Biến đổi khí hậu có thể khiến thủy ngân độc hại tích tụ trong hải sản
Các nhà khoa học cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể khiến mức thủy ngân độc hại trong các loại hải sản như cá tuyết và cá ngừ tăng lên.
Khoảng 4/5 lượng thủy ngân thải ra không khí từ tự nhiên và các hoạt động của con người như đốt than, cuối cùng sẽ đổ ra các đại dương.
Sau đó, nó được chuyển đổi bởi các sinh vật nhỏ bé và trở thành một dạng hữu cơ đặc biệt nguy hiểm có tên gọi methylmercury. Khi những sinh vật nhỏ trở thành thức ăn của các sinh vật lớn hơn, thủy ngân sẽ càng tập trung nhiều hơn và đi theo chuỗi thức ăn. Khi nước biển ấm lên, những loài cá như cá tuyết phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để bơi, từ đó tốn nhiều calo hơn – vì vậy chúng ăn nhiều hơn và tích trữ nhiều chất độc hơn.
Methylmercury có thể ảnh hưởng đến chức năng não của người. Trẻ em đặc biệt có nguy cơ nhiễm độc cao từ việc tiếp xúc với thủy ngân có trong cá khi não bộ và hệ thần kinh của chúng đang phát triển trong bụng mẹ.
Mặc dù quy định hạn chế phát thải thủy ngân đang giúp làm giảm nồng độ chất độc trong cá nhưng việc nhiệt độ đại dương tăng do biến đổi khí hậu có thể sẽ làm nồng độ tăng trở lại. Các nhà nghiên cứu ở Trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Harvard John A Paulson và Trường Y tế Công cộng Harvard T H Chan đã mô hình hóa những thay đổi trong phát thải thủy ngân. Mô hình của họ dự đoán rằng việc nước biển tăng lên 1 độ so với năm 2000 có thể dẫn đến sự gia tăng 32% nồng độ Methylmercury trong cá tuyết và 70% ở cá chó gai.
Các nhà nghiên cứu cho biết, ngay cả khi Methylmercury trong nước biển giảm 20% nhờ việc giảm phát thải thì khi nước biển tăng thêm 1 độ vẫn sẽ làm tăng 10% ở cá tuyết và 20% ở cá chó gai. Họ cũng phân tích các tác động của việc đại dương nóng lên kể từ năm 1969 lên sự tích tụ thủy ngân ở cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương và thấy rằng ước tính nó có thể làm tăng 56% nồng độ thủy ngân ở loài này.
Những thay đổi trong chế độ ăn của cá tuyết và cá chó gai do con người đánh bắt quá mức nguồn thức ăn của chúng (cá trích) cũng có thể ảnh hưởng đến lượng Methylmercury chúng tiêu thụ và tích trữ trong cơ thể.
Việc đánh bắt cá quá mức đã làm thay đổi nguồn thức ăn của những động vật ăn thịt đứng đầu chuỗi thức ăn, ví dụ đã làm giảm lượng lớn cá trích mà cá tuyết tiêu thụ. Các nhà nghiên cứu đã và đang xem xét những ảnh hưởng của vấn đề này. Nghiên cứu của họ, dựa trên dữ liệu về cá và nước biển trong 30 năm, đã được công bố trên tạp chí Nature.
Các nhà khoa học cho hay, nồng độ chất độc trong cá tuyết tăng lên tới 23% từ năm 1970 đến năm 2000 do sự thay đổi trong chế độ ăn khởi đầu từ việc đánh bắt quá mức và sau đó là việc phục hồi quần thể cá trích.
Video đang HOT
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 1,000 trẻ em từ các vùng sinh sống nhờ đánh bắt cá ở Brazil, Canada, Columbia, Trung Quốc và Greenland sẽ có 17 em bị mắc các chứng bệnh thần kinh do ăn hải sản nhiễm thủy ngân.
Elsie Sunderland, nhà nghiên cứu cấp cao của nghiên cứu này, cho biết “Chúng tôi đã chỉ ra rằng những lợi ích của việc giảm phát thải thủy ngân vẫn tồn tại dù cho điều gì xảy ra trong hệ sinh thái đi chăng nữa. Nhưng nếu chúng ta muốn tiếp tục giảm việc tiếp xúc Methylmercury trong tương lai, chúng ta cần một cách tiếp cận hai hướng. Thay đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm việc tiếp xúc với Methylmercury của con người thông qua hải sản. Vì vậy, để bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người, chúng ta cần điều tiết cả khí thải thủy ngân và khí thải nhà kính.”
Giáo sư Sean Strain – Đại học Ulster, người không tham gia vào nghiên cứu này, nhận định những đề xuất được nêu trong nghiên cứu bước đầu có vẻ chính xác. Ông nói “Các mô hình và tính toán đều rất vững chắc, dựa trên cơ sở khoa học chất lượng, là minh chứng chứng minh cho nhận định của nhóm nghiên cứu về việc đánh bắt cá quá mức và nóng lên toàn cầu sẽ làm tăng lượng Methylmercury trong cá tuyết và nhiều loài cá khác.”
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng nhận định thủy ngân trong cá tuyết Đại Tây Dương tăng 23% có thể gây hại cho sức khỏe con người vẫn cần bàn luận thêm nữa.
Tiến sĩ Emeir McSorley – Đại học Ulster cho biết: “Những bà mẹ ở Seychelles tiếp xúc với nồng độ Methylmercury gấp 10 đến 100 lần các bà mẹ ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không tìm thấy bất cứ mối quan hệ bất lợi nào của Methylmercury với sự phát triển thần kinh của con họ. Thực tế, những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ tiếp xúc với lượng Methylmercury lớn nhất tham gia xét nghiệm còn phát triển tốt hơn những em được sinh ra từ những bà mẹ tiếp xúc với lượng thấp hơn. Chúng tôi đưa ra phát hiện này để chỉ ra rằng lợi ích của việc ăn cá khi mang thai vẫn lớn hơn những rủi ro.”
Hoài Anh
Theo The Independent
Nhóm bạn trẻ Hà Tĩnh tình nguyện thu gom pin thải gửi ra thủ đô xử lý
Pin sau khi sử dụng, nếu xử lý không đúng cách sẽ trở thành mối nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người. Từ tác hại lớn của những viên pin nhỏ, một số bạn trẻ ở TP Hà Tĩnh đã thành lập điểm thu gom và khuyến khích người dân lập điểm thu gom pin ngay tại nhà mình.
Thông báo về điểm thu gom pin cũ trên fanpage "Zero Waste Ha Tinh- Hà Tĩnh không rác thải"
Xuất phát từ một lần thu gom rác tại bãi biển Thạch Hải (huyện Thạch Hà), bạn Trần Hồng Ngân (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) đã cùng các bạn của mình thu được rất nhiều pin đã qua sử dụng. Qua sách báo và mạng Internet, Hồng Ngân biết rằng, bên trong mỗi viên pin tuy nhỏ nhưng là một "mỏ" hóa chất độc hại với nhiều kim loại nặng như: chì, thủy ngân, Cadmium và Asen hay còn gọi là thạch tín... Đây là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.
Sau một thời gian, số lượng pin đã qua sử dụng bị thải ra môi trường là tương đối lớn, nếu không được phân loại, tiêu hủy đúng quy trình sẽ trở thành mối nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người.
Hiểu được vấn đề đó, Hồng Ngân đã cùng với các tình nguyện viên tại TP Hà Tĩnh đã lập fanpage "Zero Waste Ha Tinh - Hà Tĩnh không rác thải" để thu gom rác thải bảo vệ môi trường cũng như kêu gọi thu gom pin đã qua sử dụng.
Hộp đựng pin cũ được đặt ở vị trí thuận tiện để mọi người dễ dàng bỏ vào
Sau khi thông tin được đăng tải, Ngân cùng các bạn khá bất ngờ vì "trạng thái" này nhận được sự phản hồi tích cực, thậm chí, nhiều người ở các huyện lân cận TP Hà Tĩnh cũng liên hệ để giao pin.
"Thông thường, mỗi gia đình thường có rất nhiều vật dụng dùng pin như đồng hồ, điều khiển tivi, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em... Việc đăng tải những thông tin về tác hại của pin cũ giúp mọi người hình thành thói quen thu gom pin đúng nơi, không vứt pin cũ bừa bãi. Vì một viên pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước và 1 mét khối đất trong vòng 50 năm", Hồng Ngân chia sẻ.
Nhiều người dân đã ý thức hơn với việc bảo vệ môi trường bằng cách mang pin cũ đến nơi thu gom, không vứt ra ngoài môi trường.
Nhận thấy việc vứt bỏ pin đã qua sử dụng ra môi trường là rất nguy hiểm nên anh Phan Tuấn Anh đã quyết định chọn cửa hàng của mình tại địa chỉ 151 đường Vũ Quang, TP Hà Tĩnh làm nơi để thu gom pin. Sau khi thu gom, số lượng pin cũ sẽ được tập hợp lại và theo định kỳ sẽ được gửi ra tại điểm thu gom và xử lý pin điện tử tại Hà Nội.
Tuấn Anh cho biết: "Qua khảo sát thì có rất nhiều người ủng hộ hành động này nhưng tại TP Hà Tĩnh có quá ít điểm thu gom. Từ bây giờ, nếu ai tiện có thể qua địa chỉ của mình để gửi pin cũ, còn không, có thể để lại địa chỉ để chúng mình đến tận nhà trong địa bàn thành phố để thu nhận pin".
Địa chỉ thu nhận pin cũ số 151, đường Vũ Quang, TP Hà Tĩnh hiển thị trên Google Map
Ngoài việc thu gom pin đã qua sử dụng, bạn Hồng Ngân còn đề xuất giảm số lượng pin thải ra môi trường bằng cách sử dụng những sản phẩm có thể sạc được nhiều lần, không cần phải bỏ đi sau khi pin cạn.
Mặc dù mới manh nha nhưng hy vọng việc tự đặt hộp thu gom pin tại nhà như thế này sẽ được nhiều người ủng hộ và thực hiện. Đây tuy là hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng. Sự thay đổi ý thức và thói quen sử dụng pin của mỗi người dân thể hiện trách nhiệm chung tay cùng xã hội xây dựng thành phố môi trường.
Lượng thủy ngân (Hg) có trong một viên pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 mét khối đất trong 50 năm. Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc hít thở, thủy ngân thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch...
Chì (Pb) có trong pin có thể gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường trong cơ thể. Nó gây còi xương, chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, gây chứng mất trí và giảm khả năng suy nghĩ, giảm sinh tinh, thậm chí là vô sinh, giảm chức năng của thận...
Trong thành phần của pin có Cadimi (Cd), hít thở phải bụi có chứa cadimi nhanh chóng dẫn đến các vấn đề đối với hệ hô hấp và thận, có thể dẫn đến tử vong. Nuốt phải một lượng nhỏ cadimi có thể phát sinh ngộ độc tức thì và tổn thương gan, thận. Các hợp chất chứa cadimi cũng là các chất gây ung thư.
Ngoài ra, còn có rất nhiều chất khác có trong pin gây nguy hiểm cho con người.
Theo baohatinh
Luật Phòng chống tác hại rượu bia: 'Bàn tay sắt' ngăn chặn ma men gây họa cho xã hội Có lẽ ít có đạo luật nào mà có hành trình từ khi thai nghén đến lúc được thông qua trắc trở đến vậy. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra từ chốn nghị trường cho đến quán trà đá ven đường xung quanh những điều khoản của đạo luật này. Nhưng rốt cuộc thì quyền lợi và sự an toàn...