Biến chuồng nuôi lợn thành hồ nuôi lươn không bùn, thu lời chục tỷ
Theo Sở NNPTNT thành phố, hiện thành phố có hơn 30 hộ nuôi lươn không bùn, với tổng số hơn 800 hồ nuôi, với diện tích khoảng 10.000m2. Diện tích nuôi lươn tập trung tại huyện Củ Chi chiếm hơn 90%, phần còn lại ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh.
Nuôi lươn không bùn trại trang trại ông Ba Nhoai (Củ Chi). Ảnh: T.Đ
Trước tình hình dịch bệnh trên lợn diễn biến phức tạp, giá cả không ổn định, năm 2018, lão nông Ba Nhoai (Phạm Đức Nhoai, xã An Phú, Củ Chi) đã cải tạo chuồng lợn để nuôi lươn không bùn. Đây là trại nuôi lươn không bùn lớn nhất thành phố hiện nay với 300 hồ (khoảng 8m2/hồ).
Ông Phạm Phú Cường – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Củ Chi cho biết, cứ 2 năm ông Ba Nhoai thu hoạch 3 vụ lươn. Sau mỗi vụ, ông Ba Nhoai lời cả chục tỷ đồng.
Năm 2018, HTX Nông nghiệp – Công nghệ xanh Bình Minh với 9 thành viên cũng tổ chức nuôi lươn với 464 hồ. Ông Phạm Viết Sơn -Giám đốc HTX Bình Minh cho biết, theo kế hoạch phát triển kinh doanh đến năm 2020, HTX sẽ tăng số lượng thêm 650 hồ nuôi với diện tích khoảng 4.000m2, nâng tổng diện tích chung lên 6.440m2.
Từ năm 2008, tại thành phố đã xuất hiện mô hình nuôi lươn theo phương thức mới là nuôi trong bể không bùn và sử dụng giá đỡ/vạt làm chỗ ở cho lươn thay thế ống nước hay gạch nung như trước. Trung tâm Khuyến nông thành phố đánh giá, nuôi lươn không bùn trong hồ ximăng dễ quản lý và thuận lợi chăm sóc, có thể tận dụng nguồn phân bò để nuôi trùn quế làm thức ăn cho lươn. Năng suất trung bình tại các hộ nuôi lươn đạt 250kg/hồ (6m2/hồ), chi phí đầu tư gần 2 tỷ đồng/1.000m2/vụ.
Video đang HOT
Theo Sở NNPTNT thành phố, sản lượng tiêu thụ nguồn lươn thịt thương phẩm tại thị trường thành phố hơn 2.300 tấn/năm, trong đó, khoảng 3% là lươn thịt có nguồn gốc nuôi tại thành phố, 97% số lượng lươn thịt được nhập từ các tỉnh. Tuy nhiên, việc nuôi lươn không bùn ở thành phố hiện còn mang tính tự phát, việc tổ chức liên kết sản xuất và xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn chưa được đầu tư đúng mức…
Theo Danviet
Sóc Trăng: Nuôi 30.000 con lươn trong bể không bùn cho lời "khủng"
Mô hình nuôi lươn không bùn được anh Hồ Văn Nông và khoảng 40 nông dân ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) áp dụng từ 3 năm nay rất thành công, với mức lợi nhuận trên vốn đầu tư không thua gì nuôi tôm nước lợ.
Hôm chúng tôi đến, trại nuôi lươn không bùn của anh Nông, ở ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), anh đang có 2 hồ lươn nhỏ, 8 hồ lươn lớn đã đạt cỡ xuất bán và một số hồ để trống.
Anh Nông cho biết, do giá lươn giống hiện tại đang quá cao, cùng với thời tiết chuẩn bị bước sang mùa lạnh, nên anh không thả tiếp mà để dành nuôi vỗ những con lươn nhỏ trong quá trình phân loại. Tuy mỗi hồ diện tích chỉ khoảng 5 m2, nhưng theo anh Nông số lượng lươn trong mỗi hồ hiện không dưới 3.000 con.
Anh Nông (áo xanh) giới thiệu với khách tham quan về quy trình kỹ thuật nuôi lươn và kinh nghiệm nuôi lươn không bùn đạt hiệu quả cao - Ảnh: XT.
Những hồ nuôi lươn của anh Nông được xây dựng rất đơn giản, với chiều cao chỉ khoảng 5 tấc, mực nước trong hồ hơn 3 tấc, bên trong đặt các vỉ tre làm chỗ bám cho lươn.
Nói về hiệu quả của mô hình, anh Nông chia sẻ: "Qua 3 năm thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn tôi thấy nó cũng rất đơn giản, chỉ cực mỗi chuyện là phải thay nước thường xuyên và đúng định kỳ để đảm bảo nước trong hồ không bị ô nhiễm".
Tuy anh nói đơn giản nhưng quan sát chúng tôi nhận thấy, anh đầu tư cả hệ thống xử lý nước trước khi bơm vào hồ nuôi và dự trữ một lượng muối để định kỳ pha loãng nguồn nước giúp lươn nuôi không bị dịch bệnh. Để đảm bảo môi trường hồ nuôi, mỗi ngày anh thay nước 3 lần trước các cữ cho ăn. Nhờ vậy mà tỷ lệ nuôi sống mỗi đợt đều đạt trên 95%.
Giải thích thêm về vấn đề này, anh Nông cho biết, khi thay nước thường xuyên, các chất ô nhiễm hay mầm bệnh không có điều kiện bám vào thức ăn để đi vào đường ruột của lươn nuôi, nên giúp cho việc phòng bệnh đường ruột trên lươn rất hiệu quả.
Ngoài ra, để tránh hao hụt lươn, trong quá trình nuôi, anh Nông thường xuyên tuyển lựa những con lươn nhỏ đưa sang hồ nuôi riêng để tránh chúng ăn lẫn nhau và giúp lươn phát triển đồng đều.
Anh Nông cho biết thêm: "Những con lươn nhỏ này được đưa qua hồ nuôi vỗ bằng thức ăn tươi sống như: cá, ốc, trùn quế và trứng vịt, nên chỉ sau thời gian, tốc độ tăng trọng của chúng sẽ bắt kịp những con trong đàn".
Với diện tích khoảng 5 m2 mỗi hồ, bình quân anh thả nuôi khoảng 3.000 con lươn giống nhân tạo, loại 500 con/kg và sử dụng thức ăn viên công nghiệp.
"Chỉ cần giá lươn đạt 130.000 đồng/kg, nếu nuôi đạt năng suất là mình có lợi nhuận trên 60.000 đồng/kg, còn như giá lươn hiện tại, mỗi ký lươn lời trên 100.000 đồng là không có gì khó hết" - anh Nông chia sẻ.
Theo anh Nông, nuôi lươn không bùn chi phí cao nhất là con giống và thức ăn, ước tính khoảng 65.000 đồng/kg lươn thương phẩm. Còn quá trình chăm sóc chỉ cần 1 người là có thể quán xuyến toàn bộ hơn 10 hồ nuôi này.
Tuy nhiên, cái khó là phải theo dõi thường xuyên nguồn nước trong hồ để thay nước kịp thời, vì chỉ cần chậm trễ sau 1 - 2 giờ là nước trong hồ sẽ bị ô nhiễm, lươn bỏ ăn và nguy cơ thiệt hại rất cao.
Nói về giá lươn tăng đột biến trong năm nay, theo anh Nông ngoài nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi trong nước, còn do thương lái thu gom lươn xuất sang thị trường Trung Quốc.
Giá lươn thương phẩm tăng cao, kéo theo giá lươn giống cũng tăng mạnh và đang khan hàng. Hiện, lươn giống loại 500 con/kg vào khoảng 5.200 - 5.400 đồng/con, tức tăng trên 2.000 đồng/con nhưng cũng rất khó mua vì khan hàng.
Theo anh Nông, giá lươn thịt thương phẩm trong 3 năm nay khá ổn định, lúc thấp nhất cũng được 130.000 đồng/kg (bán sô, không phân loại), riêng năm nay, giá lươn liên tục tăng từ đầu năm đến nay và hiện dao động trong khoảng 190.000 - 200.000 đồng/kg.
Ông Lê Hoàng Khương, Phó phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho biết, giá lươn giống tăng và khan hàng không phải do nhu cầu nuôi tăng mạnh mà chủ yếu là do tỷ lệ sinh sản, ấp nở tại các cơ sở sản xuất lươn giống không cao. Hiện, toàn thị xã chỉ mới có khoảng 40 hộ thực hiện nuôi lươn không bùn, trong đó anh Giang là một trong số ít hộ có tổng đàn lươn nuôi từ 30.000 con trở lên và hầu hết đều đạt lợi nhuận khá cao.
Theo Danviet
Nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, bán 200-230.000 đồng/ký Những năm gần đây, phong trào nuôi lươn không bùn ngày càng được nông dân xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chọn làm mô hình kinh tế quan trọng của gia đình. Bởi, chi phí đầu tư thấp, dễ chăm sóc, mà lại cho lợi nhuận cao, nhất là giá thị trường ổn định. Ông Nguyễn Văn Đường (ngụ ấp...