Biên kịch “Về Nhà Đi Con” Nguyễn Thu Thuỷ: Tất cả nhân vật trong phim của tôi đều đầy ắp những thiếu sót!
Sở hữu một “gia tài” kịch bản ấn tượng đối với một biên kịch còn khá trẻ, chị Nguyễn Thu Thủy đã có những chia sẻ đầy thú vị khi thực hiện Về Nhà Đi Con, bộ phim được ưu ái gắn mác “quốc dân” nhờ những thành công vượt bậc đã đạt được trong thời gian qua.
Gặp gỡ chị Nguyễn Thu Thủy – biên kịch chính của bộ phim đang trở thành món ăn tinh thần “quốc dân” của hàng triệu khán giả Việt, chúng tôi khá bất ngờ.
Khác xa so với tưởng tượng thường gặp về những người làm biên kịch, chị không đeo kính cận, gương mặt cũng chẳng có dáng vẻ “xa xăm so deep” như những lời thoại khiến khán giả khóc hết nước mắt khi xem phim của chị. Dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc trẻ trung so với số tuổi 36 và nói chuyện hào hứng say sưa không ngừng, nếu có điểm gì trông chị Thuỷ giống nhất đối với một biên kịch, thì đó là chị ấy đang cặm cụi đánh máy bên chiếc laptop rất tập trung nhưng đầy vẻ âu lo, liên tục nhìn vào điện thoại, gấp gấp gáp gáp vì… đang chạy cho kịp deadline.
Khi mà bộ phim “Về Nhà Đi Con” mới đi được nửa chặng đường, đang làm mưa làm gió trên khắp các trang MXH và khiến nhiều người vô cùng tò mò sau mỗi 30 phút phim chiếu hàng ngày, thì chị Thu Thủy và các đồng nghiệp đã bắt tay vào dự án tiếp theo. Chị Thu Thủy đã có những chia sẻ rất thú vị về quá trình thực hiện bộ phim “Về Nhà Đi Con” với tư cách là người biên kịch và biên tập chính, cũng như nói lên quan điểm của mình về nghề biên kịch phim truyền hình.
Ý tưởng viết nên kịch bản của bộ phim “Về Nhà Đi Con” đến với chị thế nào?
Vốn dĩ đây không phải là lựa chọn của tôi. Đây là một nhiệm vụ.
Cuối năm ngoái, một ngày sếp tôi nói chúng tôi cần có một bộ phim gia đình trong thời gian sớm, và gợi ý tôi có thể remake lại bộ phim “Khi Người Đàn Ông Góa Vợ Bật Khóc” (KNĐOGVBK) bởi vì gà trống nuôi con vẫn là đề tài còn nhiều chất liệu tốt để khai thác.
Vì trước đó không lâu, tôi vừa remake dự án “Ngày Ấy Mình Đã Yêu” và quả thực, dù thấy rằng remake là một thách thức thú vị trong nghề nghiệp, nhưng tôi vẫn yêu thích tư cách sáng tác độc lập hơn. Tôi đã hỏi sếp tôi rằng tôi có thể có lựa chọn khác không? Nhưng sếp tôi nói, đây là một nhiệm vụ.
Vậy nên, tôi chỉ còn cách cố gắng thực hiện nó một cách tốt nhất.
Vậy “ Về nhà đi con” thực ra là một bộ phim remake?
Không phải đâu. Nói VNĐC là phim remake là không đúng.Vì nguyên tắc đầu tiên của remake là “tận dụng tối đa chất liệu”, còn “Về Nhà Đi Con” chỉ là “lấy cảm hứng” mà thôi.
Khi tiếp cận kịch bản gốc, tôi thấy đây là câu chuyện nhân văn, cảm động, nhưng bảo để làm lại, thì tôi không muốn. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định sẽ chỉ lấy mô-típ về một người đàn ông vợ mất sớm và nuôi ba cô con gái trưởng thành. Đồng thời tận dụng vài chất liệu tuyến câu chuyện về cô con gái thứ hai, tuyến câu chuyện mà tôi cho rằng thú vị nhất ở bản gốc.
Vậy thì đâu là điểm khác biệt cốt lõi giữa “Về Nhà Đi Con” và “Khi Người Đàn Ông Goá Vợ Bật Khóc”?
Cùng khai thác đề tài “gà trống nuôi con”, cùng là chuyện một người cha nuôi ba cô con gái trưởng thành, nhưng so với KĐOGVBK của năm 2013 thì “Về nhà đi con” của 2019 có cơ hội để tiếp cận đề tài với tinh thần hiện đại hơn.
Lí lịch, vấn đề của bốn cha con trong “Về Nhà Đi Con” đều được team nội dung chủ động thay đổi, khiến cho cấu trúc và mạch phát triển chung của câu chuyện hoàn toàn độc lập và khác biệt. Nếu khán giả thấy trùng khớp, thì là ở mô típ, và ở mạch phát triển câu chuyện của cô con gái thứ hai.
Như đã nói, đây là tuyến câu chuyện mà chúng tôi chủ ý tận dụng lại từ kịch bản gốc. Có một vài tình huống thú vị, chúng tôi giữ lại, nhưng nếu khán giả nghĩ rằng Thư và Vũ sẽ phát triển y như kịch bản cũ thì không đâu. Là người làm nghề, chúng tôi không thích sự sao chép cơ học, và đương nhiên, tôi nghĩ khán giả cũng không mong đợi điều đó.
Mối quan hệ giữa bố và con gái luôn là đề tài được khai thác rất nhiều trên màn ảnh. Chị nghĩ tại sao nhiều biên kịch lại lựa chọn góc độ này để làm phim?
Tôi tin rằng đây là một chủ đề cực kì có tính đặc thù, thú vị và nhiều cảm xúc. Một tình yêu xuất phát từ bản năng, với sự âu yếm, trìu mến vô cùng đặc biệt.
Cái hay của Về Nhà Đi Con là một người cha có những ba cô con gái. Và vì thế, chúng tôi có cơ hội để khai thác tình yêu ấy với những khía cạnh khác nhau. Nếu ông Sơn với Huệ, cô chị cả là tình yêu với người con gái vất vả, chịu nhiều thiệt thòi, trong tình yêu chứa rất nhiều tin tưởng lẫn xót xa, thì với Anh Thư, cô con gái thứ hai, lại là một tình cảm vô cùng gần gũi, tràn đầy âu yếm. Ở đó, có yêu thương và nỗi lo âu của người cha với cô gái thông minh, lanh lợi nhưng đầy thực tế. Chưa kể, cô con gái ấy còn dành cho ông một tình yêu lớn, có phần chiếm hữu, khiến ông khó khăn trong việc lựa chọn hạnh phúc riêng của mình. Còn với cô út Ánh Dương, thì tình cảm trong người cha ấy lại có phần phức tạp, vừa yêu thương vừa day dứt, vừa muốn dạy dỗ lại vừa bất lực, vừa nỗ lực gần gũi lại vừa cảm thấy không thể nào hiểu nổi.
Và những sắc thái đa dạng ấy, làm nên màu sắc của tình cha con, làm nên sợi dây kết nối của một tình cảm gia đình, nhiều yêu thương nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề cần giải quyết.
Nhiều người cho rằng phim truyền hình Việt Nam đang đi theo mô-típ giống các bộ phim gia đình nổi tiếng trước đây của Hàn Quốc, chị nghĩ như thế nào về điều này?
Tôi nghĩ là bất cứ nền truyền hình hay điện ảnh nào cũng như vậy, nếu như xét về mặt chất liệu, thì đề tài gia đình sẽ mãi là cơ hội, cũng là thách thức của người làm nghề. Chất liệu luôn sẵn có, luôn ắp đầy, nhưng có làm hay được hay không, có tạo được sự đồng cảm hay không lại là chuyện khác.
Nói rộng ra thì, với người làm phim, những thách thức về mặt đề tài, thể loại cuối cùng vẫn tập trung ở điều cốt yếu: làm thế nào để kể một câu chuyện hấp dẫn, làm thế nào để có một bộ phim hay.
Video đang HOT
Khi viết kịch bản chị có hình dung ai trong đầu sẽ thể hiện vai đó không? Các diễn viên hiện tại so với hình dung của chị khi viết kịch bản có điểm gì khác biệt?
Công việc đầu tiên của nhóm biên kịch là xây dựng hệ thống nhân vật và câu chuyện. Chúng tôi sẽ mô tả hình dung nhân vật cụ thể nhất có thể, để đạo diễn và tổ chức sản xuất có thể tìm được những diễn viên phù hợp.
Với Về Nhà Đi Con, khi đang viết kịch bản, chúng tôi đã biết Thu Quỳnh hay Bảo Thanh có khả năng tham gia dự án này rồi, chỉ có Ánh Dương là một nhân vật quá là khó để tìm diễn viên, phần vì độ tuổi, phần vì yêu cầu tính cách và tạo hình khá đặc biệt. Nhưng khi tìm được Bảo Hân rồi thì thấy chuẩn quá, không có gì để phàn nàn. Những diễn viên trong phim này đều rất hợp vai.
Nữ diễn viên Thu Quỳnh vốn đã để lại quá nhiều ấn tượng cho khán giả trong vai My Sói. Khi vào vai Huệ có tính cách và tạo hình nhân vật trái ngược hoàn toàn thì chị đánh giá như thế nào?
Nếu không phải là Thu Quỳnh, ai đó khác sẽ thể hiện ra một cô Huệ khác. Nhưng khi khán giả đòi “triệu hồi My Sói”, thì tôi nghĩ là lúc đấy Quỳnh đã thoát ra được vai diễn để đời của mình, cô ấy đã thành công. Đối với tôi, Thu Quỳnh là một nữ diễn viên đang đạt tới độ chín và bạn ấy rất say nghề. Hơn nữa, Quỳnh cũng có sự đồng cảm với nhân vật của mình khi đã từng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Khi trao đổi về kịch bản, đạo diễn thường quan tâm đến vai Huệ, anh ấy thậm chí sợ là chúng tôi sẽ làm cho Huệ “sa ngã”. Nhưng chúng tôi thích việc đẩy nhân vật đến ranh giới, ở ngưỡng sai lầm, và ở đó, lựa chọn của họ làm nên số phận của họ. Thật ra thì, trong cuộc hôn nhân của mình, không phải lúc nào Huệ cũng đúng đâu. Không một người chồng nào sẽ thoải mái, dễ dàng chấp nhận mình là số hai, dù số một có là gia đình lớn của cô ấy đi nữa.
Bộ phim hướng tới chủ đề chính là bố và con gái, nhưng hiện tại thì VNĐC đang gây sốt ở 2 nhân vật do Quốc Trường và Bảo Hân thể hiện, chị nghĩ thế nào về việc hai nhân vật này có hiệu ứng tốt?
Tôi lại thấy, hầu hết các nhân vật đều có hiệu ứng tốt đó chứ. Mỗi nhân vật đều có lượng khán giả của riêng mình. Có người thích tình cha con, thích mối quan hệ chị em, có người thích tuyến tình yêu “mèo mả gà đồng” của Thư và Vũ, và có lượng khán giả quan tâm không kém đến mối quan hệ gà bông của Dương với Bảo…
Khi làm câu chuyện, chúng tôi nỗ lực để mỗi nhân vật đều có vai trò và màu sắc riêng. Mỗi người đều có vấn đề của riêng mình, đều có hành trình riêng của họ. Hành trình nào càng gian nan vất vả thì khán giả càng có nhiều cái để xem.
Tuyến nhân vật phụ cũng để lại dấu ấn không kém các nhân vật chính, điển hình là Xinh (Minh Cúc), Xuyến (Hoàng Yến) hay Liễu (Thủy Tiên). Chị có dồn nhiều tâm huyết xây dựng những nhân vật phụ này không?
Đây là câu chuyện xoay quanh cốt lõi là gia đình ông Sơn và ba cô con gái. Chính vì vậy, tất cả những nhân vật phụ xuất hiện trong trong bộ phim đều có vai trò tác động và thúc đẩy hành trình phát triển của bốn bố con này tới đích cuối cùng.
Cô Xuyến xuất hiện để đặt ra một vấn đề: người đàn ông cô đơn quá lâu như ông Sơn có nên nghĩ đến việc tìm hạnh phúc riêng tư của mình? Và điều đó liệu có mâu thuẫn với mong muốn của những đứa con? Cô Xuyến là một “gia vị” vừa hài hước vừa vui vẻ, nhưng qua đó, người ta thấy rõ tình yêu mạnh mẽ và có phần chiếm hữu của Anh Thư với bố mình. Và họ sẽ tò mò, vậy thì không hiểu sau này, ông Sơn sẽ lựa chọn thế nào, cô đơn để chiều con? Hay chính là Anh Thư sẽ phải tự thay đổi?
Cũng vậy, Liễu và Xinh là những nhân tố tác động đến cuộc hôn nhân của Huệ và Khải. Cùng với những vấn đề tồn tại của chính cuộc hôn nhân, thì những sự tác động này khiến mâu thuẫn mạnh mẽ hơn, đi đến sự đổ vỡ nhanh hơn…
Khi tạo ra một nhân vật, dù chính hay phụ, thì chúng tôi đều cố gắng tạo màu sắc riêng, vai trò riêng, và khai thác họ một cách hiệu quả nhất.
Là biên kịch chính của phim, chị có hài lòng với diễn xuất của tất cả các diễn viên hay không? Ai là nhân vật để lại ấn tượng nhất đối với chị?
Anh Trung Anh (nhân vật ông bố Sơn) là người tôi cứ phải cảm ơn anh mãi. Nhân vật ông Sơn trong kịch bản ban đầu khá yếu đuối và có phần ủy mị. Nhưng đạo diễn Danh Dũng và anh Trung Anh ra hiện trường đã tiết chế phần yếu đuối và gia tăng sự hài hước. Nên khi lên phim, ông Sơn cứng cỏi hơn, cũng thú vị hơn. Có đôi khi ông còn ngây thơ nữa. Điều đó đã cân bằng sắc thái cảm xúc của nhân vật và cân bằng cảm xúc của cả bộ phim rất tốt.
Bên cạnh đó thì tôi thích nhân vật Huệ. Nhìn cô ấy có vẻ yếu đuối nhất, thế nhưng tất cả biên kịch đều biết rằng, Huệ mới là người mạnh mẽ nhất. Chỉ người mạnh mới là người có khả năng nhún nhường, lùi bước về phía sau và nhận thiệt thòi cũng như trách nhiệm về mình.
Điển hình là cách phản ứng của Huệ khi thấy Thư mang bầu. Trong khi mọi người theo cảm tính, Huệ lại nói: “Em ơi nhưng còn tương lai?”. Là một người ít học, nhưng Huệ có tư duy lí trí, tư duy logic cùng niềm tin vào bản thân. Hành trình đi tới hạnh phúc của cô ấy có lẽ là một mẫu số chung với nhiều phụ nữ Việt Nam. Và tôi tin nhiều người sẽ tìm thấy đồng cảm ở đó.
Đương nhiên, tôi ngưỡng mộ sự linh hoạt, thông minh của Bảo Thanh và vô cùng thích thú với sự tươi mới của Bảo Hân. Với việc lựa chọn dàn diễn viên chính của Về Nhà Đi Con, chúng tôi thực sự phải cảm ơn đạo diễn và tổ chức sản xuất rất nhiều.
Phân cảnh nào trong Về Nhà Đi Con mà chị cảm thấy tâm đắc nhất?
Hầu hết những phân đoạn xúc động trong phim đều gắn liền với chủ đề “Về Nhà Đi Con”. Mỗi lần ông Sơn nói với các con của mình là “về nhà đi con” thì cũng có nghĩa, đó là thời điểm những cô con gái của ông Sơn đều đã thất bại, đã vấp ngã, đã bị cuộc đời “đánh” cho tả tơi bầm dập rồi.
Tôi từng được thành viên đoàn kể, khi quay đến cảnh ông Sơn nghẹn ngào nói với Anh Thư “về nhà đi con” thì cả đoàn, từ đạo diễn đến quay phim, thư kí, âm thanh ánh sáng đều rơi nước mắt… Vì mải khóc mà còn quên quay lại cảnh hậu trường để lưu lại. Chúng tôi hi vọng rằng từ sự xúc động khi viết kịch bản, đến sự xúc động ngoài hiện trường thì khi lên phim, những phân đoạn ấy cũng sẽ tạo nên những lay động cảm xúc tới khán giả.
Tuy nhiên nhiều người cho rằng phản ứng của Dương hay Bảo đối với bố hay các chị của mình có phần hơi “láo”. Chị nghĩ sao về ý kiến này?
Chúng tôi có ý thức về điều đó. Nhưng mỗi nhân vật đều phải có sự vận động phát triển. Nếu như ban đầu vào mà đã hoàn hảo tốt đẹp hết rồi, thì chúng tôi sẽ còn gì để kể nữa?
Và chúng ta cũng cần nhìn một thực tế, ở đời làm gì có ai hoàn hảo, làm gì có ai không phạm sai lầm. Tất cả nhân vật Về Nhà Đi Con đều đầy những thiếu sót. Vì thế hành trình của họ là hành trình không ngừng sửa sai và thay đổi để tìm đến phiên bản tốt nhất của bản thân mình.
“Về Nhà Đi Con” đang rất hot trên MXH, khán giả bình luận sôi nổi và cũng có rất nhiều trend đang diễn ra khi đoàn phim vẫn đang quay. Điều này có tác động đến việc bộ phim sẽ thay đổi so với kịch bản ban đầu?
Thật ra thì không quá nhiều. Đương nhiên, việc phát sóng được một thời gian, khiến chúng tôi đã phần nào hiểu được tình cảm của khán giả cũng như mong muốn của họ. Và trong phạm vi có thể, chúng tôi cố gắng thỏa mãn khán giả nhiều nhất, nếu như điều mong muốn đó không mâu thuẫn với nhu cầu sáng tạo của chúng tôi.
Nhân tiện thì, lúc tôi đang trả lời bạn đây, chính là khi tôi đang hoàn thiện tập kết “Về Nhà Đi Con”. Tập kết là tập tôi viết đi viết lại nhiều nhất, và mỗi lần cảm thấy nghĩ ra một cái gì đó tốt hơn, thì tôi vẫn bổ sung hoặc thay đổi.
Có nhiều khán giả sợ phim sẽ bị “đầu voi đuôi chuột”. Tôi nghĩ nỗi sợ đó khởi nguồn từ tình yêu. Vậy nên, tôi hi vọng rằng khi đến cuối hành trình bộ phim, thì họ sẽ có câu trả lời chính xác cho nỗi sợ đó.
Từng không dám xem phim mình viết vì sợ sẽ bị thui chột nghề nghiệp, sợ không còn động lực để tiếp tục làm các bộ phim sau.
Từng là biên kịch hoạt động tại khu vực phía nam và đang làm việc tại VFC, đâu là sự khác biệt giữa 2 miền?
Hơn mười năm trước, khi tôi bắt đầu viết kịch bản, cũng là giai đoạn phim truyền hình miền Nam phát triển rực rỡ nhất. Chúng tôi ban đầu được thầy giáo đỡ đầu, sau thì dần đứng độc lập, và làm việc nhóm. Thời kỳ đó, chúng tôi có ba người, viết rất nhiều, rất khỏe. Một giai đoạn rèn giũa cho kỉ luật và sự chuyên nghiệp sau này. Và vui nữa là cũng kiếm được tiền.
Hồi ý, chúng tôi ở Bắc nhưng thường xuyên nhận được đặt hàng ở phía Nam. Cách thức làm việc đều qua điện thoại và email. Viết kịch bản xong là xong, chúng tôi có khi còn chẳng biết mặt mũi bộ phim như thế nào. Đó là hệ quả do bộ phim đầu tiên chúng tôi làm, lúc lên sóng, tôi xem thấy tệ quá, chính mình xem mình còn xấu hổ. Tôi sợ rằng nếu cứ xem những phim mình viết, thì có lẽ mình không còn can đảm để tiếp tục viết những sản phẩm về sau.
Tuy nhiên khi về VFC thì lại khác. VFC là một guồng máy mà các bộ phận đều liên kết và tương tác với nhau. Là biên tập, tôi phải bám dự án từ đầu đến cuối, luôn tương tác hỗ trợ khi sản xuất và xem phim nháp khi cần, vì chúng tôi là người chịu trách nhiệm cuối cùng về mặt nội dung.
Ở một môi trường chuyên nghiệp, khi trách nhiệm lớn hơn cũng là cơ hội để chúng tôi trưởng thành nhiều hơn.
Gần đây có rất nhiều bộ phim có sự diễn xuất kết hợp cả 2 miền Nam – Bắc, theo chị việc sử dụng diễn viên đa vùng miền có mặt lợi và mặt hại gì không?
Cá nhân tôi, tôi không đặt ra vấn đề vùng miền đối với diễn viên, cuối cùng vẫn là thực lực của diễn viên quyết định tất cả.
Chị nghĩ thế nào về vai trò của biên kịch đóng góp vào thành công của một bộ phim?
Với phim truyền hình thì kịch bản vẫn là yếu tố quan trọng, nó đóng một vai trò then chốt. Chúng tôi là người tạo nên nhân vật, câu chuyện, là những nền móng, chất liệu đầu tiên để cả tập thể đoàn làm phim sáng tác những công đoạn tiếp theo.
Nhưng chị có cảm thấy chạnh lòng không khi nghề biên kịch ở Việt Nam dường như chưa được coi trọng một cách xứng đáng? Người ta thường nhắc đến đạo diễn và diễn viên nhiều hơn cho phần đóng góp vào thành công của một bộ phim?
Đặc thù của chúng tôi là những người làm nội dung, là công đoạn đầu tiên của dự án. Và người chúng tôi trực tiếp làm việc đầu tiên là đạo diễn, sau đó đạo diễn mới làm việc với tất cả các thành phần còn lại. Nên các thành phần đoàn còn chẳng biết chúng tôi nhiều, chứ chưa nói là khán giả. Và tôi thấy đó là điều bình thường.
Chị có lo lắng rằng viết nhiều kịch bản như vậy, viết liên tục trong nhiều năm sẽ làm mình cạn kiệt ý tưởng hay không?
Có chứ. Có điều, tôi xác định biên kịch là một công việc. Mà đã là công việc, thì phải có những kĩ năng. Khi vốn sống cạn dần, là lúc chúng ta cần đến kĩ năng mở rộng chất liệu, kĩ năng sáng tạo nên những câu chuyện mới.
Ở một khía cạnh khác thì tôi không cho rằng, viết nhiều là sẽ cạn, mà có đôi khi, việc ta rất lâu không viết mới khiến ta bị cứng tay. Còn khi ta viết nhiều rồi thì đầu óc ta sẽ có một cơ chế vận hành riêng cho nó.
Biên kịch là công việc sáng tạo. Chị có nghĩ rằng đấy là công việc cần nhiều đến tố chất nghệ sĩ không?
Đối với tôi, biên kịch là một công việc để duy trì cuộc sống. Ngày nay, sản xuất phim truyền hình là một guồng máy công nghiệp, là một hệ thống vận hành gồm rất nhiều bộ phận và công đoạn. Do đó, với ngành nghề này, tôi thậm chí đánh giá cao yếu tố chuyên nghiệp và kỉ luật hơn là chất nghệ sĩ.
Nhiều người cũng bảo, sao trông chúng tôi không nghệ sĩ gì cả, hết sức bình thường, thậm chí tẻ nhạt. Nhưng với tôi, điều quan trọng là hiệu quả công việc, là chất lượng kịch bản thế nào chứ đâu quan trọng gì việc trông chúng tôi ra sao. Đôi khi bớt bị chú ý cũng sẽ là một lợi thế.
Trên generic phim, chị đứng ở hai vị trí. Biên kịch là Thủy Vũ, và biên tập là Nguyễn Thu Thủy. Vị trí nào chị thấy thú vị hơn?
Khi tôi là biên kịch, tôi cùng các bạn trong nhóm: Khánh Hà, Thủy Tiên, Thu Trang phát huy tối đa tính sáng tạo của mình. Khi tôi là biên tập, tôi phải đặt tất cả sự sáng tạo ấy trong kiểm soát.
Khi là biên kịch, chúng tôi có sự tự do. Nhóm nội dung chúng tôi chơi rất thân nhau, thường xuyên trêu đùa đá đểu nhau, và chúng tôi “lạm quyền” khi nhét tất cả những câu đùa cợt ấy cho Thư và Dương, tái hiện một phần nào đấy đời sống của chính chúng tôi vào trong bộ phim. Câu Huệ nói với Dương: “em phải hiểu đúng điều chị nói” là câu thường xuyên tôi dùng để nói một bạn biên kịch trong nhóm. Hay câu Dương nói, “bị đánh nhiều thì nội tâm vừa mạnh mẽ vừa đàn hồi” cũng thế… Đó là một trong số rất nhiều những câu mà biên kịch hay thoại ngoài đời sống được đưa vào phim.
Nhưng khi là biên tập, tôi buộc phải tỉnh táo để xem xét, việc “lạm quyền” đó có hợp lý với mạch truyện không! Không thể vì muốn đưa cái tôi của người sáng tác vào mà ảnh hưởng tới tính nhất quán của câu chuyện.
Chị nghĩ đâu là yếu tố làm nên thành công liên tiếp của các bộ phim truyền hình trong 2 năm vừa qua?
Đó là sự tổng hoà của rất nhiều yếu tố. Nhưng quan trọng nhất là sự đầu tư đồng bộ. Khi có được một sự đầu tư xứng đáng thì sẽ có kết quả xứng đáng.
Ngành này rất đặc biệt, bởi quyết định thành bại của một bộ phim chính là khán giả. Mà khán giả là một biến số khó lường. Nó khiến cho công việc của chúng tôi luôn thú vị, và đầy thách thức.
Cám ơn chị vì đã nhận lời phỏng vấn, chúc bộ phim Về Nhà Đi Con sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!
Theo saostar
Vẻ ngoài khác trên phim của diễn viên bị ghét nhất 'Về nhà đi con'
Ngoại hình của Trọng Hùng ở ngoài đời được khán giả nhận xét là trẻ và bảnh bao hơn nhân vật Khải trong phim "Về nhà đi con".
Khải qua diễn xuất của Trọng Hùng đang là vai diễn bị ghét nhất trong phim Về nhà đi con. Khải là chồng của Huệ (Thu Quỳnh) và là con rể của ông Sơn. Khải ham mê cờ bạc, gần như không quan tâm đến gia đình, để mặc vợ mình phải bươn chải với cuộc sống. Khải có một cô em gái tên Liễu, người luôn luôn chửi mắng, xúc phạm chị dâu.
Trong phim, Khải được tạo hình là một nhân vật "đầu bù tóc rối", dễ tức giận. Khải mang đến nhiều đau khổ, uất ức cho Huệ, thậm chí gián tiếp khiến cô bị sẩy thai. Dù đã trải qua nhiều biến cố, Khải gần như không thức tỉnh, thậm chí ngày càng trở thành một người vô dụng.
Trong những diễn biến gần đây của phim, nhân vật Khải tiếp tục gây ức chế với khán giả khi thường xuyên ghen tuông vô cớ, thậm chí đánh chửi Huệ. "Không thể hiểu nổi một người đàn ông như vậy, đã bất tài vô dụng lại còn vũ phu. Lấy phải một người như Khải làm chồng đúng là bất hạnh của Huệ", một khán giả bình luận.
Trọng Hùng sinh năm 1989, tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh. Anh từng là diễn viên tại Nhà hát Tuổi trẻ. Sau đó, nam diễn viên rời nhà hát để tập trung cho phim truyền hình và lập gia đình.
Anh từng tham gia các phim như Khi người đàn ông goá vợ bật khóc, Con mắt bão, Ý chí độc lập, Căn phòng, Người phán xử... Trong đó, vai Tuấn trong Người phán xử ít nhiều gây ấn tượng với khán giả truyền hình.Nam diễn viên thể hiện thành công nhân vật Tuấn, một người con nuôi của ông trùm Phan Quân, tính tình nóng nảy, hiếu chiến nhưng có phần ngốc nghếch.
Trọng Hùng được đánh giá là một gương mặt triển vọng, có khả năng diễn xuất. Dù trên phim thường xuyên phải vào những dạng vai giang hồ, nhem nhuốc nhưng ngoài đời nam diễn viên có ngoại hình trẻ trung, bảnh bao. Một vài bức ảnh trên trang cá nhân của Trọng Hùng được khán giả khen là "khác hẳn trên phim".
Theo zing.vn
Nóng hậu trường Về Nhà Đi Con: Bảo với Dương nắm tay rồi kia kìa, các anh chị hiểu hông? Lại thêm một tình tiết nữa không qua khỏi con mắt tinh tường của các fan cứng Về Nhà Đi Con khi đoàn phim thực hiện cảnh quay ngoài trời. Vì thực hiện theo cách làm phim cuốn chiếu, trong thời gian gần đây, Về Nhà Đi Con đã để lộ kha khá nội dung khi thực hiện các cảnh quay ngoài trời....