BIDV giảm lãi suất từ 19/11/2019
BIDV quyết định giảm lãi suất cho vay thêm 0,2%-0,5%/năm so với lãi suất quy định của NHNN.
BIDV giảm lãi suất cho vay thêm 0,2%-0,5%/năm so với lãi suất hiện hành từ 19/11
BIDV tối 19/11 cho biết, thực hiện quy định của NHNN về giảm trần lãi suất huy động vốn và cho vay đối tượng ưu tiên theo hai quyết định của NHNN ban hành ngày 18/11, từ 19/11/2019, BIDV đã chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện trần lãi suất tiền gửi VNĐ không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng tối đa 0,8%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tối đa 5,0%/năm; đồng thời lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối tượng ưu tiên tối đa 6,0%/năm.
Ngoài ra, BIDV cho biết, với trách nhiệm của NHTM Nhà nước trong việc thực thi chủ trương của Chính phủ về việc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có chi phí vốn vay phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế, BIDV tiếp tục giảm lãi suất huy động vốn thêm 0,2%/năm đối với tất cả các kỳ hạn, thấp so với trần lãi suất quy định của NHNN.
Trên cơ sở này, BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,2%-0,5%/năm so với lãi suất hiện hành và duy trì chính sách cho vay đối tượng ưu tiên tối đa 5,5%/năm, thấp so với quy định mới điều chỉnh của NHNN 0,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên thỏa mãn điều kiện cho vay của BIDV gồm: Kinh doanh hàng xuất khẩu; phát triển công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đến thời điểm này, trong nhóm “big 4″ có ba ngân hàng giảm lãi suất cho vay sâu hơn quy định hiện hành là Vietcombank, Vietinbank và BIDV. Trong đó, giảm sâu và rộng nhất là Vietcombank. Bên cạnh đó, một ngân hàng trong nhóm TMCP ngoài quốc doanh tiên phong trong đợt giảm lãi suất này và giảm với mức sâu tới 3,6%/năm là MSB.
Trao đổi với báo giới chiều 19/11, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV cho biết, khi Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt lãi suất dẫn tới 30-40% các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng cắt giảm lãi suất. Điều đó cho thấy xu hướng toàn cầu chung hiện nay là nới lỏng chính sách tiền tệ và cắt giảm lãi suất.
Tại Việt Nam, đến thời điểm này, NHNN đã cắt giảm các lãi suất chủ chốt, cả đầu vào và đầu ra. Động thái giảm lãi suất của NHNN sẽ tác động tới thị trường.
“Tới đây, mục đích mà NHNN này muốn hướng đến là hạ mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế là lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Chắc chắn lãi suất huy động và cho vay sẽ hạ xuống trong thời gian tới và thể hiện rõ nét hơn trong năm 2020″, ông Quỳnh nhận định.
Video đang HOT
Đối với thị trường vốn, ông Quỳnh cho rằng, việc giảm lãi suất sẽ tác động đến các sản phẩm tài chính. Đơn cử như đối với trái phiếu, khi lãi suất trên thị trường càng giảm thì giá trái phiếu càng tăng.
Còn đối với tỷ giá, thời gian qua, tỷ giá của Việt Nam khá ổn định bởi việc cắt giảm lãi suất thấp hơn các nước trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam có thặng dư về cán cân thanh toán, cán cân vốn nên nguồn cung đô la Mỹ rất tốt và làm cho giá trị của VND tương đối ổn định, không bị mất giá quá mạnh so với USD.
C.Sơn
Theo baogiaothong.vn
Lãi suất giảm, chờ vốn giá rẻ đổ dồn cuối năm
Lãi suất huy động và cho vay đồng loạt giảm tại nhiều ngân hàng, đó là tin vui với những DN đang cần vay vốn. Tuy nhiên, việc vay nguồn vốn với chi phí rẻ có thể sẽ chặt chẽ hơn.
Đồng loạt giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam, đồng thời cũng giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực và ngành kinh tế ưu tiên.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng, đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 19/11/2019.
Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động
Tuy nhiên, ngay từ sáng 18/11 và trước đó, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank) giảm 0,2 điểm %/năm với khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1-9 tháng, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được giữ nguyên. Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) giảm 0,2 điểm %/năm với hầu hết kỳ hạn từ dưới 1 tháng đến trên 36 tháng.
Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động. Ngân hàng Bắc Á (Bac A bank) giảm 0,5 điểm %/năm với lãi suất huy động kỳ hạn 12-36 tháng. Ngân hàng Á châu (ACB) giảm 0,05 điểm %/năm các kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng. Ngân hàng Quân đội (MB Bank) giảm 0,1 điểm %/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Ngân hàng Bảo Việt (Bao Viet bank) giảm 0,05 điểm %/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Ngân hàng Quốc dân (NCB) giảm 0,1 điểm % ở kỳ hạn 6- 12 tháng;
Ngân hàng Sài Gòn (SCB) giảm kỳ hạn 24-36 tháng từ 7,75% xuống 7,55%/năm. Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPbank) giảm 0,4 điểm %/năm ở hàng loạt kỳ hạn. Ngân hàng Tiên phong (TPbank) giảm mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của ngân hàng này từ 8,6%/năm xuống còn 7,6%/năm,...
Cùng với đó, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng cũng đồng loạt giảm. Vietcombank giảm 0,5 điểm %/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay bằng VND của DN trong 2 tháng cuối năm, tính từ ngày 1/11/2019. Ngân hàng Hàng hải (MSB) cũng công bố giảm lãi suất 2 điểm %/năm áp dụng cho các khách hàng mới và tới 1 điểm %/năm cho các khách hàng hiện hữu đáp ứng điều kiện. ACB dành gói vay 5.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm cho khách hàng và hướng mạnh nguồn vốn cho vay vào việc tài trợ cho các DN vừa và nhỏ, cá nhân vay phục vụ sản xuất kinh doanh.
Một số ngân hàng TMCP khác cho biết đang xem xét sẽ giảm lãi suất cho vay xuống với mức 0,5 điểm % cho kỳ hạn ngắn và cho những DN ưu tiên so với lãi suất hiện nay.
Đây là tin vui với các DN, những khách hàng đang cần vay vốn ngân hàng. Bởi lãi suất giảm sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí, nhất là với những DN thuộc nhóm ưu tiên, DN có nhu cầu vay vốn ngắn hạn, kỳ hạn dưới 6 tháng.
Cận ngưỡng tín dụng, xét duyệt chặt hơn
Tuy nhiên, nhận định về đợt giảm lãi suất này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ không có nhiều DN được hưởng và cũng chưa thể kéo mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Bên cạnh đó, do nhiều ngân hàng đã cận room tín dụng nên việc cho vay sẽ được xét duyệt chặt hơn.
Chỉ khi nào lãi suất huy động giảm thấp thì lãi suất cho vay mới có điều kiện để giảm.
Cho đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã chạm ngưỡng room tín dụng 2019 và chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm. Vì vậy, việc cho các DN vay với lãi suất giảm cũng sẽ rất hạn chế.
Một số DN vừa phản ánh việc vay vốn đang chặt chẽ và khó hơn vì nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng. Có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng đã gần hết hạn mức được cấp và sẽ không xin nới thêm room, mà đẩy mạnh mảng bán lẻ để tăng lợi nhuận. Vì vậy, sẽ không có nhiều DN được vay vốn tại ngân hàng này từ nay đến cuối năm.
Không những thế, các ngân hàng cũng rất khắt khe trong việc lựa chọn khách hàng để cho vay ưu đãi. Đó phải là những DN có uy tín, lịch sử tín dụng lành mạnh, có các hợp đồng và dự án kinh doanh hiệu quả. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đều có những khoản vay ưu đãi, lãi suất thấp từ 6,5-7%/năm, song rất ít DN được hưởng ưu đãi này.
Để được vay vốn ưu đãi, DN phải có hợp đồng kinh doanh tốt, phải cam kết bán ngoại tệ, chiết khấu bộ chứng từ, cùng những giao dịch quốc tế khác... thông qua ngân hàng cho vay vốn ưu đãi. Vì vậy, vốn ưu đãi không phải không có nhưng thực tế khó tiếp cận.
Mặc dù được ưu đãi nhưng lãi suất cũng chưa hẳn đã thấp. Chẳng hạn, một số ngân hàng đang áp dụng cho DN vay ưu đãi lãi suất 7,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng. Nhưng mức lãi này chỉ được tính cho 3 tháng đầu, 3 tháng sau là lãi suất thả nổi lên đến 10,5%/năm. Tính bình quân cũng là mức 9%/năm.
Có ngân hàng cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay với lãi suất 3,6%/năm, nhưng cũng chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu với khoản vay kỳ hạn từ 6 tháng. Sau đó lãi suất thả nổi lên tới 10,5%/năm, tính bình quân DN phải vay mức 7%/năm, giống như khoản vay ưu đãi lãi suất 7%/năm với kỳ hạn 6 tháng của các ngân hàng khác.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, chỉ khi nào lãi suất huy động giảm thấp thì lãi suất cho vay mới có điều kiện để giảm. Mức lãi suất huy động phổ biến hiện nay vẫn trong khoảng từ 4,1%-5,0%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 5,3%-7,9%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và từ 6,8%- 9,0%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Mặt bằng lãi suất như vậy vẫn khá cao.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán đang tăng điểm. Chỉ số VN-Index đã tăng 12% trong 10 tháng đầu năm 2019, nhiều mã cổ phiếu tăng giá. Cùng với đó, một loạt DN lớn phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn 10%/năm gây áp lực lên lãi suất huy động nên khó có thể giảm mạnh.
Trần Thủy
Theo vietnamnet.vn
BIDV giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay Thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giảm trần lãi suất huy động vốn và cho vay đối tượng ưu tiên theo Quyết định số 2415/QĐ-NHNN và Quyết định số 2416/QĐ-NHNN, ngày 19/11/2019, BIDV đã chỉ đạo toàn hệ thống nghiêm túc triển khai; đồng thời cài đặt chương trình đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN (trần...