Biên giới Ấn – Trung thành ngòi nổ xung đột ở Nam Á
Đụng độ biên giới Ấn – Trung có nguy cơ vượt kiểm soát, bùng phát thành xung đột quân sự dù lãnh đạo hai nước đều tỏ ý kiềm chế.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15/6 ẩu đả tại thung lũng Galwan, khu vực tranh chấp giữa hai nước, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc chưa công bố con số thương vong, dù truyền thông Ấn Độ đưa tin khoảng 35-43 binh sĩ Trung Quốc đã chết hoặc bị thương nặng.
Đây được coi là vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa hai bên trong 4 thập kỷ, trong khi giới chuyên gia cảnh báo khu vực Ladakh nói chung và thung lũng Galwan nói riêng có thể trở thành điểm nóng địa chính trị mới tại Nam Á trong những năm tới.
Đoàn xe quân sự Ấn Độ tiến đến Ladakh hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.
Căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, nhất là khi Ấn Độ và Trung Quốc từng đối đầu trong cuộc chiến tranh biên giới chớp nhoáng năm 1962. Liên Hợp Quốc đã hối thúc New Delhi và Bắc Kinh “kiềm chế tối đa”, trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington “ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tình hình hiện tại”.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 17/6 cáo buộc Trung Quốc tìm cách “đơn phương thay đổi hiện trạng” ở thung lũng Galwan, giao lộ địa chiến lược quan trọng ở khu vực Himalaya, nơi New Delhi đang triển khai dự án mở đường tới sân bay gần biên giới Trung Quốc.
Thông tin chi tiết về cuộc đụng độ vẫn được hai bên giữ kín, nhưng Trung Quốc đổ lỗi cho Ấn Độ trong vụ ẩu đả, thêm rằng họ không muốn căng thẳng leo thang. “Tình hình biên giới hiện ổn định và trong tầm kiểm soát”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm 17/6.
Nguy cơ xung đột biên giới Ấn – Trung đã gia tăng kể từ đầu tháng 5, khi Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc điều hàng nghìn binh sĩ vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), vốn được coi là biên giới giữa hai nước, tại hàng loạt khu vực gồm hồ Pangong Tso, thung lũng Galwan và Demchok ở Ladakh. New Delhi cũng cho biết quân đội Trung Quốc đã xây hàng loạt lô cốt, triển khai xe thiết giáp và pháo binh từng những địa điểm này.
Vụ ẩu đả khiến nhiều binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong đó có một đại tá, đã gây phẫn nộ tại quốc gia Nam Á này. Nhiều chính trị gia kêu gọi chính quyền Thủ tướng Narendra Modi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, dù Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của New Delhi với kim ngạch song phương hàng năm khoảng 92 tỷ USD.
“Sự hy sinh của các binh sĩ sẽ không trở nên vô nghĩa. Sự đoàn kết và chủ quyền đất nước là điều quan trọng nhất với chúng tôi. Ấn Độ muốn hòa bình, nhưng vẫn đủ sức đáp trả tương xứng nếu bị gây hấn”, Thủ tướng Modi nói.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sau đó điện đàm, nhất trí giảm căng thẳng tại biên giới. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố cho biết ông Vương yêu cầu “Ấn Độ tiến hành điều tra kỹ lưỡng” và trừng phạt những người cần chịu trách nhiệm.
Video đang HOT
Các nhà phân tích cho rằng tình hình hiện nay thể hiện phản ứng của Trung Quốc với các dự án cơ sở hạ tầng quân sự được Ấn Độ tiến hành những năm gần đây ở khu vực Ladakh.
Khu vục biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đồ họa: NY Times.
“Tôi tin rằng Trung Quốc lo ngại con đường Ấn Độ đang mở dọc LAC, đặc biệt là tuyến đường hoàn thành hồi năm ngoái kết nối thủ phủ Leh của vùng Ladakh tới đèo Karakoram”, Michael Kugelman, phó giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Tuyến đường được Kugelman đề cập mang tên Darbuk – Shyok – Daulat Beg Oldie (DSDBO), dài 255 km và được khánh thành hồi năm 2019. Trung Quốc nhiều lần phản đối kế hoạch mở rộng một nhánh của DSDBO.
Hành lang kinh tế của Trung Quốc tới Pakistan và Trung Á đi qua Karakoram, không xa thung lũng Galwan. Khu vực tranh chấp hiện nay cũng nằm gần bình nguyên Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát nhưng Ấn Độ có tuyên bố chủ quyền.
“Ladakh và vùng phía đông Ladakh rất quan trọng với Trung Quốc, vì đó là cửa ngõ ra Trung Á và dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) được Bắc Kinh đầu tư khoảng 60 tỷ USD. Họ có nhiều lợi ích tại khu vực này và lo lắng với sự hiện diện của cơ sở hạ tầng quân sự Ấn Độ”, Happymon Jacob, giáo sư ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Jawaharlal Nehru tại New Delhi, cho biết.
Jacob và Kugelman đều cho rằng Trung Quốc đang tìm cách phát thông điệp tới nhiều nước lân cận thông qua xung đột với Ấn Độ, đặc biệt là sau khi New Delhi xóa quy chế đặc biệt của vùng Kashmir hồi năm ngoái.
Ấn Độ khi đó bãi bỏ điều 370 trong hiến pháp, vốn bảo đảm quyền tự trị cho Kashmir, đồng thời tách Ladakh khỏi Kashmir và biến nó thành vùng lãnh thổ do chính quyền liên bang quản lý. Trung Quốc và đồng minh Pakistan đã lên án hành động này và đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Mọi phỏng đoán về động cơ của Trung Quốc trong những diễn biến gần đây cần phải nhắc tới việc Ấn Độ xóa bỏ điều 370. Rõ ràng Bắc Kinh đang phản ứng mạnh và nhanh chóng sau hành động của New Delhi. Trung Quốc coi đó là hành động đơn phương có thể ảnh hưởng tới các tuyên bố chủ quyền của họ, điều đó luôn nằm trong chiến lược tổng thể của Bắc Kinh”, Kugelman nói.
Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố địa chính trị liên quan tới căng thẳng gần đây, trong đó bao gồm quan hệ Mỹ – Ấn – Trung.
“Quan hệ Mỹ – Trung đang xấu đi rõ rệt, trong khi liên kết Washington – New Delhi lại được tăng cường. Trung Quốc dường như muốn gửi thông điệp tới Ấn Độ rằng ‘New Delhi có thể thân thiết với đối thủ cạnh tranh của Bắc Kinh, nhưng hãy nhìn cái giá phải trả là gì’”, Kugelman nhận định.
Trong lúc hai bên tìm cách đối thoại, quan điểm quyết kiểm soát những khu vực chiến lược ở biên giới của hai nước có thể trở thành chướng ngại vật ngăn cản nỗ lực giải quyết xung đột biên giới.
Binh sĩ Trung Quốc (trái) và Ấn Độ (phải) trong một lần đối đầu tại LAC hồi tháng 5. Ảnh: ANI.
Thung lũng Galwan có vai trò quan trọng với chiến lược của Ấn Độ do khoảng cách gần với thung lũng Nubra, nơi đặt căn cứ hậu cần cho lực lượng triển khai đối phó quân đội Pakistan ở núi băng Siachen, địa điểm được coi là chiến trường cao nhất thế giới ở độ cao 6.000 m so với mực nước biển.
“Trung Quốc có thể đòi Ấn Độ nhượng bộ, chấm dứt các dự án cơ sở hạ tầng ở một số khu vực nhất định. Việc Bắc Kinh kiểm soát thung lũng Galwan trong tương lai có thể đe dọa lực lượng của New Delhi ở núi băng Siachen”, giáo sư Jacob nói.
Xung đột biên giới xảy ra trong bối cảnh New Delhi đang đối mặt khủng hoảng kinh tế do Covid-19. Chính sách ưu tiên các nước láng giềng của Thủ tướng Modi có nguy cơ sụp đổ khi Ấn Độ đang xảy ra tranh chấp biên giới với ba quốc gia, bao gồm cả nước vốn thân thiện với họ là Nepal.
“Thực tế là chính sách đối ngoại của New Delhi trong vài năm qua đã thất bại hoàn toàn. Ấn Độ đang trong tình trạng khá ngặt nghèo khi đối đầu với một bên là cường quốc Trung Quốc, một bên là những nước láng giềng nhỏ vốn có quan hệ thân thiết truyền thống nhưng đang dần chuyển sang thái độ đối nghịch”, giáo sư Jacob nói thêm.
Hơn 40 lính Trung Quốc có thể thương vong trong ẩu đả với Ấn Độ
43 binh sĩ Trung Quốc chết và bị thương trong vụ ẩu đả khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng tại thung lũng Galwan, truyền thông Ấn Độ đưa tin.
"Thông tin liên lạc do Ấn Độ chặn thu được cho thấy phía Trung Quốc chịu 43 thương vong, trong đó nhiều binh sĩ chết và bị thương nặng, sau vụ ẩu đả tại thung lũng Galwan", hãng thông tấn Ấn Độ ANI ngày 16/6 dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay.
ANI không nói rõ số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong vụ đụng độ với lính Ấn Độ. Trực thăng được điều lên khu vực Trung Quốc kiểm soát để đưa binh sĩ bị thương tới bệnh viện.
Ẩu đả giữa lính Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra tối 15/6 tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai nước tuyên bố chủ quyền. Một nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho hay binh sĩ hai bên đang thảo luận về biện pháp giảm căng thẳng ở khu vực tranh chấp thì quân đội Trung Quốc bất ngờ đụng độ với một nhóm lính Ấn Độ.
"Họ tấn công bằng gậy sắt khiến sĩ quan chỉ huy phía chúng tôi bị thương nặng và ngã xuống. Đúng lúc đó, quân tiếp viện Trung Quốc tràn tới khu vực và tấn công chúng tôi bằng đá", nguồn tin này nói.
Phía Trung Quốc điều thêm quân tiếp viện và cuộc ẩu đả kéo dài trong vài giờ. Lục quân Ấn Độ ban đầu cho biết ba quân nhân, gồm thiếu tá Santosh Babu, chỉ huy trung đoàn Bihar 16, và hai binh sĩ, thiệt mạng tại hiện trường. Đến tối qua, Ấn Độ xác nhận thêm 17 binh sĩ tử vong do vết thương quá nặng, trong điều kiện thời tiết lạnh giá khắc nghiệt.
Trung Quốc chưa công bố số người chết và bị thương trong vụ ẩu đả, song cáo buộc lính Ấn Độ vượt biên rồi tấn công binh sĩ nước này. Ấn Độ và Trung Quốc xác nhận không có nổ súng, thương vong do binh sĩ hai nước tấn công nhau bằng nắm đấm, gạch đá và gậy sắt.
Truyền thông Ấn Độ dẫn các nguồn tin cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui và đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Vikram Misri đã gặp nhau ở Bắc Kinh để thảo luận về biện pháp tháo gỡ căng thẳng sau vụ đụng độ.
Binh sĩ Trung Quốc (trái) và Ấn Độ (phải) trong một lần đối đầu tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) hồi tháng 5. Ảnh: ANI.
Đây là lần đụng độ gây chết người đầu tiên sau vụ Trung Quốc phục kích và bắn chết 4 binh sĩ Ấn Độ tại Tulung La, Arunachal Pradesh năm 1975, gần Đường Kiểm soát thực tế (LAC) vốn được coi là biên giới của hai nước. LAC dài 3.488 km này được thiết lập sau Chiến tranh Trung - Ấn 1962.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc nhiều tuần đối đầu tại hồ Pangong Tso, thung lũng Galwan, làng Demchok và căn cứ Daulat Beg Oldi ở phía đông Ladakh. Các vụ ẩu đả trước đây khiến binh sĩ hai bên bị thương, song không gây chết người.
Sau vài tuần căng thẳng, Trung Quốc và Ấn Độ hồi đầu tháng 6 tổ chức hội đàm cấp chỉ huy tiểu đoàn và lữ đoàn tại khu vực thung lũng Galwan và Kyam, nhất trí giải quyết hòa bình tranh chấp biên giới. Ấn Độ và Trung Quốc cũng rút một phần lực lượng tại thung lũng Galwan, Kyam và Điểm tuần tra số 15 (PP-15) ở phía đông Ladakh trước khi tổ chức hội đàm.
Giới chuyên gia cho rằng căng thẳng biên giới với Trung Quốc bùng phát do Ấn Độ xây dựng các tuyến đường và sân bay trong khu vực Ladakh. Trung Quốc nhiều lần phản đối các dự án này của Ấn Độ.
Khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đồ họa: NYT.
Ấn Độ: TQ huy động 2.500 quân đến biên giới, căng thẳng lên tới đỉnh điểm Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tỏ ra hết sức cảnh giác tại các khu vực tranh chấp dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), dấu hiệu cho thấy căng thẳng đang đạt tới cao trào kể từ cuộc chạm trán 73 ngày ở cao nguyên Doklam năm 2017. Các binh sĩ Ấn độ và Trung Quốc thời gian gần đây...