Biến ao nước ô nhiễm thành ngôi sao mạng xã hội ở Indonesia
Nhờ suy nghĩ tiến bộ của trưởng làng Ponggok (Indonesia), ao ô nhiễm ở địa phương này đã biến thành “ngôi sao mạng xã hội”, nơi khách chụp ảnh kỳ quái và check-in rần rần mạng.
Ảnh: Snoppysnoopy, Dolan Yok.
Nằm ở ngôi làng Ponggok trung tâm đảo Java (Indonesia), ao Umbul Ponggok, có kích thước 20×50 m, nhanh chóng trở thành điểm check-in hút khách khi sở hữu làn nước trong vắt, những loài cá đầy màu sắc cùng một loạt đạo cụ kỳ quặc chìm dưới nước.
Ảnh: Umbul_ponggok.
Với phí vào cửa 15.000 rupiah (1 USD), du khách có thể lặn xuống đáy ao và tạo dáng chụp ảnh bên cạnh máy bay phản lực, xe trượt tuyết, lều, xe máy hay TV… Du khách có thể thuê máy ảnh dưới nước hoặc trả tiền để nhiếp ảnh gia chụp.
Ảnh: Umbul_ponggok.
Với những bức ảnh chụp dưới nước đẹp nhất, tài khoản Instagram của điểm du lịch mới nổi này có hơn 40.000 người theo dõi. Ngay cả tổng thống Indonesia, Joko Widodo, cũng ấn tượng với khung cảnh thú vị tại Umbul Ponggok. Ông đã đăng bức ảnh du khách ngồi xe máy tạo dáng dưới nước lên Instagram cá nhân và nhận được hơn 640.000 lượt yêu thích.
Video đang HOT
Ảnh: Umbul_ponggok.
15 năm trước, Umbul Ponggok chỉ là ao bẩn và ô nhiễm, nơi dân làng tắm và giặt quần áo. Ponggok khi ấy cũng rất nghèo nàn, có tỷ lệ thất nghiệp cao. Số ít người may mắn có việc làm trong các trang trại hoặc mỏ đá địa phương.
Ảnh: Ellzelly.
Năm 2006, vị trưởng làng mới được bầu Junaedi Mulyono đã nhận ra tiềm năng du lịch của ao nếu được cải tạo. Umbul Ponggok có điều kiện tự nhiên rất tốt, là nơi tập trung 40 dòng suối. Ông thuyết phục dân làng đầu tư làm sạch ao, “thay da đổi thịt” nơi này thành điểm thu hút khách du lịch.
Ảnh: Umbul_ponggok.
Dưới sự chỉ đạo của Mulyono, dân làng đã chung tay thiết lập dự án Tirta Mandiri, biến ao Umbul Ponggok thành “nơi hái ra tiền”. Trong số 700 gia đình ở làng, 430 hộ đã đầu tư cho dự án. Họ sở hữu gần 40% cổ phần của Umbul Ponggok. Trưởng làng Mulyono trả lời báo chí rằng: “Ban đầu nhiều người dân không muốn đầu tư nhưng sau khi thấy sự phát triển của ao, họ đã thay đổi quyết định. Khách du lịch đến Umbul Ponggok giúp cho kinh tế địa phương phát triển”.
Ảnh: Wonderfulsoloraya.
Giờ đây, vấn đề thất nghiệp ở ngôi làng đã được giải quyết. Người dân địa phương làm việc tại Umbul Ponggok hoặc bán đồ lưu niệm, quần áo và đồ ăn cho du khách. Với thành công đáng tự hào này, Ponggok đã được chính phủ Indonesia công nhận là một trong 10 ngôi làng kiểu mẫu trong nước.
Theo news.zing.vn
Thành phố công sự Ait Benhaddou
Chúng tôi xuống chân núi Atlas lúc 13h30. Chưa đến sa mạc mà đã có cảm giác của người lữ hành đang đi tìm ốc đảo.
Thực ra, sau quãng trường kỳ treo xe trên núi đá, nhìn thấy mặt người đã là mừng lắm rồi, lại còn cả nhà hàng nữa. Ait Benhaddou đúng là nơi đãi ngộ du khách một cách xứng đáng sau quãng đường dài thắt tim vừa rồi. Một chặng nghỉ thú vị bậc nhất trước khi tiến gần đến Sahara.
Dấu ấn cổ xưa
Ait Benhaddou làm bối cảnh trong phim Games of Thrones
Chúng tôi đã vào đến ngoại ô thành phố Ouazazate. Ven đường quốc lộ rải rác mấy ngôi nhà nâu đỏ và lúp xúp một ngôi làng thấp thoáng đằng xa. Gọi nôm là "làng" chứ đây là thành phố công sự cổ nổi tiếng của Maroc. Ait Benhaddou nổi không phải chỉ nhờ được phong tặng di sản văn hóa thế giới từ UNESCO mà vì trong suốt 4 thập niên, đây từng là trường quay lừng danh của vài chục bộ phim Hollywood tầm cỡ như "Xác ướp Ai Cập", "Võ sĩ giác đấu", "Alibaba", "BenHur", "Babel", "Ngọc sông Nile"... Ngôi làng 600 năm tuổi của bộ lạc Ait Aissa từng là nơi trú chân cho nhiều đoàn thương gia từ Timbuktu đi Andalusia qua đường Marrakesh và cảng Tangier, những kẻ mang theo sản vật quý hiếm từ Soudan để cung cấp tới châu Âu: long diên hương, ngà voi, vàng, kim cương, ác thú và nô lệ. Những gã thương gia quần chùng áo dài, quấn khăn trắng kín bưng chỉ hở mỗi tròng đen sâu hoắm trong hố mắt hốc hác vì thiếu ngủ, tuy nhiên vẫn ánh lên vẻ khôn ngoan, xảo quyệt của kẻ lái buôn có sở thích mân mê những đồng tiền vàng. Maroc tồn tại hàng trăm pháo đài (Kasbah) như thế nhưng chỉ Ait Benhaddou mới tấp nập nhường vậy.
Bữa trưa của tôi cũng có dáng vóc vương giả, theo kiểu cách nghỉ chân truyền thống của một thương lái lấm bụi đường vừa cột lạc đà trong chuồng. Những gã hướng dẫn viên (tour guide) bản địa da đen bồ hóng, đầu quấn khăn vàng, trên mình vận chiếc áo dài kiểu Berber đang chạy tới chạy lui để xếp chỗ cho các đoàn khách da trắng càng bổ sung cho không khí Phi châu thế kỷ 17. Tôi ngồi trên salon, trong một nhà hàng tuyệt đẹp dát đầy hoa văn trên tường, trên rèm và dưới nệm ngồi, cả những bình gốm, đồng giả cổ bày giữa kệ nữa. Ở Maroc, dù là nhà hàng hạng bét thì trông cũng rất hoàng gia, ấy là nhờ cách trang trí từ những sản phẩm thảm và rèm giả Ba Tư bán sẵn ngoài chợ. Tuy vậy, bữa ăn thì vẫn như hôm qua: Couscous, Tagine và Salad kiểu Maroc. Tôi ăn đại đi. Đói thì thứ gì cũng ngon. Ăn nhanh còn đi chơi chứ.
Sống nhờ di sản
Vừa xong bữa, còn chưa kịp uống ly trà bạc hà nóng hổi thì Hamid đã giục đi nhanh lên kẻo không kịp về sa mạc ngắm hoàng hôn. Tôi chưa hình dung ra Ait Benhaddou là thứ gì. Từ đường cái, chỉ thấy một con đường đất dẫn vào ngôi làng tồi tàn. Hamid bảo, Ait Benhaddou lối đó, đi vòng ra sau chiếc ô tô trắng đang đậu kia. Tôi đi bộ vào trong làng. Vài ngôi nhà tầm thường của người Berber đang cố gắng hết sức phô diễn vẻ nghèo nàn như muốn đuổi khách. Lối vào nhỏ hẹp và vòng vo.
Nhưng hóa ra, đấy thậm chí còn chưa phải cổng vào mà chỉ là vài nếp nhà của người bản địa tiện đường kiếm ăn từ khách du lịch. Họ bày ra dăm thức đồ lưu niệm để bán chác mưu sinh. Chỉ khi hết lối mới thấy một cây cầu dài dẫn sang bên kia sông. Pháo đài nằm đó như một trường quay tự nhiên hùng vĩ. Nó ngự trên đỉnh một ngọn đồi lớn với những ngôi nhà màu đỏ bám theo triền đồi. Toàn bộ cư dân của vùng này vốn đang sống trong một ngôi làng hiện đại hơn cách đó không xa. Tuy nhiên vẫn còn độ dăm hộ gia đình bám trụ ở khu vực pháo đài để kiếm thêm thu nhập từ nguồn cầu du lịch, mà chủ yếu là từ việc bán đồ lưu niệm.
Những ngôi nhà cổ màu đỏ gạch được xây dựng bằng chất liệu đất sét truyền thống của người Maroc, 4 bức tường kín bưng với lác đác vài vuông cửa sổ tí xíu. Khám phá ngôi làng là một trong những điều tuyệt vời nhất mà tôi trải nghiệm ở Maroc. Những tấm ảnh đẹp nhất chuyến đi cũng chớp được ở chính Ait Benhaddou này. Các cửa hàng lưu niệm rực rỡ ngay lối vào làng, chủ yếu bày bán khăn quàng, đồ gỗ, đồ gốm, đồ da và những lọ thủy tinh nắp đồng to nhỏ khác nhau để đựng cát sa mạc. Ừ nhỉ, nếu trên bàn làm việc của tôi có một lọ cát sa mạc, một chai nước Biển Chết, một mẩu san hô Caribe thì cũng chẳng thừa. Để mỗi lần công việc bàn giấy có làm cho ta buồn chán đến phát điên lên thì những tinh thể từ bao la trái đất sẽ lại khích lệ ta.
Tôi mua một lọ thủy tinh nhỏ xíu có hình dáng rất "Nghìn lẻ một đêm" và mua thêm chiếc khăn choàng bằng vải lanh trắng để cảm ơn bác bán hàng người Berber tốt bụng đã chụp ảnh cho từ nãy giờ. Nhân tiện thì bác ta dạy tôi cách vấn khăn. Người sa mạc có đến hàng chục kiểu quấn khăn khác nhau, và nếu không học thì cả ngày bạn chẳng thể mò được cách thắt cho ra hình thù giống họ. Bác thắt cho mỗi người một kiểu khác nhau. Xong xuôi thì mấy gã trai trong đoàn đã rất ra dáng chiến binh Ai Cập của phim "Xác ướp".
Hoàng hôn của sa mạc
Bên ngoài Ait Benhaddou còn có nhà hàng phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách
Ngôi làng khúc khuỷu với những ngách rẽ bậc thang dẫn lên cao dần. Nhà cổ ở đây tối như hũ nút vì cửa sổ thường trổ tít trên cao mà lại bé tí bằng lỗ thông hơi. Sống trong ấy cũng chẳng khác cái hang là mấy. Hầu như người xưa sống rất âm u, dân tộc nào cũng vậy, người Hồi, người Trung Quốc, người Ấn Độ, người Triều Tiên, và cả châu Âu nữa, thiếu ánh sáng, thiếu khí trời vì ít cửa sổ. Giờ các nhà cổ là chốn thu hút khách du lịch, nhưng có lẽ cũng lại làm nơi trú ngụ cho những vong hồn vài trăm năm tuổi.
Đứng giữa gian chính một ngôi nhà vách tường bằng đất sét, sau khi rẽ ngang dọc qua những hành lang tờ mờ, tôi phải chờ vài phút để thị lực thích nghi với bóng tối. Người ta vẫn giữ nguyên cái bếp lò, chiếc giường đất và vài loại dụng cụ thô sơ bằng kim loại. Ánh sáng lay lắt từ trần nhà càng khiến mọi vật thêm thê lương. Chẳng khác nào lúc tôi nhòm vào căn phòng hiu quạnh trong pháo đài mọc rêu trên đỉnh núi ở làng Pyrgos, đảo Santorini. Chỉ khác rằng nơi đó gió hú ù ù lạnh buốt, còn đây thì nắng sa mạc khiến mớ tóc của tôi những muốn giòn tan. Có lẽ để chống lại sự khắc nghiệt của khí hậu nên chủ nhân tất cả những ngôi nhà cổ trên thế giới này đành tùm hum lại mà không cần cửa sổ.
Tôi theo những bậc thang bằng đất để lên tầng. Có ánh sáng, nhưng trên ấy là sân thượng. Mọi thứ làm tôi sững lại. Một bình nguyên trải dài bên dưới. Tôi có thể ngắm nhìn những làng mạc lúp xúp ẩn sau những đụn cát và lác đác cây cọ. Nhưng tầm nhìn đẹp nhất của Ait Benhaddou vẫn là khi bạn đứng ở pháo đài trên đỉnh đồi. Tôi nhìn đồng hồ, ăn trưa 1 tiếng và Hamid giao hẹn rằng sau nửa tiếng nữa phải quay lại xe.
Lúc ấy tôi ừ đại, sau mới nghĩ Hamid bị điên chắc? Một nơi là cảm hứng điện ảnh cho vài chục bộ phim đỉnh cao của thế giới mà chỉ có 30 phút để tham quan. Cần phải tần mần 3 tiếng đồng hồ mới hết. Rút cục là tôi bị muộn mất 1 tiếng và tổng cộng tất cả những lề mề lại thì khi đến Sahara đã là 19h30, thay vì 16h như trong lịch trình. Và cũng thôi luôn cái ý định chụp ảnh ngược sáng đoàn lữ hành trên sa mạc với 14 cái lưng lạc đà dưới mặt trời đỏ ối.
Kể từ khi xe vượt qua đỉnh Atlas để đi xuống phía nam của dãy núi thì chiếc "tivi" ngoài cửa kính xe đã thay hình đổi cảnh, khiến tôi cố chống mắt để mà ngắm núi non. Vẻ đẹp ở đây chính là sự khác thường của địa hình, là những gì mà tôi chưa từng nhìn thấy ở bất cứ đâu. Từ Ouarzazate, bắt đầu một chuỗi hành trình dọc theo bình nguyên cỗi cằn sỏi đá. Màu đỏ xám kỳ quặc kéo dài hàng tiếng đồng hồ khiến tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn ngủ đến thế trong đời, cảm giác vừa uống nhầm một liều thuốc mê, khiến mí mắt cứ sụp xuống mà không thể chống đỡ. Nắng sa mạc, cộng với sự đơn điệu của cảnh sắc có lẽ đã gây ra hiệu ứng lạ lùng ấy. Tôi liếc nhìn Hamid. Đôi mắt đen sâu hoắm vẫn nhìn thẳng như đang ngồi hội nghị.
Theo anninhthudo.vn
Mùa vàng trên dải Tây Côn Lĩnh Từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, du khách đến địa bàn xã Phương Thiện, Phương Độ hay các xã Phương Tiến, Cao Bồ của huyện Vị Xuyên sẽ được đắm mình giữa những thửa ruộng bậc thang ngập tràn sắc vàng trên dải Tây Côn Lĩnh của thành phố Hà Giang. Cùng khám khá sắc vàng bao phủ bên các sườn...