Biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu – Kỳ 3: Đường đi của xăng dỏm
Xăng dầu pha chế ở bãi Trâu Điên được bán cho nhiều cây xăng, công ty, xí nghiệp, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam bộ…
Tài xế xe bồn nhận tiền bán dầu tại một điểm tập kết trên quốc lộ 1A, đoạn qua thị xã Dĩ An, Bình Dương – Ảnh từ clip của PV Tuổi Trẻ
Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện
Ngày 17-7, một xe bồn lớn (57K-6018) chạy vào bãi Trâu Điên. Bốn thợ pha chế tập trung bơm dầu DO lên bồn. Khi dầu gần đầy bồn, hai thợ pha chế cho thêm tạp chất màu vàng vào xe bồn. Ngay sau đó chiếc xe bồn chạy vào khu vực Sóng Thần rồi quẹo qua quốc lộ 13 giao hàng cho Công ty TNHH An Hưng Tường (ấp 3, xã Tân Định, huyện Bến Cát, Bình Dương). Hằng tuần bãi xăng dầu Trâu Điên cung ứng cho công ty này hàng chục ngàn lít dầu tự pha chế.
Nhộn nhịp mua bán
Ngày 8-8, xăng ở bãi Trâu Điên được bơm lên xe bồn biển số 57H-4338. Xe chạy về hướng Bình Dương, giao hàng cho Công ty TNHH sản xuất thương mại Kiên Hoàng (thuộc thị xã Thuận An, Bình Dương). Không chỉ cung ứng xăng dầu với số lượng lớn cho nhiều công ty ở Bình Dương, loại xăng dầu tự pha chế này còn được bán rộng rãi cho các công ty, cây xăng ở TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh và các tỉnh miền Tây Nam bộ…
Ông Nguyễn Thanh Tùng (tổ trưởng tổ pha chế ở bãi xăng dầu Trâu Điên) và nhiều thợ pha chế khác cho biết: “Loại xăng A92 sau khi được rút ruột, chủ bãi xăng sẽ cho xe bồn chở đến cây xăng của công ty ở khu vực Q.9 (gần ngã ba Lê Văn Việt và Hoàng Hữu Nam) hoặc Bình Dương để bán. Còn các loại xăng pha chế thì chở đi giao cho khách hàng ở nơi xa như khu vực miền Trung và Đắk Lắk”.
Theo tìm hiểu, những mối hàng xa được bãi xăng dầu Trâu Điên ký hợp đồng với giá thấp. Có những ngày hàng chục chuyến xe bồn chở xăng dầu dỏm rời bãi đi giao hàng. “Ở khu vực TP.HCM hơi khó bán xăng loại này, chứ khu vực miền Đông Nam bộ và miền Trung xăng pha chế vẫn được coi là hàng xịn lấy từ tổng kho ra. Cũng có trường hợp doanh nghiệp phàn nàn nước quá nhiều trong dầu thì bãi Trâu Điên cho xe đến hút hàng về để đổi lại hàng khác” – một thợ pha chế ở đây tiết lộ.
Video đang HOT
Các tài xế xe bồn của bãi Trâu Điên thường ghé những bãi mua bán xăng dầu lậu để rút ruột xăng dầu và bán lại xăng dỏm được pha chế. Chẳng hạn chợ xăng dầu lậu trên quốc lộ 1A (đoạn từ khu du lịch Suối Tiên đến cầu Đồng Nai), nơi đây chuyên mua bán các loại xăng dầu dỏm diễn ra công khai từ nhiều năm nay. Đoạn đường chỉ dài khoảng 7km nhưng có hơn 20 điểm thu mua. Trên quốc lộ 1A còn rất nhiều bãi mua bán xăng dầu dỏm hoạt động rầm rộ và có liên quan đến bãi xăng dầu Trâu Điên như điểm mua của ông Tình (ngoài 50 tuổi, P.Bình Thắng, Dĩ An), điểm mua của ông Định (30 tuổi, ở P.Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai), điểm mua của ông Mỹ (30 tuổi, P.Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương). Tại những nơi này người ta mua bán xăng dầu giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường được công bố ở cây xăng của các công ty lớn.
Xe bồn chở dầu pha chế từ bãi Trâu Điên bán cho Công ty An Hưng Tường – Ảnh: Nhóm PV Tuổi Trẻ
Xăng A83 lên đời A92
Hiện xăng A83 đã bị “khai tử” nhưng việc mua bán vẫn diễn ra công khai với nhiều đầu mối cung cấp. Loại xăng có trị số octan thấp này được cung cấp cho các bãi xe bồn, cửa hàng xăng dầu để phù phép thành xăng A92, A95. Ông Tùng tiết lộ: “Bãi tui mua xăng A83 pha với xăng A92, sau đó thêm một ít thuốc nhuộm màu xanh rồi dùng máy đánh đều khoảng 15 phút đem đi giao cho các mối”.
Ngày 24-8, chúng tôi gặp Định (30 tuổi, quê Bình Định, ngụ đường Nguyễn Ảnh Thủ, Q.12), người đã có thâm niên làm tài xế xe bồn hơn 10 năm trong bãi Trâu Điên. Định được Tùng giới thiệu là quen biết nhiều mối cung cấp xăng A83. Định cho hay: “Đường dây của tui có thể cung cấp số lượng lớn xăng A83. Lấy được xăng A83 không đơn giản vì bây giờ người ta đâu cho bán nữa. Tui có đường dây tuồn hàng từ trong kho ra. Lấy xăng A83 pha với A92 chắc chắn là lời một khúc”. Định còn nói: “Một người quen kinh doanh xăng dầu ở khu vực chợ Hóc Môn mời tôi về làm, lương 13 triệu đồng/tháng. Ở đây có pha trộn xăng A83 vào xăng A92 để bán ra thị trường”.
Ngày 26-8, lần theo thông tin từ bãi Trâu Điên, chúng tôi đến bãi xe bồn của bà Bé trên đường Nguyễn Thị Định (P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2) rộng hơn 1.000m2. Bãi xe bồn của bà Bé có gần 20 nhân viên làm việc. Gia đình bà Bé có tám xe bồn chở xăng dầu hoạt động liên tục, cung cấp cho các mối hàng chủ yếu là cây xăng ở các quận nội thành TP.HCM. Ngoài vận chuyển, kinh doanh xăng dầu, bà Bé còn thu mua dầu trôi nổi từ các xe bồn, xe tải để cung cấp cho các mối khác. Bà Bé nói: “Muốn mua xăng A83 bao nhiêu cũng có, anh cần bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu nhưng phải dặn trước một ngày. Các cây xăng thường lấy xăng A83 lên đời thành xăng A92 để lời thêm 500 đồng mỗi lít”.
Theo điều tra, xăng A83 bà Bé lấy trực tiếp từ các kho lớn, giá bán rẻ hơn giá chính thức 200 đồng/lít. “Vẫn là hàng chất lượng thôi, nhưng do không có phiếu nên rẻ hơn giá chính thức” – bà Bé nói.
Ông Tiến (Q.Tân Bình) cũng là một đầu nậu chuyên bán xăng A83. Văn phòng kinh doanh của ông Tiến ở Q.1, được nhiều công ty xăng dầu tư nhân lấy hàng từ đây, trong đó có bãi Trâu Điên. Với đường dây của ông Tiến, khách hàng chỉ cần báo trước qua điện thoại, đặt cọc 50%. Cũng như bà Bé, đường dây của ông Tiến giảm 200 đồng/lít xăng A83 nếu lấy “hàng lụi”.
Bãi đáp rút ruột xe bồn
Trưa 15-8, xe bồn biển số 60C-035.98 chạy hướng từ TP.HCM về cầu Đồng Nai, khi đến con đường nhựa (bên hông cây xăng Hiệp Phú 2, P.Bình Thắng, TX Dĩ An, Bình Dương) thì đánh xinhan rẽ phải. Ngay lập tức, một thanh niên khoảng 30 tuổi xách hai can nhựa loại 30 lít chạy theo xe. Tài xế đội nón cối xanh nhanh chóng mở cửa xe, leo lên phía miệng bồn mở nắp để chuẩn bị rút ruột. Một ống nhựa lớn màu đen được chuyển lên cho tài xế xe cắm sâu vào bồn. Chưa đầy 10 phút, chiếc xe bồn bị rút ruột hơn 60 lít. Xăng dầu sau khi rút ruột được tập kết về chiếc xe tải biển số 61H-6625 đậu trước cổng Khu công nghiệp dệt may Bình An (TX Dĩ An).
15 phút sau, xe đầu kéo container màu vàng biển số 57L-6060, rồi xe bồn biển số 60M-5778, 57L-7011… liên tục vào bãi đáp. Như quy luật, phụ xe và tài xế mở cửa leo thẳng lên bồn hút xăng dầu. Công đoạn mở niêm phong chì và ăn cắp xăng diễn ra nhanh chóng. Theo tìm hiểu, tất cả bãi đáp này đều có bán loại “niêm phong chì”. Các tài xế đến bán xăng dầu cứ thoải mái cắt bỏ niêm phong để rút ruột xăng dầu, sau đó thay bằng loại niêm phong khác rất dễ dàng.
Cách bãi đáp này khoảng 200m là bãi mua xăng dầu của ông Hùng (khoảng 43 tuổi, TX Dĩ An). Bãi này có đến hàng chục thùng phuy, can nhựa, sắt dựng ngay cạnh quốc lộ 1A. Hằng ngày bãi này tấp nập xe bồn đến rút ruột xăng dầu và có đến cả chục thanh niên chia nhau hút dầu.
Sẽ kiểm tra điểm nấu dầu lậu trong rừng tràm
Ngày 28-8, ông Nguyễn Văn Mon, đội trưởng đội quản lý thị trường huyện Củ Chi, cho biết khi bài điều tra “Nấu dầu lậu trong rừng tràm” được đăng trên Tuổi Trẻ, đích thân ông đã xuống hiện trường khảo sát và xác nhận đúng là có một điểm nấu dầu lậu nằm sâu trong rừng tràm thuộc ấp Tam Tân, xã Tân An Hội. Ông Mon đã gửi văn bản lên Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM để xin ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc này.
Bà Cao Thị Gái, phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết: “Qua phản ánh của TS, UBND huyện sẽ lập tức chỉ đạo UBND xã, phòng kinh tế, phòng tài nguyên môi trường vào cuộc kiểm tra giấy phép kinh doanh, chất lượng, quy trình sản xuất, xả thải… của cơ sở này để có hướng xử lý triệt để”.
Theo Vietbao
Hà Nội nhăm nhe "xẻ thịt" Công viên Thống Nhất
Kiến trúc Hà Nội vừa có ý kiến ủng hộ dự án đầu tư xây dựng 2 bãi giữ xe công cộng nằm trong Công viên Thống Nhất. Công viên này cũng đề xuất xây 4 bãi giữ xe nữa.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của UBND TP về đề xuất của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được đầu tư xây dựng bãi giữ xe dàn thép trong Công viên Thống Nhất.
Theo đó, vị trí bãi giữ xe nằm ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông (trong phạm vi công viên), diện tích khoảng 3.000 m2, cao 4 tầng, đáp ứng nhu cầu đỗ xe cho khoảng 400 ô tô.
Mất gần 9.000 m2 đất
Theo Sở QH-KT TP Hà Nội, khu đất dự kiến xây dựng bãi giữ xe ở Công viên Thống Nhất đã được quy hoạch trong mạng lưới các điểm giữ xe công cộng trên địa bàn đến năm 2020 đồng thời cho rằng đề xuất của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cơ bản là hợp lý. Một bãi giữ xe khác cũng "ăn" vào đất Công viên Thống Nhất đã được UBND TP Hà Nội gợi ý công ty có thể phối hợp với công viên xây dựng tại khu đất diện tích 2.000 m2.
Khu vực Công viên Thống Nhất, đoạn góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Trần Nhân Tông, dự kiến xây bãi giữ xe
Trong khi đó, Công viên Thống Nhất cũng đang lập dự án xin UBND TP Hà Nội cho phép xây dựng 4 bãi giữ xe trong khuôn viên. Các bãi đỗ xe này nằm ở vị trí gần các cổng vào, được Công viên Thống Nhất cho rằng nằm ở các khoảng không phù hợp, không làm ảnh hưởng đến phần diện tích trồng cây xanh và cảnh quan chung.
Tổng diện tích của 4 bãi đỗ xe này là 6.538 m2. Đại diện Công viên Thống Nhất cho biết các bãi giữ xe nhằm phục vụ người dân đến tham quan công viên lẫn nhu cầu của dân cư trong khu vực.
Các dự án bãi giữ xe này hiện vẫn đang trong giai đoạn đề xuất nhưng nếu được TP Hà Nội chấp thuận, Công viên Thống Nhất sẽ mất gần 9.000 m2 đất.
Hậu quả khó khắc phục
Được xem là lá phổi xanh lớn nhất khu vực nội thành Hà Nội, Công viên Thống Nhất xây dựng từ đầu những năm 1960, là khu vui chơi giải trí, thư giãn của người dân thủ đô cũng như điểm đến của du khách.
TS - kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Hoa (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết TP Hà Nội hiện có trên 3 triệu dân sống ở khu vực nội thành. Diện tích cây xanh trên đầu người ở nội đô Hà Nội hiện rất thấp, chỉ bằng khoảng 1/10 các đô thị lớn trong khu vực. Vì thế, các công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ... là những lá phổi xanh rất quan trọng giúp điều hòa, cân bằng không khí cho Hà Nội. "Thiếu nơi giữ xe cho người dân là đáng báo động nhưng nếu lấy đất công viên thì tác động rất lớn đến môi trường, sinh thái đô thị và đời sống khu dân cư" - ông Hoa lo ngại.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở QH-KT TP Hà Nội, cho rằng nhu cầu nơi giữ xe cho người dân Hà Nội dù đang bức thiết nhưng nếu đánh đổi cả lá phổi xanh thì hậu quả khó khắc phục. Theo ông Nghiêm, quy hoạch Công viên Thống Nhất năm 1994 và năm 2004 đều dành một phần diện tích để làm bãi giữ xe cho du khách chứ không nhằm tạo dựng bãi giữ xe công cộng. "Cần xem lại việc lấy đất công viên để làm bãi giữ xe đáp ứng nhu cầu của cả TP" - ông kiến nghị.
Phi lý!
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhìn nhận: "Đây là dự án phi lý nhất mà tôi từng được nghe. Công viên là nơi để người dân sinh hoạt, vui chơi, giải trí trong bối cảnh TP ngột ngạt, thiếu cây xanh. Đừng vì mục đích nào đó mà dựng lên những công trình ngoạm vào đất công viên".
Theo Vietbao
Quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm: Điệp khúc... kêu khó "Bức tranh" quản lý giết mổ gia súc, gia cầm ở các tỉnh phía Bắc đến thời điểm này vẫn không mấy sáng sủa. Khó khăn được các địa phương đưa ra rất nhiều, biện pháp tháo gỡ cũng đã được đề xuất nhưng thực tế để cải thiện rất thiếu sự quyết liệt từ chính quyền địa phương. Là thị trường tiêu...