Biến dạng vì xăm và xóa xăm trên cơ thể
Xăm (Tattoo – Tatouage) là hình thức ghi dấu vĩnh viễn bằng mực, làm thay đổi sắc tố da theo những hình dạng đặc biệt để làm đẹp hoặc vì những mục đích khác.
Ngoài vấn đề xăm các hình vẽ trên da, với tiến bộ của nghệ thuật thẩm mỹ, gần đây người ta phát triển thêm hình thức “trang điểm vĩnh viễn” (permanent make-up): xăm màu chân mày, viền mắt, môi. Tuy nhiên, với thời gian, khi tuổi tác, trào lưu hay sở thích thay đổi sẽ có lúc muốn xóa bỏ hoặc thay đổi các hình xăm nhưng điều này thật không dễ dàng.
Chỉ mất vài giờ để có một hình xăm như ý nhưng cần tìm hiểu và suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định xăm. Việc đưa một hình xăm lên cơ thể sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe cũng như các vấn đề xã hội khác.
Và khi muốn rũ bỏ các kỷ niệm và dấu ấn ấy đi thì không thể đơn giản muốn xóa là được. Khi xăm hình, kim đã đưa mực xăm vào sâu đến lớp hạ bì, để xóa hình xăm phải tìm cách hủy bỏ số mực ấy đi. Như thế, chắc chắn ít nhiều cũng để lại sẹo mà nhẹ nhất cũng là những vết sẹo mờ, nặng hơn là những sẹo lồi lõm, xấu xí. Ngoài ra, việc cắt, đốt, mài da… để xóa xăm cũng là những tác nhân gây tổn thương da, dễ có biến chứng ung thư hóa sau này.
Xăm hình là hình thức ghi vĩnh viễn
Nguy cơ thường gặp khi xăm mình
Trong quá trình xăm, người ta phải dùng dị vật đâm vào da, phá hủy lá chắn bao bọc, bảo vệ cơ thể. Do đó, nhiễm khuẩn da là chuyện rất dễ mắc phải. Mực xăm cũng là một loại hóa mỹ phẩm, chất màu trong mực xăm phải an toàn cho sức khỏe và không gây kích ứng với làn da. Xăm phải được thực hiện xuyên qua da, vì thế có thể mang đến nhiều hiểm họa tiềm tàng cho sức khỏe của bạn sau này.
Các nguy cơ thường gặp khi xăm mình
Các bệnh lây lan qua đường máu: Nếu các dụng cụ dùng để xăm mình bị nhiễm bẩn bởi máu của những người mang bệnh, bạn chắc chắn sẽ bị truyền nhiễm một số bệnh như: viêm gan siêu vi B – C, Herpes, uốn ván, lao, bệnh phong, giang mai và HIV.
Video đang HOT
Nhiễm khuẩn da
Sau xăm, trên cơ thể có thể xuất hiện những vết loét hay sưng đau, tạo thành khối u hạt xung quanh vết xăm. Sau khi điều trị khỏi, các vết loét có thể để lại sẹo lồi trên da gây mất thẩm mỹ.
Các bệnh truyền nhiễm qua da
Xăm mình có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn. Các dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là nổi mẩn đỏ, nóng, sưng đau ở vị trí xăm. Nhiều trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh đã cảnh báo về một số bệnh truyền nhiễm qua da khá nghiêm trọng có liên quan đến việc xăm mình, có thể dẫn đến viêm phổi, hoại tử, nhiễm khuẩn máu.
Dị ứng
Các chất nhuộm màu trong mực xăm có thể gây ra tình trạng dị ứng mà dấu hiệu dễ thấy nhất là xuất hiện phát ban ngứa ở vùng da có vết xăm. Triệu chứng này có thể kéo dài trong nhiều năm sau khi xăm.
Biến dạng hình ảnh cá nhân: Những vết sưng và biến dạng do việc xăm hay xóa xăm có thể ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân, đặc biệt đối với những hình xăm ở mắt, môi, mặt.
Việc điều trị sau xăm là điều cần thiết nếu người xăm gặp phải biến chứng. Trong một số trường hợp ngoài sự tự nguyện, phẫu thuật tẩy những hình xăm là điều bắt buộc phải thực hiện để bảo vệ sức khỏe.
Vấn đề xóa xăm
Hiện nay, các cơ sở y tế và thẩm mỹ thường xuyên tiếp nhận nhiều thanh niên, đa số là người chuẩn bị lập gia đình hay tìm việc làm, muốn xóa đi những hình ảnh mà họ đã xăm trong lúc cao hứng nhất thời. Tuy nhiên, không phải hình xăm nào cũng có thể xóa hết được. Có người từng tự hào về con đại bàng tung cánh ở bụng, ở lưng, nay muốn xóa cấp tốc để làm hồ sơ xuất khẩu lao động hay đi làm việc ở cơ quan nhà nước nhưng việc xóa bỏ các hình xăm quá lớn là không thể cho dù họ sẵn sàng chấp nhận đau đớn và tốn kém để trở lại sắc vóc ban đầu.
Biến chứng sẹo do xóa xăm bằng hóa chất
Hiện nay có nhiều phương pháp để xóa hình xăm, chẳng hạn: cắt bỏ vết xăm, mài da, dùng acid, chiếu laser Nd:YAG Q- Swich KTP, laser Ruby Q-Switch, ghép da… Tuy nhiên, việc xóa xăm trên thực tế không dễ dàng, phải thực hiện nhiều lần rất tốn kém và kết quả cũng không được như ý, bệnh nhân phải chịu đau đớn và để lại sẹo xấu.
Với phương pháp ghép da, y học có thể xóa hình xăm cho bệnh nhân mà không để lại sẹo bằng cách lấy da của chính bệnh nhân để ghép vào vùng da bị xăm. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng chỉ áp dụng được cho hình xăm có diện tích giới hạn dưới 20 cm2, không thể ghép nếu vùng da xăm quá rộng. Các kỹ thuật hiện nay cũng rất khó xóa hết những vết xăm chồng lên vết cũ, vết xăm bằng máy hoặc dùng mực xăm màu vàng, cam, xanh lá cây.
Tóm lại, xăm vốn là một nét văn hóa nghệ thuật lâu đời và không ai có thể phủ nhận tính nghệ thuật của việc xăm mình. Tuy nhiên, vì những hình xăm quái dị kết hợp với thái độ thiếu ý thức của một bộ phận thanh niên có xăm mình nên loại hình này đã phần nào trở thành phi nghệ thuật, gây nên sự phản cảm trong xã hội. Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu, các bệnh ngoài da, các biến dạng cơ thể không mong muốn khi xăm và xóa xăm… là những vấn đề rất đáng quan tâm đặt ra cho ngành y tế và cho những ai đam mê loại hình nghệ thuật này.
Theo BS. Trần Ngọc (Sức khỏe & đời sống)
Tìm hiểu về bệnh giang mai
Giang mai là bệnh xuất hiện từ thời thượng cổ, lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Với sự tiến bộ của y học, bệnh giang mai hiện có thể chữa khỏi. Tuy nhiên nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh và gây khó khăn cho điều trị.
Giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum (T. pallidum) gây nên. Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể khi giao hợp không được bảo vệ (đường âm đạo, hậu môn hay miệng), qua các vết xước trên da, niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai. Xoắn khuẩn giang mai còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ bào thai từ tháng thứ 4 trở đi, do xoắn khuẩn xâm nhập máu thai nhi qua dây rốn.
Xoắn khuẩn giang mai treponemapallidum
Tiến triển của bệnh qua các giai đoạn
Thời kì 1
Giai đoạn đầu mắc bệnh giang mai hay còn gọi là giang mai thời kỳ 1, giai đoạn này có thời kì ủ bệnh, kéo dài khoảng 6 - 8 tuần, tổn thương mới chỉ khu trú tại những vị trí mà xoắn khuẩn xâm nhập, sẽ xuất hiện những hạt nhỏ có màu đỏ bé bằng hạt gạo mọc ra trên rãnh dương vật, trên dương vật, bao quy đầu, môi lớn môi bé âm vật.
Sau đó những hạt nhỏ sẽ kết cứng lại to bằng móng tay, những mụn nhỏ có thể bị vỡ ra, chảy dịch ra ngoài, trong chất dịch đó, có chứa một lượng lớn các xoắn khuẩn giang mai, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tổn thương thường không được chú ý và tự lành trong vòng 2 đến 6 tuần, tuy nhiên vi khuẩn vẫn còn tồn tại trong cơ thể. Nếu không điều trị bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn 2.
Thời kì 2
Xuất hiện sau lần tiếp xúc đầu tiên từ 2 đến 6 tháng. Các biểu hiện thường nhẹ và có thể bao gồm các triệu chứng giống cúm nổi ban ở lòng bàn tay, bàn chân, cánh tay, chân săng ở vùng sinh dục và rụng tóc. Các biểu hiện trên có thể biến mất và không được chú ý đến, nhưng có thể kéo dài đến 2 năm. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển đến giai đoạn III.
Tổn thương trên tay do bị giang mai
Thời kì 3
Thường bắt đầu vào năm thứ 3 của bệnh, kéo dài hàng chục năm, gây tổn thương các cơ quan, phủ tạng (gan, tim, thần kinh, cơ, xương, não...), có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Giai đoạn này người bệnh ít có khả năng lây nhiễm cho bạn tình vì xoắn khuẩn đã xâm nhập và khu trú vào phủ tạng, không còn ở da, niêm mạc nữa.
Tóm lại, bệnh giang mai có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu tại các cơ sở y tế hay các trung tâm sức khỏe sinh sản. Để tránh được những biến chứng nguy hiểm của bệnh, khi có các dấu hiệu mắc bệnh hoặc nếu có quan hệ tình dục không an toàn với đối tượng nghi ngờ cần đến ngay cơ sở trên để xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Theo BS Thu Lan (Sức khỏe & đời sống)
Chất khử trùng: Muốn hiệu quả, chớ xem thường Đề phòng từ xa các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng bằng các chất khử trùng sẽ hiệu quả nếu đúng cách. Không phải ai cũng rõ về đặc tính và cách dùng một số chất khử trùng để "dọn sạch" bề mặt. Rửa tay nhanh quá sẽ không hết bụi bẩn Không nên quá... thần tốc Dù đánh nhanh diệt gọn...