Biên Hòa lại ngập nặng sau cơn mưa lớn
Chiều tối 16.10, cơn mưa lớn và kéo dài hơn 1 tiếng đã khiến cho nhiều nơi ở TP.Biên Hòa lại ngập sâu trong nước.
Do xảy ra vào giờ cao điểm, lúc người dân đi làm về, nên đã xảy ra ùn tắc giao thông ở những nơi ngập nặng hơn 0,5m như khu vực trước Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cầu Săn Máu, cổng 11, quốc lộ 51 đoạn qua Cầu Đen…
Đặc biệt tại điểm ngập ở Vòng xoay Biên Hùng, mặc dù đã được bố trí nhiều máy bơm hút nước vào hồ Biên Hùng ngay cạnh đó nhưng nước vẫn không thoát kịp khiến hàng loạt xe máy đi qua khu vực này bị tắt máy phải dẫn bộ.
Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, toàn TP có 25 điểm ngập, trong đó ngập sâu là 15 điểm.
Video đang HOT
Vừa qua , tại cuộc họp tìm giải pháp chống ngập cho TP.Biên Hòa, ông Lý Thành Phương – Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho rằng cần nhanh chóng triển khai dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa. Ngoài ra cũng phải sớm hoàn thành dự án cải tạo suối Săn Máu, vì đây là con suối chính chạy xuyên suốt trong TP, nguồn tiếp nhận chính nước khi có mưa lớn.
Tin, ảnh: Lê Lâm
Theo Thanhnien
Biên Hòa loay hoay chống ngập
Không ít thách thức đã được đặt ra tại cuộc họp do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức vào ngày 6.10 để bàn về tình trạng ngập lụt tại TP.Biên Hòa trong thời gian qua.
Biên Hòa ngập nặng sau cơn mưa lớn vào đêm 9.9 - Ảnh: Lê Lâm
Trong đó có dự án được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
Dự án 8.400 tỉ đồng vướng bờ kè
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm thoát nước Đồng Nai, cho biết dự án "Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa" có vốn đầu tư 8.400 tỉ đồng, vay từ nguồn ODA của Nhật Bản. Nguyên nhân khiến dự án đến nay vẫn chưa triển khai là do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Đồng Nai chưa thống nhất phương án thi công.
"Mới đầu, phía JICA muốn đặt tuyến cống dọc theo đường Võ Thị Sáu, kỹ thuật thực hiện là khoan kích ngầm. Còn Đồng Nai muốn đặt đường ống ven sông Cái và dùng biện pháp đào, đặt cống để tiết kiệm chi phí. Sau đó, Đồng Nai còn bổ sung một hạng mục là yêu cầu chủ đầu tư làm thêm bờ kè ven sông (khoảng 200 tỉ đồng) để cải tạo cảnh quan", ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, tháng 9 vừa qua, phía JICA đã có thư hồi đáp đồng ý lắp đặt đường cống ven sông Cái nhưng kỹ thuật thực hiện phải là khoan kích ngầm. "Còn vấn đề làm bờ kè thì phía JICA nói vào tháng 11 sẽ đến Đồng Nai khảo sát xem xét", ông Tuấn nói. Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng: "Nếu lần này phía JICA không đồng ý thì nên tách bờ kè ra khỏi dự án thoát nước, không thể vì 200 tỉ mà kéo theo dự án 8.400 tỉ không thực hiện".
Bốn đơn vị chống ngập
Trong khi chờ dự án của JICA, ông Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng, kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai giao sở này cùng với UBND TP.Biên Hòa, Sở GTVT và Trung tâm thoát nước Đồng Nai xử lý các điểm ngập. Trong đó, Sở GTVT có trách nhiệm làm việc với các chủ dự án BOT liên quan đến ngập úng ở các tuyến đường gồm Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc, quốc lộ 1 (đoạn qua Bệnh viện đa khoa Thống Nhất), quốc lộ 51 (đoạn qua xã Phước Tân) và quốc lộ 1K (đoạn từ cầu Hóa An về cầu Hang). Bốn đơn vị này cần gấp rút hoàn thành trước mùa mưa 2016. Ngoài ra, ông Phương cũng đề nghị cần phải sớm hoàn thành dự án cải tạo suối Săn Máu, vì đây là con suối chính chạy xuyên suốt trong thành phố, nguồn tiếp nhận nước chính khi có mưa lớn.
Kết thúc cuộc họp, ông Trần Văn Vĩnh yêu cầu Sở Xây dựng cần phải có quy hoạch thoát nước tổng thể cho cả thành phố, nếu không thì xử lý điểm này lại lòi ra điểm ngập mới. Quản lý chặt việc cấp phép xây dựng các dự án lớn.
Lê Lâm
Theo Thanhnien
Chuyên gia nước ngoài hiến kế giúp TP HCM chống ngập Chấp nhận quy luật tự nhiên, không đuổi nước đi mà sống chung với lũ, xây dựng đường ngầm thoát nước kết hợp làm đường giao thông... là những gợi ý chống ngập cho TP HCM. Ngày 29/9, tại cuộc họp bàn về các giải pháp giúp TP HCM chống ngập do Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chủ trì, các chuyên...