Biển Đông và mối liên hệ với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Trước diễn biến ngày càng leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, chuyên gia luật quốc tế Roncevert Ganan Almond…
Lãnh đạo hai nước Mỹ – Trung
Trước diễn biến ngày càng leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, chuyên gia luật quốc tế Roncevert Ganan Almond (từ Wicks Group, trụ sở tại Washington) đã chỉ ra, hiện có “một dòng chảy ngầm” liên kết tranh chấp biển Đông và chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới.
Mặt trận đối nghịch hình thành từ biển
Trên tờ Diplomat ngày 4/9, ông Almond đã nhắc lại câu nói của Hiệp sĩ Anh Walter Raleigh (người dành hơn nửa cuộc đời cho các hành trình khám phá biển vào thế kỷ 16-17): “Bất cứ quốc gia nào kiểm soát được biển sẽ nắm giữ quyền thương mại. Đó là nguồn lợi bất tận mang đến giàu có và quyền lực”.
Luật sư Almond chỉ ra rằng, nhận thức được lợi ích địa chính trị và thương mại của các tuyến đường thủy trên biển Đông, trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng thể hiện tham vọng muốn mở rộng các thềm lục địa trên vùng biển này và tiếp cận các tuyến thương mại quan trọng.
Theo các nhà nghiên cứu, không phải ngẫu nhiên chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên biển Đông của Bắc Kinh bắt đầu trong cùng năm Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới.
Từ năm 2013, Bắc Kinh đã nạo vét và tạo ra 3.200 mẫu đất mới một cách trái pháp luật trên các đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời mở rộng đáng kể sự hiện diện trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump hiện cũng đang tăng cường các hoạt động thực thi tự do hàng hải trên biển Đông (FONOPS) nhằm duy trì luật pháp quốc tế và các tuyến thương mại tự do toàn cầu.
Video đang HOT
Và tất nhiên, sự thống trị hải quân của Mỹ cùng với khả năng sẵn sàng hành động của Washington là một mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc. Trong đó, Bắc Kinh đang cảm nhận trạng thái sẽ bị cô lập với thị trường nước ngoài và bị cắt nguồn cung cấp năng lượng trên các tuyến thương mại đường biển, nếu như không tôn trọng vị trí của Mỹ.
Hiện, gần 1/3 thương mại hàng hải thế giới đi qua biển Đông mỗi năm. 8 trong số 10 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khoảng 2/3 số lượng tàu chở dầu trên toàn thế giới đi qua tuyến đường biển Ấn Độ – Thái Bình Dương, mà phần lớn phục vụ nhu cầu năng lượng của Trung Quốc.
Vì thế, theo nhà phân tích chiến lược Paul Kennedy, nếu không đảm bảo việc tiếp cận hàng hải thông qua biển Đông, Trung Quốc sẽ khó đảm bảo điều kiện thuận lợi để duy trì tốc độ tăng trưởng nhằm dẫn đến “sự thay đổi cân bằng kinh tế” và cuối cùng là “cân bằng chính trị và quân sự”.
Bức tường vĩ đại của Trump
Cũng theo nhà tư vấn luật quốc tế Almond, Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành dài 13.000 dặm từ 2.000 năm trước đây, trong khi nhà lãnh đạo Mỹ đang xây dựng quanh mình “bức tường vĩ đại” từ những lời đe dọa.
Được lập lên từ thuế quan, hạn chế đầu tư vào các ngành công nghệ cao, giới hạn nhập cư, “Bức tường Trump” đã sử dụng thương mại làm vũ khí nhắm mục tiêu chính vào Trung Quốc, nền kinh tế mạnh mẽ nhất châu Á và đang đe dọa các lợi ích địa chính trị của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Trump cũng liên tục thách thức hiện trạng trong quan hệ Mỹ – Trung và nền kinh tế toàn cầu. Điều này thể hiện trong các tuyên bố từ khi tranh cử tổng thống năm 2016 cho tới chiến lược an ninh quốc gia mới, mô tả một cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc đòi hỏi “Hoa Kỳ phải cân nhắc lại các chính sách trong hai thập kỷ qua”.
Có lẽ hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ tiền nhiệm nào, ông Trump đã “lột trần” cuộc đấu tranh quyền lực tiềm ẩn trong thương mại quốc tế, công nghệ và tăng trưởng kinh tế. Theo nghĩa này, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có liên kết ngầm với sự cạnh tranh sức mạnh quân sự, địa chính trị giữa hai nước trên biển Đông.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn phản biện, nhà kinh tế học Ludwig von Mises cho rằng: “Nếu thợ may gây chiến với thợ làm bánh, ông ta phải xác định sẽ phải tự sản xuất bánh mì cho mình. Còn nếu thợ may quan tâm sâu sắc hơn về cá tính của người làm bánh (bao gồm quốc tịch, tôn giáo, chủng tộc, giới tính…) thì khả năng cao họ sẽ có một giao dịch tuyệt vời (ám chỉ khả năng đàm phán)”.
Thùy Dương
Theo baogiaothong
Con bài mặc cả của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang căng thẳng, Trung Quốc đang nắm một con bài trong tay có thể đưa ra đàm phán với Mỹ.
Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang căng thẳng, Trung Quốc có thể lợi dụng biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran làm con bài mặc cả trên bàn đàm phán với Mỹ.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang căng thẳng. Ảnh minh họa: AP.
Trung Quốc và Iran - mối thâm giao bền vững
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5 1 vào tháng 5/2018, Iran đã nhanh chóng tìm sự hỗ trợ từ các quốc gia khác để giúp nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ của nước này có thể trụ vững. Nhu cầu của Iran hợp tác với phần còn lại của thế giới ngày càng gia tăng khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố kế hoạch áp đặt trừng phạt đối với lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của nước này vào tháng 11/2018. Và quốc gia đầu tiên mà Iran tìm đến như một cứu tinh là Trung Quốc - đối thủ thương mại lớn nhất của Mỹ.
Đây cũng là lý do, trong chuyến công du nước ngoài để tìm kiếm sự ủng hộ, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã chọn điểm dừng chân đầu tiên là Trung Quốc. Và sau chuyến thăm này, tờ Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết, hai bên đã công bố dự án đường sắt mới kết nối giữa khu vực Bayannur, trong khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc với Iran. Tuyến đường sắt mới là một phần của sáng kiến "Vành Đai, Con Đường" của Bắc Kinh với tổng kinh phí đầu tư 124 tỷ USD. Sáng kiến này nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng mới ở các quốc gia dọc theo Con đường Tơ lụa cổ nối liền Trung Quốc với Châu Âu. Theo đó, nước này tài trợ cho các dự án tại Iran nhằm xây dựng đường sắt, đường cao tốc, cảng biển, nhà máy phát điện và mở rộng thương mại.
Thực tế cho thấy Trung Quốc luôn có ý định tăng cường quan hệ thương mại với Iran, chứ không hề muốn kìm hãm mối thâm giao này. Tuần trước, khi trả lời báo chí về câu hỏi liệu Trung Quốc có tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran hay hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định: "Trung Quốc luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán dài hạn".
Trong khi nhiều công ty Châu Âu từ chối mua dầu mỏ của Iran do lo sợ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, thì Trung Quốc - khách hàng lớn nhất của Iran dường như phớt lờ những biện pháp này. Theo số liệu chính thức của hải quan Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2018, mỗi ngày Trung Quốc nhập khẩu 718.000 thùng dầu của Iran, tương đương hơn 1/4 lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Trung Đông này. Khối lượng dầu mỏ Trung Quốc nhập từ Iran tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017 và không có dấu hiệu chững lại. Tạp chí phố Wall cho biết, Mỹ lo ngại rằng, Trung Quốc thậm chí sẽ còn mua nhiều dầu mỏ của Iran hơn một khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11/2018.
Trung Quốc đáp trả Mỹ như thế nào?
Trước đó hôm 12/7, phát biểu tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump có ý định "thực thi biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ Iran đối với mọi đối tượng, trong đó có cả Trung Quốc". Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ làm thế nào để đối phó với động thái này của Mỹ?
Ông David Dollar, một chuyên gia về Trung Quốc ở Viện Brookings (trụ sở ở Washington) nhấn mạnh, song song với việc từ chối tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, Trung Quốc sẽ làm giảm tác động về tài chính của các biện pháp này. Quan điểm của Trung Quốc đối với các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran từ trước đến nay luôn đồng nhất. "Nhìn chung, Trung Quốc sẽ tôn trọng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc và miễn cưỡng rút khỏi các biện pháp trừng phạt song phương. Trong quá khứ, Trung Quốc từng chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cả đơn phương lẫn song phương, và đặt lợi ích kinh tế của nước này lên trên sự hợp tác", ông Dollar nói.
Có một ngoại lệ là dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, Mỹ đã thành công khi thuyết phục Trung Quốc hạn chế mua dầu mỏ của Iran, sau khi thực thi các biện pháp trừng phạt. Ông Dollar giải thích rằng ở thời điểm đó, Trung Quốc đã đề cao các lợi ích song phương với Mỹ, liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, lo ngại về an ninh và quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác. Quan hệ Mỹ-Trung ngày càng leo thang căng thẳng khi Mỹ áp thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc. Gần đây nhất, Tổng thống Trump còn đe dọa áp đặt trừng phạt đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Cuộc chiến thương mại đã gây thiệt hại nặng nề cho thị trường chứng khoán Trung Quốc kể từ đầu năm đến nay.
"Sẽ là một cuộc chiến khó khăn để khiến Trung Quốc tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trong tình thế hiện nay, thật khó cho Mỹ để có được sự hợp tác của Trung Quốc. Nếu là Trung Quốc, tôi sẽ đưa những vấn đề thương mại này ra đàm phán. Trung Quốc sẽ không có lợi về mặt kinh tế khi dừng mua dầu mỏ của Iran", ông Dollar nhấn mạnh.
Một số nhà quan sát khác cho rằng, Trung Quốc có thể lợi dụng đòn trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran để mặc cả trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Ông Derek Scissors, nhân viên của Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ nói, quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang rơi vào vòng xoáy nguy hiểm và Trung Quốc hiện nay đang tăng cường mua dầu mỏ của Iran. Để ngăn chặn động thái này của Trung Quốc, Mỹ chỉ có thể nói rằng: "Chúng tôi sẽ hủy bỏ các rào cản thuế quan miễn là Trung Quốc tuân thủ biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran và họ (Trung Quốc) sẽ có thể làm điều này chỉ trong 1 giây".
Theo Hồng Anh
VOV
Kịch bản chiến tranh Mỹ-Trung khốc liệt vào năm 2030 Căng thẳng Mỹ-Trung thời gian qua đang có chiều hướng leo thang, sau mâu thuẫn liên quan đến thương mại và việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông. Mô phỏng cảnh tên lửa Trung Quốc tấn công đội tàu sân bay Mỹ. Chuyên gia Robert Farley nhận định trên tạp chí National Interest rằng, Mỹ có thể bị kéo vào...