Biển Mũi Dinh: Vẻ đẹp ẩn mình sau tiểu sa mạc Sahara phiên bản Việt
Mũi Dinh, mũi đất mang tên một ngọn hải đăng thuộc xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam), là điểm đến mới mẻ mấy năm trở lại đây trên bản đồ du lịch Ninh Thuận.
Cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 30 km về hướng nam, bãi biển mũi Dinh nép sau những tiểu sa mạc như viên pha lê ẩn mình trong cát. Có lẽ nhờ vậy mà địa danh hoang sơ này vẫn giữ được vẻ đẹp vẹn nguyên.
Sức hút của sự tĩnh lặng
Để đến mũi Dinh, bạn sẽ phải băng qua một sa mạc cát dài chừng 1km. Kỳ lạ ở chỗ, đằng sau trùng trùng đồi cát tưởng như bất tận là những ốc đảo lấp ló mấy vạt cỏ xanh. Mỗi cành cây, ngọn cỏ giữa bốn bề cát trắng như ẩn chứa trong mình một câu chuyện kể, đẩy đưa du khách đến những suy tưởng miên man về sức sống mãnh liệt của con người và thiên nhiên nơi này.
Và kia, khung cảnh bãi Tràng ôm biển Hòn Chồng che chắn cho tàu bè được an toàn như một phần thưởng cho hành trình thử thách mà người lữ khách vừa mới vượt qua, sau những mênh mang đồi cát.
Biển mũi Dinh trong veo đến mức từ xa vẫn thấy những đàn cá bơi sát bờ, như thể chúng không hề tỏ ra nao núng trước sự có mặt của con người. Đá núi nhấp nhô được tạo hóa ngẫu nhiên xếp đặt, hình thành nên những hình thù kỳ lạ, khơi gợi trí tưởng tượng của du khách.
Người dân nơi đây tự hào kể lại, Mũi Dinh quyến rũ đến nỗi từng là nơi các tiên ông đến ngắm cảnh, câu cá, đánh cờ. Trong nhiều hang động ở Mũi Dinh, người ta vẫn còn tìm thấy dấu tích của những chiếc chén đá từng được các tiên ông dùng để thưởng rượu. Kỳ bí không kém là tảng đá Hòn Trống mà khi gõ vào mặt đá, ta sẽ nghe thấy tiếng vọng rất xa của thanh âm.
Trải tầm mắt dọc bãi biển Hòn Chồng, ngọn hải đăng Mũi Dinh lừng lững trước mắt lặng im mà như đang mời gọi hãy đến đây. Chỉ cần lên được tới đây, chạm vào trụ đá mát lạnh của tôi, sẽ cảm nhận niềm hân hoan thành tựu của người đi khai phá.
Nét đẹp riêng có của những đồi cát Ninh Thuận chẳng khác gì một mảnh sành xinh xắn, mà nếu thiếu nó, kiệt tác mosaic của thiên nhiên Việt Nam đâu còn trọn vẹn.
Thấp thoáng đằng xa chính là làng chài Từ Thiện, Sơn Hải với nhiều thế hệ ngư dân 4 mùa bám biển – nơi bạn có thể nếm thử sản vật địa phương qua các món ăn được chế biến từ hải sản tươi sống mới được kéo lưới vào khi sáng.
Điểm hẹn của những trải nghiệm lần đầu
Tới Mũi Dinh đâu chỉ để thưởng cảnh, bởi nơi này đang chờ đón bạn với nhiều trải nghiệm khám phá giàu cảm xúc. Đắm mình vào dòng nước hiền hòa ngắt xanh, theo chân ngư dân chèo thuyền thúng ra khơi đánh bắt hay cùng nhóm bạn cắm trại ngủ lại qua đêm, chờ đón bình minh ngay trên biển Hòn Chồng – đều là những lựa chọn hấp dẫn mà không một bãi tắm đông đúc nào có được.
Video đang HOT
Những du khách có tính phiêu lưu có thể tìm đến những trải nghiệm mạo hiểm như đi xe địa hình, hoặc thử thách chính mình bằng việc đi bộ – hay độc đáo hơn – là ngồi trên xe máy cày để băng qua đồi cát. Nhìn ngắm đồi cát từ trên cao, bạn sẽ hiểu được tại sao bao người từng so sánh nơi này “Chẳng khác gì thảo nguyên Mông Cổ” nhờ vào những thảm xanh quý hóa giữa bốn bề cát nóng.
Để trọn vẹn, bạn còn có thể “nếm” thử đời sống du mục bằng cách nghỉ lại qua đêm trong chiếc lều Mông Cổ ở khu du lịch Tanyoli, đến thăm những bãi chăn cừu buổi hoàng hôn, trước khi chờ sáng chinh phục ngọn hải đăng hơn 100 năm tuổi.
Vì nằm trên ngọn dốc đứng, cao gần 180m so với mặt nước biển nên cách duy nhất để đến với ngọn hải đăng mũi Dinh là đi bộ trên con đường ngoằn ngoèo 1,5k bên núi, bên vực. Thảng hoặc vang lên tiếng kêu “Ebeeeee…. beee” của những chú dê con mải mê kiếm ăn nơi vách núi.
Được xây dựng từ thời Pháp (năm 1904), ngọn hải đăng Mũi Dinh hay còn được người Pháp gọi là Cap Pandaran với hiệu lực chiếu sáng 26 hải lý vừa miệt mài làm công việc dẫn đường cho tàu thuyền đi lại trên vùng biển hai tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận, vừa đóng vai trò như cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Theo lời người dân địa phương, thời điểm lý tưởng để chinh phục mũi Dinh là từ tháng 10 đến tháng 12 với khung cảnh hoa dại mọc ven đường và những đàn bướm lượn xung quanh, khiến nơi này càng thêm thơ mộng. Quãng đường dốc dẫn lên ngọn hải đăng vì thế mà cũng dễ dàng, lãng mạn hơn.
Điểm đến 2/9: Ninh Thuận - nơi thêm gam màu cuộc sống
Hạnh phúc muôn màu muôn vẻ, và miền đất Ninh Thuận đã cho cuộc sống của chúng tôi thêm những gam màu mà ở những nơi khác chúng tôi sẽ không thể thấy được.
Ngày 1: Hai chúng tôi xuất phát từ TP.HCM lúc sáng sớm, đến địa phận xã Cà Ná cũng đã quá trưa. Chúng tôi cứ chạy dọc con đường ven biển nên thơ của Ninh Thuận. Dù đã chạy qua con đường này nhiều lần, cảm xúc vẫn vậy, trầm trồ ngạc nhiên vì màu xanh của biển, một vẻ đẹp rất riêng.
Dưới cái nắng như thiêu đốt, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên con đường ven biển, chạy ngang qua những cánh đồng muối trắng tinh, hải đăng Mũi Dinh, đồi cát Nam Cương, vườn quốc gia Núi Chúa. Hàng chục cây số bỏ lại sau lưng. Trong ảnh: một bến thuyền dưới chân cầu. Những con thuyền ngủ trưa trên làn nước xanh ngọc bích.
Chúng tôi đến bãi biển Bình Tiên khi mặt trời chưa xuống. Bình Tiên là được ví như viên ngọc ẩn giấu của Ninh Thuận với bờ cát trắng trải dài, nằm bên vườn quốc gia Núi Chúa. Đi ra biển, ngồi cạnh nhau, đón nhận những làn gió biển trong lành, để lại sau lưng những bận rộn chốn thị thành.
Cà phê chiều ở một quán trong thôn Bình Tiên.
Ngày 2: Bình minh trên biển Bình Tiên.
Bữa sáng với mì gói và cà phê.
Chia tay miền biển, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên núi. Hồ Song Trâu là điểm đến tiếp theo. Hồ là công trình thủy lợi lớn của Ninh Thuận. Giữa cái nắng gay gắt đến mức dường như nghẹt thở, những làn gió mát lành từ hồ làm chúng ta phấn chấn trở lại.
Từ hồ Sông Trâu, chúng tôicứ đi theo con đường đèo nhỏ không tên, và điều bất ngờ đã tới khi bắt gặp một đàn cừu.
Con đường đẹp như một dải lụa (phía xa xa là hồ Song Sắt, hồ thủy lợi lớn nhất của Ninh Thuận).
Bên bờ Hồ Song Sắt, với những ngọn gió mát làm dịu đi cái nắng bỏng gắt ngoài kia.
Sau khi nghỉ chân ở bên Hồ Song Sắt, đèo Ngoạn Mục là đích đến tiếp theo. Lên tới đỉnh đèo, dòng không khí mát lạnh từ phía Đơn Dương (Lâm Đồng) làm chúng tôi tươi tỉnh trở lại sau mấy tiếng chạy xe dưới cái nắng như rang để lên đỉnh đèo.
Chúng tôi xuống đèo, quay ngược xe lên hướng huyện Bác Ái, đi qua những con đường đầy đá sỏi và ổ trâu ổ gà mà cứ tưởng chiếc xe gãy đôi. Chúng tôi chạy đua cùng mặt trời bên kia núi và cơn mưa dông sắp tới. Bác Ái là một huyện nghèo của Ninh Thuận, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc Raglai làm rẫy và chăn nuôi gia súc. Những đứa trẻ ở đây đầu trần chân đất, chăn bò từ trưa đến chiều dưới cái nắng cháy da cháy thịt . Trong hình là một cậu bé người Raglai mà chúng tôi bắt gặp trên đường.
Chia tay lũ trẻ mặt trời bé con, chúng tôi về Phan Rang trong chiều muộn, ghé thăm cụm tháp Po Klong Garai. Cụm tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 để thờ vua Po Klong Garai, vị vua đã có công lớn cai trị vương quốc Chăm-pa.
Chúng tôi nghỉ lại buổi tối ở thành phố Phan Rang, ăn bánh canh chả cá, uống nước ép trái cây và đi ngủ sớm sau một ngày đẫm mệt dưới cái nắng danh bất hư truyền của miền đất này.
Ngày 3: Dậy sớm, chúng tôi ăn sáng với bánh xèo, rồi sau đó tiến thẳng về đập Nha Trinh, là đập nước cổ xưa nhất Việt Nam. Đập được xây dựng vào thế kỷ thứ 7. Trải qua hơn 800 năm, đập vẫn là công trình thủy lợi lớn của Ninh Thuận.
Đập Nha Trinh, đập thủy lợi cổ nhất Việt Nam.
Người dân vẫn chạy xe qua lại xuyên qua dòng nước của đập.
Khép lại chuyến đi một vòng Ninh Thuận, hai đứa chúng tôi ghé thăm làng gốm Bàu Trúc, làng gốm cổ nhất Đông Nam Á để quan sát và nghe cách làm gốm của những nghệ nhân nơi đây.
Chúng tôi sẽ không bao giờ quên được cái "gió như Phan, nắng như Rang" của miền đất này, k hông quên sự bình yên của ngôi làng bên bờ biển Bình Tiên, những đứa trẻ đầu trần chân đất gói trọn tuổi thơ nơi xa xôi của Bác Ái. Hạnh phúc muôn màu muôn vẻ, và miền đất Ninh Thuận đã cho cuộc sống của chúng tôi thêm những gam màu mà ở những nơi khác chúng tôi sẽ không thể thấy được.
Độc giả Lê Quốc Khánh
Theo Zing
Mùa hè rực lửa trên cung đường biển đẹp nhất Việt Nam Cung đường ven biển gần 800 km đi qua 6 tỉnh là hành trình kỳ diệu dành cho những ai thích rong ruổi với bụi đường trên xe máy, trong những ngày mùa hè không thể xanh hơn. Gọi cung đường từ Bà Rịa - Vũng Tàu đi qua Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên đến Bình Định là cung đường...