Biển “ngoạm” chân đê, người dân thót tim chờ sóng dữ
Tình trạng sạt lở ven biển Tây tại Cà Mau đang hết sức nguy cấp với nhiều điểm sạt lở đã vào đến chân đê. Cơ quan chức năng phải dùng các biện pháp tạm thời ra sức hộ đê, còn người dân sống gần điểm sạt lở đứng ngồi không yên.
Qua chuyến khảo sát tình hình sạt lở tại các điểm nóng trên tuyến đê biển Tây vừa qua, Sở NN&PTNT Cà Mau đánh giá tình hình sạt lở rừng phòng hộ ven biển rất phức tạp, có nhiều điểm sạt lở cấp thiết, phải nhanh chóng khắc phục để giữ đê đảm bảo dân sinh.
Trước sức tàn phá của biển khơi, mỗi năm Cà Mau mất hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển Tây.
Hết mất rừng đến nguy cơ vỡ đê
Tại điểm sạt lở được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng thuộc ấp Thới Hưng, xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), ghi nhận thực tế, tình trạng sạt lở đã vào tới chân đê rừng phòng hộ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Đông- Hạt trưởng Hạt Quản lý đê biển Cà Mau cho biết: Diện tích rừng phòng hộ ven biển tại đây còn khoảng 9m, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. “Nếu không khẩn trương khắc phục, thời tiết bình thường thì kéo dài được 1 tháng, còn gặp thời tiết cực đoan, biển nổi giông gió thì chỉ trong vòng 1 ngày, thậm chí vài giờ đồng hồ là hết rừng, tới vỡ đê”, ông Đông nói.
Hiện Chi cục Thủy lợi Cà Mau, trực tiếp là Hạt Quản lý đê biển đang dùng kè bản nhựa để khắc phục 3 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, với chiều dài hơn 250m tại ấp Thời Hưng.
Gắn bó với công tác đê điều cả chục năm qua, đứng nhìn từng cơn sóng dữ hành hạ mảng rừng nhỏ còn lại, ông Bùi Văn Đông thở dài nói với chúng tôi rằng: “Tạm thời thôi, kè bản nhựa lúc nào chúng tôi cũng có sẵn để dùng trong lúc cấp bách. Chúng chỉ có thể giúp chống chọi được hết mùa mưa năm nay, đến mùa mưa sang năm nếu không có biện pháp dài hạn thì căng lắm”.
Nhìn ra ven biển, hàng chục công nhân và cán bộ Hạt Quản lý đê biển Cà Mau đang ra sức khẩn trương làm kè bản nhựa. Một hàng cừ tràm loại nhất, cây cỡ bắp chân người lớn được cặm xuống rừng cách sóng biển chừng 4m, sau đó dùng 3 miếng bản nhựa dày hơn phân, cao 1,5m áp sát vào hàng cừ tràm, cố định chúng lại, thành hàng kè. Nếu loại kè này mà ở trong sông tuổi thọ phải lên đến hàng chục năm, ấy vậy mà mang chúng ra chống chọi với “hung thần” biển khơi, chúng lại tỏ ra quá yếu đuối.
Cũng dễ hiểu thôi, tại 3 điểm sạt lở nghiêm trọng này, tận mắt chúng tôi chứng kiến có hàng chục cây đước, cây mắm cổ thụ nằm la liệt ven biển. Những cây cách xa bờ, hình hài chúng chỉ còn lại bộ khung, còn những cây mới bị sóng đánh sập thì nằm ngả nghiêng như muốn mang toàn thân mình chắn sóng. Với bộ rễ sâu chắc đến dường nào, cây cối trong hệ sinh thái ngập mặn ven biển còn phải chịu thua, buôn phận mình để sóng dữ cuốn đi, thì hỏi sao cuộc chiến chống “biển xâm lăng” đất liền lại khó khăn đến vậy.
Khẩn cấp làm kè bản nhựa khắc phục tạm thời các điểm sạt lở tại đê biển Tây Cà Mau.
Video đang HOT
Ông Tô Quốc Nam- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: “Qua chuyến khảo sát vừa qua, chúng tôi đã cấp thiết chỉ đạo Chi cục Thủy lợi dùng kè bản nhựa để khắc phục tạm thời các điểm nguy cấp, tránh nguy cơ vỡ đê. Về lâu dài chúng tôi đang xin nguồn vốn từ dự án nâng cấp đê biển để tiến hành làm kè ngầm tạo bãi, đây là loại kè kiên cố được đánh giá hiệu quả hiện nay”.
Ông Nam cho biết thêm, toàn tuyến còn rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng cần nhanh chóng khắc phục. Trong đó, hiện còn hơn 5,1km chiều dài rừng phòng hộ bị sóng biển bào mòn nghiêm trọng, có nguy cơ phá vỡ đê như: đoạn Tiểu Dừa (1.700m), Cống Hương Mai (1.500m) thuộc xã Khánh Tiến (huyện U Minh)…
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Cà Mau, những năm gần đây, trung bình biển lấn vào đất liền 15m, những nơi nghiêm trọng trên 50m/năm. Tình hình sạt lở ven biển Tây bắt đầu từ trước năm 2007, tuy nhiên, từ năm 2010 thì sạt lở được đánh giá là nghiêm trọng và diễn diễn phức tạp. Ước tính mỗi năm biển “nuốt” khoảng 300 ha rừng phòng hộ ven biển.
Trước tình hình tàn phá rừng phòng hộ khủng khiếp của biển khơi, nhiều hộ dân sống ven đê biển Tây đang hết sức lo lắng. Theo tập quán sinh sống, để tiện cho việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản, đã từ rất lâu, hàng ngàn hộ dân đã ra định cư ven các cửa biển và chân đê phòng hộ. Họ sống rải rác khắp đê biển Tây, rừng và biển cho họ nguồn lợi, nuôi họ sống. Nhưng nay, biển cho thì biển lấy lại, biển lấn đất rừng khiến họ mất đi kế sinh nhai.
Mất kế sinh nhai, trực chờ sóng dữ
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ ấp Thời Hưng) sống ngay chân đê quốc phòng, cách biển chỉ khoảng 20m. Hằng đêm ông nằm nghe sóng ầm ầm đổ bờ, mà chưa bao giờ thôi lo lắng.
Ông Tuấn kể, năm 1991, trước nguồn lợi lớn từ rừng phòng họ ven biển mang lại, ông bỏ cây lúa, đưa gia đình mình ra sống tại Kênh đê quốc phòng, bám rừng phòng hộ làm vuông nuôi tôm, ôm mộng làm giàu. “Diện tích rừng hồi đó nhiều lắm, tính riêng diện tích đất nhà tôi canh tác nuôi tôm đã dài 15 công (1 công dài 36m), cộng thêm phần rừng phòng hộ bên ngoài đến cả cây số. Vậy mà đã 6 năm nay chúng tôi phải bỏ nguồn sống của mình (nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng) vì không cách nào giữ được vuông tôm khỏi bể”, ông Tuấn xót xa.
Nếu trước đây đi ra tới biển mỏi chân thì nay nhà ông Tuấn chỉ còn cách sóng biển khoảng 20m.
Theo người dân địa phương, trước năm 2000, cứ theo chu kỳ hai mùa mưa nắng của năm, biển sẽ lở, bồi đều đặn. Mùa giông bão, các cơn sóng dữ vào bờ cuốn phù sa bồi lắng ra khơi, đến mùa nắng lại êm ả bồi đắp tạo thành những bãi bồi lấn biển hàng trăm mét. Người dân lội mỏi chân mới ra tới mé biển, thỏa trí sống cùng “rừng vàng, biển bạc”…
Những năm gần đây, biển lấn vào đất liền quá nhanh. Khoảng chục năm nay, chưa một lần biển bồi đắp, mực nước biển ngày càng lớn, người dân gia cố bờ bao vuông tôm thế nào cũng bị “sức biển” phá hủy, họ đành đắng lòng nhìn biển “ngoặm” rừng, vuông tôm nhà mình, rồi đến nay tấc đất không còn để canh tác.
Ông Nguyễn Văn Vãng- Trưởng ấp Thời Hưng cho biết: Trong ấp có 37 hộ đang sống trên chân đê Quốc phòng. Trong đó, gần một nửa số hộ trên không có tấc đất cắm dùi, bám biển kiếm sống. Nếu không kịp thời khắc phục sạt lở, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ ở đây, mà còn ảnh hưởng diện tích đất làm lúa thuộc vùng quy hoạch ngọt hóa bên trong đê.
Tại điểm sạt lở Vàm Xoáy thuộc xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) hiện có 300 hộ dân sinh sống ven biển. Trong đó, có 36 hộ đang trực diện đối mặt với nguy cơ sạt lở. Không chỉ vậy, tuyến đê biển Tây Cà Mau kéo dài từ giáp ranh tỉnh Kiên Giang qua các huyện ven biển (U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân,…) của Cà Mau với chiều dài 108 km, còn có “trách nhiệm” bảo vệ đời sống sinh hoạt, sản xuất cho hơn 26.000 hộ dân và gần 129.000 ha đất sản xuất nông nghiệp hệ ngọt phía Bắc Cà Mau. Chính vì vậy, việc cấp bách hiện nay đặt ra là phải tìm giải pháp phù hợp, có kế hoạch lâu dài để bảo vệ đê biển.
Khánh Hưng
Theo Dantri
Sạt lở "bủa vây" vùng đồng bằng sông Cửu Long
Còn vài tháng nữa mới đến mùa lũ nhưng tình trạng sạt lở đầu mùa ở các tỉnh thành khu vực ĐBSCL đang diễn ra hết sức phức tạp. Nhiều điểm sạt lở diễn ra bất thường làm thiệt hại hàng chục héc ta hoa màu, cây trái và tài sản của người dân...
Sạt lở đe dọa đời sống người dân
Chỉ cách nhau vài tháng nhưng TP Cần Thơ liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, ngày 23/3, đang mùa nắng lượng nước ở các con sông không nhiều nhưng một đoạn bờ kè dài khoảng 40 m thuộc khu vực 4 (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) nằm trong gói công trình kè sông Cần Thơ (có vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng) bất ngờ bị sụp lún vẫn đang được khắc phục.
Hiện trường vụ sạt lỡ hôm 26/5 tại khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ
Ngày 26/5, một vụ sạt lở diễn ra tại khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quân Cái Răng, TP Cần Thơ. Đến nay người dân sống xung quanh khu vực này vẫn còn hãi hùng.
Vụ sạt lở có chiều dài khoảng 100m, ăn sâu vào phía bờ gần 5m, cuốn trôi gần 60m đường đang thi công và 3 ngôi nhà của người dân. Chị N.T.T ở khu vực này bức xúc nói: "Đơn vị thi công tập kết vật liệu đổ hàng đống ở khu vực này, chúng tôi đã cảnh báo rồi nhưng không nghe, trước khi toàn bộ khu vực này bị sụt xuống đã xảy ra vết nứt nhưng không thấy khắc phục".
Theo, thống kê của các ngành chức năng huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm 2015 đến nay, khu vực này liên tiếp xảy ra 17 điểm sạt lở lớn nhỏ làm trôi sông hơn 300m đê kè đập và 1.440 m2 đất trong đó có các công trình vật kiến trúc, hoa màu và lộ giao thông nông thôn với tổng thiệt hại gần 350 triệu đồng. Đồng thời cảnh báo những điểm có nguy cơ sạt lở để người dân có biện pháp phòng chống. Có 13 tuyến đê, với chiều dài trên 44 km bảo vệ hàng ngàn ha cây ăn trái đặc sản có nguy cơ sạt lở, nhất là những đoạn cong, khu vực ngã ba, ngã tư...
Ở huyện huyện Mang Thít, Vĩnh Long ngày 23/5, đoạn đê bao sông Long Hồ thuộc ấp Long Khánh, xã Long Mỹ liên tiếp xảy ra sạt sở cục bộ nhiều đoạn liền, có 70m bờ bao trôi tuột xuống sông, gây ảnh hưởng đến đời sống của 5 hộ dân. Vài ngày sau, ngày 26/5, đoạn bờ bao sông Long Hồ sạt lở sâu vào thêm khoảng 7m, dài khoảng 50m khiến nhiều hộ dân sống trong lo sợ.
Điểm sạt lở bờ sông của huyện Mang Thít Vĩnh Long
Xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp được ngành chức năng của tỉnh này "đánh dấu" là "điểm nóng" về sạt lở nghiêm trọng, người dân khu vực này sống trong phập phồng lo sợ sụt lún có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Điều đáng nói ở khu vực sạt lở này các điểm sạt lở thường diễn ra vào thời gian đêm khuya đến rạng sáng, thời gian mà người dân ngủ say nên rất khó ứng phó.
Cụ thể các ngày 11 đến 13/5, đoạn bờ kè sông Tiền chống sạt lở thuộc xã An Hiệp, bị sạt lở chiều dài 50m, ăn sâu vào đất liền khoảng 20m. Vụ sạt lở đã cốn trôi hơn 2.000m2 đất, thiệt hại 5 căn nhà, 25 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Thống kê của xã An Hiệp, 2 năm gần đây khu vực bờ sông Tiền đã xảy ra 7 vụ sạt lở, gây tổng thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp cảnh báo: "Hầu hết các điểm sạt lở đều ở dạng bào mòn rất nguy hiểm, người dân sống ở khu vực này không hề hay biết, nhưng khi sụp xuống mức độ nguy hiểm rất cao. Không riêng gì tỉnh Đồng Tháp mà các tỉnh thành khu vực ĐBSCL đều lo lắng và cảnh báo với người dân về tình trạng sạt lở có mức độ dày đặc và bất thường hơn vào mùa khô...".
Biến đổi khí hậu và con người làm sạt lở gia tăng ?
Sau khi "điểm mặt" các khu vực có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản công bố khẩn tình trạng sạt lở đất bờ sông Tiền đoạn qua xã An Hiệp, huyện Châu Thành với chiều dài khoảng 2.100m. Đồng thời UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT cùng chính quyền địa phương xác định cắm mốc và biển báo khu vực nguy hiểm sạt lở để cảnh báo cho người dân; tiến hành di dời khẩn cấp các hộ dân cùng nhà cửa, cơ sở sản sản xuất kinh doanh ra khỏi nơi sạt lở, an toàn.
Các chuyên gia và ngành chức năng nhận định có 2 nguyên nhân khiến cho tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp, đó là tình trạng biến đổi khí hậu và do con người xây dựng các công trình ảnh hưởng đến dòng chảy, sạt lở bờ sông.
Về biến đổi khí hậu, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH. Cần Thơ) cho biết: "Một vài năm gần đây mùa khô hạn kéo dài và kéo dài hơn khiến cho nền đất sét mở rộng ra, kèm theo mực nước sông thấp hơn mọi năm nên đất có xu hướng sụp xuống".
Lực lượng chức năng đang tiến hành khắc phục sạt lở phường Lê Bình ngày 5/6.
Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hậu Giang cũng cho rằng, biến đổi khí hậu làm cho dòng chảy mạnh, trong khi gặp phải nền địa chất yếu cũng là nguyên nhân gây sạt lở. Những năm gần đây, tình trạng sạt lở các bờ kênh thường xảy ra trước mùa mưa lũ khiến cho ngành chức năng trở tay không không kịp.
Về nguyên nhân do con người khiến cho sạt lở ngày càng nghiêm trọng, các chuyên gia đã chỉ rõ: Việc xây dựng các công trình nằm cặp sông đã làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở. Tình trạng khai thác cát ồ ạt tại các sông cũng làm cho dòng chảy thay đổi, tất yếu sẽ xuất hiện các điểm sạt lở bất thường. Những tuyến sông chính lưu lượng tàu bè lớn lưu thông qua lại cũng khiến cho hệ thống bờ bao cặp sông bị bào mòn.
Thời gian qua các tỉnh thành đã có nhiều cố gắng trong công tác chống xói mòn, sạt lở bằng việc trồng hệ thống rừng phòng hộ giữ bờ bao và đầu tư xây dựng hệ thống bờ kè, đã góp phần giảm thiểu rất nhiều các vụ sạt lở...
Sáng nay, 6/6 tại tỉnh Sóc Trăng diễn ra hội thảo "Kiểm soát sạt lở đồng bằng sông Cửu Long - Thách thức và giải pháp" do Bộ NN&PTNT tổ chức. Đây là dịp để các các chuyên gia, nhà khoa học nhà quản lý có cái nhìn tổng quan về công tác sạt lở và tìm ra các giải pháp để ngăn ngừa và thích ứng với tình trạng này...
Hoàng Tùng - Trung Kiên
Theo dantri
Sài Gòn đang... nhỏ dần vì sạt lở Ngoài việc khai thác cát bừa bãi với quy mô lớn, tình trạng san lấp, xây dựng trái phép lấn chiếm sông, kênh rạch đã làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến gia tăng sạt lở. Riêng tại quận 9, đã có hơn 40 ha đất bị sạt lở trong hơn 10 năm qua. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã...