BIDV công bố đối tác chiến lược
Sau khi hoàn tất phát hành hơn 603 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 15% vốn điều lệ sau chào bán cho Ngân hàng KEB Hana Bank, BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Ảnh: VGP/Thành Chung
Chiều ngày 11/11, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức công bố cổ đông chiến lược, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Cùng tham dự buổi lễ còn có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-wan, lãnh đạo Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp… và ông Kim Jung Tai, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Hana (Hàn Quốc).
Đối tác chiến lược của BIDV trong giai đoạn tới là Ngân hàng KEB Hana thuộc Tập đoàn Tài chính Hana – công ty đầu tiên của Hàn Quốc và là một trong những công ty nắm giữ ngân hàng lớn nhất tại Hàn Quốc.
Sau 2,5 năm đàm phán kỹ lưỡng, BIDV đã hoàn tất phát hành hơn 603 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 15% vốn điều lệ sau chào bán cho Ngân hàng KEB Hana cách đây 12 ngày.
Với mức giá 33.640 đồng/cổ phiếu, ngân hàng phía Việt Nam thu về số tiền gần 20.300 tỷ đồng từ việc chào bán cổ phiếu. Sau khi trừ chi phí phát hành, tổng thu ròng từ đợt chào bán của BIDV là 20.208 tỷ.
Vốn điều lệ của BIDV cũng tăng từ 34.187 tỷ lên 40.220 tỷ đồng và là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất thị trường hiện nay.
Video đang HOT
Cùng với việc tăng vốn, tỉ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại ngân hàng này cũng giảm xuống còn 81% từ mức 95,28% trước đó. Ngân hàng KEB Hana cũng trở thành cổ đông ngoại lớn nhất và là cổ đông lớn thứ hai tại BIDV sau sở hữu của Nhà nước.
Lô cổ phần mà Ngân hàng KEB Hana mua sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Theo kế hoạch sử dụng vốn sau phát hành, ngoài việc bổ sung tiền vào vốn điều lệ, Ngân hàng sẽ dùng tiền để mở rộng một số lĩnh vực và tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay.
Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết đây là sự kiện quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của BIDV, giúp BIDV thay đổi căn cơ các dịch vụ trên nền tảng công nghệ mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Tổng Giám đốc Ngân hàng KEB Hana Ji Sung Kyu khẳng định sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác với BIDV trở thành hình mẫu trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam và sẽ mở rộng sang lĩnh vực fintech, tiến tới khu vực tiểu vùng sông Mekong, đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam.
Trước đó vào chiều cùng ngày khi tiếp ông Kim Jung Tai, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Hana, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc đầu tư vào Việt Nam của Hana là sự lựa chọn hết sức đúng đắn, kịp thời. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn thành công tại Việt Nam; trong đó nỗ lực hết sức để sự hợp tác, làm ăn của Tập đoàn Tài chính Hana thành công tốt đẹp.
Thành Chung
Theo baochinhphu.vn
Hàng loạt thương vụ M&A kỷ lục ngân hàng sắp lộ diện
Sau thương vụ BIDV - Keb Hana, một loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) khủng khác trong lĩnh vực ngân hàng sắp diễn ra.
BIDV vừa hoàn tất thương vụ M&A với Keb Hana (Hàn Quốc) trị giá hơn 20.000 tỷ đồng.
Vietcombank sắp có thương vụ kỷ lục
Sau khi hoàn tất chuyển tiền, ngày 6/11, Keb Hana (Hàn Quốc) đã chính thức trở thành cổ đông lớn của BIDV, chốt thương vụ kỷ lục trong ngành ngân hàng với giá trị hơn 20.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một thương vụ có giá trị cao không kém cũng đang được thị trường ngóng đợi, đó là thương vụ "đại gia" Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần cho đối tác nước ngoài, dự kiến vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Nếu tính theo giá thị trường của cổ phiếu Vietcombank đóng cửa cuối tuần trước, 6,5% cổ phần của Vietcombank tương ứng với hơn 22.000 tỷ đồng. Nếu cổ phiếu Vietcombank tiếp tục tăng như hiện nay, đến lúc chốt thương vụ, con số này sẽ vượt 1 tỷ USD.
Đại diện Vietcombank cho hay, việc chào bán hiện nay khá thuận lợi vì có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm muốn mua. Triển vọng lợi nhuận sáng sủa của Vietcombank (khả năng tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới) khiến các cổ đông hiện hữu khó bỏ qua cơ hội này.
Nhiều khả năng, GIC - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore - sau khi rót vốn mua 2,55% vốn Vietcombank vào cuối năm ngoái, sẽ tiếp tục tham gia đợt chào bán tới đây. Cổ đông chiến lược Mizuho cũng sẽ tiếp tục mua vào trong đợt phát hành riêng lẻ này để duy trì tỷ lệ sở hữu 15%.
Trong số 3 ngân hàng TMCP có vốn đầu tư nhà nước, VietinBank đã cạn room vốn ngoại, nhưng lại đang có nhu cầu bức thiết bán cổ phần để tăng vốn. Đầu tháng 11/2019, VietinBank cùng một số ngân hàng thương mại nhà nước khác đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính về vấn đề giữ lại cổ tức tiền mặt để tăng vốn. Kết quả chưa được tiết lộ, song ngay cả trong trường hợp được Bộ Tài chính và Quốc hội cho phép giữ lại cổ tức tiền mặt để tăng vốn, thì VietinBank vẫn trong cảnh "ăn đong".
Giải pháp căn cơ là VietinBank cần được nới room để bán vốn. Lãnh đạo nhà băng này từng nhiều lần đề xuất được thí điểm giảm sở hữu nhà nước xuống còn 51%, lộ trình sau năm 2020. Bên cạnh đó, cổ đông chiến lược của ngân hàng này là MUFG Bank cũng liên tục bày tỏ mong muốn mua thêm cổ phần. Phó chủ tịch MUFG Bank từng đề nghị nâng tỷ lệ góp vốn vào VietinBank từ mức 20% hiện nay lên 50%.
Ngân hàng cổ phần tư nhân tấp nập chào bán
Các ngân hàng TMCP quốc doanh đang như thỏi nam châm hút các nhà đầu tư lớn. Song với các ngân hàng cổ phần tư nhân, sức hấp dẫn cũng không hề thua kém. Đại diện một quỹ đầu tư cho hay, suốt một năm qua, quỹ đầu tư này liên tục nhận được "đặt hàng" của các nhà đầu tư ngoại về cơ hội mua cổ phần ngân hàng trong nước.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) gần đây liên tục làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản và Singapore. Lãnh đạo ngân hàng này cho hay, nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore sẽ mua cổ phần trong đợt phát hành mới để trở thành cổ đông nước ngoài của NCB trong đợt tăng vốn điều lệ sắp tới của nhà băng này.
Trong khi đó, Ngân hàng MB cũng được nhiều nhà đầu tư ngoại săn đón ngay sau khi công bố thông tin chào bán riêng lẻ 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo nguồn tin từ Bloomberg, MB đang làm việc với khoảng 40 nhà đầu tư từ các quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và Hàn Quốc với tham vọng thu về 240 triệu USD từ việc chào bán này.
Ngoài các ngân hàng nói trên, rất nhiều ngân hàng trong nước cũng đang âm thầm tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Một số ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu như Ocean Bank, CBBank cũng được các nhà đầu tư nước Nhật Bản, Singapore ngỏ ý muốn mua.
Trong lĩnh vực công ty tài chính, Công ty Hyundai Card (Hàn Quốc) đang thỏa thuận mua 50% cổ phần Công ty Tài chính cộng đồng (FCCOM), trực thuộc Ngân hàng MSB để tiến vào thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam. Nhiều khả năng, thương vụ sẽ hoàn thành trong quý I/2020.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, nhu cầu bán cổ phần để tăng vốn cấp 1 của các ngân hàng Việt Nam hiện rất lớn, trong khi thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Cung - cầu gặp nhau khiến thị trường M&A ngân hàng sẽ sôi động trong thời gian tới.
Ngoài ra, có nhiều lý do khác khiến M&A ngân hàng dậy sóng trở lại thời gian tới, như kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng của khu vực, Chính phủ tuyên bố không cấp phép lập mới các ngân hàng có vốn nước ngoài đến hết năm 2020, Nhà nước giảm dần tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh...
Với những yếu tố thuận lợi đó, cộng với xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán, làn sóng góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại vào ngân hàng Việt chắc chắn chưa dừng lại.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Ngân hàng nào đang sở hữu mức lãi suất cao nhất tháng 11 Trong tháng 11/2019, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động. Có ngân hàng mức lãi suất lên đến hơn 9%, trước đó trong tháng 10, mức lãi suất cao nhất mới chỉ dừng lại hơn 8%/năm. Cụ thể trong tháng 11/2019, ngoại trừ 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank lãi suất huy động gần như không...