Biến đổi màu nước tiểu do thuốc
Tôi bị đau nhức thần kinh đã dùng một số thuốc (theo đơn của bác sĩ) để điều trị. Vừa rồi đi khám bác sĩ còn kê cho tôi dùng thêm thuốc trivita B, nhưng khi uống thuốc này tôi thấy nước tiểu có màu vàng khác thường. Điều này có nguy hiểm không? Tôi có cần ngừng thuốc?
Nguyễn Thị Nam (Bắc Ninh)
Trong điều trị đau nhức thần kinh (đau dây thần kinh lưng, dây thần kinh hông, dây thần kinh sinh ba), thì trivita B là thuốc được dùng để hỗ trợ điều trị. Ngoài ra, thuốc còn dùng trong các trường hợp mệt mỏi, kém ăn, suy dinh dưỡng và rối loạn tiêu hóa… Thực ra, không chỉ thuốc trivita B mà khi uống các vitamin và khoáng chất tổng hợp như polyvitamin (thuốc bổ đa sinh tố), becozym… người dùng sẽ thấy hiện tượng nước tiểu có màu vàng bất thường. Khi thấy hiện tượng này người bệnh sẽ rất lo lắng cho rằng mình mắc thêm bệnh mới hoặc do tác dụng phụ có hại của thuốc…
Nhưng các bạn đừng lo, hiện tượng làm biến đổi màu của nước tiểu là do trong thành phần của các thuốc này có chứa vitamin B2 (riboflavin), một hợp chất có sẵn màu vàng. Do bài tiết qua nước tiểu nên làm cho nước tiểu có màu vàng khác thường. Đây là dấu hiệu hoàn toàn bình thường, thậm chí còn là dấu hiệu giúp ta nhận biết được đó là thuốc thật hay thuốc giả (nếu uống mà không thấy có sự thay đổi màu sắc của nước tiểu là thuốc giả). Do có màu vàng nên vitamin B2 không chỉ được dùng làm thuốc mà còn được dùng trong thực phẩm để tạo màu nữa. Vì vậy, chị hãy yên tâm dùng thuốc.
Tuy nhiên, điều mà chị cần phải lưu ý, do sự biến đổi màu của nước tiểu nên sẽ gây sai lệch đối với một số xét nghiệm nước tiểu. Bởi vậy, khi cần làm các xét nghiệm liên quan đến nước tiểu không được dùng thuốc có chứa vitamin B2. Ngoài ra, trong khi dùng thuốc điều trị bệnh nói chung hay thuốc này nói riêng, nếu thấy các hiện tượng bất thường khác như dị ứng, nổi mẩn… thì chị cần báo cho bác sĩ điều trị biết, vì có thể chị đã bị phản ứng có hại của thuốc.
BS. Lê Xuân Bách
Theo SK&ĐS
Những dấu hiệu u xơ tuyến tiền liệt
U xơ tuyến tiền liệt còn gọi là bướu lành tuyến tiền liệt, đây là một khối u lành tính thường xuất hiện ở nam giới khi tuổi bắt đầu cao. Bệnh có thể gây ra một số biến chứng làm tắc đường tiết niệu.
Khi đi tiểu đứng nếu thấy triệu chứng nước tiểu không thoát ra mạnh và bắn đi xa mà rơi xuống gần làm ướt mũi chân hay mũi giày dép thì lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh u xơ tuyến tiền liệt, cần phải đi khám và điều trị phù hợp.
Đặc điểm u xơ tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt được hình thành từ tuần thứ 12 của thai nhi nam, phát triển theo quá trình biệt hóa đến khi trẻ ra đời. Lúc dậy thì, tuyến tiền liệt tiếp tục phát triển và hoạt động giống như một tuyến sinh dục phụ, trọng lượng trung bình của tuyến khoảng 20g. Tuyến tiền liệt cùng với mào tinh hoàn, bóng tinh và túi tinh tiết ra tinh dịch gồm các chất kẽm, axít citric, fructose, phosphorylcholine, spermine, axít amin tự do, prostaglandin, các men phosphatase axít và lactico dehydrogenase để nuôi dưỡng và kích thích sự chuyển động của tinh trùng.
Video đang HOT
Từ 45 tuổi trở lên, tuyến tiền liệt ngừng tăng trưởng và bắt đầu có xu hướng tăng sản bệnh lý để hình thành u xơ tuyến tiền liệt từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngược lại có hiện tượng tuyến tiền liệt ngày càng teo dần với khối lượng thu nhỏ. Tần số u xơ tuyến tiền liệt thường tăng lên theo lứa tuổi, không có mối liên quan giữa sự xuất hiện u xơ tuyến tiền liệt với thành phần giai cấp xã hội, hoàn cảnh gia đình và các nhóm máu.
Các bệnh khác thường đi kèm theo u xơ tuyến tiền liệt cũng được ghi nhận là tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ gan...; đây có thể nói là sự biểu hiện tính chất đa bệnh lý của tuổi cao. U xơ tuyến tiền liệt và ung thư tuyến tiền liệt tuy không có liên quan với nhau nhưng hai bệnh này có thể xuất hiện cùng một lúc ở bệnh nhân cao tuổi.
Thực tế hiện nay tại nước ta, bệnh u xơ tuyến tiền liệt ngày đang có xu hướng gia tăng, vì vậy cần được quan tâm. Việc điều trị bằng phương pháp ngoại khoa thường đem lại kết quả tốt, tuy nhiên thời gian gần đây nhờ những nghiên cứu về sinh hóa và dược lý nên đã hình thành khuynh hướng điều trị nội khoa, không dùng phẫu thuật để điều trị những biến chứng thông thường của bệnh u xơ tuyến tiền liệt.
Triệu chứng bệnh lý
Trong thực tế tùy theo sự phát triển của u xơ và sự thích ứng của cơ thể bệnh nhân, triệu chứng bệnh lý của u xơ tuyến tiền liệt có thể chia ra làm 3 giai đoạn gồm: giai đoạn cơ năng, giai đoạn đã có tổn thương thực thể và giai đoạn có tổn thương thực thể nặng.
Giai đoạn cơ năng là giai đoạn chưa có tổn thương thực thể. Bệnh nhân thường đi tiểu khó với các biểu hiện như nước tiểu thoát ra chậm, dòng nước tiểu nhỏ và yếu, bị ngắt quãng, đi tiểu xong còn nhỏ giọt, thời gian đi tiểu kéo dài; dấu hiệu cũng thường được ghi nhận là khi đứng tiểu, nước tiểu không thoát ra mạnh và bắn đi xa mà rơi xuống gần làm ướt đầu mũi chân hoặc đầu mũi giày dép. Đồng thời do sự kích thích của cơ bàng quang phì đại, bệnh nhân có chứng đi tiểu vội, buồn đi tiểu là phải đi tiểu ngay, đi nhiều lần trong ngày và đêm, đặc biệt là về gần sáng.
Giai đoạn đã có tổn thương thực thể là giai đoạn bàng quang đã giãn ra và có tình trạng tồn đọng nước tiểu trên 100ml. Trong giai đoạn này, bệnh nhân vẫn đi tiểu khó, đi tiểu nhiều lần với mức độ tăng lên làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Vừa đi tiểu xong nhưng bệnh nhân vẫn còn cảm thấy đi tiểu không hết và một lúc sau lại phải đi tiểu thêm. Những hiện tượng này làm cho bệnh nhân lo lắng, đặc biệt sự ứ đọng nước tiểu thường kèm theo các dấu hiệu nhiễm khuẩn với các biểu hiện đi tiểu buốt, nước tiểu đục.
Giai đoạn đã có tổn thương thực thể nặng là giai đoạn ảnh hưởng đến chức năng thận và sự thích ứng của cơ thể đã bị giảm sút, đây là giai đoạn không bù trừ. Trong giai đoạn này, cơ thành bàng quang mỏng, mất tính trương lực, sự ứ đọng nước tiểu tăng kèm theo tình trạng nhiễm khuẩn.
Các triệu chứng đi tiểu khó tăng đến mức bệnh nhân phải đi tiểu nhiều lần, có khi dẫn đến tình trạng nghịch lý là đi tiểu liên tục do nước tiểu tràn đầy bàng quang giãn căng. Lúc đó, các triệu chứng toàn thân xuất hiện rầm rộ như thiếu máu, buồn nôn, ăn kém, buồn ngủ, mệt mỏi, phù, tăng huyết áp...; đây là những biểu hiện suy thận do tắc đường tiết niệu.
Thực tế quá trình diễn biến bệnh lý theo 3 giai đoạn được mô tả ở trên không phải khi nào cũng xuất hiện đầy đủ. Sự tiến triển của bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là sự tăng trưởng của u xơ, sự thích ứng của cơ thể và cách sinh hoạt của từng người. Dù ở bất cứ giai đoạn nào, sự bí tiểu hoàn toàn vẫn có thể xảy ra và đặt bệnh nhân trong tình trạng phải xử trí can thiệp cấp cứu.
Những biến chứng thường gặp của u xơ tuyến tiền liệt là bí tiểu hoàn toàn làm bệnh nhân đau quặn dữ dội vùng bụng dưới, bí tiểu không hoàn toàn với hiện tượng bệnh nhân có thể đi tiểu được nhưng nước tiểu còn ứ đọng trong bàng quang trên 100ml; ngoài ra còn có biến chứng túi thừa bàng quang, sỏi bàng quang, đi tiểu ra máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận do viêm thận bể thận.
Quan trọng nhất là dùng ngón tay để thăm khám trực tràng
Chẩn đoán xác định bệnh
Về lâm sàng, đầu tiên cần kiểm tra dòng nước tiểu, sau đó thăm khám vùng hạ vị xem có cầu bàng quang hay không và khám vùng thắt lưng vì thận có thể bị ứ nước. Quan trọng nhất là dùng ngón tay để thăm khám trực tràng, nếu có u xơ tuyến tiền liệt có thể thấy khối tuyến tiền liệt to, mềm và cân xứng, mất rãnh giữa, tròn đều, ranh giới rõ rệt và không đau; khi khối u xơ phát triển lên cao, có thể không sờ thấy bờ trên; đặc điểm là mật độ u xơ mềm hoặc chắc nhưng không bao giờ cứng như gỗ thường gặp trong các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt.
Lưu ý trong thăm khám trực tràng cũng cần kiểm tra trương lực cơ thắt hậu môn để phát hiện các trường hợp viêm nhiễm tuyến tiền liệt và các rối loạn thần kinh có thể dẫn đến tình trạng đi tiểu khó hoặc bí tiểu. Trong trường hợp nghi vấn có ung thư tuyến tiền liệt, cần làm kỹ thuật sinh thiết khối u để xác định.
Về cận lâm sàng, cần thực hiện các xét nghiệm tìm bạch cầu, hồng cầu, vi khuẩn trong nước tiểu; định lượng urê máu và creatinin máu để đánh giá chức năng thận. Trong các phòng xét nghiệm hiện đại, các nhà khoa học định lượng các chất đánh dấu của ung thư tuyến tiền liệt là phosphatase acid và kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt là PSA (prostate specific antigen).
Có thể chụp phim X-quang để kiểm tra có sỏi ở thận và bàng quang hay không; chụp niệu đồ tĩnh mạch có thể thấy hình khuyết ở đáy bàng quang do u xơ gây nên, thành trong bàng quang có khía hoặc túi thừa, phương pháp chụp này cho thấy mức độ giãn bể thận và niệu quản. Trong u xơ tuyến tiền liệt, khi hai niệu quản đều giãn thì có sự cân xứng ở cả hai bên, khác với hình ảnh mất cân xứng trong ung thư tuyến tiền liệt; khi chụp hình niệu đạo ngược dòng, hình ảnh niệu đạo được kéo dài ra và có hình lưỡi liềm.
Ngoài ra, soi niệu đạo và bàng quang để xác định sỏi bàng quang không cản quang, túi thừa, u bàng quang; phương pháp này cho phép đánh giá khối lượng và sự phát triển của u xơ trong lòng bàng quang để quyết định biện pháp phẫu thuật. Siêu âm cũng là phương pháp xác định ít gây tác dụng phụ và rất có giá trị trong chẩn đoán, nhờ siêu âm có thể chẩn đoán chính xác khối lượng u xơ và chẩn đoán phân biệt với ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra, các phương pháp đo áp suất bàng quang và đo lưu lượng dòng nước tiểu để đánh giá mức độ rối loạn tiểu tiện chỉ được dùng trong những trường hợp đặc biệt.
Điều trị và phòng bệnh
U xơ tuyến tiền liệt có thể điều trị nội khoa và ngoại khoa tùy theo từng trường hợp bệnh được phát hiện, chẩn đoán.
Việc điều trị nội khoa u xơ tuyến tiền liệt đã được các nhà khoa học khẳng định từ lâu. Bệnh u xơ tuyến tiền liệt không chỉ phát triển đơn điệu từ nhẹ đến nặng, gây bí tiểu mà thực tế bệnh lý ở mỗi người bệnh tiến triển rất khác nhau. Ngoài một số trường hợp nặng cần phải thực hiện phẫu thuật, phần lớn các u xơ tuyến tiền liệt được điều trị bằng nội khoa như chống nhiễm khuẩn đường tiết niệu bằng kháng sinh đặc hiệu, sử dụng các loại thuốc giảm đau trong những bệnh vùng tầng sinh môn hay phẫu thuật hạ vị để giảm kích thích gây rối loạn tiểu tiện.
Lưu ý hạn chế sử dụng các loại thuốc như ephedrine, phenylephrine... để tránh làm tăng sức cản ở cổ bàng quang. Nếu bệnh nhân bị bí tiểu hoàn toàn, phải đặt ống thông niệu đạo trong vài ngày để điều trị viêm, tránh cương tụ máu ở vùng cổ bàng quang và tuyến tiền liệt; sau đó bỏ ống thông và tập cho bệnh nhân đi tiểu. Hiện nay các bác sĩ đang cố gắng sử dụng những phương pháp không phẫu thuật trong điều trị u xơ tuyến tiền liệt.
Các nhà khoa học nhận thấy có 2 yếu tố gây tắc tiểu tiện trong u xơ tuyến tiền liệt là yếu tố tĩnh do sự phì đại của u xơ và yếu tố động là trương lực cơ trơn của tuyến tiền liệt; nếu sử dụng các loại thuốc tác động lên 2 yếu tố này sẽ làm cho nước tiểu lưu thông. Nhiều nhà khoa học còn tìm ra các loại thuốc khác hay dùng phương pháp cơ học để điều trị u xơ như thuốc đối kháng alpha-adrenergic, thuốc điều trị nội tiết...
Việc điều trị bằng phẫu thuật cho đến nay được xem là phương pháp có hiệu quả nhất trong điều trị u xơ tuyến tiền liệt lúc có biến chứng. Tuy nhiên trong tất cả các trường hợp can thiệp, phải tuân thủ những chỉ định chặt chẽ. Chỉ định phẫu thuật tuyệt đối các trường hợp như: bí tiểu hoàn toàn, sau khi đặt ống thông niệu đạo vài ngày nhưng bệnh nhân vẫn không tự đi tiểu được lúc rút bỏ ống thông; bí tiểu không hoàn toàn do ứ đọng nước tiểu là nguyên nhân gây trào ngược nước tiểu lên niệu quản gây nhiễm khuẩn và suy thận; nhiễm khuẩn tiết niệu, đặc biệt là viêm tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, viêm thận bể thận; sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang, u bàng quang.
Chỉ định phẫu thuật tương đối được thực hiện đối với bệnh nhân hen suyển hoặc thường xuyên mất ngủ, u xơ tuyến tiền liệt có thể gây nhiều trở ngại trong sinh hoạt. Bác sĩ cần trao đổi với bệnh nhân về lợi hại của phẫu thuật trong mọi tình huống và công tác thăm khám để chuẩn bị phẫu thuật rất quan trọng.
Phải thăm khám toàn diện từ tim, phổi đến tiêu hóa, thận, thần kinh, tâm thần. Đối với bệnh nhân có urê máu cao, cần đặt ống thông niệu đạo trong vài tuần, có khi phải dẫn lưu bàng quang trong nhiều tháng. Khi phẫu thuật có thể dùng phương pháp gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống vì ít ảnh hưởng xấu đến tâm thần và chức năng các cơ quan chủ yếu như tim mạch, thận, phổi, nội tiết. Việc phẫu thuật tiến hành đơn giản, nhanh chóng và ít gây biến chứng. Tuy nhiên đối với các trường hợp phẫu thuật kéo dài, phải hỗ trợ thêm bằng phương pháp gây mê.
Việc phòng bệnh có mục đích với khuynh hướng ngăn ngừa các biến chứng và phát hiện giai đoạn tiến triển của bệnh để xây dựng phương pháp điều trị thích hợp do nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ. Cần có chế độ ăn uống điều độ, tránh uống rượu bia quá nhiều; có chế độ sinh hoạt, lao động, làm việc, vận động và nghỉ ngơi một cách hợp lý. Tránh ngồi, nằm lâu một chỗ gây cương tụ máu ở vùng khung chậu.
Thường xuyên luyện tập và vận động các cơ có chức năng điều hòa khi đi tiểu tiện, đại tiện như cơ thành bụng, cơ hoành và các cơ vùng tầng sinh môn. Không được để tình trạng viêm nhiễm và ứ đọng nước tiểu lâu vì viêm nhiễm làm tăng nguy cơ tắc đường tiểu tiện gây ra bí tiểu. Một vấn đề cũng cần lưu ý là phải điều trị bệnh đái tháo đường, bệnh về đường tiêu hóa nếu có kết hợp với bệnh u xơ tuyến tiền liệt.
Lời khuyên của thầy thuốc.
Mặc dù u xơ tuyến tiền liệt là khối u lành tính của tuyến tiền liệt thường gặp ở những người cao tuổi nhưng chúng có thể gây trở ngại trong sinh hoạt; vì vậy bệnh phải được phát hiện, chẩn đoán và điều trị phù hợp. Điều trị ngoại khoa được thực hiện trong những trường hợp có biến chứng thường đem lại cuộc sống bình thường như trước cho bệnh nhân.
Tuy vậy, việc phòng bệnh và điều trị nội khoa cũng có khả năng giải quyết những biến chứng nhẹ thường gặp trong đa số các trường hợp số người cao tuổi mắc bệnh lý này. Hy vọng rằng phương pháp điều trị nội khoa bệnh u xơ tuyến tiền liệt có những bước phát triển mới trong thời gian tới sẽ mang lại hiệu quả tốt, ít gây nên tác dụng phụ để giúp người cao tuổi khắc phục được tình trạng bệnh lý khá phổ biến mà không cần can thiệp bằng phẫu thuật.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Theo SK&ĐS
Bạn có biết những thói quen này đang hủy hoại thận? Thận là một cơ quan quan trọng của cơ thể, giúp lọc các chất thải khỏi máu qua nước tiểu. Dưới đây là những thói quen có thể hủy hoại thận. Không uống đủ nước: Chức năng chính của thận là lọc các chất thải của quá trình trao đổi chất. Bạn cần uống đủ nước để duy trì sự cân bằng hồng...