Biến Half Life thành game thời… tiền sử
Căn cứ Black Mesa trong Half Life được xây dựng lại hoàn toàn trên nền đồ họa 2D.
Ra mắt năm 1998, Half Life giờ đây đã xếp vào hàng những tựa game có tuổi. Dù vậy ở thời điểm 17 năm trước, đa số chúng ta vẫn còn đang say mê với nhiều trò chơi còn thua xa nó về mọi mặt từ đồ họa, âm thanh và cơ chế gameplay. Vậy giả như Half Life được Valve phát hành sớm hơn vài năm ở thời kì mà công nghệ 3D còn chưa phát triển, liệu huyền thoại bắn súng này sẽ có diện mạo như thế nào?
Câu trả lời cho thắc mắc ấy có thể được tìm thấy qua sản phẩm của một modder mang nickname “Gzaloprgm”. Bằng công cụ tự phát triển, Gzaloprgm đã tái hiện lại toàn bộ trung tâm nghiên cứu dưới lòng đất Black Mesa dưới dạng bản đồ hai chiều (isometric). Tác giả dự án HalfMaker này cho biết mục đích của anh không phải là tạo ra một tựa game độc lập mà chỉ cho phép người xem nhìn ngắm bản đồ Half Lifedưới góc nhìn mới lạ hơn thay vì thông qua tựa game bắn súng 17 năm tuổi đã quá quen thuộc.
Dưới đây là một số hình ảnh về dự án thú vị này:
Điểm xuất phát của Gordon Freeman sau khi rời khỏi xe điện ngầm.
Hệ thống dịch chuyển tức thời ở màn chơi Lambda Core.
Khởi đầu chương “On A Rail” và lần đầu tiên Gordon chạm trán quái vật khổng lồ Gargantua.
Phòng thay đồ chứa bộ HEV Suit của Gordon.
Phòng chứa thiết bị Anti Mass Spectrometer – nơi thảm họa bắt đầu.
Video đang HOT
Nhiều người chắc vẫn nhớ cảm giác khó chịu khi lanh quanh tìm đường trong hệ thống thông hơi này.
Bước chân lên mặt đất sau khi rời khỏi thang máy, bạn thường chọn cách quét sạch lũ lính hay chạy thẳng xuống hầm?
Gzaloprgm cho phép bất kì ai cũng có thể tải về dự án của mình hoàn toàn miễn phí. Xem ra việc xuất hiện một tựa Half Life theo phong cách nhập vai chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Theo Gamek
Half Life 2 đã thay đổi làng game như thế nào?
Hãy cùng điểm lại xem Half Life 2 của Valve đã định hình lại công việc thiết kế video game như thế nào.
Half-life 2 và Source engine là những bước ngoặt của ngành công nghiệp game. Trong phần tiếp nối về câu chuyện của Gordon Freeman, Valve đã gây dựng nên những nhân vật sống động, những màn chơi được chăm chút kĩ lưỡng nhằm truyền tải cốt truyện hấp dẫn đồng thời mang tới một gameplay bắn súng tuyệt vời. Niềm vui khi nhìn lưỡi cưa bay xuyên qua một đàn zombie khi sử dụng Gravity Gun vẫn được giữ nguyên vẹn so với năm 2004. Thật đáng ngưỡng mộ khi Half Life 2 vẫn duy trì được sự cuốn hút của mình sau 1 thập kỉ ra mắt.
Đáng tiếc là sau khoảng thời gian 10 năm ấy, Half Life 3 vẫn biệt tăm. Trong khi chờ đợi phần tiếp theo về Gordon, Alyx cùng số phận loài người đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại Half Life 2 và những thành quả của nó. Ảnh hưởng của game vẫn còn tới tận bây giờ, đặc biệt là thể loại bắn súng.
Đưa tương tác vật lý vào gameplay
Source Engine đã rất kiêu hãnh về tương tác vật lý vượt trội vào thời điểm đó. Half Life 2 mang tới cảm giác chân thực hơn bất kì game bắn súng nào khác cùng thời. Người chơi có thể bắn nát thúng gỗ, nhặt và ném đồ vật bằng cây Gravity Gun. Valve còn tận dụng lợi thế này qua các câu đố trong game, tiêu biểu như chiếc bập bênh ở màn chơi Route Kanal.
Giờ đây gần như mọi game đều có những đồ vật có thể ném và xô ngã. Chẳng hạn trong Alien: Isolation mới ra mắt, kẻ thù có thể phát hiện người chơi bằng những tiếng động khi va vào các vật thể rải rác khắp trạm vũ trụ. Những nền tảng nổi tiếng như Havok hiện đã cho phép nhà phát triển dễ dàng làm được những điều tương tự. Hãy chờ xem Valve sẽ làm được gì với Source 2 trong tương lai.
Gravity Gun - Súng trọng lực
Thị trấn zombie Ravenholm là nơi đầu tiên món đồ này thể hiện khả năng của mình. Cách tốt nhất để qua màn là không dùng bất cứ vũ khí nào, thay vào đó là dựa vật thể môi trường. Những lưỡi cưa hay khối bê tông hiệu quả không kém gì shotgun, tuy nhiên len lỏi giữa kẻ địch để nhặt chúng lên là một thử thách không nhỏ.
Sau Half Life 2, một loạt game mang tới những công cụ hay vũ khí có khả năng tương tác vật lý. Dead Space có "Handheld Graviton Accelerator", BioShock có Telekinesis Plasmid, và Doom 3 có &'Grabber". Tương tác với vật thể môi trường ngày nay đã trở nên rất phổ biến, từ sử dụng những công nghệ tân tiên như Gravity Gun hay chỉ đơn giản là cầm gạch lên và ném kẻ thù.
Steam
Hiện nay, Steam là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống của PC gamer và Half Life 2 là tựa game đầu tiên được Valve ra mắt độc quyền trên hệ thống phân phối của mình. Tuy có nhiều thiếu sót vào thời điểm ra mắt, nhưng trải qua thời gian dài phát triển, Steam đã trở thành phần mềm thiết yếu giống như Windows.
Ý tưởng về việc download game, chơi ngay không cần cài đặt và tự động update đã cách mạng hóa PC gaming. Sự ra mắt của Half Life 2 đã gây nhiều ý kiến trái chiều khi người chơi buộc phải cài Steam kể cả khi dùng đĩa game mua ngoài hàng, tuy vậy ngày nay điều này đã trở nên quen thuộc. Tầm ảnh hưởng của Half Life 2 đã góp phần khiến Steam trở thành gã khổng lồ như ta thấy hiện nay.
Dẫn chuyện tinh tế
Half Life 2 là một kiệt tác về cách dẫn chuyện đầy tinh tế. Không hề có cut-scene hay những nhân vật phô trương, bạn phải tự xâu chuỗi những manh mối từ môi trường và các mẩu hội thoại. Một mẩu báo trong phòng thí nghiệm của Kleiner là tất cả những gì cho ta biết chiến tranh đã xảy ra và loài người thua trận. Một game dưới tầm chắc hẳn sẽ dùng tới một đoạn phim cắt cảnh đầy "bi tráng".
Cách tiếp cận súc tích này lẽ ra nên là bước ngoặt về dẫn truyện trong game, tuy vậy nhiều nhà phát triển hiện nay vẫn lệ thuộc vào cutscene và những màn trình diễn lộ liễu. Half Life 2 dùng chính thế giới của mình để truyền đạt câu truyện, và khám phá bí ẩn về cuộc xâm lược của Combine là một phần quan trọng của game. Nếu quan sát tốt, bạn có thể hiểu rõ về City 17 cũng như tương lai xám xịt như Freeman ngay từ lần đầu bước chân vào thành phố này.
Thổi hồn vào nhân vật
Dù với cách dẫn chuyện được tối giản hết mức, nhân vật chính câm hoàn toàn, Half Life 2 vẫn có dàn nhân vật sống động và đáng mến. Tất cả đều nhờ vào những cử động khuôn mặt tinh tế đáng nể, kể cả so với công nghệ hiện nay. Ta có thể thấy vẻ mặt tuyệt vọng của Alyx khi tranh cãi với Mossman, hay sự khuây khỏa của cô trong cuộc hội ngộ sau khi Citadel sụp đổ.
Thành công trong biểu cảm nhân vật là do Valve không cố gắng "tả thực", thay vào đó họ cường điệu và cách điệu những khuôn mặt mà không làm chúng trở nên lố lăng. Những anh lính đầu khoai tây trong Crysis sẽ lỗi thời trong 10 năm tới, nhưng sức biểu cảm của Alyx và chiến hữu sẽ còn mãi. Lồng tiếng và lời thoại cũng góp phần đáng kể trong việc thổi hồn vào nhân vật.
Thiết kế màn chơi tỉ mỉ, cách tiếp cận tiến bộ
Không kể tới các yếu tố khác, hệ thống màn chơi trong Half Life 2 được thiết kế một cách xuất sắc. Tuy có một vài sơ suất như Route Kanal hơi dài quá mức cần thiết nhưng những chi tiết đều được bố trí rất khéo léo. Game là sự hòa trộn của nhiều thể loại bao gồm giải đố, hành động, đua xe, kinh dị và thậm chí cả platforming.
Một trong những thủ thuật tài tình nhất của Valve là dùng chính môi trường để dẫn dắt người chơi. Khó có thể lạc đường trong Half Life 2, vì bằng ánh sáng hay màu sắc những nhà thiết kế thu hút sự chú ý của người chơi và dẫn họ tới khu vực tiếp theo. Bạn gần như chỉ cảm thấy được điều này một cách vô thức. Kĩ thuật này giờ đây gần như xuất hiện trong mọi game FPS.
Tập trung xây dựng bầu không khí
Bối cảnh Half Life 2 khác biệt hoàn toàn với phiên bản đầu tiên. Black Mesa là một căn cứ lấy cảm hứng từ Area 51 với khung cảnh điêu tàn của Đông Âu hậu tận thế. Thành phố City 17 hoang tàn là hình ảnh tiêu biểu của Trái Đất khi bị Combine chiếm đóng. Những tòa tháp Citadel chọc trời đứng sừng sững luôn là lời nhắc nhở dân cư Địa Cầu về sự đàn áp của những kẻ xâm lược.
Kể từ Half Life 2, không khí trở thành một phần quan trọng khi xây dựng thế giới game. STALKER, Metro và DayZ đã áp dụng hiệu quả những môi trường tương tự. Thay đổi quan trọng là những nhà phát triển đã nhận ra họ không nhất thiết phải bó buộc trong những thành phố hay nhà kho của nước Mỹ. City 17 vẫn là một trong những bối cảnh tận thế điêu tàn nhưng cũng thú vị trong lịch sử game.
Kết
Mặc dầu có những bài học từ Half Life 2, nhiều game hiện nay vẫn mắc phải những sai lầm mà Valve đã cố loại bỏ. Sau 10 năm, chúng ta vẫn có những nhân vật gào thét liên mồm qua bộ đàm, những đoạn phim cắt cảnh dài lê thê không đúng lúc. Còn những gì từ Half Life 2 mà những game khác cần học tập? Valve có thể làm được gì trong Half Life 3? Câu trả lời sẽ đến, hy vọng trong một tương lai không quá xa.
Theo Gamek
5 thứ có thể bạn chưa biết về Half-Life Liệu có fan ruột của Half-Life nào biết hết về 5 thông tin được liệt trong bài viết dưới đây không? Half-Life là một trong những tựa game bí ẩn nhất của mọi thời đại. Toàn bộ những sự bí ẩn trong quá trình phát triển và hoàn thiện game cùng với những lý do liên tục những phiên bản tiếp theo của...