cao. Ngày 28/1 vừa qua, EU đã đưa Nhật Bản ra khỏi danh sách các nước mà du khách có thể nhập cảnh khối này mà không phải thực hiện các biện pháp phòng dịch. Danh sách này hiện có 7 nước, gồm Australia, Trung Quốc, New Zealand, Rwanda, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz thông báo nước này sẽ từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa thứ ba kể từ ngày 8/2 tới, theo đó các trường học, cửa hàng và các địa điểm văn hóa như bảo tàng và vườn thú sẽ được phép mở cửa trở lại nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Học sinh tiểu học sẽ được trở lại trường, trong khi học sinh trung học cơ sở học theo ca. Các trung tâm thương mại cũng có thể mở cửa trở lại song phải đảm bảo giãn cách với chỉ 1 khách hàng/20 m2 và bắt buộc phải đeo khẩu trang FFP2. Người dân có thể đến các tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện hoặc cơ sở massage nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tương tự, Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết từ ngày 8/2, học sinh lớp 1 đến lớp 4 sẽ được quay trở lại trường học. Ông lý giải lệnh phong tỏa đã phát huy tác dụng khi giúp giảm số ca mắc COVID-19 và giảm tải cho các bệnh viện, qua đó cho phép các trường học tiếp đón nhóm học sinh trên. Tuy nhiên, tất cả học sinh khác vẫn tiếp tục tuân thủ các biện pháp hạn chế chống dịch vốn được áp đặt kể từ ngày 12/12/2020.
Theo Viện Huyết học quốc gia Đan Mạch, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 488 ca mắc và 20 ca tử vong. Tới nay, nước này đã ghi nhận 198.960 ca mắc và 2.145 ca tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, Bộ Y tế Pháp thông báo trong ngày 1/2 nước này có thêm 455 ca tử vong do mắc bệnh COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 25/1 vừa qua, trong khi số bệnh nhân đang được điều trị tích cực cũng tăng mạnh.
Tính tới nay, Pháp đã ghi nhận 76.512 ca tử vong, cao thứ 7 thế giới sau Mỹ, Brazil, Mexico, Ấn Độ, Anh và Italy. Tổng số bệnh nhân phải nhập viện là 27.914 người, tăng 70 trường hợp trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 4.347 ca và hiện Pháp đã ghi nhận trên 3,2 triệu ca mắc kể từ khi dịch bùng phát. Khoảng 1,49 triệu người tại Pháp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 47.000 người đã được tiêm mũi thứ hai vào tối 30/1.
Thế giới sẽ ra sao nếu vaccine COVID-19 không thể tạo ra miễn dịch cộng đồng? Các nước đang gấp rút triển khai tiêm chủng COVID-19, nhưng cần thời gian để thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng, và hậu quả ra sao nếu không đạt được mục tiêu đó? Trong bối cảnh thế giới phải trải qua hàng loạt cột mốc thương tâm với hơn 100 triệu người mắc COVID-19, chiến dịch tiêm chủng của các quốc...